“Tương lai học” và giáo dục đại học trong môi trường hậu COVID-19

William Locke là Giáo sư và là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học Melbourne tại Đại học Melbourne, Úc. Email: william.locke@unimelb.edu.au.

Bài viết này dựa trên một chương trong cuốn Thay đổi giáo dục đại học cho một thế giới đang thay đổi, được biên tập bởi Claire Callender, William Locke và Simon Marginson, Bloomsbury. Cuốn sách này là sản phẩm của Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội của Vương quốc Anh, Văn phòng Sinh viên và Nghiên cứu Anh.

Tóm tắt: Ngay cả trước khi có COVID-19, các nhà tương lai học từng khẳng định rằng một số gián đoạn diễn ra trong giáo dục đại học kết hợp lại với nhau sẽ tạo ra những kịch bản tàn phá đối với các trường đại học. Những tuyên bố này cho biết về một chính sách ngày càng chiếm ưu thế và những tranh luận của các nhà quản lý về nhu cầu chuyển đổi nhanh chóng và triệt để trong các quy ước học thuật, mô hình kinh doanh và phương thức làm việc. Tuy nhiên, điều các trường đại học đang cần là những phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng và lặp đi lặp lại cho phép hình dung ra tương lai, rút ra từ chính những thử nghiệm những hình thức giáo dục đại học mới.

Hơn bất kỳ điều gì khác, một cuộc khủng hoảng có thể kích thích những ý tưởng về những tương lai khác nhau và những khởi đầu mới. Ít nhất, ngay bây giờ chúng ta được đã biết rằng sẽ có một trạng thái “bình thường mới” và không có cách nào để mọi thứ quay lại như trước COVID-19. Tuy nhiên, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, đã có nhiều nhà tương lai học – đặc biệt ở những quốc gia nói tiếng Anh – dự báo về một loạt những kịch bản thảm họa sẽ xảy ra với giáo dục đại học, trong đó những yếu tố khác nhau kết hợp lại tạo ra những thách thức và phá vỡ những quy ước học thuật truyền thống, những mô hình kinh doanh và phương thức làm việc tại các trường đại học công. Một số người suy đoán rằng những chuyển đổi này có thể đe dọa chính nền tảng của giáo dục đại học, giá trị kinh tế và vai trò của nó đối với xã hội.

Trong những kịch bản này thường có sự kết hợp của một số yếu tố sau đây, được gọi là “những yếu tố gây xáo trộn”: sự chuyển đổi việc làm của sinh viên tốt nghiệp; kỳ vọng cao của sinh viên; một cuộc cách mạng công nghệ bao gồm việc áp dụng rộng rãi hình thức học tập trực tuyến, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; mở rộng giáo dục và hạn chế tài chính công; nhiễu loạn chính sách; và cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng, đặc biệt là từ các tổ chức tư nhân vì lợi nhuận và các trường đại học từ những quốc gia mới nổi. Các nhà tương lai học tiên tiến hiện còn thêm vào hỗn hợp trên tác động tăng tốc của COVID-19 và những mối lo ngại vì đại dịch.

 

Hơn bất kỳ điều gì khác, một cuộc khủng hoảng có thể kích thích những ý tưởng về những tương lai khác nhau và những khởi đầu mới.

 

Cuộc tranh luận của các nhà tương lai học

Các nhà tương lai học – thường là các nhà tư vấn quản lý, “các nhà lãnh đạo tư tưởng” và các nhà báo – dự đoán rằng tương lai sẽ mang lại những thay đổi, thách thức nhanh chóng, liên tục và sự bất định cho những nhà quản lý và những người làm việc trong các trường đại học. Để đáp lại, những nhà quản lý và nhân lực đại học cần tự chuyển đổi một cách cơ bản để thích ứng với những điều kiện và nhu cầu mới này. Đặc biệt, “lực lượng lao động” học thuật của tương lai sẽ cần “nhanh nhẹn” và “linh hoạt” hơn, “chuyên nghiệp hóa” cao hơn và chấp nhận “chuyên môn hóa” sâu hơn. Ernst and Young thậm chí còn đưa ra dự báo rằng phần lớn các học giả sẽ trở thành những học giả tự do làm việc với một số cơ sở giáo dục đại học (HEI) và các doanh nghiệp tri thức.

Vì vậy, người ta lập luận rằng, chủ nghĩa bảo thủ, “tâm lý silo” (tách biệt), thái độ chống đối liên ngành và kiến ​​thức thực tế, sự đa cảm đối với các khóa học “giá trị thấp”, và tất nhiên, tốc độ thay đổi chậm chạp vốn có trong các trường đại học công lập phải được khắc phục. Di sản “lực lượng lao động” của giáo dục đại học sẽ bị loại bỏ. May mắn thay, trong khi cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục giữa lúc đại dịch lan rộng toàn cầu và làm đảo lộn cuộc sống, các cộng đồng và các thể chế, những chuyển đổi thiết yếu này sẽ được xúc tiến.

Một phương pháp sai lầm

Những chuyên gia tự xưng về giáo dục đại học này chủ yếu đưa ra đánh giá dựa trên những cuộc phỏng vấn và khảo sát những người đứng đầu các trường đại học, những nhà hoạch định chính sách cấp cao và những bên liên quan chính như lãnh đạo doanh nghiệp và nhà tuyển dụng sau đại học. Họ hiếm khi tìm hiểu quan điểm của cán bộ nhân viên hoặc sinh viên đang làm việc và học tập trong các cơ sở giáo dục đại học, chưa nói đến việc tham khảo những nghiên cứu học thuật hiện có về sự phát triển và xu hướng trong hệ thống giáo dục đại học trên toàn thế giới. Dù vậy, thuyết tương lai học này đang lan truyền khắp những mạng lưới nhiều ảnh hưởng và bắt đầu cung cấp thông tin cho việc hoạch định chiến lược hiện tại trong các tổ chức và hoạch định chính sách ở cấp tiểu bang, quốc gia và toàn cầu. Vì vậy, ta không nên đơn giản coi nó là hoạt động tiếp thị dự đoán, mà nên đánh giá nó như một đàm luận có ảnh hưởng và tác động quan trọng đến hành vi và việc ra quyết định.

Những dự báo về thảm họa tương lai đã xuyên tạc những mô hình giáo dục đại học công lập hiện có. Các trường đại học được cho là những tổ chức truyền thống của “thế kỷ 20”, thiên về học thuật hơn là tập trung vào sinh viên hoặc khách hàng. Họ cũng có đặc điểm là quá giống nhau và bị chi phối bởi lực lượng lao động học thuật đang già đi và không muốn thay đổi. Các nhà tương lai học hầu như chỉ trích dẫn những báo cáo tư vấn quản lý, tài liệu chính sách và những bài báo trước đây. Do đó, họ tái chế những câu chuyện thần thoại và văn học dân gian đã trở nên quá quen thuộc, nhưng thành thật mà nói, họ lại không dựa trên sự chặt chẽ của các bằng chứng thực nghiệm.

Công việc học thuật dựa trên chứng cứ

Một lĩnh vực hầu như không có bằng chứng lại liên quan đến công việc thực tế của những người làm việc trong các trường đại học. Các nhà tương lai học bỏ qua nhiều bằng chứng nghiên cứu hiện có về công việc học thuật. Ví dụ, họ cho rằng nghề nghiệp học thuật phần lớn vẫn là thuần nhất và đa số người làm công việc học thuật đều giữ vị trí lâu dài, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Bằng chứng cho thấy ngược lại. Ngày càng có nhiều tài liệu nghiên cứu về sự đa dạng hóa của “nghề” học thuật, thành phần tham gia đa dạng (bao gồm từ các ngành nghề khác), những con đường sự nghiệp khác nhau và sự xói mòn của sự nghiệp học thuật tuyến tính. Hơn nữa, đội ngũ giảng viên bán thời gian, cố định, dự phòng, chỉ giảng dạy và không chính thức đã phát triển đáng kể ở Vương quốc Anh, Úc và Hoa Kỳ trong những năm gần đây.

Tiếp cận dựa trên bằng chứng để nhìn về phía trước

Ngược lại với những đánh giá này, chúng ta nên bắt đầu bằng một phân tích chính xác về hiện tại, dựa trên những bằng chứng nghiên cứu tốt nhất đang có và phân tích những xu hướng trong quá khứ gần đây, trung hạn và dài hạn. Bao gồm việc phân tích chặt chẽ những ví dụ hiện có về thực tiễn hiệu quả và thành công có thể cung cấp những minh họa phôi thai về sự phát triển cho tương lai. Chương trình “Các trường đại học của tương lai” do Liên minh châu Âu tài trợ và Phòng thí nghiệm Thế kỷ 21 của Đại học Lincoln là hai ví dụ.

Nếu có nhiều hơn những phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng và lặp đi lặp lại nhằm hình dung tương lai, chúng ta có thể đánh giá đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng đến những xu hướng hiện tại, bao gồm những yếu tố văn hóa xã hội, chính trị và môi trường (và thậm chí những yếu tố có hiệu lực pháp lý hạn chế), cũng như những yếu tố kinh tế và công nghệ. Khi đó, chúng ta có thể tránh những phương pháp tiếp cận đơn giản hóa vẫn thường chú trọng vào những hoạt động cụ thể, và những giả định tất định thường đề cao những kết quả riêng biệt.

Đại dịch có phải là kẻ hủy diệt cuối cùng không?

Vậy thì, đại dịch có phải là kẻ hủy diệt cuối cùng không? Nó chắc chắn đang cung cấp rất nhiều nguyên liệu dự báo cho các nhà tương lai học. Người ta nói với chúng ta rằng “đây là những thời điểm chưa từng có” và quả thực rất hiếm khi toàn bộ ngành giáo dục đại học phải thu hẹp lại, và rất nhiều trường đại học phải cắt giảm quy mô. Tuy nhiên, trước đây từng xảy ra những sự gián đoạn – các cuộc chiến tranh, bao gồm nội chiến, các phong trào dân tộc, các cuộc xâm lược, các cuộc di cư ồ ạt, tất cả đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trường đại học ở nhiều nơi trên thế giới. Trước đây từng có những đợt cắt giảm: Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009, nhiều hệ thống giáo dục đại học quốc gia phải thu hẹp, với việc cán bộ nhân viên chuyển sang chế độ làm việc ít ngày trong tuần hơn, cắt giảm lương, và cắt giảm tự nguyện và bắt buộc những chương trình phụ, để đổi lấy sự đảm bảo công việc cho đa số những người còn ở lại.

Chúng ta cũng được cho biết rằng “sẽ không thể trở lại trạng thái bình thường cũ”, nhưng hầu hết các trường đại học hiện đang quan tâm đến sự tồn tại trong ngắn hạn đến trung hạn, và không thay đổi quá nhiều mô hình kinh doanh và phương thức hoạt động vì sợ sụp đổ. Một cuộc khủng hoảng không phải là thời điểm tốt để bắt đầu đưa ra chiến lược mới, mặc dù chiến lược cũ có thể đã thất bại. Trước đây, khi các trường đại học có đủ tiền để đổi mới, họ không cảm thấy cần phải làm thế; nhưng bây giờ khi họ cần đổi mới hoạt động của mình, họ lại không có kinh phí để đầu tư vào việc quản lý những thay đổi cần thiết.

Tất nhiên, không có điều nào trong số này là tốt đối với các nhà tư vấn quản lý, những người sẽ chịu thiệt hại do tài chính của các trường đại học bị thu hẹp. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc các trường đại học phải tự gánh vác trách nhiệm về tương lai của chính mình.