Liz Reisberg là Tư vấn viên về Giáo dục đại học quốc tế và là Thành viên Nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: reisberg@gmail.com.
Tóm tắt: Tham nhũng ngày càng lan rộng trong giáo dục trên toàn thế giới, sự kết hợp của nhiều hoàn cảnh khiến tham nhũng trở thành hấp dẫn do có thể đem đến những phần thưởng tiềm năng lớn trong khi hậu quả lại rất ít. Nhiều hệ thống giáo dục đại học đã vô tình khuyến khích những động cơ tiêu cực khiến tham nhũng càng gia tăng. Bài viết này trích dẫn những ví dụ về tham nhũng được nêu bật trong ấn bản “Tham nhũng trong Giáo dục Đại học – Những Thách thức và Ứng phó toàn cầu”.
Tham nhũng tồn tại ở hầu hết các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân ở mọi quốc gia trên toàn thế giới. Ở bất kỳ nơi nào có cơ hội kiếm chác lợi ích cá nhân, dường như không thể tránh khỏi sẽ có những cá nhân khai thác những cơ hội đó vì lợi ích cá nhân bằng cách gian lận, và phá hoại tính toàn vẹn của hệ thống bằng những hành vi lạm dụng của họ. Giáo dục đại học không miễn dịch trước tham nhũng. Báo cáo năm 2020 của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho thấy việc rút lại 800 bài báo của các học giả Nga là một ví dụ gây sốc về mức độ nghiêm trọng và phổ biến của vấn nạn này.
Trong cuốn sách “Tham nhũng trong giáo dục đại học – Những thách thức và ứng phó toàn cầu”, do Elena Denisova-Schmidt biên tập, các học giả ở các nước trên thế giới cho rằng tham nhũng trong giáo dục đại học có nguyên nhân là hệ thống được thiết kế kém; sinh viên và giáo sư không hiểu rõ điều gì cấu thành hành vi phi đạo đức; hậu quả không được nhìn thấy rõ ràng; những cá nhân lâm vào những tình huống khó khăn mà “lối tắt” dường như là giải pháp duy nhất; và những cá nhân bị cám dỗ bởi con đường dễ dàng hơn để thăng tiến cá nhân. Không chỉ ra ranh giới rõ ràng giữa đạo đức và phi đạo đức, hoặc không phân biệt những trường hợp có thể kích thích tham nhũng trong những bối cảnh khác nhau làm suy yếu hiệu quả của bất kỳ chính sách hoặc quy trình nào được thiết kế để ngăn chặn tham nhũng trong học thuật.
Rõ ràng là nhiều quốc gia hoặc nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc định hướng sinh viên và giảng viên theo những tiêu chuẩn quốc tế đã được chấp nhận về tính liêm chính trong học tập hoặc giải thích vì sao những tiêu chuẩn này lại quan trọng. Trong một số trường hợp, tham nhũng được thực hiện một cách ngây thơ hoặc bởi vì người vi phạm nhận thấy những người khác tham nhũng mà không phải chịu hậu quả và sau đó tham nhũng được “bình thường hóa”. Mặc dù một số hành vi rõ ràng là sai, nhưng không thể xử lý chúng nếu không hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc chúng được thực hiện. Động cơ để gian lận thường rất lớn, trong khi hậu quả do hành vi gian lận lại rất nhỏ.
Những lối tắt và động cơ sai trái
Có lẽ một trong những kết luận quan trọng nhất được rút ra từ cuốn sách nói trên là tham nhũng sẽ không bị xóa bỏ chỉ đơn giản bằng cách trừng phạt những cá nhân bị phát hiện có hành vi tham nhũng. Trong nhiều hệ thống vẫn hiện diện những động cơ sai lầm kích thích sự gian dối hoặc coi nhẹ gian lận. Đó là trường hợp của Armenia, Lithuania, Nga và Ukraine, nơi giảng viên hướng dẫn thấy mình lâm vào tình huống khó xử là bỏ qua sự gian lận hoặc đánh trượt chính những sinh viên, mà học phí của họ góp phần duy trì trường đại học nơi giảng viên đang làm việc.
Đại chúng hóa chắc chắn đã góp phần tạo thành vấn đề. Kết quả của việc mở rộng giáo dục đại học có nghĩa là có nhiều sinh viên hơn gia nhập giáo dục đại học mà không được chuẩn bị trước. Ở những nơi thiếu các dịch vụ hỗ trợ học tập, sẽ có động cơ gian lận để thành công. Một trong số đó là thỏa thuận gian lận, khi sinh viên mua các bài luận để nộp thay vì tự viết. Trong một số trường hợp, sinh viên tìm cách gian dối do áp lực học tập. Rất dễ dàng tìm mua những bài luận văn trực tuyến. Việc mua bán luận án và tiểu luận thường được thực hiện ngang nhiên, đôi khi nơi bán nằm sát khuôn viên trường. “Xưởng sản xuất luận án” không chỉ phục vụ nhu cầu của những sinh viên cần mua chúng, mà còn phục vụ lợi ích của những người bán. Ví dụ ở Kenya, sinh viên tốt nghiệp đại học thường tìm đến công việc bán các bài luận trực tuyến do họ khó tìm được việc làm trong nền kinh tế yếu kém của Kenya. Chính phủ Kenya sẽ đối mặt với vấn đề thất nghiệp lớn hơn nếu có bất kỳ nỗ lực phối hợp nào nhằm giải quyết ngành công nghiệp “sản xuất học thuật” này.
Ở mức độ nào đó số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng tăng đã khiến giá trị bằng cấp bị giảm xuống. Ở nhiều quốc gia, bằng đại học đã trở thành bằng cấp cơ bản, thậm chí đối với những vị trí công việc không yêu cầu những kỹ năng đại học. Kết quả là xuất hiện một phân khúc thị trường chuyên phục vụ những người quan tâm đến việc có bằng cấp mà không muốn đầu tư thời gian hoặc công sức. Những cá nhân này bị cám dỗ bởi sự dễ dàng kiếm được một tấm bằng từ những lò có thể cung cấp bất kỳ loại bằng cấp nào, cho bất kỳ trình độ nào, chỉ với một số tiền rất nhỏ so với học phí và hầu như không mất thời gian. Bất chấp nhiều nỗ lực, UNESCO và những tổ chức khác vẫn không thu thập được đầy đủ bằng chứng về những doanh nghiệp góp phần vào loại gian lận này.
Khi việc làm trong lĩnh vực học thuật và sự thăng tiến phụ thuộc vào số lượng bài nghiên cứu được công bố, không thể tránh khỏi tình trạng có những cá nhân sẽ tìm đến những tạp chí khoa học ngụy tạo.
Những liên doanh thương mại đáp ứng nhu cầu
Khi việc làm trong lĩnh vực học thuật và sự thăng tiến phụ thuộc vào số lượng bài nghiên cứu được công bố, không thể tránh khỏi tình trạng có những cá nhân sẽ tìm đến những tạp chí khoa học ngụy tạo. Số lượng các tạp chí ngụy tạo gia tăng đáp ứng nhu cầu này nhưng cũng khiến khó phân biệt những tạp chí ngụy tạo với những ấn phẩm hợp pháp. Những nỗ lực lập “danh sách đen” bị cản trở do thiếu nguồn lực cần thiết để theo dõi vô số tạp chí hiện có.
Các hội nghị khoa học ngụy tạo cũng tạo thành thách thức tương tự. Những nhà tổ chức loại hội nghị này đã tìm thấy một lượng khán giả dễ dãi, đặc biệt là những học giả trẻ, những người cần làm đẹp CV của họ hoặc những người cảm thấy hãnh diện khi được mời báo cáo. Ngoài ra chi phí đi lại được trường đại học tài trợ cũng có sức hấp dẫn, kết quả là ngay cả các học giả từ những tổ chức ưu tú cũng tham gia. Thật không may, những nhà tổ chức các sự kiện ngụy tạo này chỉ xem họ là một nguồn thu nhập.
Cuối cùng là các “bên thứ ba” tháo vát đóng vai trò trung gian để đưa sinh viên tương lai vào các trường đại học ở nước ngoài (thường là ở Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ). Mặc dù hình thức hoạt động này tuân theo quy tắc đạo đức của bên nhận được lợi ích lớn nhất, tất cả các bên tham gia đều có động cơ mạnh mẽ – sinh viên và gia đình họ không tốn nhiều công sức để tìm hiểu, phân loại rất nhiều lựa chọn quốc tế; các trường đại học có được những sinh viên trả học phí đầy đủ mà không cần nỗ lực tuyển sinh; các đại lý trung gian thu lợi.
Biện pháp khắc phục
Để loại bỏ tham nhũng trong giáo dục đại học cần nhiều nỗ lực hơn trên nhiều phương diện. Có lẽ việc quan trọng nhất cần làm là định hướng cho giảng viên và sinh viên về những gì cấu thành tham nhũng trong học tập và để loại bỏ những yếu tố nền tảng khuyến khích hành vi phi đạo đức. Ở những nơi sinh viên không có điều kiện theo học toàn thời gian, cần có cơ chế để giảm bớt áp lực tài chính. Khi sinh viên gặp khó khăn trong việc cân bằng thời gian giữa học tập và việc làm kiếm tiền, họ dễ bị cám dỗ thực hiện gian lận. Ngoài ra, ranh giới giữa lợi ích tài chính, lợi ích chuyên môn, hoặc lợi ích học thuật của những các cá nhân đang nắm giữ chức vụ nhà nước hoặc có tầm ảnh hưởng đến chính sách công thường mờ nhạt. Trừ khi xung đột lợi ích được xác định và ngăn chặn, tham nhũng sẽ phát triển mạnh.
Một nội dung quan trọng chỉ được đề cập đến một phần trong cuốn sách là tham nhũng cũng nảy sinh từ cách thức đo lường thành công. Những tiến bộ trong học tập để đạt được bằng cấp vẫn được đo lường chủ yếu bằng các kỳ thi và luận văn, do đó bảng điểm gian lận, sự mạo danh, công nghệ và những người viết luận văn thuê cung cấp một lối đi tắt hấp dẫn để có được kết quả cần thiết. Những cơ chế thay thế nhằm đo lường quá trình học tập của sinh viên có thể loại bỏ nhiều lối tắt dẫn đến tốt nghiệp. Tương tự, nếu thành công của giảng viên được đo lường theo cách định lượng, lựa chọn bất hợp pháp sẽ vẫn hấp dẫn. Cơ hội tham nhũng sẽ giảm đi nếu sự xuất sắc trong giảng dạy và phục vụ cho tổ chức được đánh giá cao hơn.
Kết luận
Giáo dục đại học là nền tảng để tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao cần thiết cho nền kinh tế dựa trên tri thức ngày nay. Công dân ở các quốc gia ở mọi giai đoạn phát triển cần tin tưởng vào các trường đại học để bảo vệ tính toàn vẹn và chất lượng của “đầu ra” của họ.
Khi đọc cuốn sách này người ta không thể không bị ấn tượng bởi mức độ đổi mới đã tạo ra rất nhiều hình thức tham nhũng trong học thuật. Giá như những nỗ lực sáng tạo này được sử dụng có đạo đức hơn, các trường đại học trên thế giới đã đạt được những thành tích lớn lao hơn nhiều.