Giáo dục đại học Úc: Cơn bão hoàn hảo?

William Locke là Giáo sư và là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học tại Đại học Melbourne, Úc. Email: william.locke@unimelb.edu.au.

Tóm tắt: Đại dịch đã phơi bày mức độ phụ thuộc quá lớn của các trường đại học Úc vào học phí của sinh viên quốc tế, đặc biệt khi chính phủ liên bang đóng cửa các biên giới quốc tế. Điều này đã cản trở một số lượng đáng kể sinh viên nhập cảnh vào nước này để bắt đầu hoặc tiếp tục học tập tại các trường đại học của Úc, dẫn đến nguồn thu bị giảm và gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Một số trường đại học đã áp dụng một phản ứng chiến lược lâu dài hơn trước cuộc khủng hoảng này, trong khi những trường khác vật lộn tìm cách tồn tại.

Úc nổi tiếng là quốc gia thường xuyên xảy những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và những thảm họa liên quan đến khí hậu, từ hạn hán kéo dài đến cháy rừng hoành hành, lốc xoáy và lũ lụt. Giống như phần còn lại của thế giới, nước này đang phải đương đầu với đại dịch COVID-19, nhưng cùng với New Zealand, Úc đã bảo vệ khá tốt biên giới quốc tế của mình và hạn chế việc nhập khẩu vi-rút từ nơi khác. Tuy nhiên, điều này cũng ngăn cản một số lượng đáng kể sinh viên quốc tế nhập cảnh để bắt đầu hoặc tiếp tục học tập tại các trường đại học của Úc, dẫn đến thu nhập của một số trường giảm đáng kể và gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính mà một số trường đã lâm vào trong thời gian gần đây. Kết hợp với việc chính phủ liên bang dường như thiếu sự đồng cảm và chính quyền các tiểu bang tỏ ra thận trọng, điều này dường như đã tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” tấn công vào các trường đại học Úc và thực sự làm gián đoạn hoạt động của họ. Một số có đủ nguồn lực và năng lực chuyên môn để áp dụng một phản ứng chiến lược lâu dài hơn trước cuộc khủng hoảng này, trong khi những trường khác dường như đang phải vật lộn để tồn tại. Tuy nhiên, một số trường đại học hàng đầu đã báo cáo các khoản lỗ lớn vào năm 2020 và một cơ quan xếp hạng lớn đã điều chỉnh triển vọng của mình thành âm, do ngành này phụ thuộc quá nhiều vào tuyển sinh sinh viên quốc tế.

Sự phụ thuộc vào sinh viên quốc tế

Là một hệ thống giáo dục đại học thị trường hóa cao, cùng với hệ thống của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, các trường đại học Úc đã mở rộng mạnh mẽ tuyển sinh quốc tế kể từ năm 2002 và đặc biệt trong vài năm qua, sau khi số lượng sinh viên trong nước đã chạm trần vào năm 2017. Tổng số sinh viên đại học từ nước ngoài tăng từ 125 ngàn vào năm 2002 lên 440 ngàn vào năm 2019, và tăng 45% trong ba năm cuối của giai đoạn này, trong đó phần lớn đến từ Trung Quốc (chiếm 38,4% sinh viên quốc tế ở Úc vào năm 2019) và từ Ấn Độ (19%). Con số này đại diện cho khoảng 8% tổng số sinh viên quốc tế trên toàn thế giới, đứng vị trí thứ ba ngay sau Vương quốc Anh. Nhóm lớn nhất cho đến nay là sinh viên các khóa học thạc sĩ, học toàn thời gian và tại trường, trong các ngành quản lý và thương mại và khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, kỹ thuật và những ngành công nghệ liên quan dễ bị tổn thương nhất do số lượng giảm đột ngột. Những trường đại học có tỷ lệ sinh viên quốc tế cao nhất bao gồm một số trong Nhóm 8 trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu, với Đại học Sydney (38,2% tổng số sinh viên) và Đại học Quốc gia Úc (37%) đứng đầu danh sách.

Từ khi Úc đóng cửa biên giới đối với du khách từ Trung Quốc vào tháng 2 năm 2020 và đối với tất cả du khách quốc tế ngoại trừ cư dân của Úc vào tháng 3 cùng năm, đã có sự sụt giảm 23% tổng số sinh viên quốc tế mới bắt đầu, bao gồm giảm hơn 80% sinh viên mới từ Ấn Độ. Mặc dù những sinh viên học tiếp giúp “giảm nhẹ cú đánh”, một khi họ hoàn thành chương trình học, cho dù trực tuyến hay trực tiếp tại Úc, mức sụt giảm số lượng thay thế sẽ bắt đầu có hiệu lực, đặc biệt nếu những hạn chế đi lại quốc tế vẫn kéo dài đến năm 2022. Tại thời điểm viết bài, hơn 100 ngàn người có thị thực sinh viên quốc tế bị mắc kẹt bên ngoài nước Úc đang cố gắng hoàn thành các khóa học trực tuyến của họ. Theo các nhà ngoại giao Australia có trụ sở tại Bắc Kinh, nhiều sinh viên Trung Quốc có thị thực Australia đang xem xét chuyển sang những quốc gia nơi họ có thể học ở trường. Việc triển khai chậm chương trình tiêm chủng ở Úc, đặc biệt khi so với những đối thủ cạnh tranh chính của Úc trong giáo dục đại học quốc tế là Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, không phải là điềm báo tốt.

Tác động rộng

Trong năm 2019, dịch vụ giáo dục là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Úc và học phí thu được từ sinh viên nước ngoài chiếm 10 tỷ AUD (hoặc 27%) thu nhập của các trường đại học. Người ta ước tính rằng nếu không có những chiến lược thành công để giảm thiểu tác động, tổng thiệt hại từ nguồn thu này vào năm 2024 có thể ở trong khoảng từ 11 tỷ AUD đến 18 tỷ AUD. Sự tăng trưởng dự kiến ​​nhu cầu trong nước trong vài năm tới sẽ không đủ lớn để bù đắp cho những thiệt hại dự đoán, do số lượng tuyển sinh học trực tiếp tại các cơ sở ít hơn và do những chính sách của chính phủ có tác động giảm học phí của sinh viên bản địa. Bản chất của sự rủi ro này đối với từng trường đại học phụ thuộc vào mức độ phụ thuộc của họ vào doanh thu học phí quốc tế, khả năng phục hồi tài chính cơ bản của tổ chức và những quyết định chiến lược đang được cân nhắc. Ngoài sự giảm sút nguồn thu từ học phí, các trường đại học còn phải đối mặt với sự thua lỗ trong đầu tư do ảnh hưởng của đại dịch trên thị trường tài chính quốc tế, và phải tốn thêm chi phí bổ sung cho việc chuyển đổi sang hình thức dạy và học trực tuyến và kết hợp, cùng với chi phí để hỗ trợ tài chính và phúc lợi cho sinh viên.

 

Nhìn chung, người ta ước tính rằng các trường đại học đã giảm biên chế khoảng 17.300 nhân viên (13% trong số 130.000) do hậu quả của đại dịch, trong đó những giảng viên bán thời gian, giảng viên có hợp đồng ngắn hạn và nhân viên chuyên nghiệp cấp thấp dễ bị giảm biên chế nhất.

 

Năm 2018, các trường đại học Úc đã chi 12 tỷ AUD cho nghiên cứu (37% tổng chi tiêu), trong đó khoảng 6 tỷ AUD là từ nguồn tiền của trường chứ không phải từ các nguồn tài trợ bên ngoài. Học phí sinh viên quốc tế đóng góp khoảng 50% thu nhập này và do đó, với việc giảm nguồn thu học phí, chi phí cho nghiên cứu của các trường đại học ước tính sẽ giảm từ 6 tỷ AUD đến 7 tỷ AUD từ năm 2020 đến năm 2024. Điều này có thể dẫn đến sự giảm biên chế từ 5 ngàn đến 6 ngàn nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên, tương đương với 11% lực lượng nghiên cứu hiện tại. Việc chính phủ liên bang bơm một tỷ AUD từ Chương trình Hỗ trợ Nghiên cứu vào năm 2020 sẽ không có nhiều tác dụng.

Nhìn chung, người ta ước tính rằng các trường đại học đã giảm biên chế khoảng 17,3 ngàn nhân viên (13% trong số 130 ngàn) do hậu quả của đại dịch, trong đó những giảng viên bán thời gian, giảng viên có hợp đồng ngắn hạn và nhân viên chuyên nghiệp cấp thấp dễ bị giảm biên chế nhất. Điều này gần như chắc chắn dẫn đến việc những học giả và chuyên gia còn lại, đặc biệt là những người tham gia giảng dạy sẽ phải gánh thêm khối lượng công việc. Cũng như chắc chắn sẽ làm giảm tỷ lệ những học giả vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, nhiều người trong số này sẽ trở thành “chỉ giảng dạy” trên thực tế, hoặc ít nhất là “giảng dạy chuyên sâu”.

Trước đại dịch, giáo dục đại học quốc tế đóng góp hơn 40 tỷ AUD hàng năm cho nền kinh tế Úc, trong đó 57%, tương đương 22,8 tỷ AUD, là dưới dạng hàng hóa và sử dụng dịch vụ trong nền kinh tế rộng lớn hơn, chẳng hạn như trong khu vực bán lẻ và lưu trú. Người ta ước tính rằng nếu biên giới vẫn đóng cửa, vào giữa năm 2021, số lượng người có thị thực sinh viên quốc tế ở Úc sẽ giảm 50%. Điều này sẽ tương đương với việc giảm khoảng 11 tỷ AUD chi tiêu hàng năm trong nền kinh tế rộng lớn hơn, điều này khiến cho thái độ thiếu thiện cảm của chính phủ liên bang đối với khu vực đại học trở nên khó hiểu.

Một chính phủ thù địch và môi trường chính sách

Khi biên giới lần đầu tiên bị đóng cửa, thủ tướng Úc, Scott Morrison, đề nghị những sinh viên quốc tế đang gặp khó khăn về kinh tế vì đại dịch nên “về nhà”. Đây là động thái đầu tiên trong một loạt những động thái thiếu cảm thông, vô ích, hoặc thậm chí thù địch của chính phủ liên bang đối với giáo dục đại học – trong thời kỳ đại dịch. Đầu tiên, các trường đại học bị loại khỏi chương trình “Duy trì việc làm” – là chương trình trợ cấp cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch, do đó làm trầm trọng thêm tình trạng mất việc làm. Thứ hai, việc áp dụng chính sách “Tốt nghiệp để làm việc” (Job-ready Graduates) gây tác động làm giảm thu nhập của các cơ sở giáo dục đại học từ việc giảng dạy sinh viên trong nước. Thứ ba, một số sáng kiến được thiết kế để thách thức quyền tự chủ của các trường đại học trong hợp tác quốc tế, bao gồm Đạo luật Quan hệ Đối ngoại 2020 và Đạo luật Mở rộng An ninh của Cơ sở Hạ tầng Quan trọng sang các lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu. Giáo dục đại học cũng có nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến thương mại giữa Úc và Trung Quốc, vốn đã dẫn đến việc áp dụng thuế đối với một số hàng hóa và đình chỉ xuất khẩu cụ thể. Có lẽ dịch vụ giáo dục sẽ là tiếp theo?