Quốc tế hóa trong sự cô lập: Tác động của COVID-19
Daniela Crăciun và Ariane de Gayardon
Daniela Crăciun và Ariane de Gayardon là Nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học (CHEPS), Đại học Twente, Hà Lan. Email: d.craciun@utwente.nl và a.degayardon@utwente.nl. Crăciun và Gayardon sẽ tiếp tục nghiên cứu những chủ đề này nhờ vào tài trợ từ Spencer Foundation.
Tóm tắt: Khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu cản trở việc đi lại giữa các quốc gia khiến các trường đại học trên thực tế bị cô lập và trở nên xa xôi, các nhà nghiên cứu cần cân nhắc những cách thức khác để định nghĩa lại và khái quát hóa quốc tế hóa, hơn là chỉ tập trung vào sự dịch chuyển học thuật. Học hỏi từ “những trường hợp bất thường” của quốc tế hóa – tức là, những cơ sở vẫn bị coi là xa xôi từ trước khi xảy khủng hoảng – là cách thức duy nhất để không chỉ chú trọng vào dịch chuyển học thuật, và thúc đẩy quốc tế hóa phát triển bền vững và toàn diện hơn.
Quốc tế hóa luôn được coi là một thuật ngữ chung bao trùm bất kỳ và mọi quá trình tích hợp khía cạnh quốc tế vào mục đích, chức năng và hoạt động của giáo dục đại học với hy vọng đạt được những mục tiêu giáo dục, xã hội, kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, dịch chuyển quốc tế từ lâu đã chiếm ưu thế là cơ chế nổi bật nhất thúc đẩy quá trình quốc tế hóa, và do đó, là cơ chế được nghiên cứu nhiều nhất. Khi đại dịch COVID-19 khiến mọi cơ hội dịch chuyển bị cản trở, bao gồm cả dịch chuyển học thuật – câu nói của Sancho Panza trong cuốn tiểu thuyết Don Quixote năm 1615 của Cervantes trở nên thích hợp hơn bao giờ hết: “Đừng bỏ tất cả trứng (của bạn) vào một giỏ”.
Vấn đề càng tệ hơn vì du học/trao đổi học thuật quốc tế chưa bao giờ là loại hình hoạt động lý tưởng. Đây không phải một quá trình toàn diện, vì chỉ một số ít sinh viên và giảng viên có đủ điều kiện và nguồn lực để tham gia. Do đó, nó loại trừ một loạt những cơ sở có ít sinh viên và giảng viên quốc tế. Kết quả là, dịch chuyển học thuật tạo ra sự phân tầng các trường đại học trên cơ sở sức hấp dẫn của trường đối với du học sinh và giảng viên quốc tế, tạo ưu thế cho những trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu, tuân theo “không gian tri thức” và phân chia các quốc gia theo đường lối chính sách ngôn ngữ. Nó cũng tạo ra đặc quyền cho những nền kinh tế phát triển và mạng lưới những thành phố toàn cầu tập trung tri thức. Do đó, tập trung vào hoạt động dịch chuyển học thuật như thành phần cốt lõi của quốc tế hóa không phải là lý tưởng. Điều này đã tạo ra và tiếp tục duy trì một hệ thống tinh hoa, bất bình đẳng được vận hành theo những nguyên tắc kinh tế và bỏ qua phần lớn sinh viên, giảng viên và các tổ chức.
Không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng tốt
Khi đại dịch toàn cầu được công bố vào tháng 3 năm 2020, Altbach và de Wit đã gọi COVID-19 là “cuộc cách mạng quốc tế hóa không trở thành hiện thực”. Một năm rưỡi sau, dự đoán của họ rằng cuộc khủng hoảng Corona sẽ không mang lại những chuyển đổi mạnh mẽ trong trung hạn cho giáo dục đại học – đã được xác nhận. Chính phủ và các trường đại học về cơ bản vẫn đang chờ nó qua đi. Nhưng, như Winston Churchill đã nói, chúng ta không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng tốt.
Dịch chuyển học thuật tạo ra sự phân tầng các trường đại học trên cơ sở sức hấp dẫn của trường đối với du học sinh và giảng viên quốc tế.
Ở một mức độ nào đó, khi việc di chuyển giữa các quốc gia bị hạn chế, nhiều tổ chức đã gạt hoạt động quốc tế hóa xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 là cơ hội hoàn hảo để xem xét lại quốc tế hóa trong điều kiện không được phép đi lại, để thiết kế những hoạt động và xem xét lại chương trình giảng dạy để cho phép quốc tế hóa giáo dục ngay trong các cơ sở nội địa – tức là quốc tế hóa tại chỗ. Cuộc khủng hoảng này cũng là thời điểm thích hợp hoàn hảo để suy nghĩ về việc gia tăng những kết nối ảo khi xây dựng những dự án nghiên cứu quốc tế, với cơ hội vươn ra mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, không việc nào trong số đó đã diễn ra một cách có hệ thống.
Một khái niệm mà đại dịch đã tác động đến là định nghĩa “vùng xa xôi”. Oxford Languages phát hiện ra rằng, vào năm 2019, tính từ “xa xôi” chủ yếu gắn với làng, đảo hoặc một địa điểm. Vào năm 2020, nó thường được sử dụng khi đề cập đến việc học tập, làm việc, lực lượng lao động và việc hướng dẫn – cho thấy ý nghĩa của từ “xa xôi” đã trở nên khái quát hơn. Điều này cũng đúng trong giáo dục đại học: tất cả các trường đại học đều trở thành vùng sâu vùng xa vào năm 2020.
Trong nỗ lực đề xuất hướng đi mới cho quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học nhằm chống đỡ trước những cú sốc từ bên ngoài, chúng tôi khuyến cáo dành nhiều sự chú ý hơn đến chiến lược quốc tế hóa của các trường đại học vốn đã là vùng sâu vùng xa từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Những tổ chức này từ trước đến nay phải vận hành mà hầu như không có bất kỳ hoạt động trao đổi học thuật nào và phải sáng tạo ra những chính sách và chiến lược quốc tế hóa khác nhau. Học hỏi từ “những trường hợp bất thường” này là cơ hội duy nhất để không chú trọng duy nhất vào dịch chuyển học thuật, và thúc đẩy việc thực hiện quốc tế hóa bền vững và toàn diện hơn.
Chúng ta có thể học được gì từ “những trường hợp bất thường”?
Có rất ít tài liệu bàn luận cụ thể về những hoạt động quốc tế hóa không cần dịch chuyển trong bối cảnh bị cô lập/xa xôi, nhưng những tài liệu hiện có lại đầy hứa hẹn. Những nghiên cứu điển hình từ châu Phi cận Sahara, vùng nông thôn Nam Phi, vùng Balkan và Siberia chứng thực cho tuyên bố rằng những trường đại học ở những khu vực này theo đuổi quốc tế hóa một cách có cân nhắc, tập trung vào sự hợp tác giữa các trường và thiết lập một hồ sơ quốc tế độc đáo. Ví dụ các trường đại học ở Siberia tìm cách tăng cường khả năng hiện diện quốc tế của họ bằng cách nhấn mạnh, thay vì che giấu, vị trí độc đáo của họ. Sử dụng hệ sinh thái quý hiếm của họ làm lợi thế cạnh tranh, các trường đại học ở Siberia quảng bá bản thân trên trường quốc tế thông qua nghiên cứu về môi trường và tính bền vững, giải quyết những thách thức khí hậu toàn cầu.
Trong khi môi trường thể chế thuận lợi là chìa khóa để phát triển những chiến lược và thực hành quốc tế hóa như vậy, chính sách quốc gia cũng đóng vai trò trung tâm trong việc định hướng hoạt động quốc tế hóa của những trường đại học này. Ở cấp độ quốc gia, quốc tế hóa trong điều kiện cô lập liên quan đến những mục tiêu xã hội và học thuật, không chỉ những mục tiêu kinh tế. Ví dụ, quốc đảo Mauritius đã thành công trong việc sử dụng quốc tế hóa để tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.
Để đạt được điều này, Mauritius đã áp dụng những quy định khuyến khích các trường đại học quốc tế cung cấp giáo dục đại học tại địa phương, và xây dựng một khuôn khổ để đảm bảo chất lượng của những chương trình và bằng cấp được cung cấp. Những nghiên cứu sâu hơn được giới thiệu tại hội nghị của Hiệp hội Nghiên cứu về Giáo dục Đại học (Society for Research into Higher Education – SRHE) về giáo dục đại học trên những hòn đảo nhỏ – đã nhấn mạnh đến việc những thách thức của vị trí địa lý dẫn đến những thực tiễn đổi mới. Ngược lại, những giải pháp này cũng thách thức về địa lý và thực tiễn quy chuẩn của khuôn khổ trung tâm – ngoại vi, một điều cần được xem xét đến trong những nghiên cứu về quốc tế hóa trên quy mô toàn cầu.
Những kinh nghiệm này khuyến khích chúng ta quốc tế hóa “phi trung tâm”. Như những ví dụ ở trên cho thấy, khi nói đến quốc tế hóa, những trường ở khu vực ngoại vi không phải luôn luôn là con mồi của chủ nghĩa đồng hình sao chép, quy chuẩn hay cưỡng ép. Do điều kiện đặc biệt của mình, họ phải thiết kế những chiến lược quốc tế hóa có tính toán và sáng tạo, mà nếu được nghiên cứu kỹ, có thể trở thành tiêu chuẩn trong giáo dục đại học. Ngược lại, những trường ở trung tâm phải đối mặt với sự thiếu bền vững của tính di động học thuật và có thể (sẽ) bị đẩy ra ngoại vi của việc nghiên cứu và thực hành quốc tế hóa.
Quốc tế hóa trong sự cô lập: Chương trình nghiên cứu
Điều chúng ta cần lúc này là một chương trình nghiên cứu cung cấp sự đánh giá thực sự toàn cầu về những chiến lược quốc tế hóa trong những trường đại học ở vùng xa hoặc vùng bị cô lập. Vượt ra khỏi những “trường hợp thông thường” về quốc tế hóa để xem xét kinh nghiệm của những trường đại học ở vùng bị cô lập sẽ giúp làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta về cách thực hiện quốc tế hóa không cần duy trì những chiến lược tinh hoa. Chương trình nghiên cứu có thể phát hiện ra những thực tiễn mang lại lợi ích cho một loạt các bên liên quan đến giáo dục đại học, đồng thời làm giảm nhẹ những tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài. Một chương trình nghiên cứu toàn diện về quốc tế hóa, tận dụng lợi thế và nhận thức được sự thiếu bền vững của tính di động – vẫn có thể biến cuộc khủng hoảng COVID-19 thành một “cuộc cách mạng quốc tế hóa thực sự”.