Daniel Samoilovich là Giám đốc điều hành của Hiệp hội Columbus. E-mail: columbusnet@hotmail.com. Phiên bản đầy đủ của bài viết này có thể tìm thấy tại https://www.columbus-web.org/en/
Tóm tắt: Để chống chọi với cơn bão của đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo đại học nên xem xét tác động của nó đối với việc dạy và học, nghiên cứu và đổi mới, các cơ cấu ra quyết định và đối với vai trò của chính họ trong việc cung cấp cho cộng đồng học thuật một tầm nhìn mạnh mẽ. Như Shakespeare đã viết trong vở hài kịch As You Like It: “Nghịch cảnh vẫn đem đến những lợi ích ngọt ngào, giống như con cóc dù xấu xí và độc địa vẫn mang trong đầu một viên ngọc quý”.
Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng vai trò của các chuyên gia. Khoa học đang quyết định các chính sách công. Đồng thời, các nhà lãnh đạo ở tất cả các cấp đều tham gia chống chọi với cơn bão. Những phản ánh từ một số nhà lãnh đạo giáo dục đại học ở Mỹ La tinh, được trình bày trong bài viết này, gợi ý một số hướng dẫn thiết yếu cho các nhà quản lý cấp cao của giáo dục đại học.
Thay đổi bắt đầu từ việc hình thành ý thức về tình trạng khẩn cấp. Chắc chắn không thiếu những yêu cầu cấp bách trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Những thách thức quản lý đang tăng lên: cần đảm bảo tính liên tục của các lớp học; chuyển các tài nguyên giáo dục sang định dạng kỹ thuật số; tìm kiếm nguồn lực cho các bệnh viện thuộc đại học; huy động những nhóm nghiên cứu có tiềm năng cung cấp những đóng góp liên quan; trả lời phỏng vấn báo chí, chưa nói đến việc phải tranh luận với chính phủ về những quy định đối với giáo dục từ xa, hoặc tranh luận với công đoàn giảng viên, vốn không phải lúc nào cũng ủng hộ việc chuyển đổi kỹ thuật số do tác động của nó đến điều kiện làm việc. Những khó khăn chồng chất như vậy khiến cho các vị hiệu trưởng cảm thấy “bị thực tế nghiền nát”, như cách diễn đạt của một người trong số họ.
Đây sẽ là một giai đoạn thử nghiệm theo mọi nghĩa. Điều quan trọng là phải thay đổi cách tư duy và xác định các cơ hội trong khủng hoảng. Trong tình thế khẩn cấp, các vị hiệu trưởng và nhóm của họ nên áp dụng biện pháp “thử nghiệm và tìm hiểu”, sẵn sàng nhận diện những gì có tác dụng và những gì không, và thích nghi nhanh chóng, đồng thời trong quá trình, cũng tìm kiếm cơ hội để các trường đại học đóng góp cho cộng đồng và các tổ chức trong vùng lân cận. Điều này sẽ góp phần làm tăng uy tín của họ.
Khủng hoảng sẽ ảnh hưởng thế nào đến giáo dục đại học?
Các trường đại học phải cấp bách chuyển hoạt động dạy và học sang hình thức trực tuyến. Để thực hiện việc đó thành công, đào tạo giảng viên là vô cùng cần thiết, bằng chứng cho điều này là sự phổ biến rộng rãi của khóa học “Giúp lớp học thích ứng với môi trường ảo mà không cần gắng sức” do Columbus cùng với các trường đại học thành viên đồng tổ chức. Về cơ bản, đối với việc chuyển đổi sang phương thức kỹ thuật số, có thể thấy hai thái độ nổi bật: hành động đối phó, và chủ động ứng phó. Những tổ chức tiên tiến nhất có khả năng giám sát việc thực hiện những chương trình mới, giải quyết những khó khăn trong việc cung cấp các khóa học trực tuyến và giải quyết những vấn đề liên quan đến việc đánh giá kết quả học tập. Trong ngắn hạn, đặc biệt ở Mỹ La tinh, tạo cơ hội công bằng là một khía cạnh quan trọng của quá trình chuyển đổi: phương thức học tập từ xa gây khó khăn cho sinh viên ở những khu vực có kết nối hạn chế. Điều này cũng cho thấy các tổ chức công cần tăng cường trách nhiệm.
Tiếp tục các hoạt động học thuật ngụ ý đến việc huy động các nguồn lực và thiện chí. “Chúng ta có cam kết ban đầu và sự nhiệt thành của số đông”, một vị hiệu trưởng nói, “nhưng điều cần thiết lúc này là phương pháp sư phạm phản chu kỳ. Giữ động lực sẽ là then chốt”. Trong trung hạn, việc chuyển đổi phương thức hiện tại sẽ tác động thế nào đến mô hình dạy và học khi khủng hoảng qua đi? Giá trị của hình thức giáo dục mặt-đối-mặt chắc chắn sẽ được đánh giá lại. Sẽ có những giảng viên và sinh viên rất vui mừng khi quay lại với các lớp học truyền thống. Nhưng, không thể phủ nhận, lớp học ảo đang có được tính hợp pháp mới.
Mặc dù chúng ta chưa biết việc tổ chức các hoạt động học thuật sẽ thay đổi đến mức độ nào, nhưng cuộc khủng hoảng hiện tại chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến cơ cấu giáo dục đại học.
Nghiên cứu và đổi mới: khan hiếm nguồn tài trợ và những kỳ vọng xã hội
Trách nhiệm xã hội của các trường đại học hiện diện trong sự kết hợp phong phú giữa giảng dạy, nghiên cứu và đóng góp xã hội. Theo Dolly Montoya, chủ tịch của Đại học Nacional de Colombia: “điều quan trọng là cho thấy các trường đại học tích cực đồng hành và tham gia tư vấn cho các chính phủ, và giúp họ đưa ra những biện pháp đúng đắn, và đúng lúc. Đại học Nacional đã hình thành các tổ chức tư vấn chiến lược trong mọi lĩnh vực kiến thức, sẵn sàng bắt đầu công việc đánh giá và học hỏi từ cuộc khủng hoảng này để giúp định hình những chính sách công khi tất cả những điều này sẽ được khắc phục. Chúng tôi biết rằng thế giới sẽ không còn như trước”.
Cuộc khủng hoảng kinh tế nhìn thấy trước sẽ tác động đến việc tài trợ. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển sẽ phải cạnh tranh với các lĩnh vực công khác để có được nguồn lực đã trở thành khan hiếm, trong khi xã hội đặt nhiều kỳ vọng vào tác động kinh tế và xã hội của những hoạt động này. Những chính sách quốc gia và cơ chế thể chế mới định hướng tương lai cho những hoạt động này sẽ phải được xem xét và những lĩnh vực nghiên cứu chiến lược sẽ phải được xác định.
Thiết lập cơ cấu để đưa ra quyết định đồng thuận và hiệu quả
Hai ngày sau khi gửi thông điệp tới toàn thể cộng đồng học thuật về việc duy trì các hoạt động học thuật, hiệu trưởng của một trường đại học nổi tiếng ở Brazil đã nhận được thư ngỏ từ Công đoàn giảng viên. Lo ngại về tác động tiềm tàng của phương thức trực tuyến đối với điều kiện làm việc, công đoàn bày tỏ sự phản đối lời kêu gọi của Hiệu trưởng. Cuộc tranh luận này đã khiến một nhóm các học giả và chuyên gia, được tập hợp bởi Tập đoàn Cartagena, cho ra một Bản Tuyên ngôn về “Giáo dục đại học trước cuộc khủng hoảng Coronavirus.” Khủng hoảng yêu cầu một sự lãnh đạo mạnh mẽ. Tuy nhiên, lãnh đạo mạnh mẽ hơn đòi hỏi sự minh bạch cao hơn. Rất khó đưa ra quyết định trong thời kỳ hỗn loạn như những gì chúng ta đang trải qua, vì thế xem xét lại quy trình ra quyết định là cần thiết.
Rất khó đưa ra quyết định trong thời kỳ hỗn loạn như những gì chúng ta đang trải qua, vì thế xem xét lại quy trình ra quyết định là cần thiết. |
Các trường đại học có cơ cấu điều hành theo luật định: hội đồng quản trị, phòng ban hành chính, hội đồng học thuật, v.v… Không cần bỏ qua họ, các nhóm phản ứng nhanh và đa chức năng với mục tiêu rõ ràng và mục đích chung vẫn có thể góp phần tạo dựng niềm tin và đưa ra những quyết định phù hợp với các ưu tiên của tổ chức. Cuộc khủng hoảng này có thể là cơ hội để thử nghiệm những hình thức chia sẻ trách nhiệm, trong đó các nhà quản lý phối hợp với các lãnh đạo học thuật và lãnh đạo các bộ phận chức năng trong quá trình đánh giá quan điểm của các bên liên quan để quyết định phương hướng hành động.
Tạo ý thức cộng đồng và lãnh đạo từ xa
Để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên và giảng viên, cần duy trì ý thức về cộng đồng và mục đích chung. Cộng đồng là “nhà” đối với mỗi cá nhân. Cộng đồng bảo vệ, giữ gìn và tôn trọng các cá nhân. Cộng đồng tính đến nhu cầu của mọi người, bao gồm cả nhu cầu tình cảm. Nền tảng hình thành một nền văn hóa chăm sóc là có chung một mục đích và các mục tiêu thống nhất. Mặc dù các mục tiêu thay đổi ở cấp độ cộng đồng học thuật, việc giải quyết những vấn đề phổ biến nảy sinh trong cuộc khủng hoảng này và chia sẻ kinh nghiệm chung có thể góp phần xây dựng cộng đồng trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Các nhà lãnh đạo cần tiếp thêm năng lượng cho toàn bộ cộng đồng đại học bằng cách thiết lập một định hướng rõ ràng và truyền đạt nó một cách hiệu quả. Trình bày một tầm nhìn rõ ràng và đưa ra một viễn cảnh thực tế có thể tác động mạnh mẽ đến động lực trong toàn tổ chức. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo phải truyền cảm hứng và điều hành các bộ phận chức năng của họ trong công việc hàng ngày, dù không có mặt trực tiếp. Một cách để làm như vậy là tăng mức độ tương tác. Trong tình hình khẩn cấp này, nên tập hợp một nhóm quản lý khủng hoảng để hỗ trợ hiệu trưởng quyết định những biện pháp đối phó và chủ động.
Khi trường đại học trở lại bình thường, các thói quen mới sẽ phải hòa nhập trong trạng thái “bình thường mới”, tận dụng những cơ chế, văn hóa, quy trình và công nghệ hình thành trong giai đoạn khẩn cấp, kết hợp cả hai hình thức làm việc trực diện và từ xa.