Hệ sinh thái học thuật và hợp tác nghiên cứu toàn cầu: Rủi ro và địa chính trị

 

Mark S. Johnson là Giảng viên tại Trường Giáo dục, Đại học Wisconsin – Madison, Hoa Kỳ và là Chuyên gia Chính sách Fulbright (2019–2023). Email: mark.s.johnson@wisc.edu.

Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 đã làm sáng tỏ và làm trầm trọng thêm những vết nứt do áp lực trong các hệ thống giáo dục đại học quốc gia, cũng như những rủi ro đang nổi lên trong hệ sinh thái lớn hơn của hợp tác nghiên cứu và giáo dục đại học quốc tế. Những rủi ro xung đột địa chính trị và chính sách dân tộc chủ nghĩa này có thể tương tác để tạo ra những luồng phản kháng mạnh mẽ đối với sự dịch chuyển quốc tế của sinh viên và học giả và ngoại giao tri thức. Những rào cản gia tăng như vậy, đến lượt chúng, có thể dập tắt bất kỳ hy vọng có ý nghĩa nào trong việc giải quyết những trường hợp khẩn cấp toàn cầu đang ngày càng rối loạn.

Đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ được coi là một thời điểm chuyển đổi trong các tiến trình đương đại của toàn cầu hóa tân tự do. Hoặc những cường quốc lớn và cộng đồng quốc tế sẽ xích lại gần nhau trong sự hợp tác để giải quyết những vấn đề sức khỏe cộng đồng, nghiên cứu y sinh học, chia sẻ và phân phối những công nghệ vắc-xin mới; và đại dịch cũng như sự gián đoạn kinh tế vì đại dịch sẽ giảm bớt. Hoặc hệ thống quốc tế sẽ bị chia rẽ bởi những đường đứt gãy đó, và những biến thể mới sẽ tiếp tục biến đổi và lan rộng – với những hậu quả ngày càng nghiêm trọng về kinh tế và chính trị.

Triển vọng toàn cầu và lập kế hoạch kịch bản cho hậu quả của COVID-19

Cứ bốn năm một lần, vào thời gian được ấn định trước để thông báo về sự khởi đầu của một chính quyền mới, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) Hoa Kỳ và Hội đồng Tình báo Quốc gia tham gia vào việc hoạch định kịch bản cho chính sách an ninh quốc gia của Hoa Kỳ nhằm đối phó với những diễn biến toàn cầu được dự đoán. Vào tháng 3 năm 2021, báo cáo mới nhất được phát hành với tên gọi “Xu hướng toàn cầu 2040: Thế giới có nhiều tranh chấp hơn (Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia)”. Báo cáo đã phân tích “sự không chắc chắn ngày càng lan rộng” do đại dịch gây ra, cũng như những thay đổi sâu sắc về nhân khẩu học, môi trường, kinh tế và công nghệ có thể dẫn đến “sự mất cân bằng” trên toàn cầu. Những rủi ro bao gồm đại dịch mới, tác động xấu của khí hậu, khủng hoảng tài chính và nợ, di cư hàng loạt, tấn công mạng và bất bình đẳng xã hội ngày càng trầm trọng.

Báo cáo tình báo năm 2021 đưa ra năm kịch bản tương lai của thế giới cho đến năm 2040 và xa hơn, bao gồm: “thời kỳ phục hưng của các nền dân chủ” (dẫn đầu bởi một Hoa Kỳ đã hồi sinh, nếu quốc gia này có thể bắt đầu một quá trình đổi mới trong nước đầy tham vọng, có chính sách nhập cư mới, cải thiện gắn kết xã hội và bình đẳng hơn); “một thế giới trôi dạt” (đặc biệt không có sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các tổ chức quốc tế và được đánh dấu bằng việc phó mặc các cuộc khủng hoảng chung); “cùng tồn tại cạnh tranh” (trong đó cạnh tranh Hoa Kỳ – Trung Quốc, cũng như những thách thức toàn cầu chung – ít nhiều được quản lý thành công, nếu không nói là một cách tối ưu); “các khối tách biệt” (trong đó hệ thống thế giới phân mảnh thành những khối bán chức năng, nhưng tự trị về kinh tế và an ninh; nhưng trong đó những quốc gia đang phát triển và người nghèo toàn cầu bị bỏ lại phía sau ngày càng xa); và kịch bản đáng ngại nhất, “thảm kịch và tổng động viên” (trong đó một loạt những thảm họa về khí hậu và lương thực tạo nên sự hợp tác toàn cầu một cách tuyệt vọng, đặc biệt là hợp tác xuyên Á – Âu và châu Phi). Trong tất cả những viễn cảnh này, Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò thiết yếu – hoặc thông qua đổi mới và lãnh đạo, hoặc từ chối và rút lui.

Vai trò quan trọng của hợp tác giáo dục đại học và nghiên cứu quốc tế trong thích ứng toàn cầu

Nhìn lại khoảng thời gian 20 hoặc 30 năm qua, có thể coi là đã xuất hiện những tiền đề lạc quan ở trọng tâm của hầu hết những lý thuyết hàng đầu về toàn cầu hóa tân tự do trong khu vực giáo dục đại học: lợi ích tự thân và việc theo đuổi có cân nhắc những mục tiêu thương mại và “lợi thế thị trường” – sẽ nghiêng về những chính sách hợp tác và biên giới mở, và việc đa dạng hóa các nhà cung cấp sẽ mở rộng đối tượng tiếp cận, cơ hội và công bằng. Trong những kịch bản đầy hy vọng này, mọi cường quốc, khi theo đuổi lợi ích của mình, sẽ tiếp tục cho phép tăng cường hơn nữa dịch chuyển học thuật toàn cầu và tích hợp các nền kinh tế và hệ thống nghiên cứu của họ. Thậm chí xuất hiện nhiều hơn những lý thuyết phản biện nhấn mạnh đến lợi ích bá quyền của các tập đoàn và các “lãnh đạo thị trường” Anh – Mỹ; những lý thuyết này cho rằng hệ thống toàn cầu hiện tại về cơ bản là ổn định và hoạt động tốt, ít nhất là đối với những thể chế hàng đầu. Tương tự như vậy, những tài liệu về quốc tế hóa đề cao tiện ích trí tuệ và tài chính của nó, nhưng có lẽ đã dành quá ít sự chú ý đến địa chính trị và rủi ro hệ thống.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết cơ bản của việc thích ứng và khả năng phục hồi, báo cáo DNI/NIC năm 2021 kết luận rằng: “Những quốc gia hiệu quả nhất là những quốc gia có thể xây dựng sự đồng thuận của xã hội và sự tin tưởng vào những hành động tập thể nhằm thích ứng và khai thác chuyên môn liên quan, năng lực và mối quan hệ của những thành phần không thuộc nhà nước để bổ sung cho năng lực của nhà nước”. Nói cách khác, ngành giáo dục đại học nói chung cũng như các nhà lãnh đạo tổ chức, các nhà nghiên cứu, các học giả và sinh viên đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong bất kỳ tình huống tích cực nào. Hoặc là sự hợp tác toàn cầu của các nhà giáo dục và sinh viên có thể giúp dẫn dắt và định hình những quá trình hội nhập và đổi mới đa văn hóa này thông qua tinh thần trách nhiệm trước xã hội, ngoại giao tri thức có nguyên tắc và tính bền vững. Hoặc những cú sốc chính trị và sự xáo trộn này có thể chặn đứng hoạt động dịch chuyển học thuật toàn cầu, làm gián đoạn hoặc cản trở hợp tác đa quốc gia; và các quốc gia và các khối riêng biệt sẽ phải tự chống đỡ trong một hệ thống thế giới ngày càng rối loạn, trong bối cảnh các hệ sinh thái sụp đổ và đa dạng sinh học suy giảm nhanh chóng.

Công nghệ mới, địa chính trị và chủ nghĩa dân tộc quốc gia: Nguy cơ loại trừ và chính sách phòng vệ hóa

Tuy nhiên, đồng tình với những kịch bản nghiêm trọng từ báo cáo Xu hướng toàn cầu, tác giả cho rằng trên thực tế, có rất nhiều lỗi mới xuất hiện và những rủi ro hệ thống sâu sắc trong các hệ thống đại học đương đại, cũng như trong hệ sinh thái lớn hơn của giáo dục đại học quốc tế. “Cuộc khủng hoảng thế giới” đa chiều này có thể phá vỡ hoặc làm sụp đổ sự đồng thuận về chính sách tân tự do, hạn chế hoặc chặn đứng du học toàn cầu và ngăn cản sự hợp tác nghiên cứu đang cực kỳ cần thiết. Có nhiều rủi ro mới xuất hiện và cấp tính đe dọa sự hợp tác và ngoại giao tri thức các bên cùng có lợi.

 

Sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã dẫn đến những tình huống khi mà các dịch vụ an ninh và tình báo quốc gia thâm nhập, hoặc ít nhất là giám sát những chương trình trao đổi và hợp tác học thuật.

 

Thứ nhất, ý đồ thiết lập một chế độ toàn cầu mới để quản lý Internet rõ ràng đã thất bại, điều này góp phần vào việc “vũ khí hóa” phương tiện truyền thông xã hội, tạo ra sự phân mảnh Internet (dưới danh nghĩa “chủ quyền Internet”) và gây ra những vụ bê bối xung quanh sự thâm nhập của các chính phủ vào các nền tảng kỹ thuật số và sự xói mòn của những biện pháp bảo vệ quyền riêng tư.

Thứ hai, thất bại tương tự cũng xảy ra với việc thống nhất những tiêu chuẩn đạo đức và quy định khác cho những công nghệ “thế hệ tiếp theo” đang phát triển nhanh chóng như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, robot và tự động hóa, và sinh học tổng hợp. Đáng ngại nhất, những công nghệ như vậy cũng đang nhanh chóng định hình lại các ngành công nghiệp quốc phòng, và đến lượt ngành công nghiệp củng cố chương trình nghị sự chính sách về loại trừ và chính sách phòng vệ hóa. Những chế độ thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng đằng sau những công nghệ đột phá này cũng bị mất ổn định bởi đại dịch và hậu quả của đại dịch, và sẽ chịu thêm những cú sốc khi AI và tự động hóa tiếp tục quét qua nền kinh tế thế giới – điều này sẽ tiếp tục phá vỡ thị trường lao động và chính trị bầu cử quốc gia.

Thứ ba, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc quốc gia và chủ nghĩa dân tuý giả tạo tại các cường quốc có nguy cơ dẫn đến những hạn chế mới đối với di cư có tay nghề cao và dòng sinh viên quốc tế, cùng với việc tăng cường giám sát những nghiên cứu đa quốc gia và quan hệ đối tác đại học.

Và cuối cùng, không thể phủ nhận rằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã dẫn đến những tình huống khi mà những dịch vụ an ninh và tình báo quốc gia thâm nhập, hoặc ít nhất là giám sát những chương trình trao đổi và hợp tác học thuật, hoặc trục xuất một số nhà tài trợ và tổ chức viện trợ. Những can thiệp như vậy đe dọa tự do học thuật và tính hợp pháp, tính toàn vẹn được thừa nhận của các chương trình thị thực sinh viên, học bổng do nhà nước tài trợ và nghiên cứu hợp tác.

Bất kỳ vấn đề nào trong số đó đều có thể tạo ra một “dòng chảy địa chiến lược” đối kháng mạnh mẽ với những động lực dịch chuyển đã được thiết lập, và nếu tất cả chúng cùng xấu đi và tương tác với nhau, tình huống này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hệ thống leo thang trong giáo dục đại học và hợp tác nghiên cứu. Hậu quả là, những rào cản như vậy sẽ dập tắt bất kỳ hy vọng có ý nghĩa nào về việc giải quyết những tình huống khẩn cấp toàn cầu đang thúc đẩy sự loại trừ và chính sách phòng vệ hóa.