Nỗi lo sợ toàn cầu về sự can thiệp của nước ngoài vào giáo dục đại học

Các tác giả đều có mối quan hệ hợp tác với Đại học George Washington. Kyle A. Long là Trợ lý giáo sư về Giáo dục quốc tế. Email: kylelong@gwu.edu.

Chief Etheridge (email: cetheridge@gwu.edu) và Carly O’Connell (email: ceoconnell@gwu.edu) là sinh viên tốt nghiệp chương trình Giáo dục Quốc tế.

Kat Hugins là sinh viên tốt nghiệp của chương trình này. Email: khugins@gwu.edu.

Tóm tắt: Bài viết này xác nhận mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn thế giới về việc các thực thể nước ngoài đang lợi dụng các cá nhân và các tổ chức giáo dục đại học vì mục đích xấu. Bài báo xem xét việc giáo dục đại học ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp từ các đối thủ địa chính trị. Các tác giả nêu bật những cáo buộc gần đây về hoạt động gián điệp, tuyên truyền và can thiệp có chiến lược vào giáo dục đại học ở những quốc gia khác nhau, trước khi phân tích mức độ xác thựcý nghĩa của những tuyên bố này. Trong phần kết luận, các tác giả đề xuất những giải pháp chống lại ảnh hưởng quá mức của nước ngoài.

Quốc tế hóa giáo dục đại học – từ lâu được coi là tiền đề thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị xuyên biên giới – giờ đây phải đối mặt với một sự thật khó khăn. Du học và mở cửa thiếu sự kiểm soát khiến giáo dục đại học dễ bị lợi dụng bởi những tác nhân xấu. Trong những năm gần đây, những câu chuyện về giảng viên đại học làm gián điệp và sinh viên hoạt động tuyên truyền đã trở nên phổ biến, góp phần làm tăng thêm mối lo ngại về việc giáo dục đại học làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Mối lo ngại này cũng phù hợp với sự sợ hãi ngày càng tăng của công chúng về sự can thiệp của nước ngoài vào đời sống quốc gia trên phạm vi rộng hơn. Tỷ lệ người Mỹ nghĩ rằng rất có thể một chính phủ nước ngoài bằng cách nào đó đã cố gắng tác động đến cuộc bầu cử quốc gia đã tăng từ 2/3 năm 2018 lên 3/4 vào năm 2020.

Tuy nhiên, việc xác định chính xác những kẻ lạm dụng là rất khó và khiến cho sự can thiệp của nước ngoài – đặc biệt nếu đó là một biến thể độc hại – càng trở nên khó chịu và có sức phá hoại hơn. Trong bối cảnh của giáo dục đại học, hiện tượng can thiệp từ nước ngoài đã làm gia tăng nỗi sợ hãi liên quan đến những hoạt động giáo dục quốc tế mà bề ngoài có vẻ vô hại. Chúng tôi nhận thấy thái độ nghi ngờ ngày càng tăng đối với những hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên, hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia và chương trình xuyên biên giới được chính phủ tài trợ.

Bộ ba nguy hiểm

Một loạt những câu chuyện tin tức và ý kiến của độc giả (op-eds), thông cáo báo chí của chính phủ và tài liệu về chính sách từ khắp nơi trên thế giới gần đây cho thấy mức độ báo động chưa từng thấy về sự can thiệp của nước ngoài vào giáo dục đại học, kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Khi được xem xét cùng nhau, những nguồn này chỉ ra – có và không có bằng chứng – ba mối quan tâm bao trùm: đánh cắp nghiên cứu độc quyền, khuyến khích tuyên truyền và thông tin sai lệch trong khuôn viên trường, và áp đặt những giá trị chính trị hoặc văn hóa thông qua chương trình giảng dạy và ngoại khóa.

Chúng tôi nhận thấy thái độ nghi ngờ ngày càng tăng đối với những hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên, hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia và chương trình xuyên biên giới được chính phủ tài trợ.

 

Đánh cắp nghiên cứu

Tại Hoa Kỳ, “Sáng kiến ​​Trung Quốc” của chính phủ đã đẩy nhanh những cuộc điều tra liên bang về các học giả Trung Quốc bị nghi ngờ lợi dụng hợp tác nghiên cứu quốc tế cho mục đích tội phạm. Vào tháng 9 năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đình chỉ thị thực của hơn một nghìn sinh viên và giáo sư Trung Quốc bị coi là có nguy cơ cao, sau khi họ bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Bộ Tư pháp tuyên bố rằng hàng nghìn nhà nghiên cứu khác có liên hệ với quân đội Trung Quốc đã bỏ trốn khỏi đất nước sau một loạt cáo buộc hồi đầu năm. Kể từ năm 2019, chỉ riêng Viện Y tế Quốc gia đã điều tra hơn 50 tổ chức về một loạt những hành vi đáng ngờ của những nhà nghiên cứu Trung Quốc được mời làm việc tại đây.

Úc, Nhật Bản và Vương quốc Anh cũng thực hiện những chính sách thị thực chặt chẽ hơn đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc, hoặc thành lập những ủy ban quốc gia về sự can thiệp của nước ngoài vào các trường đại học. Liên minh châu Âu đã áp dụng chính sách không cho phép các học giả từ Trung Quốc và từ những quốc gia không chia sẻ những giá trị của EU tham gia vào những dự án nghiên cứu nhạy cảm. Một số phản ứng dữ dội trên toàn cầu chống lại Trung Quốc được gộp chung vào phong trào bài ngoại. Nhưng những bằng chứng ngày càng nhiều hơn về hành vi phạm tội cho thấy đánh cắp nghiên cứu là một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu.

Tuy nhiên, lợi ích của hợp tác nghiên cứu quốc tế phải lớn hơn những mối lo ngại đó, đặc biệt trong thời đại có nhiều thách thức toàn cầu như đại dịch COVID-19. Các tổ chức phải cân bằng nhu cầu bảo vệ công việc của mình với nhu cầu duy trì những mối quan hệ quốc tế hữu ích, và nguyên tắc đạo đức là không phân biệt đối xử với các nhà nghiên cứu theo quốc tịch.

Tuyên truyền, kiểm duyệt và thông tin sai lệch

Sự gia tăng thông tin sai lệch trên toàn cầu tạo ra những tiêu đề nhằm phá hoại tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử quốc gia, nhưng tính xác thực của giáo dục đại học cũng có nguy cơ bị đe dọa. Mối quan tâm gần đây về hoạt động tuyên truyền trong giáo dục đại học Mỹ chủ yếu xoay quanh các Viện Khổng Tử. Vào tháng 8 năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức coi Trung tâm Quản lý Viện Khổng Tử là một cơ quan đại diện của Trung Quốc ở nước ngoài. Việc phân loại này ngụ ý rằng những trung tâm văn hóa trong khuôn viên trường được coi là một công cụ quan trọng trong chiến dịch gây ảnh hưởng toàn cầu. Diễn ngôn chính trị quốc gia và bộ luật được giới thiệu gần đây phù hợp với cách giải thích này. Những quốc gia khác đang đưa ra những chính sách tương đồng với Hoa Kỳ. Tại Ấn Độ, Bộ Giáo dục hiện yêu cầu các trường đại học báo cáo về mối quan hệ của họ với các Viện Khổng Tử. Chính phủ Úc cũng tìm cách làm điều tương tự, mặc dù các trường đại học cho đến nay vẫn phản đối. Mặc dù một số trường hợp kiểm duyệt, tự kiểm duyệt và gian lận thị thực liên quan đến các Viện Khổng Tử nhưng không có bằng chứng nào được công khai rõ ràng cho thấy họ là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia.

Các Viện Khổng Tử không phải là mối quan tâm duy nhất. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã bắt đầu điều tra các tổ chức giáo dục về việc không báo cáo những khoản đóng góp từ nước ngoài – một việc mà Đạo luật Giáo dục Đại học năm 1965 không bắt buộc thực hiện. Mối quan tâm đặc biệt của các nhà điều tra là những khoản đóng góp từ những đối thủ địa chính trị như Trung Quốc và Nga, cũng như từ những đồng minh như Ả Rập Xê-út. Một trường hợp nổi bật bị cáo buộc đó là Đại học Texas A&M đã báo cáo sai hỗ trợ tài chính từ Quỹ Qatar. Mối lo ngại chính là những nguồn tài trợ quốc tế có thể khiến các tổ chức quảng bá những tuyên truyền và thông tin sai lệch từ những quốc gia này, dù cố ý hoặc không cố ý. Một lo lắng khác là những tổ chức nhận tài trợ sẽ hạn chế làm những việc hoặc lan truyền những thông tin có thể khiến các nhà tài trợ nước ngoài tức giận, do đó bóp nghẹt tiếng nói của giới học thuật. Việc xem xét những câu chuyện tin tức và tài liệu liên quan đến những cuộc điều tra này không đưa ra được những bằng chứng xác thực về quan hệ đổi chác. Tuy nhiên, sự lo ngại của các nhà điều tra dường như có cơ sở dựa trên logic rằng những khoản đóng góp tài chính từ nước ngoài chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng quá mức. Những cuộc điều tra tiếp tục có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động từ thiện xuyên biên giới, cắt đứt những nguồn doanh thu quý giá đối với những tổ chức thiếu tiền mặt, đặc biệt sau đại dịch.

Áp đặt giá trị

Trong khi hai hình thức can thiệp nước ngoài đầu tiên đã bắt đầu xâm nhập vào những xã hội mở, thì hình thức thứ ba có mối liên hệ chặt chẽ hơn với những xã hội đóng. Kích động nỗi sợ hãi người nước ngoài vẫn là chiến lược có tính toán của các chính trị gia. Những nhà lãnh đạo không cởi mở thường lợi dụng tư tưởng bài ngoại và sự can thiệp từ bên ngoài để củng cố quyền lực của họ. Toàn cầu hóa giáo dục đại học – với số lượng người học và các nhà cung cấp ra ngoài biên giới nhiều hơn bao giờ hết – trong suốt ba thập kỷ qua đã cung cấp cho những kẻ chuyên quyền và cộng sự của họ những mục tiêu mới. Mặc dù nhiều chế độ phản dân chủ hoan nghênh các quan hệ đối tác giáo dục đại học quốc tế với các nước dân chủ và uy tín toàn cầu đi kèm, họ sẽ cắt đứt quan hệ ngay khi bị coi là mối đe dọa đối với chủ quyền. Đó là trường hợp xảy ra vào năm 2019, khi chính phủ Hungary thu hồi giấy phép của Đại học Trung Âu ủng hộ dân chủ, buộc trường này phải chuyển đến Áo. Các quan chức ở Budapest vẫn đang tài trợ cho một phân hiệu của một học viện Trung Quốc, Đại học Phúc Đán. Các công tố viên Nga đã điều tra một trường đại học ở Moscow vào mùa thu năm ngoái vì nghi ngờ rằng những người có ảnh hưởng thân Mỹ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã kích động các cuộc biểu tình của sinh viên bằng cách truyền bá những tư tưởng tự do. Trong khi đó, tại Kyrgyzstan, một video lan truyền trong cuộc bầu cử quốc hội của đất nước khẳng định rằng Đại học Trung Á của Mỹ đang tuyên truyền những giá trị phương Tây, như sự chấp nhận cộng đồng LGBTQ (cộng động những người có xu hướng giới tính đặc biệt). Các đối thủ chính trị đã sử dụng những cáo buộc về việc tuyên truyền những niềm tin này để cố gắng làm mất uy tín đối thủ của họ.

Hợp tác và cam kết

Những trường hợp nước ngoài can thiệp vào giáo dục đại học – hoặc nỗi sợ hãi điều đó – cho thấy giáo dục đại học đã có được vị trí quan trọng trong đời sống quốc gia và dễ bị tổn thương trước những kẻ bất chính. Để chống lại sự can thiệp sâu hơn vào những xã hội mở, những chính sách hiện nay của chính quyền và của các tổ chức giáo dục – liên quan đến phản gián, ngoại giao và thực thi pháp luật – cần thay đổi. Việc phát triển hoặc áp dụng những chính sách cho phép giám sát độc lập (phi chính phủ) những cuộc điều tra về những hành vi bị cáo buộc gây ảnh hưởng xấu ở nước ngoài – có thể cung cấp một giải pháp để tránh những phản ứng chính trị hóa thái quá, trong khi vẫn duy trì mức độ giám sát đầy đủ đối với những hành động đáng ngờ. Các tổ chức phi chính phủ và quốc tế, các tổ chức tư vấn và các hiệp hội thành viên có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và đánh giá những trường hợp ảnh hưởng xấu từ nước ngoài. Họ nên cung cấp hướng dẫn cách xác định đúng thủ phạm và cải chính những lầm lẫn. Trong khi đó, những xã hội mở cần tiếp tục bênh vực và cung cấp nguồn lực cho giảng viên, sinh viên và quản trị viên trong những xã hội đóng.