Trung Á: vượt ngưỡng với các tốc độ khác nhau

Farkhad Alimukhamedov là Thực tập sinh sau Tiến sĩ tại LaSSP, Science Po Toulouse và LabEx SMS, Đại học Toulouse, Pháp. E-mail: farkhadalimukhamedov@univ-toulouse.fr.

Tóm tắt: Hệ thống giáo dục đại học ở các nước Trung Á nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi mang tính toàn cầu. Các trường đại học quốc tế mới ra đời và tỷ lệ cao sinh viên đi du học là những bước đi đầy hứa hẹn của quá trình quốc tế hóa tại khu vực không giáp biển này. Nói chung, những diễn biến gần đây cho thấy tầm quan trọng của chất lượng, của việc công nhận và hợp tác khoa học trong khu vực, bất chấp những khác biệt trong chính sách quốc tế hóa của các quốc gia.

Mặc dù nằm sâu trong lục địa, các quốc gia Trung Á vẫn bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi mang tính toàn cầu trong quá trình định hình chính sách giáo dục đại học của mình. Tuy cùng trải qua những thách thức tương tự trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi Liên Xô tan rã, 5 nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã xây dựng chính sách quốc tế hóa cho mình với những khác biệt rõ rệt. Ví dụ, năm 2010, Kazakhstan gia nhập Tuyên bố Bologna và trở thành thành viên Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu, trong khi đó năm 2013 Turkmenista thông qua chính sách hệ thống giáo dục đại học chỉ gồm hai bậc – cử nhân và thạc sỹ.

Những thay đổi lớn bắt đầu từ những bước nhỏ. Đầu những năm 1990, một số trường đại học (như Đại học KIMEP ở Kazakhstan và Đại học Trung Á ở Kyrgyzstan) và các khoa (trường) trong khu vực bắt đầu cung cấp chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Vài năm sau đó, các trường đại học mới với đối tác nước ngoài (Đại học Kỹ thuật Kazakhstan-Anh quốc, Đại học Kyrgyz–Xlavơ) và phân hiệu của các trường đại học nước ngoài (Đại học Quốc tế Westminster và Đại học Bách khoa Turin ở Uzbekistan) được hình thành trong khu vực. Hiện tại, chính phủ ba nước này đã thực hiện những cải cách đáng kể trong việc công nhận văn bằng, tuyển dụng nhân lực quốc tế  và tuyển sinh quốc tế, thể hiện sự quan tâm đến quốc tế hóa. 

Du học: ưu tiên hàng đầu của quốc tế hóa

Hoạt động du học đóng vai trò quan trọng trong cả 5 quốc gia. Hiện nay, đa số sinh viên Trung Á đang học tập ở nước ngoài là những người “đi lại tự do”. Số lượng này có thể tăng lên trong những năm tới do những tổ chức tham gia vào hoạt động du học quốc tế trong khu vực ngày càng tăng, rào cản du học nước ngoài giảm đi, và quá trình công nhận nhanh hơn. Theo Viện Thống kê UNESCO, với tỷ lệ sinh viên du học nước ngoài chiếm hơn 10%, tỷ lệ đi du học của sinh viên Trung Á đang cao nhất thế giới. Trong năm 2016, có khoảng 90 ngàn sinh viên Kazakhstan ở nước ngoài (và khoảng 70 ngàn vào năm 2019), chiếm tỷ lệ ròng trên 11%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mục tiêu 20% tổng số sinh viên Kazakhstan đi du học vào năm 2020 mà Chiến lược Dịch chuyển Học thuật ở Kazakhstan 2012-2020 đề ra. Mặc dù số lượng sinh viên Uzbekistan ở nước ngoài thấp hơn so với Kazakhstan (34 ngàn trong 2017), nhưng tỷ lệ sinh viên đi du học – ở mức trên 12% – đang tăng lên đều đặn. Turkmenistan là quốc gia duy nhất trong khu vực có số sinh viên học tập ở nước ngoài (47.456 trong năm 2014) lớn hơn số lượng sinh viên trong nước. Dữ liệu của UNESCO cho thấy ngoại trừ Kyrgyzstan, quốc gia có số sinh viên quốc tế đến lớn hơn số sinh viên đi du học – 3397 sinh viên đến vào năm 2017, bốn quốc gia còn lại đều chỉ “gửi sinh viên đi”.

Nga là quốc gia nòng cốt đối với các nước hậu Xô Viết

Nga tiếp nhận gần 60% sinh viên của các nước Trung Á. Vị trí ưu việt có được nhờ vào chất lượng và thứ hạng tương đối tốt của các trường đại học Nga, bên cạnh các lý do lịch sử, thực tế và ngôn ngữ. Dữ liệu của Web of Science cho thấy Nga là đối tác khoa học chính của Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan. Tiến sĩ Maia Chankseliani, Phó Giáo sư về giáo dục quốc tế và so sánh của Đại học Oxford, giải thích hiện tượng du học của sinh viên thời hậu Xô Viết theo thuyết hệ thống thế giới: “Tuy không thuộc nhóm những quốc gia nòng cốt thế giới, Nga lại là quốc gia nòng cốt đối với các nước hậu Xô Viết”.

Với tư cách là một nhóm, sinh viên Trung Á không chọn được quốc gia nào là điểm đến chính thứ hai. Nhiều yếu tố như sự ổn định chính trị và hiệu quả kinh tế, học phí và chi phí sinh hoạt ở nơi đến có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn của họ. Ví dụ, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn du học của sinh viên Turkmen và một phần dòng du học sinh đã chuyển hướng sang Belarus. Cộng hòa Séc, Latvia, Hungary và Ba Lan cũng trở thành những điểm đến du học, cho thấy động lực đang thay đổi khi các nước Trung Âu ngày càng quan tâm đến việc thu hút sinh viên quốc tế. Số lượng sinh viên Kazakhstan đến Cộng hòa Séc và sinh viên Uzbek đến Latvia ngày càng tăng, cho thấy sinh viên Trung Á đang tìm đến những điểm du học mới. Sự lựa chọn quốc gia đến du học cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cơ hội có việc làm ngay lập tức, bởi vì sinh viên được phép làm việc bán thời gian – một yếu tố quan trọng đối với những sinh viên phải tự trang trải chi phí học tập, sinh hoạt.

Quốc tế hóa: chiến lược với những mục tiêu dài hạn

Ở phần lớn các quốc gia Trung Á, tiến trình quốc tế hóa đang đến gần cột mốc quan trọng, chuyển dần từ công cụ thành mục tiêu. Chính phủ và các tổ chức giáo dục đại học đang thể hiện những thay đổi cơ bản và nỗ lực tập trung vào những thay đổi cấu trúc. Quốc tế hóa được coi là một cách để cung cấp giáo dục có chất lượng tốt hơn và giới thiệu những xu hướng giảng dạy và phương pháp nghiên cứu mới. Bằng việc đặt ra những mục tiêu chất lượng, hợp tác khoa học quốc tế và sự hài hòa, chính phủ Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbek thể hiện sự quan tâm đến vai trò ngày càng được nâng cao của giáo dục như một phương tiện mở rộng năng lực giao tiếp giữa các nền văn hóa và hiểu biết về các nền văn hóa khác. Các dữ liệu dựa trên Scimago về hoạt động của các nước Trung Á cũng cho thấy kết quả nghiên cứu của họ đang ngày càng phụ thuộc vào sự hợp tác quốc tế. Kết quả là Kazakhstan, quốc gia dẫn đầu về số lượng sinh viên đi du học, cũng đang trở thành quốc gia dẫn đầu tiếp nhận sinh viên quốc tế đến với số lượng ngày càng tăng. Theo Bộ Giáo dục và Khoa học Kazakhstan, năm 2019, các trường đại học Kazakhstan đã tiếp đón hơn 25 ngàn sinh viên, nhiều hơn 9 ngàn so với năm trước.

Bảng xếp hạng quốc tế và sự công nhận quốc tế đóng một vai trò ngày càng tăng trong các chiến lược và kế hoạch quốc gia về giáo dục đại học. Mặc dù bảng xếp hạng học thuật cho thấy các trường đại học Trung Á hầu như không nằm trong danh sách các trường hàng đầu, nhưng đáng chú ý là sự hiện diện của hai Trường Đại học Kazakhstan trong số 1400 trường đại học hàng đầu theo bảng xếp hạng quốc tế Times Higher Education năm 2020. Theo bảng xếp hạng quốc tế QS năm 2020, có 10 Trường Đại học Kazakhstan lọt vào số 1000 trường hàng đầu, cho thấy những nỗ lực nâng cao vị thế của giới hàn lâm và các nhà làm chính sách. Uzbekistan cũng quyết tâm thúc đẩy quá trình quốc tế hóa của mình bằng cách cung cấp thêm những điều kiện thuận lợi cho các trường đại học nước ngoài (ví dụ miễn cho họ tất cả các loại thuế cho đến năm 2023).

Hiện tại, các trường đại học Trung Á cố gắng tận dụng mọi cơ hội xuất hiện thông qua quốc tế hóa. Kết quả của Erasmus+ cho thấy các chương trình Trao đổi Sinh viên Quốc tế và Xây dựng Năng lực có tỷ lệ tham gia ở Trung Á (đặc biệt là ở Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan) cao hơn so với nhiều quốc gia châu Á khác. Việc hợp tác với Liên minh châu Âu có thể thúc đẩy hợp tác trong khu vực và mở ra những cơ hội mới. Hợp tác ba bên với các trường đại học đối tác bên ngoài (từ Nga, Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ) trong những khuôn khổ du học mới cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ du học liên khu vực và bản sắc khu vực trong giới trẻ Trung Á.

Tóm lại, quá trình quốc tế hóa của khu vực nằm sâu trong lục địa này cho thấy bên cạnh hoạt động du học, những yếu tố quan trọng khác như chất lượng và hợp tác quốc tế đã có tầm quan trọng tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đang ở những giai đoạn khác nhau trong tiến trình quốc tế hóa và khác biệt giữa họ có thể sẽ tăng thêm.