Guo Congbin là giáo sư tại Khoa Giáo dục sau đại học và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dữ liệu Giáo dục, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. E-mail: cbguoguo@pku.edu.cn.
Tóm tắt: Trong 25 năm qua, hệ thống giáo dục đại học tinh hoa Trung Quốc được chú trọng phát triển một cách hệ thống và được hỗ trợ bởi nhiều dự án, như Dự án 211 & 985, Liên đoàn C9 và Kế hoạch hạng nhất kép. Các trường đại học tinh hoa của Trung Quốc nhanh chóng nở rộ trong giai đoạn này và một số trong đó được xếp vào những trường đại học hàng đầu thế giới. Bài viết này giới thiệu khái quát về những dự án giáo dục đại học tinh hoa của Trung Quốc.
Nhiều sinh viên đặt hy vọng vào một nền giáo dục Ivy League, mặc dù chỉ một số ít đủ khả năng thực hiện ước mơ của họ vì tính chất cạnh tranh cao của những trường đại học này. Ở Trung Quốc, tương đương nhóm Ivy League là những trường đại học được xếp hạng trong “Dự án 211”, “Dự án 985” và bản nâng cấp mới nhất – “Kế hoạch hạng nhất kép”.
Dự án 211 & 985
Vào đầu những năm 1990, Trung Quốc đưa ra chiến lược quốc gia “trẻ hóa đất nước thông qua khoa học và giáo dục”. Dự án 211 được khởi động vào năm 1995, đặt ra mục tiêu có tầm nhìn xa là phát triển được khoảng 100 cơ sở giáo dục đại học và các ngành quan trọng khi bước sang thế kỷ 21. Kinh phí cần thiết để thực hiện Dự án 211 đến từ nhà nước, các bộ ngành và từ chính các cơ sở giáo dục đại học. Những ngành học có tầm quan trọng đối với quốc gia được ưu tiên phát triển và những trường được chọn tham gia cũng được ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Sau những kết quả tích cực của Dự án 211, chính quyền trung ương đặt ra mục tiêu cao hơn cho giáo dục đại học – đó là Dự án 985. Dự án được đặt tên như vậy vì ra mắt vào tháng 5 năm 1998 tại lễ kỷ niệm 100 năm của Đại học Bắc Kinh. Từ năm 1999 đến năm 2013, Dự án 985 được thực hiện 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu là 1999–2002 chuyển tiếp vào năm 2003; giai đoạn thứ hai 2004–2008 chuyển tiếp vào năm 2009; và giai đoạn ba 2010–2013. Đáng chú ý là không có mô tả hoặc hướng dẫn cụ thể công khai nào về cách lựa chọn một trường đại học để tham gia Dự án 985. Trong giai đoạn đầu, Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải và một số trường khác được chọn là lứa trường đầu tiên của Dự án 985, tiếp theo là Đại học Vũ Hán, Đại học Hạ Môn, Đại học Tôn Trung Sơn, Đại học Nam Đài, và các trường khác được chọn vào lứa thứ hai. Trong giai đoạn hai, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, Đại học Quốc gia Trung ương và Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc đã lọt vào hàng ngũ những trường đại học thuộc Dự án 985. Nói chung, những trường đại học và cao đẳng nào tham gia Dự án 985 càng sớm thì càng nhận được nhiều hỗ trợ về tài chính. Dự án 211 và 985 mang lại một số kết quả đáng chú ý. Trong vòng hai thập kỷ, nó đã thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của các trường đại học Trung Quốc với tư cách là các trường và các ngành cụ thể. Kết quả là, Trung Quốc hiện đã trở thành quốc gia đứng thứ hai, chỉ sau Hoa Kỳ, về số lượng các ấn phẩm khoa học toàn cầu xuất hiện trong Chỉ số trích dẫn Khoa học (SCI), Chỉ số Kỹ thuật (EI), và Chỉ số Trích dẫn Kỷ yếu Hội nghị Khoa học (CPCI-S). Hơn nữa, trong thập kỷ sau năm 1995, số lượng cán bộ giảng dạy và sinh viên tăng lên đáng kể, và những trường đại học nằm ở vùng sâu vùng xa và kém phát triển đã thành công trong việc thu hút thêm tài năng.
Liên đoàn C9
Chín hiệu trưởng của những trường đại học thuộc Dự án 985 đã tổ chức Hội thảo Xây dựng Đại học Hạng Nhất đầu tiên vào năm 2003, trong đó Liên đoàn C9 được thành lập. Liên đoàn C9 bao gồm Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Nam Kinh, Đại học Chiết Giang, Đại học Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Giao thông Tây An. Liên đoàn C9 đại diện cho phân khúc hàng đầu của hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc. Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính đã dành nguồn tài chính đáng kể cho các trường đại học C9 để biến họ thành những trường đại học đẳng cấp thế giới bằng cách cải cách thể chế quản trị, tăng cường các nền tảng nghiên cứu và thúc đẩy trao đổi và hợp tác quốc tế. Những trường đại học thuộc Liên đoàn C9 nhận được khoảng một nửa tổng số tiền tài trợ của Dự án 985 trong mỗi giai đoạn của dự án. Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đã nhận được số tiền tương đương 250 triệu đô la Mỹ cho Dự án 985 trong giai đoạn đầu tiên, và một khoản tương đương như vậy trong giai đoạn thứ hai và tăng lên khoảng 375 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn thứ ba. Ngoài ra, vào năm 2009, những trường đại học này đã ký một thỏa thuận về “Hợp tác và trao đổi tinh hoa giữa các trường Đại học Hạng nhất ”để chia sẻ tài nguyên học thuật và nuôi dưỡng những tài năng sinh viên hàng đầu. Theo thỏa thuận này, họ có thể trao đổi sinh viên đại học và sau đại học, tổ chức Trường hè C9 để tạo hiệu ứng thương hiệu và thu hút sinh viên tài năng, đồng thời thành lập trang web hợp tác lưu trữ để chia sẻ tài nguyên học thuật và đánh giá luận văn.
Kết quả đạt được rất đáng chú ý. Về xếp hạng toàn cầu, các trường đại học của Trung Quốc đại lục lọt vào tốp 200 của Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS từ 2012 đến 2019 và tốp 200 của Bảng Xếp hạng Đại học Thế giới từ năm 2018 đến năm 2019 đều là các trường đại học thuộc Liên đoàn C9. Trong bảng xếp hạng QS, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa nói riêng tăng lần lượt từ vị trí 46 và 47 vào năm 2012 lên vị trí 41 và 25 vào năm 2015, và tiếp tục cải thiện lên vị trí 30 và 17 vào năm 2019. Trong bảng xếp hạng THE, xu hướng tương tự diễn ra với Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, lần lượt từ vị trí 49 và 71 năm 2012 lên vị trí 42 và 47 năm 2015. Năm 2019, hai trường đại học này đạt hạng 31 và hạng 22.
Kế hoạch hạng nhất kép
Sau khi kết thúc Dự án 985 vào năm 2013 và giai đoạn chuyển tiếp ba năm từ 2014 đến 2016, Trung Quốc đưa ra chiến lược mới nhất của mình vào năm 2017 – “Kế hoạch hạng nhất kép” (Double First-Class Plan – DFP), với ý định thành lập số lượng lớn những trường đại học và ngành học đẳng cấp thế giới vào cuối năm 2050. Hiện đã có 137 thực thể DFP, trong số đó 42 trường đại học hạng nhất, và 95 ngành học hạng nhất. Các trường đại học DFP được phân bổ đồng đều hơn về mặt địa lý so với các trường đại học thuộc Dự án 985. Từng tham gia vào Dự án 985 ban đầu, Đại học Trịnh Châu ở khu vực đồng bằng trung tâm, Đại học Vân Nam ở khu vực tây nam, và Đại học Tân Cương ở khu vực tây bắc được chọn vào DFP. Ở mức độ nhất định, điều này bù đắp cho sự thiếu sót của Dự án 985 liên quan đến những trường cao đẳng, đại học ở miền Trung và miền Tây. Quy trình lựa chọn vào DFP minh bạch hơn, với việc thành lập hội đồng và sự tham gia của các bên thứ ba. Hơn nữa, đây là một cơ chế cạnh tranh có tính đến hiệu suất hoạt động của các trường đại học trong những năm gần đây. Các trường đại học DFP được chia thành Loại A và Loại B như một cách khuyến khích để tiếp tục những biện pháp cải tiến.
DFP hiện đã trở thành một nguồn tham khảo quan trọng đối với chính phủ cũng như các doanh nghiệp và trường đại học khi cần tìm kiếm nhân tài.
DFP hiện đã trở thành một nguồn tham khảo quan trọng đối với chính phủ cũng như các doanh nghiệp và trường đại học khi cần tìm kiếm nhân tài. So với Dự án 985 & 211, DFP có những thay đổi trong phương thức đầu tư tài nguyên và hệ thống quản lý. Kế hoạch này chuyển dịch từ đầu tư nguồn lực theo định hướng của chính phủ sang phương thức đa dạng hơn. Đồng thời cố gắng tạo ra một hệ thống quản lý cùng được xây dựng bởi chính phủ, các trường đại học, các tổ chức xã hội, công chúng và các bên thứ ba, để cho phép thị trường từng bước thúc đẩy phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học. Nói cách khác, chính phủ muốn thay đổi vai trò của mình, từ vai trò ra quyết định thành điều phối và tạo ra một môi trường công bằng hơn để thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên thị trường của các trường đại học. Bên cạnh đó, DFP triển khai hệ thống quản lý động ngân sách điều chỉnh liên tục, để thường xuyên theo dõi và đánh giá hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn, bên trong và bên ngoài. Cuối cùng, thay vì được phân phối đồng đều như trước đây, khoản đầu tư vào DFP được ưu tiên phân bổ cho những trường đại học và những ngành có tiêu chuẩn cao và đặc thù riêng, để phát triển những ngành học có lợi thế và củng cố những ngành mà chiến lược quốc gia và nền công nghiệp đòi hỏi.
Trên con đường tiến bộ, tiền có quan trọng không?
Trở lại năm 1995, khi Dự án 211 được khởi động, nguồn thu ngân sách của Trung Quốc vào khoảng 75,2 tỷ đô la Mỹ. Tua nhanh đến năm 2017 khi DFP được thành lập, con số này đã tăng vọt thành khoảng 2,69 nghìn tỷ đô la Mỹ. Mặc dù rất khó ước tính tổng dự toán ngân sách dành cho những trường đại học hàng đầu, tỷ lệ tài trợ dành riêng cho giáo dục đã tăng lên đáng kể. Đây là điều đáng chú ý, bởi vì chỉ bảy thập kỷ trước, bốn phần năm dân số Trung quốc còn đói nghèo và mù chữ.
Mặc dù tình hình tài chính đã được cải thiện đáng kể, giáo dục đại học Trung Quốc vẫn cần giải quyết một số vấn đề. Cần hợp lý hóa hệ thống quản lý tài trợ cho đại học, chẳng hạn bằng cách đơn giản hóa thủ tục xem xét tài trợ và quy trình đánh giá, cấp thêm quyền quyết định cho các nhà nghiên cứu và tạo ra môi trường nghiên cứu thoải mái hơn để họ được lựa chọn và điều chỉnh các phương pháp tiếp cận nghiên cứu, trao cho họ quyền sở hữu hoặc toàn quyền sử dụng kết quả nghiên cứu, v.v… Mặc dù các trường đại học Trung Quốc không còn bị thiếu hụt ngân sách, tăng quyền tự chủ trong việc sử dụng quỹ dành cho nghiên cứu sẽ kích thích ý thức chủ động và đổi mới của họ.