Cần thiết hơn bao giờ hết: quốc tế hóa giáo dục về y tế

Anette Wu là trợ lý giảng dạy Khoa Bệnh học và Sinh học Tế bào, giám đốc sáng lập Chương trình Trao đổi và Hợp tác Quốc tế đào tạo các Lãnh đạo Chăm sóc Sức khỏe Toàn cầu, Đại học  Columbia, New York. E-mail: aw2342@caa.columbia.edu. Geoffroy P.J.C. Noel là phó giáo sư, trưởng ban Khoa học Giải phẫu, Khoa Giải phẫu học, Đại học McGill, Montreal, Canada. E-mail: geoffroy.noel@mcgill.ca. Betty Leask là giáo sư danh dự Đại học La Trobe University, Melbourne, Australia, giáo sư thỉnh giảng Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (2018–2020), Boston College. E-mail: leaskb@bc.edu. Lisa Unangst, PhD. tốt nghiệp tiến sỹ ngành giáo dục quốc tế tại Boston College, nghiên cứu sau tiến sỹ tại đại học Ghent, Bỉ. E-mail: unangstl@bc.edu. Edward Choi, PhD. tốt nghiệp tiến sỹ ngành giáo dục quốc tế tại Boston College. E-mail: eddie.chae@gmail.com. Hans de Wit là giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College. E-mail: dewitj@bc.edu.

Tóm tắt

Làm thế nào để quốc tế hóa giáo dục y tế toàn cầu? Bài viết này xem xét vấn đề dưới góc nhìn của Hoa Kỳ, chỉ ra những khác biệt giữa hai khái niệm – đôi khi có điểm trùng lặp – là sức khỏe toàn cầu và quốc tế hóa chương trình đào tạo ngành y tế, đồng thời đề xuất một cách tiếp cận liên ngành. Không kết hợp quốc tế hóa vào giáo dục y khoa sẽ làm hạn chế hiểu biết của sinh viên ngành y về những vấn đề toàn cầu, xã hội, văn hóa và đạo đức liên quan đến thực hành và nghiên cứu y học, không chỉ trong thời gian đang diễn ra đại dịch, còn xa hơn thế.

Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật nhu cầu hợp tác quốc tế hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu y sinh và chăm sóc bệnh nhân. Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu đòi hỏi sự hữu hiệu trong giao tiếp quốc tế, đủ năng lực chuyên môn và hiểu biết văn hóa (địa phương, quốc gia và quốc tế) để lãnh đạo và vận hành công tác chăm sóc sức khỏe, phản ứng y tế công cộng toàn cầu nhanh chóng, và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu y khoa và công nghệ sinh học. Hơn bao giờ hết, những kiến thức/kỹ năng này không còn là tùy chọn, mà là những thành phần thiết yếu cần được đưa vào chương trình giáo trình đào tạo y tế toàn cầu.

Định nghĩa quốc tế hóa giáo dục y tế

Hiện nay, quốc tế hóa giáo dục y tế là một thuật ngữ rộng được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ở Hoa Kỳ thuật ngữ này được sử dụng khi đề cập đến những chương trình y tế toàn cầu, chủ yếu là những sáng kiến ​​Bắc-Nam cấp toàn cầu, hoặc những dự án nhằm giải quyết những vấn đề xã hội tác động đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, quốc tế hóa giáo dục y tế nên bao gồm mọi khía cạnh của quốc tế hóa, những vấn đề liên văn hóa và quốc tế có ảnh hưởng đến thực hành chuyên môn và giáo dục y tế tại địa phương cũng như toàn cầu. Quốc tế hóa giáo dục y tế cần cũng nên bao gồm cả những nước thu nhập cao cũng như trung bình và thấp.

Với môi trường chăm sóc sức khỏe hiện tại, quốc tế hóa giáo dục y tế giúp nâng cao nhận thức về những thách thức y tế quốc tế, tạo nền tảng cho sự hợp tác và trao đổi quốc tế, đồng thời đưa ra quan điểm toàn cầu về thực hành y tế cho sinh viên để thế hệ chuyên gia y tế tiếp theo có thể làm việc hiệu quả và hợp tác trong những vấn đề sức khỏe thế giới.

Quốc tế hóa giáo dục y tế và sức khỏe toàn cầu — hai lĩnh vực riêng biệt

Trong thế giới ngày nay, việc sử dụng thay thế cho nhau những thuật ngữ “quốc tế hóa giáo dục y tế”, “sức khỏe toàn cầu” hoặc “giáo dục sức khỏe toàn cầu” đã không còn phù hợp. Mặc dù quốc tế hóa giáo dục y tế và y tế toàn cầu có những điểm chung, hai lĩnh vực này có nhiều khác biệt. Quốc tế hóa giáo dục y tế là một khái niệm giáo dục, là khuôn khổ và phương tiện để đạt được mục tiêu quốc tế trong giáo dục y tế – không phải là một mục tiêu tự thân. Nhờ quốc tế hóa giáo dục y tế, năng lực y tế sẽ cải thiện sức khỏe toàn cầu. Trong khi đó, được hiểu là một lĩnh vực công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe, định nghĩa cổ điển về sức khỏe toàn cầu bao gồm việc cải thiện các khía cạnh sức khỏe cho mọi người trên toàn thế giới. Mặc dù những mục tiêu cuối cùng của giáo dục sức khỏe toàn cầu và quốc tế hóa giáo dục y tế có những điểm chung (ví dụ năng lực văn hóa), quốc tế hóa giáo dục y tế tập trung vào những khía cạnh so sánh và phân tích những khác biệt giữa các quốc gia về chăm sóc sức khỏe (ví dụ hệ thống y tế quốc tế, kinh tế, luật , đạo đức, và thước đo kết quả) và về hiểu biết quốc tế. Trong ngữ cảnh này, quốc tế hóa giáo dục y tế chú trọng nghiên cứu những khác biệt chính giữa các quốc gia, trong khi các vấn đề sức khỏe toàn cầu không xem xét phân biệt quốc gia.

Mục tiêu và kết quả

Quốc tế hóa giáo dục y tế là một quá trình tối quan trọng để đảm bảo các bác sĩ tương lai hành nghề y trong một tham chiếu toàn cầu. Nó cung cấp nền tảng và khuôn khổ cho sự lãnh đạo và hợp tác quốc tế, đồng thời trang bị cho các bác sĩ những kỹ năng trong lĩnh vực văn hóa, nhằm mục tiêu cải thiện chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới và nâng cao sức khỏe toàn cầu.

Mục tiêu và kết quả của quốc tế hóa giáo dục y tế bao gồm, nhưng không giới hạn, sự cải thiện nhận thức về những khác biệt xã hội, văn hóa và đạo đức; nhận biết và tôn trọng sự khác biệt giữa các hệ thống chăm sóc sức khỏe; hiểu rõ những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu; chuyên sâu về nghiên cứu y sinh toàn cầu; xây dựng mạng lưới quốc tế, năng lực lãnh đạo và hợp tác. Nhờ đó, các bác sĩ và lãnh đạo y tế có thể hành nghề với tư cách những nhà y tế có tư tưởng toàn cầu và có trách nhiệm với xã hội.

Cho đến nay, thực trạng giáo dục quốc tế trong các trường y vẫn rời rạc, không có những yêu cầu thống nhất, nội dung giáo dục quốc tế cũng khác nhau, không có những hướng dẫn hoặc định dạng thống nhất.

Các nhà giáo dục quốc tế cần nhận thức được tầm quan trọng của việc tập trung phát triển kiến thức cho sinh viên y khoa về những vấn đề xã hội, văn hóa và đạo đức liên quan đến nghiên cứu và thực hành y tế. Tuy nhiên, bất chấp tiềm năng tác động tích cực đến việc chăm sóc sức khỏe toàn cầu, hướng đến những mục tiêu và kết quả nói trên vẫn chưa được coi là ưu tiên chung của giới nghiên cứu trên thế giới.

Lời kêu gọi quốc tế hóa giáo dục y tế

Cho đến nay, thực trạng giáo dục quốc tế trong các trường y vẫn rời rạc, không có những yêu cầu thống nhất, nội dung giáo dục quốc tế cũng khác nhau, không có những hướng dẫn hoặc định dạng thống nhất. Các bài nghiên cứu được công bố chủ yếu trong các tập san chuyên ngành (như điều dưỡng và y tế công cộng), ít xuất hiện trên các tạp chí y khoa. Để nâng cao nhận thức về những khía cạnh toàn cầu của y học, quốc tế hóa giáo dục y tế cần có vị trí trong chương trình giảng dạy chính thức của trường y và phải là một lĩnh vực chính thức trong nghiên cứu giáo dục.

Những nội dung quốc tế hóa phải là một phần thiết yếu của giáo dục y tế, không phải là phần ngoại khóa/tùy chọn của các trường y. Những yếu tố quốc tế hoá phải là môn học bắt buộc. Cũng không nên coi đó là một trong những nội dung cạnh tranh để được đưa vào chương trình. Nhiều trường đang đồng nghĩa những chương trình du học ngoại khóa của sinh viên với nội dung quốc tế hóa giáo dục y tế. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ sinh viên có thể tham gia vào những chương trình ngoại khóa này. Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận như vậy là chưa đủ và kêu gọi cách tiếp cận phổ biến toàn cầu dành cho tất cả sinh viên và các nhà giáo dục y tế.

Quốc tế hóa giáo dục y tế có thể đạt được ở nhiều cấp độ trong học thuật – cấp chính phủ và cấp trường, trong trường đại học, trong giảng viên và sinh viên – trong và ngoài nước. Không có cách tiếp cận nào là “phù hợp với tất cả”. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, các nhà giáo dục y tế, các nhà giáo dục sức khỏe toàn cầu và nghiên cứu khoa học xã hội cần hợp tác với nhau để đưa ra những khuôn mẫu và phương pháp thực hành tốt nhất và phù hợp nhất cho từng trường và từng quốc gia — trong mối quan hệ liên ngành và quốc tế. Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi cho rằng đây là lĩnh vực ưu tiên cao của nghiên cứu giáo dục và thực hành nghề nghiệp.

Chương trình giảng dạy của trường y nhất thiết phải được thiết kế và thực hiện trên cơ sở những nghiên cứu về thiết kế chương trình, giảng dạy, học tập và quốc tế hóa. Ngoài ra, việc triển khai chương trình cũng đòi hỏi các nhà giáo dục y tế phải có năng lực quốc tế và đa văn hóa. Như chúng ta đã hiểu ra vào năm 2020, thành công của việc chăm sóc sức khỏe toàn cầu trong tương lai phụ thuộc vào năng lực hợp tác và quốc tế của thế hệ lãnh đạo y tế tiếp theo. Không kết hợp quốc tế hóa giáo dục y tế vào đào tạo y khoa sẽ hạn chế tiềm năng phát triển hiểu biết của sinh viên y khoa về các vấn đề xã hội, văn hóa và đạo đức toàn cầu liên quan đến thực hành và nghiên cứu y tế — cản trở giáo dục đại học y tế đóng góp vào việc định hình nền y tế thế giới và cải thiện sức khỏe toàn cầu.