Dana Downey là trợ lý trưởng khoa về các vấn đề sinh viên và là giám đốc Trung tâm Phát triển Nghề nghiệp, Đại học New York, Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. E-mail: downe174@umn.edu.
Tóm tắt: Tham gia vào phong trào toàn cầu phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và sự bất công mang tính hệ thống, sinh viên đại học trên thế giới đang cung cấp sự hỗ trợ và thể hiện tình đoàn kết thông qua các hoạt động. Thái độ tích cực này được hình thành dựa trên lịch sử sinh viên luôn là lực lượng thúc đẩy ý thức cộng đồng về những vấn đề xã hội và gieo mầm cho những thay đổi chính sách. Những sự kiện đang diễn ra tạo cơ hội cho các trường đại học toàn cầu xúc tác những hành động công khai, bằng cách chỉ ra nạn phân biệt chủng tộc đã được thể chế hóa và hỗ trợ cho những nỗ lực địa phương.
Vào tháng 5 năm 2020, thế giới bùng nổ trong sự đau đớn trước cái chết của một người Mỹ da đen tên George Floyd ở Minneapolis, Minnesota. Ngoài biên giới Hoa Kỳ, vụ giết người thương tâm đã khơi dậy những cuộc biểu tình ôn hòa tại Amsterdam, Auckland, Berlin, Paris, Sao Paulo và Tokyo – nâng cao nhận thức của công chúng về sự áp bức và bất công thâm căn cố đế. Đông đảo sinh viên tham gia vào phong trào #BlackLivesMatter (Cuộc sống của người da đen cũng quan trọng) với tư cách là người sáng lập, người vận động và người hỗ trợ. Trong các khuôn viên đại học, sinh viên kiến nghị các tổ chức giáo dục nâng cao ý thức về chủng tộc và chống lại những bất công mang tính hệ thống. Họ kêu gọi có nhiều đại diện hơn trong đội ngũ giảng viên và quản lý cấp cao, kết hợp truyền thông kỹ thuật số với in ấn, và yêu cầu các trường đại học cam kết giải quyết những hiện tượng phân biệt đối xử ở tầm vi mô, cùng những yêu cầu khác.
Vai trò của các phong trào sinh viên
Trong lịch sử, phong trào sinh viên đóng vai trò quan trọng trong việc vận động quần chúng để thay đổi xã hội. Mặc dù sinh viên có thể không phải là nhân vật trung tâm trong những phong trào này, nhưng họ đã định hình thông điệp và ý thức hệ, từ Lời cam kết thanh niên năm 1928 (Sumpah Pemuda) ở Indonesia, nơi sinh viên trong số những người đầu tiên chính thức lên tiếng chống thực dân, đến các cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên trên đường phố Budapest năm 1956, trước khi diễn ra cuộc cách mạng Hungary. Gần đây hơn, tiếng nói của sinh viên có ảnh hưởng trong Cách mạng Cam của Ukraine. Dù có rất nhiều ví dụ về phong trào sinh viên diễn ra một cách văn minh và có trật tự, không phải lúc nào cũng như vậy. Một số cuộc nổi dậy do sinh viên lãnh đạo vào giữa thế kỷ 20 có bản chất bạo lực hơn, bao gồm những cuộc biểu tình của sinh viên Thái Lan nhằm lật đổ nhà lãnh đạo vào năm 1973, và sinh viên dân quân bắt con tin ở Iran vào năm 1979. Mặc dù lịch sử phong trào sinh viên bị ngắt quãng, sự tham gia của sinh viên vào những thay đổi xã hội vẫn luôn là một chủ đề lịch sử dai dẳng.
Trên toàn cầu, phong trào chống phân biệt chủng tộc có mối liên hệ mật thiết với các trường đại học.
Cùng với việc đại chúng hóa giáo dục đại học, thành phần sinh viên ưu tú chiếm tỷ lệ thấp hơn, phương thức học tập linh hoạt hơn và nội dung ít tập trung hơn, một số người đã dự đoán các phong trào sinh viên sẽ suy giảm. Thực tế không như vậy. Tiếng vang của những cuộc biểu tình gần đây tại Minneapolis, nơi sinh viên yêu cầu cơ sở giáo dục của họ cắt đứt quan hệ với sở cảnh sát địa phương, đã dội qua Đại Tây Dương tới Đại học Oxford, khơi lại những ý kiến phê phán nguồn gốc và lịch sử của Học bổng Rhodes. Tại Đại học New York Abu Dhabi, một trường khai phóng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, vốn không có nền văn hóa đa số, sinh viên đang kêu gọi một sự thừa nhận thể chế rằng bất bình đẳng chủng tộc là vấn đề toàn cầu, không chỉ của riêng người Mỹ.
Trên toàn cầu, phong trào chống phân biệt chủng tộc có mối liên hệ mật thiết với các trường đại học. Phong trào Vidas Negras Importam – Phiên bản Brazil của #BlackLivesMatter, đang lên tiếng hưởng ứng trong các khuôn viên đại học và tích cực tổ chức các cuộc biểu tình ở Brazil. Phong trào #BlackLivesMatter ở Nottingham được khởi đầu như một mối quan hệ đối tác hoạt động xã hội – học thuật giữa thành phố và cộng đồng đại học, và phong trào #BlackLivesMatter thậm chí đã được Đại học Sydney ở Úc trao Giải thưởng Hòa bình Sydney 2017.
Đáng chú ý là hầu hết các phong trào sinh viên đều được bản địa hóa, liên quan đến một vấn đề địa phương tương tự sự tàn bạo của cảnh sát hoặc kỳ thị người da đen và xảy ra ở bắc bán cầu. Những vấn đề đó là kết quả cộng hưởng của những ảnh hưởng thuộc địa và tân thực dân, một dòng chảy ngầm tại những khu vực này có thể nhận thấy trong các tài liệu học thuật. Sinh viên đang nói lên sự thật đối với quyền lực.
Phản hồi của trường đại học
Cùng với sự quốc tế hóa các khu học xá và dịch chuyển du học toàn cầu, lực lượng sinh viên trở nên đa dạng hơn bao giờ hết về nhân khẩu học. Điều này giúp giảm thiểu sự khác biệt về chủng tộc, ngay cả khi những câu chuyện về sự đa dạng được khuếch đại như một viễn cảnh không tưởng. Những sự kiện gần đây đã biến từ ngữ thành kinh nghiệm sống của nhiều người, và sinh viên đang đòi hỏi sự phản hồi từ nền giáo dục đại học toàn cầu.
Khi đông đảo sinh viên tìm cách đối mặt với sự bất bình đẳng được thể chế hóa và thái độ đồng lõa của các trường đại học, những tổ chức này nhận thức được rằng im lặng là một tuyên bố mạnh mẽ có thể gây nguy hại cho mục tiêu quốc tế hóa của họ. Thu hút sinh viên từ những nhóm xã hội thiểu số và sinh viên quốc tế là một việc khó, và còn khó hơn trong giai đoạn đại dịch này.
Các trường đại học thường phản hồi theo cách cả công khai và trực tiếp đến cá nhân. Tại Vương quốc Anh, Đại học Manchester đã gửi thư ngỏ cho sinh viên tái khẳng định cam kết của trường về sự đa dạng và khuyến khích sinh viên tích cực trình báo về những hành vi phân biệt chủng tộc. Tổ chức Rhodes Trust của Đại học Oxford đã đưa ra một tuyên bố điểm lại những thành kiến trước đây cũng như sự tiến bộ, đồng thời công bố những cam kết mới về những hành động cụ thể trong những bước tiếp theo. Đại học Tây Úc đã ban hành một tuyên bố kêu gọi chấm dứt tình trạng nhiều người da đen (bao gồm cả người Úc bản địa) bị chết ở nơi giam giữ, là nơi sự tàn bạo của cảnh sát thường xuyên được ghi nhận. Đại học New York Abu Dhabi đã chuyển thông điệp của mình đến các tân sinh viên, để chỉ ra sự bất bình đẳng về chủng tộc là một thực tế tiềm tàng của giáo dục đại học mà họ sẽ phải chủ động đối mặt trong thời gian là sinh viên. Những cam kết hành động và thông điệp công khai này nhằm đánh dấu ý định nhiều hơn là sự thay đổi có thể đo lường được, nhưng chúng bao hàm trách nhiệm giải trình.
Thay đổi đang kết tinh
Dấu vết của sự bất công trong các học xá và những chênh lệch được khuếch đại bởi toàn cầu hóa và đại chúng hóa từ lâu đã được các học giả giáo dục đại học ghi lại. Mặt khác, trường đại học được coi là cỗ máy sản xuất lợi ích công, tạo ra những lợi ích xã hội và lợi ích công cộng như nâng cao chất lượng cuộc sống công dân, gắn kết xã hội và tôn trọng sự đa dạng. Với năng lực nghiên cứu, vai trò là cầu nối và sáng tạo tri thức, và tầm ảnh hưởng to lớn của mình đối với sinh viên, các trường đại học có vị trí đặc biệt thúc đẩy những phong trào như thế này.
Khi ý thức về chủng tộc trên toàn cầu ngày càng mạnh mẽ, các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự gắn kết với địa phương và chỉ ra những bất bình đẳng nội bộ. Các phong trào cho đến nay đã chứng tỏ mối quan tâm dai dẳng và sâu sắc, nhưng kết quả nghiên cứu có thể cung cấp cơ sở và thông báo sự thay đổi chính sách, là nơi khởi đầu những thay đổi mang tính hệ thống. Do đó, các trường đại học cũng buộc phải có một cái nhìn nội tại sâu sắc và lâu dài, đánh giá một cách nghiêm khắc vai trò đồng lõa của mình và tìm kiếm cách thức để làm tốt hơn.
Vì sao tất cả những điều này đến nay mới kết tinh? Có thể bởi vì vụ việc đã được ghi lại bằng máy quay video, hoặc có liên quan đến sự vô nhân đạo thiếu hiểu biết của cảnh sát, hoặc liên kết của họ với nhà nước? Có thể bởi vì đại dịch đã kích động thái độ cảnh giác? Dù thế nào đi nữa, hòa nhập là nhu cầu hàng ngày, là mối quan tâm hàng đầu của thập kỷ và gắn chặt với tương lai của giáo dục. Giáo dục đại học toàn cầu không thể bỏ lỡ cơ hội hành động này.