Việt Nam: nguồn nhân lực như một dạng tài sản công

Nguyen Hong Chi là trưởng Bộ môn tiếng Anh tại Đại học FPT Cần Thơ, Việt Nam. E-mail:chinh6@fe.edu.vn.

Tóm tắt: Từ những năm 1990, Việt Nam đã sử dụng và khuyến khích sự đóng góp từ các nguồn nhân lực khác nhau như một yếu tố chính để tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia cho sự phát triển bền vững. Nguồn nhân lực đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của đất nước. Thông thường nguồn nhân lực vẫn được coi là một dạng tài sản tư, giờ đây trở thành một tài sản xã hội được chính phủ Việt Nam sử dụng để xây dựng hình ảnh chính trị của mình như một nhà nước xã hội chủ nghĩa dân chủ và tiến bộ.

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động có kỹ năng. Mặc dù có dân số đông – 90,7 triệu theo số liệu điều tra năm 2014, chỉ 6,9% dân số có trình độ đại học và 0,2% sau đại học. Năm 2011, Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định 579/QĐ–TTg, trong đó phê duyệt chiến lược phát triển nguồn nhân lực từ năm 2011 đến năm 2020. Quyết định này coi nguồn nhân lực là tài sản quan trọng nhất để phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Tham vọng cải thiện lực lượng lao động có tay nghề

Để đạt được mục tiêu này, chính phủ Việt Nam đã tăng chi tiêu cho giáo dục từ 3,57% năm 2000 lên 5,7% năm 2013, và giáo dục vẫn tiếp tục là ngành được hỗ trợ nhiều nhất từ ngân sách nhà nước. Phần lớn kinh phí được đầu tư vào việc cải thiện chất lượng để 10 trường đại học trong nước đạt được đẳng cấp quốc tế và để 4 trường khác đạt đẳng cấp thế giới vào năm 2020. Giáo dục đại học được mở rộng, với sự gia tăng số lượng cơ sở giáo dục đại học từ 103 vào năm 1993 lên 322 vào năm 2007 và 419 vào năm 2014. Số lượng sinh viên theo học trong các trường cao đẳng và đại học đã tăng từ 133 ngàn vào năm 1987 lên 2,12 triệu vào năm 2015. Điều này đạt được thông qua quan hệ hợp tác học thuật với các trường đại học nước ngoài, kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân, cung cấp những chương trình học thuật dạy bằng tiếng Anh và hợp tác với những trường đại học đẳng cấp thế giới. Chính phủ cũng khuyến khích giảng viên và sinh viên đi du học bằng hình thức học bổng trong nước và quốc tế, hoặc bằng kinh phí tự túc.

Số lượng giảng viên đại học có bằng tiến sĩ dự kiến sẽ tăng lên 35% vào năm 2020. Dự án 911 (tiếp nối của Dự án 322) tài trợ học bổng toàn phần cho 10 ngàn giảng viên theo học chương trình tiến sĩ tại các trường đại học đẳng cấp thế giới, 3 ngàn giảng viên theo học chương trình tiến sĩ “sandwich” (chương trình sandwich thường bao gồm thời gian nghiên cứu ở quê nhà), và 10 ngàn giảng viên khác theo học các chương trình tiến sĩ tại các trường đại học trong nước từ năm 2010 đến năm 2020. Dự án 165 khởi xướng vào năm 2008 cung cấp học bổng du học cho các nhà lãnh đạo (hoặc những cá nhân dự định trở thành lãnh đạo) trong ngành giáo dục. Thông qua các chương trình học tập ở nước ngoài, họ mong muốn tăng cường kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng lãnh đạo, cũng như tìm hiểu những cơ hội hợp tác quốc tế. Nếu ứng viên trong chương trình này được nhận vào một chương trình sau đại học tại đại học nước ngoài, họ được cấp học bổng toàn phần.

Tháng 10/2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định 6143/QĐ–BGD&ĐT tài trợ cho 1015 sinh viên vùng Đồng bằng sông Cửu Long đi du học (81,3% học chương trình thạc sĩ, còn lại là tiến sĩ). Từ khi bắt đầu vào năm 2005 cho đến tháng 4 năm 2015, dự án này đã cử 502 sinh viên theo học các chương trình thạc sĩ và 50 người khác theo học các chương trình tiến sĩ tại 160 cơ sở giáo dục đại học ở 23 quốc gia (51% ở châu Âu, 24% ở châu Á, 19% ở Úc và 6% ở Bắc Mỹ).

Một chiến lược khác của chính phủ Việt Nam là đưa lao động có kỹ năng sang làm việc ở những nước khác.

Một chiến lược khác của chính phủ Việt Nam là đưa lao động có kỹ năng sang làm việc ở những nước khác. Những lao động có tay nghề được khuyến khích làm việc ở nước ngoài một thời gian để giúp củng cố quan hệ đa phương với bạn bè quốc tế và tăng thu ngân sách quốc gia. Năm 2011, kiều hối do lao động Việt nam có tay nghề và lực lượng lao động bán kỹ năng làm việc ở nước ngoài gửi về đạt 2 tỷ USD. Chuyển tiền của kiều bào Việt Nam đạt 9 tỷ đô la Mỹ, chiếm 8% GDP của Việt Nam. Nếu trước cải cách kinh tế năm 1986 ra nước ngoài là đặc quyền của những người được chọn lọc, thì hiện nay học tập hoặc làm việc ở nước ngoài đang được tận dụng để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động trong nước và thay đổi hình ảnh chính trị của Việt Nam trên trường toàn cầu, với tư cách là một nước cộng sản dân chủ và tiến bộ.

Cách tiếp cận hai hướng

Để tạo điều kiện và kiểm soát sự trở về của những nguồn nhân lực này, chính phủ thực hiện cách tiếp cận hai hướng. Một mặt, các cá nhân được khuyến khích và hỗ trợ trong học tập hoặc làm việc ở nước ngoài. Mặt khác, để giảm thiểu việc sinh viên và người lao động không về nước, chính phủ đã ban hành một số nghị định (ví dụ Nghị định 81/2003/NĐ-CP và 144/2007/NĐ-CP) đưa ra một hình phạt tài chính và nếu họ quá hạn trở về, cấm họ ra nước ngoài trong 5 năm tiếp theo. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu những sinh viên được nhận học bổng quốc tế và/hoặc học bổng trong nước ký hợp đồng làm việc ở Việt Nam. Sau khi hoàn thành chương trình học, họ phải làm việc tại Việt Nam trong thời hạn gấp ba lần so với thời gian học tập ở nước ngoài, mặc dù thời hạn này có thể thỏa thuận tùy theo nhu cầu lao động của địa phương. Mọi vi phạm những hợp đồng này đều có thể dẫn đến bị khiếu kiện, yêu cầu đền bù tài chính và phạt vi phạm.

Chính phủ cũng kêu gọi người Việt ở nước ngoài đóng góp kinh tế và tri thức thông qua những chiến lược nhắm mục tiêu đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Quyết định 40/2004/QH11 năm 2004 đề xuất những kế hoạch hào phóng cấp phép cho người nước ngoài gốc Việt thường trú hoặc cư trú tạm thời tại Việt nam. Ví dụ, họ có thể thuê nhà dài hạn ở Việt Nam, thành lập các chi nhánh công ty của họ, cũng như được giảm thuế và được hỗ trợ pháp lý. Quyết định này cũng công bố việc thành lập các trung tâm nghiên cứu tiên tiến tại hai trường đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhằm thu hút các nhà nghiên cứu trong nước và từ nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Từ tháng 7 năm 2009, kiều bào Việt Nam có thể được giữ quốc tịch Việt Nam nếu quốc gia nơi họ đang cư trú cho phép có hai quốc tịch. Họ được hưởng đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam. Từ năm 2014, Nghị định 87/2014/NĐ-CP cho phép các tỉnh thành thuê mướn những thành viên có tay nghề cao của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nếu những cá nhân này đã có bằng sáng chế về nông nghiệp và công nghệ, xuất bản quốc tế hoặc có trình độ tiến sĩ. Đổi lại, những cá nhân này được nhận lợi ích tài chính, chỗ ở và điều kiện làm việc đầy hứa hẹn.

Nguồn nhân lực như một tài sản xã hội đa chức năng

Việt Nam hiện đang phát triển, sử dụng và giữ gìn nguồn nhân lực như một loại hàng hóa để tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia. Nói cách khác, loại hàng hóa này không chỉ thuộc sở hữu cá nhân – nó là một lợi ích xã hội được chia sẻ. Nó có thể đo lường được và thể hiện nỗ lực của chính phủ trong việc tham gia vào cuộc chạy đua toàn cầu về nhân tài và thay đổi hình ảnh chính trị của Việt Nam thành hình ảnh một đất nước dân chủ. Nó là sản phẩm được tạo ra bởi nỗ lực chung của nhà nước Việt Nam, của chính phủ những quốc gia đang duy trì quan hệ song phương với Việt Nam, của các trường đại học trong và ngoài nước, cũng như của chính sinh viên và người lao động, những người được dẫn dắt bởi hệ tư tưởng chính trị của nhà nước Việt Nam. Theo quan điểm của nhà nước, lực lượng lao động kỹ năng cao cần thông thạo ngoại ngữ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và hình thành những mối liên hệ ở nước ngoài để mang lại lợi ích cho sự phát triển đất nước. Theo nghĩa đó, việc đầu tư và sử dụng nguồn nhân lực đều được định hướng về mặt chính trị. Nguồn nhân lực, như vậy, không chỉ là tài sản của cá nhân, mà là một loại tài sản đa chức năng mang tính đại diện cho xã hội. Nó cho phép đất nước mở rộng hình ảnh của mình như một quốc gia xã hội chủ nghĩa thân thiện về chính trị và công tác ngoại giao.