Thông tin và thị trường giáo dục đại học

Janja Komljenovic là giảng viên về giáo dục đại học tại Đại học Lancaster, Vương quốc Anh. Email: j.komljenovic@lancaster.ac.uk.

Bài viết này tóm tắt một chương trong cuốn Thay đổi giáo dục đại học cho một thế giới đang thay đổi, được biên tập bởi Claire Callender, William Locke và Simon Marginson, Bloomsbury. Cuốn sách là sản phẩm của Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Vương quốc Anh, Văn phòng Sinh viên và Nghiên cứu Anh.

Tóm tắt: Để thị trường hóa, giáo dục đại học cần được nhà nước hỗ trợ và cần một khung pháp lý phù hợp. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ để thị trường hoạt động. Thị trường còn cần đến những tác nhân thị trường, những người tính toán và hành xử phù hợp với logic kinh tế. Các phương tiện thị trường (market devices) giúp biến sinh viên, nhân viên, người sử dụng lao động và những người khác trở thành những tác nhân như vậy. Bài viết này đề cập tới những công cụ thông tin thị trường giúp ta tính toán về mặt kinh tế, tổ chức những hoạt động được coi là có giá trị và xây dựng xã hội tương lai.

Giáo dục đại học trên thế giới ngày càng được thị trường hóa. Tuy nhiên, để thị trường giáo dục đại học hoạt động, việc thay đổi luật pháp hoặc đưa ra quy định về học phí là chưa đủ. Trong chương sách gần đây được xuất bản trong cuốn Thay đổi giáo dục đại học vì một thế giới đang thay đổi, tôi khảo sát vai trò của các phương tiện thị trường. Mặc dù đây là một danh mục dài và bao gồm mọi thứ từ thẻ giá đến giỏ hàng, từ màn hình máy tính đến phân tích dữ liệu, từ công thức đến xếp hạng, và nhiều loại khác nữa, tôi tập trung vào những công cụ thông tin thị trường trong giáo dục đại học. Qua bốn minh họa dưới đây, tôi chỉ ra cách thức hoạt động của những công cụ này.

Bốn đối tượng khảo sát

Những công cụ thông tin thị trường được khảo sát gồm Unistats (nay là Discover Uni), một trang web của Anh cung cấp thông tin chương trình học tập cho sinh viên tương lai. Unistats có giao diện trực quan cho người dùng để làm nổi bật những nét đặc thù của các chương trình và các trường đại học, còn những thông tin khác không có hoặc khó tìm. Trường hợp thứ hai minh họa cho những thông điệp tiếp thị của Coursera hướng đến khách hàng doanh nghiệp. Những con số và thông điệp mà Coursera truyền tải đến khách hàng đóng khung một hiện thực đặc biệt, trong đó chất lượng được xác định bởi thương hiệu và uy tín của trường đại học, và giá trị của các khóa MOOC được xác định bằng cách quy đổi những kỹ năng học được thành tiền. Minh họa thứ ba đề cập đến các đại lý tuyển sinh quốc tế. Những sự kiện do các nhà môi giới này tổ chức có tác dụng như thông tin thị trường báo hiệu độ tin cậy mà các trường đại học có thể tín nhiệm. Cuối cùng là khảo sát dữ liệu và phân tích của LinkedIn về lao động và kỹ năng. Các thuật toán của Linkedin, dựa trên hiệu ứng mạng, thể hiện giá trị của những kỹ năng cụ thể, đối chiếu ứng viên với công việc và tạo ra nhiều cơ hội học tập và làm việc. Mặc dù những phương tiện được đề cập tới trong bốn minh họa nói trên đều khác biệt về cách thức hoạt động, nhưng chúng có nhiều điểm chung hơn ta nghĩ ban đầu.

Phương tiện thị trường khiến các tác nhân phải tính toán

Công cụ thông tin thị trường trang bị cho các tác nhân thị trường những thông tin được thể hiện sẵn dưới một hình thức cụ thể. Chính các phương tiện này cũng tự tính toán, so sánh và cung cấp cho các cá nhân những giải pháp sẵn sàng. Ví dụ hãy nghĩ về dữ liệu và những đề xuất của LinkedIn về con người, kỹ năng của họ, các khóa đào tạo, đề xuất việc làm, tất cả đều dựa trên giải thuật của nó. Tính tự nhiên và logic của những phương tiện này trở nên thiết yếu đối với bản chất của thị trường giáo dục đại học vì chúng can thiệp vào tính hợp lý của từng cá nhân, vào việc tạo ra ý nghĩa và đưa ra quyết định. Chúng ta không sinh ra đã là homo economicus (con người kinh tế), nhưng chúng ta được đào tạo thành những homo economicus với sự trợ giúp của những công cụ như vậy. Thậm chí còn hơn thế, chúng ta được đào tạo thành những homo economicus đặc biệt, biết tính toán với những thông tin và giải pháp do các phương tiện thị trường cung cấp. 

Mặc dù các công cụ thông tin thị trường là để mang lại tính minh bạch cho hệ thống, và chúng đã làm được ở chừng mực nào đó, thực tế chúng vẫn khá tù mù.

Phương tiện thị trường tù mù 

Mặc dù các công cụ thông tin thị trường là để mang lại tính minh bạch cho hệ thống, và chúng đã làm được ở chừng mực nào đó, thực tế chúng vẫn khá tù mù. Những công cụ này dựa vào nhiều bước phân loại trước khi công bố thông tin nhất định. Ví dụ, việc xếp hạng đại học và bảng phân nhóm trong các giải thi đấu thể thao đều phải dựa vào những thước đo tổng hợp, đa diện. Những thước đo này được quảng bá là khách quan và đáng tin cậy để đại diện cho thế giới, nhưng trên thực tế, chúng cũng diễn giải, phân loại và sắp xếp thế giới. Một mặt, công cụ thông tin thị trường phục vụ chức năng thông tin cho các tác nhân thị trường và cho họ cơ hội chọn cách tính toán, mặt khác, chúng cũng là những thiết bị chấm điểm và phân loại các cá nhân và cơ sở đào tạo.

Các phương tiện thị trường tương tác và xây dựng những tiêu chí giá trị mới

Theo cách riêng, các công cụ thông tin thị trường xác định và hình thành nên những tiêu chí giá trị mới. Ví dụ, các tiêu chí xếp hạng, phân nhóm trường đại học xác định thứ mà ta hiểu là chất lượng đại học. Hoặc một ví dụ khác là Coursera cung cấp một quan điểm được quy đổi ra tiền về giá trị của các khóa học MOOC cho các khách hàng doanh nghiệp. Theo cách này, giá trị kinh tế của các khóa học được đặt lên trên những hình thức giá trị khác mà khóa học có thể mang lại cho nhân viên, chẳng hạn như kiến ​​thức hoặc sự phát triển cá nhân.

Những phương tiện thị trường hiện có trong giáo dục đại học trên thế giới thường tương tác với nhau trong phạm vi nào đó, hoặc có thể chia sẻ nhiều khu vực thị trường. Ví dụ, Coursera và LinkedIn tương tác với nhau bằng việc Coursera cho phép người học đưa vào hồ sơ LinkedIn của họ, chỉ bằng một nhấp chuột, những chứng chỉ họ đã đạt được và đã trả phí. Một ví dụ khác là các đại lý tuyển sinh sử dụng trang web Discover Uni để tư vấn chọn trường cho sinh viên. Vì các công cụ thông tin thị trường thường vươn ra phạm vi toàn cầu, nên cuộc cạnh tranh quyền lực giữa những cấu trúc và logic khác nhau của những phương sách này cũng trở nên toàn cầu. Nói chung, dường như các công cụ thị trường giáo dục đại học hình dung giá trị của giáo dục đại học theo cách cá thể hóa, linh hoạt, tách nhóm riêng, đo lường được và thiết thực.

Các phương tiện thị trường xây dựng xã hội tương lai

Các công cụ thông tin thị trường thường vẽ ra một tương lai cụ thể. Bằng cách hỗ trợ các cá nhân trong việc tính toán và ra quyết định, những công cụ này góp phần hiện thực hóa tương lai đã được dự đoán. Ví dụ, Unistats cung cấp thông tin về mức lương của người tốt nghiệp những chương trình xác định ở những trường đại học cụ thể. Mặc dù đó sẽ là thông tin quá khứ đối với những sinh viên sẽ tốt nghiệp trong tương lai, nhưng nó vẫn có giá trị tham khảo ở thời điểm hiện tại về tương lai sẽ tới. Mỗi công cụ thông tin thị trường mô tả tương lai theo một cách riêng. Nhưng tương lai đề xuất tổng thể dường như sẽ ngày càng cạnh tranh, kỹ thuật số, định lượng, và kết nối mạng.

Đâu là bước tiếp theo?

Các công cụ thông tin thị trường giáo dục đại học đang mở rộng cả về quy mô (nhiều nội dung hơn), phạm vi (mở rộng những yếu tố hơn), độ rộng (các công cụ khác nhau khai thác cùng những bộ dữ liệu nhưng tạo ra những tổ hợp dữ liệu khác nhau, đồng thời thêm vào một số dữ liệu riêng của mình), và chiều dài thời gian (lịch sử và tương lai). Do đó, quan trọng là các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan và những người dùng khác hiểu được cách thức hoạt động của những công cụ này, vì chúng đang góp phần tạo ra lĩnh vực giáo dục đại học trong những hình thức thị trường hóa. Vấn đề quan trọng là sử dụng bộ phân loại nào hoặc dùng công thức nào để tính toán. Đây không phải là những lựa chọn phi chính trị. Những phương tiện khác nhau có những hệ quả khác nhau, nên việc xem xét kỹ lưỡng bản chất và tác động của chúng cho phép chúng ta thảo luận về cách thức thị trường giáo dục đại học có thể thúc đẩy hoặc làm suy giảm bình đẳng và công bằng xã hội nói chung.