Hans de Wit là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: dewitj@bc.edu. Bài viết này dựa trên một nghiên cứu của CIHE theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới, được xuất bản dưới dạng ấn bản CIHE Perspectives số 12: Hans de Wit, Laura E. Rumbley, Daniela Crăciun, Georgiana Mihut và Ayenachew Woldegiyorgis: Bản đồ quốc tế về các chiến lược và kế hoạch quốc tế hóa giáo dục đại học quốc gia (NTEIPs), 2019.
Tóm tắt: Tại những nước có thu nhập thấp và trung bình, các chính sách quốc tế hoá tầm quốc gia thường được phát triển theo trình tự từ trên xuống dưới, và đều định hướng theo trục Nam – Bắc. Hầu hết các chính sách và kế hoạch đều tập trung vào hoạt động dịch chuyển học thuật. Và ở mức độ nào đó “bắt chước” nhiều khía cạnh của mô hình phương Tây mà những nước có thu nhập cao thường giữ vai trò thống lĩnh. Nếu quan tâm nhiều hơn đến hợp tác khu vực và tập trung mạnh hơn vào quốc tế hoá chương trình giảng dạy trong nước, những quốc gia này có thể thoát khỏi những khuôn mẫu đã được thiết lập.
Chính phủ các quốc gia ngày càng coi quốc tế hoá giáo dục đại học là một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và danh tiếng. Trong bối cảnh sinh viên và giảng viên dịch chuyển nhiều hơn, ngày càng tăng sự hiện diện của các phân hiệu đại học và các nhà cung cấp giáo dục quốc tế, cạnh tranh gay gắt để thu hút nhân tài quốc tế, các tổ chức giáo dục đại học và chính phủ các nước đang cố gắng thúc đẩy và định hướng quốc tế hóa.
Các chiến lược và kế hoạch quốc tế hóa giáo dục đại học ở tầm quốc gia thể hiện những nỗ lực trực tiếp và rõ ràng nhất của các chính phủ nhằm giữ vai trò quyết định và chủ động, nhưng có những khác biệt quan trọng trong cách tiếp cận, các lý do căn bản và các ưu tiên của họ. Chúng ta có thể nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ đến quốc tế hoá trong các chương trình nghị sự của chính phủ các quốc gia như Úc, Canada, Pháp, Đức, New Zealand và Hà Lan.
Cuộc tổng điều tra toàn cầu do Crăciun thực hiện (2018) về những chính sách quốc gia cụ thể đã tiết lộ rằng chỉ 11% các quốc gia có chiến lược quốc tế hoá chính thức, phần lớn được áp dụng trong thập kỷ qua. Những chiến lược này chủ yếu được phát triển ở những nước có thu nhập cao – ¾ là các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Các quốc gia châu Âu dẫn đầu trong việc thúc đẩy tư duy chiến lược quốc tế hoá ở tầm quốc gia – 2/3 các chính sách quốc gia đều từ khu vực này.
Điều này không có nghĩa là những quốc gia khác chưa thực hiện các biện pháp thúc đẩy quốc tế hoá. Thực tế là, để hỗ trợ tiến trình quốc tế hoá, rất nhiều nước đã thực hiện cả những biện pháp trực tiếp (ví dụ đánh giá lại chính sách thị thực nhằm dành những ưu đãi cho sinh viên và học giả quốc tế, thiết lập những thoả thuận song phương và đa phương thông qua các bản ghi nhớ, và thúc đẩy giáo dục xuyên quốc gia thông qua các thoả thuận tự do thương mại) và những biện pháp gián tiếp (ví dụ hỗ trợ quốc tế hoá trong các cuộc đàm luận chính trị và cấp quyền tự chủ cho các trường đại học theo đuổi hoạt động quốc tế hoá).
Chính sách quốc gia với vai trò chất xúc tác
Chiến lược và hoạch định quốc tế hoá chủ yếu vẫn được xây dựng ở cấp độ trường. Thực tế, trong hầu hết các trường hợp, các trường đều tiến hành quốc tế hoá trước khi kế hoạch quốc gia hình thành. Ở những nơi đã có kế hoạch quốc gia, các trường đại học có thể hoạt động phù hợp hoặc xung đột với chúng. Chính sách quốc gia có thể đóng vai trò như chất xúc tác hoặc như rào cản đối với quá trình quốc tế hoá, nhưng hầu hết được coi là một yếu tố tích cực thúc đẩy quốc tế hoá. Chiến lược quốc gia kết hợp quốc tế hoá với các ưu tiên quốc gia quan trọng, như tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân hỗ trợ đáp ứng các mục tiêu chiến lược quốc gia thông qua quốc tế hóa. Nói tóm lại, các chiến lược và hoạch định quốc tế hóa quốc gia không chỉ cung cấp một cái nhìn tổng quan tốt về các biểu hiện của quốc tế hóa, chúng còn định hình các hành động chính.
Tuy nhiên, sẽ là một nhận định sai lầm nếu cho rằng những kế hoạch quốc gia này đều có chung những lý do căn bản và cách tiếp cận. Sự khác biệt luôn tồn tại giữa và trong các nhóm các quốc gia có thu nhập cao, thấp và trung bình, liên quan đến chính sách và thực tiễn. Ngoài ra, sự khác biệt còn thể hiện trong việc chính sách rõ ràng hay không và cách thực hiện chính sách đó; một vài quốc gia có kế hoạch được văn bản hóa chi tiết, trong khi một số khác dường như không có kế hoạch nhưng các hành động thực hiện lại được xác định cụ thể.
Những chỉ tiêu quan trọng
Nhìn chung, tài liệu nghiên cứu nêu ra một vài chỉ số chính có thể dùng để hệ thống hóa các chính sách quốc tế hóa quốc gia:
Sự tham gia của chính phủ: Chính phủ có thể tham gia trực tiếp (ví dụ thông qua các văn bản chính sách cụ thể để thúc đẩy quốc tế hoá và bằng cách dành nguồn quỹ đầu tư cho riêng mục tiêu này) hoặc gián tiếp (ví dụ hỗ trợ quốc tế hoá ở mức độ còn rời rạc và cho phép các trường đại học theo đuổi quốc tế hoá, nhưng bằng chi phí của chính họ).
Các bên liên quan: Các bên liên quan có thể đến từ một hệ sinh thái rộng các bên tham gia liên quan đến giáo dục đại học, bao gồm các bộ (như là Bộ GIáo dục hay Bộ Ngoại giao), các cơ quan quốc gia khác, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế, các cơ quan và tổ chức khu vực, v.v…
Lịch sử: Mặc dù từ lâu chính phủ vẫn gián tiếp hỗ trợ quốc tế hoá, những hành động, chính sách và kế hoạch mang tính chiến lược và trực tiếp hơn chỉ mới xuất hiện gần đây.
Trọng tâm địa lý: Nhìn chung, quốc tế hóa đang ngày càng được khu vực hóa. Các chính sách của châu Âu là những ví dụ thực tiễn tốt nhất. Khi ta nhìn vào bức tranh toàn cầu, chiến lược quốc tế hoá tầm quốc gia đang rất thịnh hành tại châu Âu, nhưng lại không phổ biến ở các khu vực khác trên thế giới.
Trọng tâm chiến thuật: Một số chiến lược khá chung chung, trong khi những chiến lược khác có các tiêu điểm hoặc tuyến hành động cụ thể định hình khung phạm vi hoạt động hoặc lợi ích (ví dụ dịch chuyển học thuật trong hoặc ngoài nước).
Tính hiệu quả: Rất ít thông tin về tính hiệu quả của các chính sách quốc gia. Điều này có thể được giải thích bởi thực tế là hầu hết các chính sách đều mới, nên hầu như không có những nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của chúng trong vai trò như những công cụ. Do đó, bằng chứng thường mang tính tham khảo hoặc phụ thuộc vào các thước đo định lượng liên quan đến quốc tế hoá ở nước ngoài (ví dụ sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế).
Rất nhiều điểm dường như được vay mượn từ mô hình quốc tế hoá phương Tây như tập trung nhiều vào sự dịch chuyển, danh tiếng và thương hiệu, và quan hệ hợp tác Nam-Bắc. |
Bắt chước chính sách
Ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, các chính sách quốc gia thường được xây dựng theo trình tự từ trên xuống dưới, và chủ yếu định hướng hoạt động theo trục Nam-Bắc; và liên quan đến sự dịch chuyển trong nước (như trường hợp của Ấn Độ), hoặc đến sự dịch chuyển ra nước ngoài (như Brazil), hoặc cả hai. Trọng tâm của hầu hết các chính sách và hoạch định là sự dịch chuyển, tiếp đến là hợp tác nghiên cứu và xuất bản; các mạng lưới và đối tác liên kết; nâng cao chất lượng và hướng đến các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chiến lược “quốc tế hoá trong nước” và “quốc tế hoá chương trình giảng dạy”, cũng như các chính sách liên quan đến ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ quốc tế hầu như không có. Tương tự, những nội dung như công bằng xã hội, sự hòa nhập và bình đẳng cũng ít được quan tâm. Mặc dù số lượng những chính sách này tăng lên đáng kể, một số vẫn chỉ ở mức “bắt chước chính sách”, trong đó rất nhiều điểm dường như được vay mượn từ mô hình quốc tế hoá phương Tây như tập trung nhiều vào sự dịch chuyển, danh tiếng và thương hiệu và quan hệ hợp tác Nam-Bắc. Đồng thời, những chính sách “bắt chước” này dường như vẫn duy trì sự thống lĩnh của những quốc gia có thu nhập cao, thể hiện trong cấu trúc và các điều khoản của các chương trình học bổng, các ưu tiên địa lý, và các lựa chọn liên quan đến quan hệ đối tác trong giáo dục và nghiên cứu. Cần quan tâm nhiều hơn đến hợp tác khu vực (mạng lưới và quan hệ đối tác Nam-Nam), và tập trung mạnh hơn vào quốc tế hoá chương trình giảng dạy tại gia, để thoát khỏi mô hình quốc tế hoá của những nước có thu nhập cao, và xây dựng các chính sách và hành động dựa trên bối cảnh, văn hoá và thế mạnh của địa phương, quốc gia và khu vực.