Tranh đấu tìm nguồn tài trợ và chống lại bất bình đẳng hậu COVID-19

Hans de Wit là Giáo sư danh dự và nhà nghiên cứu (distinguished fellow) của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE) tại Boston College, Hoa Kỳ. Email: dewitj@bc.edu. Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và distinguished fellow, CIHE. Email: altbach@bc.edu.

Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 đã mở ra chiếc hộp Pandora về vai trò của giáo dục đại học trong tương lai. Giáo dục trực tuyến được chấp nhận trong một thời gian ngắn, nhưng cũng cho thấy rõ rằng các cơ sở giáo dục đại học cũng là một cộng đồng sống gồm giảng viên và sinh viên. Đại dịch đã làm nổi bật tầm quan trọng của sự hợp tác nghiên cứu quốc tế, nhưng do kinh tế suy thoái nghiêm trọng, đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu.

Đại dịch COVID-19 đã mở ra chiếc hộp Pandora chứa đựng những lựa chọn và dự đoán về vai trò tương lai của giáo dục đại học. Một bên là những người dự đoán rằng sẽ không có gì thay đổi và mọi thứ sẽ trở lại “hoạt động như bình thường” sau cuộc khủng hoảng. Quan điểm bảo thủ này dường như mang tính thực tế hơn những quan điểm khác dự đoán về một cuộc cách mạng mà qua đó giáo dục đại học sẽ được chuyển đổi hoàn toàn. Nhiều bài báo trên University World News và các trang tin khác đã lập luận rằng sự thay đổi triệt để vừa là mong muốn vừa không thể tránh khỏi – và việc hình dung lại bức tranh giáo dục sau trung học là một nhu cầu cấp thiết.

Đây không phải là lời kêu gọi đầu tiên cho sự thay đổi mang tính cách mạng tại một trong hai thể chế lâu đời nhất trên thế giới (thể chế kia là nhà thờ Công giáo La Mã). Cách đây không lâu, nhiều người cho rằng MOOCs sẽ chuyển đổi giáo dục đại học – điều này tất nhiên đã không xảy ra. Như Henry Mance viết trên Financial Times (“Tương lai của trường đại học trong thời đại Covid”, ngày 18 tháng 9 năm 2020): “Thực tế, đại dịch đã nhấn mạnh nhu cầu đối với những gì mà các trường đại học vẫn làm”. Vào dịp khai giảng năm học ở châu Âu và Bắc Mỹ, các chính phủ và các nhà lãnh đạo đại học đã kêu gọi mở lại các cơ sở trường học, nhiều giảng viên và sinh viên cũng kêu gọi điều này. Giáo dục trực tuyến được chấp nhận trong một thời gian ngắn để đối phó với làn sóng đầu tiên của đại dịch. Nhưng nó cũng là dịp để chứng tỏ rằng trường đại học là một thứ lớn hơn một cơ sở đào tạo. Đây là những cộng đồng sống của giảng viên và sinh viên bên trong các lớp học, thậm chí còn lớn hơn ở bên ngoài lớp. “Sinh viên sẽ không dành nhiều thời gian và tiền bạc chỉ để học trực tuyến. Sinh viên đến trường đại học để gặp gỡ những người tuyệt vời, trò chuyện đầy cảm hứng với giảng viên, cộng tác với các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trải nghiệm cuộc sống xã hội trong khuôn viên trường”- báo cáo Education at a Glance của OECD đã viết hoàn toàn chính xác. Và trong khi có những lo ngại rằng số lượng sinh viên – cả trong nước và quốc tế – sẽ giảm mạnh, trong thực tế vào đầu năm học con số này dường như lại tăng lên, bao gồm cả sinh viên quốc tế, mặc dù các quốc gia và các cơ sở giáo dục sau trung học bị ảnh hưởng khác nhau. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì trong thời gian thất nghiệp, giáo dục trở thành một giải pháp thay thế. Những năm tới sẽ cho thấy điều này có đúng không, đặc biệt liên quan đến sinh viên quốc tế.

Chắc chắn là việc trở lại “bình thường” sẽ phải trả giá. Ở những nơi các trường đại học đã mở cửa để giảng dạy tại trường hoặc theo phương thức kết hợp, sự hứng khởi của sinh viên đã dẫn đến việc bỏ qua các quy tắc và ít chú ý đến an toàn, do đó các ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng đáng kể. Hơn nữa, việc hồi sinh cuộc sống sinh viên trong khuôn viên trường được chú ý chủ yếu ở những trường đại học hàng đầu tại những quốc gia có thu nhập cao, điều này góp phần làm gia tăng bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Các trường đại học ở khắp nơi đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng, bởi các khoản chi bổ sung do COVID-19, bởi thất thu học phí, và bởi ngân sách càng ngày càng bị cắt giảm. Vì những lý do này, cho dù không thực hiện những thay đổi mang tính cách mạng, các trường đại học cũng không thể trở lại hiện trạng như trước đại dịch. Những thay đổi sẽ xảy ra, những cải cách sẽ được thực hiện, nhưng sẽ diễn ra từ từ và với sự định hướng chủ động và chú ý đến tiếng nói của sinh viên, của giảng viên và của thế giới bên ngoài.

Tương lai của hoạt động nghiên cứu

Mặc dù chỉ một thiểu số nhỏ trong số hơn 20 ngàn trường đại học trên thế giới có sứ mệnh nghiên cứu rõ nét, hoạt động nghiên cứu được thực hiện trong các trường đại học có tầm quan trọng trung tâm đối với những trường đại học nghiên cứu cũng như đối với xã hội. Các trường đại học trên khắp thế giới hiện đang tham gia vào nghiên cứu COVID-19, và đa số những chuyên gia y tế công cộng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông toàn cầu là những giáo sư đại học. Nhìn chung, các trường đại học được bảo vệ khỏi việc chính trị hóa hoạt động khoa học – điều đang xảy ra ở một số quốc gia – và đang được công nhận là những nhân tố đóng góp chính vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu gay gắt nhất thời hiện đại. Đại dịch đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu. Simon Marginson (Giáo dục Đại học Quốc tế, số #104) viết: “Hợp tác nghiên cứu toàn cầu là một tin tốt lành trong thời kỳ khó khăn”. Nếu xem xét 30 nhóm đang nghiên cứu về vắc-xin ​​hiện nay, ta sẽ thấy tất cả đều phụ thuộc vào quan hệ đối tác quốc tế của những nhà nghiên cứu làm việc trong những công ty đa quốc gia, viện nghiên cứu và trường đại học, tất cả những tổ chức này đều cần tiếp cận những bộ óc tốt nhất, thiết bị tinh vi nhất và cơ hội thử nghiệm ở các khu vực khác nhau của thế giới. Nỗ lực này thực sự mang tính toàn cầu và minh họa cho sự cần thiết toàn cầu hóa khoa học và học thuật.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng cho thấy việc giải quyết vấn đề này về cơ bản mang tính liên ngành, và các trường đại học là những tổ chức duy nhất có thể dễ dàng điều phối chuyên môn từ cả những ngành khoa học cứng (khoa học tự nhiên) và những ngành khoa học xã hội. Hơn nữa, hầu hết các học giả y tế cộng đồng theo định hướng nghiên cứu đều làm việc tại các trường đại học và các viện y tế đã đi đầu trong việc tìm hiểu những khía cạnh khác nhau của COVID-19. Các nhà khoa học xã hội thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế học, xã hội học, nhân chủng học và những lĩnh vực khác cũng tham gia cung cấp các kiến ​​thức chuyên môn cần thiết.

 

Do kinh tế suy thoái nghiêm trọng bởi đại dịch, kinh phí dành cho nghiên cứu có thể sẽ bị cắt giảm hơn nữa ở những nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, nơi kinh phí này vốn đã hạn hẹp.

 

Thách thức

Nhưng vẫn có những lo ngại. OECD đã cảnh báo rằng nếu sau COVID-19, số lượng và chất lượng của các nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ quốc tế bị giảm sút, hoạt động nghiên cứu sẽ suy yếu vì họ đang chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số cán bộ phòng thí nghiệm. Tài trợ ích lợi (fungding boon) đã được David Matthews dự đoán trong bài báo ngày 14 tháng 9 năm 2020 trên tạp chí Times Higher Education (“Một quỹ tài trợ kích cầu được thiết lập cho các trường đại học châu Âu”) sẽ chỉ là tương đối. Ngân sách nghiên cứu của Ủy ban châu Âu cho giai đoạn 2021-2027 có thể sẽ bị cắt giảm từ 94 tỷ euro xuống còn 86 tỷ do thỏa thuận về quỹ phục hồi giữa các nhà lãnh đạo châu Âu. Cũng có những lo ngại về những hành động theo chủ nghĩa dân tộc sẽ làm hạn chế hợp tác nghiên cứu quốc tế. Những ví dụ kịch tính nhất thể hiện trong mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và giữa Úc và Trung Quốc, và trong việc một số chính phủ tìm cách tránh né phân phối vắc xin theo cách công bằng.

Do kinh tế suy thoái nghiêm trọng bởi đại dịch, kinh phí dành cho nghiên cứu có thể sẽ bị cắt giảm hơn nữa ở những nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, nơi kinh phí này vốn đã hạn hẹp. Một ngoại lệ có thể là Trung Quốc và chủ yếu trong lĩnh vực khoa học cứng, do những khoản đầu tư lớn gần đây vào các trường đại học nghiên cứu và những dấu hiệu ban đầu của sự phục hồi kinh tế – nhưng những ràng buộc đối với tự do học thuật trong khoa học xã hội và nhân văn khiến nghiên cứu liên ngành gặp rủi ro.

Đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu — giữa sinh viên, giảng viên và các trường – và giữa các quốc gia. Giải quyết xu hướng tiêu cực này “sẽ đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, những thay đổi cấu trúc và cam kết đồng lòng từ tất cả các học giả, các bên liên quan, các trường đại học và các quốc gia trên thế giới” (Xin Xu, “Tác động của Đại dịch COVID-19 đối với Nghiên cứu Toàn cầu, “Giáo dục Đại học Quốc tế, số # 104).