Wondwosen Tamrat là Phó Giáo sư, Chủ tịch sáng lập của Đại học St. Mary, Ethiopia và chi nhánh PROPHE. E-mail: wonderwosentamrat@gmail.com hoặc preswond@smuc.edu.et. Damtew Teferra là Giáo sư về giáo dục đại học tại Đại học Kwazulu – Natal và là Giám đốc sáng lập của Mạng lưới quốc tế về giáo dục đại học ở châu Phi www.inhea.org. E-mail: teferra @ bc.edu hoặc teferra@ukzn.ac.za.
Bài viết này đã được đăng trong tờ World University News – là đối tác của IHE.
Tóm tắt: Bài viết này bàn về những thách thức và sự thiếu chắc chắn mà ngành giáo dục đại học châu Phi đang phải trải qua do sự bùng phát của đại dịch coronavirus và một số phản ứng cho đến nay.
Những diễn biến của đại dịch Coronavirus trở thành tin tức được theo dõi nhiều nhất ở châu Phi khi tình cảnh của các sinh viên người Phi tại Vũ Hán, Trung Quốc – nơi virus xuất hiện đầu tiên – trở thành mối quan tâm chính. Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán, đang có khoảng 5000 trong số gần 82 ngàn sinh viên châu Phi ở Trung Quốc.
Trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, những lo ngại chính của những quốc gia ở bắc bán cầu là đại dịch sẽ làm gián đoạn dòng du học sinh từ Trung Quốc và tác động đến các hệ thống giáo dục đại học của họ từ góc độ kinh tế. Những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của vi-rút bao gồm việc kéo dài hoặc lùi ngày bắt đầu học kỳ để ngăn sinh viên đến.
Hầu hết những phản ứng ban đầu của châu Phi tập trung vào việc hồi hương những sinh viên bị mắc kẹt ở Vũ Hán hoặc cung cấp hỗ trợ từ xa. Nigeria, Sénégal, Nam Phi, cũng như Algeria và các nước láng giềng Bắc Phi, đã thành công trong việc hồi hương sinh viên của họ, một thành tích nhận được nhiều sự ca ngợi. Những quốc gia thiếu sự chuẩn bị và không đủ nguồn lực để làm điều tương tự giữ thái độ im lặng trước dư luận ủng hộ việc hồi hương.
Phản ứng
Châu Phi chỉ bắt đầu coi đại dịch coronavirus là nghiêm trọng trong vài tuần gần đây, sau khi những trường hợp nhiễm đầu tiên được xác nhận. Những phản ứng ban đầu bao gồm đóng cửa các trường phổ thông và trường đại học từ giữa tháng ba. Ngày càng nhiều trường đại học trên khắp lục địa thành lập những lực lượng đặc nhiệm toàn tổ chức để giảm bớt tác động của đại dịch. Một số trường đang cố gắng tham gia vào những nghiên cứu cao cấp nhằm tìm cách chữa trị virus. Nhiều trường tìm cách chuyển sang dạy và học trực tuyến thông qua những sáng kiến cấp tổ chức, quốc gia, lục địa và quốc tế.
Hầu hết các kế hoạch đều ở giai đoạn ban đầu và đều kêu gọi tăng cường những nỗ lực hiện tại, thúc đẩy hợp tác rộng rãi hơn và chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên trên toàn lục địa. Hai nội dung chính có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch là giảng dạy trực tuyến, hiện đang được coi là một hình thức cung cấp giáo dục thay thế và tác động kinh tế của đại dịch đối với giáo dục đại học châu Phi.
Giảng dạy trực tuyến
Theo UNESCO, 9,8 triệu sinh viên châu Phi đang bị gián đoạn học tập do các tổ chức giáo dục đại học đóng cửa. Nguy cơ dịch bệnh lan rộng đã kích hoạt các tổ chức giáo dục thay đổi hình thức giảng dạy sang trực tuyến. Tuy nhiên, học tập qua mạng không đơn giản ở một lục địa nơi chỉ có 24% dân số truy cập Internet, và tình trạng kết nối kém, chi phí cắt cổ và mất điện thường xuyên là những thách thức nghiêm trọng.
Ngày càng nhiều trường đại học hợp tác với các nhà cung cấp Internet và chính phủ để vượt qua thách thức quan trọng này bằng cách đàm phán về việc không thu thuế đối với việc truy cập vào các trang web giáo dục và trang thông tin cụ thể, như trường hợp của Rwanda, Nam Phi và Tunisia. Ở cấp độ tổ chức, một số trường đại học, chẳng hạn như Đại học công lập Kwazulu-Natal ở Nam Phi và các trường đại học tư nhân như Đại học Ashesi ở Ghana, đang cung cấp các gói dữ liệu cho sinh viên và nhân viên của họ. Sử dụng kỹ thuật số hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp đáng kể và sự hỗ trợ nhanh chóng từ các nhà cung cấp dịch vụ của trường, của quốc gia, các tổ chức khu vực, các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và các nhà cung cấp CNTT duy trì các công cụ và nền tảng đó với chi phí thấp hoặc miễn phí.
Tạo điều kiện để hàng triệu sinh viên thiệt thòi được tiếp cận Internet phải trở thành ưu tiên quốc gia trong thời điểm khủng hoảng này. |
Điều nhất thiết phải làm là nghiêm túc tìm kiếm các phương tiện và phương pháp thay thế, để những sinh viên không có hoặc ít có điều kiện tiếp cận với giao tiếp điện tử không bị bỏ lại phía sau. Thực tế đau lòng này – khoảng cách kỹ thuật số – ở lục địa đen phải được thay đổi một cách chiến lược và có hệ thống: tạo điều kiện để hàng triệu sinh viên thiệt thòi được tiếp cận Internet phải trở thành ưu tiên quốc gia trong thời điểm khủng hoảng này.
Trong khi điều này đang hình thành, các trường cần phát triển một kế hoạch toàn diện và một hệ thống kiểm tra giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng các học giả và sinh viên sử dụng các nền tảng kỹ thuật số đúng mục đích. Nhiệm vụ này không thể chỉ dựa vào nhận thức của từng cá nhân riêng biệt.
Tác động đến kinh tế và giáo dục đại học
Cuộc nội chiến kéo dài, suy thoái kinh tế của châu Phi trong những năm 1970, những chương trình điều chỉnh cơ cấu trong những năm 1980 và sự thất bại của cuộc tranh luận về tỷ lệ hoàn vốn chỉ là một vài trong số những thách thức ảnh hưởng đến giáo dục đại học ở châu Phi. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, nhiều nền kinh tế đã bùng nổ. Một nửa trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu thuộc về lục địa này. Hiệu suất tăng trưởng của châu Phi (3,4% vào năm 2019) dự kiến sẽ tăng lên 3,9% vào năm 2020. Với trung bình 5% GDP quốc gia dành cho giáo dục (một trong những tỷ lệ cao nhất toàn cầu), khu vực châu Phi đã bắt đầu chứng kiến sự hồi sinh của ngành giáo dục đại học trước khi cuộc khủng hoảng bùng phát.
Hầu hết trong số 54 quốc gia châu Phi hiện đã xác nhận các trường hợp lây nhiễm và tử vong do COVID-19. Nhiều nước đã đóng cửa biên giới và cấm các chuyến bay quốc tế. Thương mại đang suy giảm ở mức báo động. Cộng hòa Dân chủ Congo, Rwanda, Nam Phi và Tunisia đã ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn. Dự báo kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế châu Phi có thể bị lỗ từ 90 tỷ đến 200 tỷ USD vào năm 2020, với GDP giảm xuống từ ba đến tám điểm. Ở Nam Phi, mức tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 1,5% trong hai tháng đầu tiên của đợt bùng phát do dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến các ngành kinh tế quan trọng như khai thác và du lịch. Việc Ethiopia mới đây thay mặt cho những quốc gia châu Phi tham gia diễn đàn G-20, yêu cầu khoản hỗ trợ khẩn cấp 150 tỷ USD, đóng băng lãi suất cho các khoản vay và xóa nợ – là một dấu hiệu cho thấy mối đe dọa lớn đối với các nền kinh tế của lục địa này.
Nhận thức và cơ hội
Với năng lực ít ỏi của các tổ chức, các quốc gia trong lục địa, hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém và lối sống quần tụ, tình hình có thể biến thành thảm họa nếu virus tiếp tục lây lan với tốc độ và cường độ như ở những quốc gia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khác. Rất dễ hình dung và dự đoán những tác động ghê gớm của một kịch bản tai họa như vậy.
Ảnh hưởng của đại dịch đối với gần 2000 cơ sở giáo dục đại học ở châu Phi không bị phóng đại quá mức. Nếu khủng hoảng kéo dài, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cam kết của các chính phủ đối với giáo dục đại học trước sự cạnh tranh của những đòi hỏi từ ngành y tế, kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên khác để phục vụ những bộ phận xã hội dễ bị tổn thương. Hơn nữa, hỗ trợ toàn cầu cho giáo dục đại học, hợp tác nghiên cứu và các chương trình hợp tác, thường hướng đến những lĩnh vực quan trọng như tăng cường các chương trình tiến sĩ, có thể bị cắt giảm.
Các cơ sở giáo dục đại học châu Phi cần phải làm nhiều việc hơn trong những tháng tới, trong khi đồng thời chiến đấu trên nhiều mặt trận. Bao gồm vượt qua những thách thức trước mắt của mối đe dọa COVID-19, tìm kiếm những cơ chế cải tiến để giảng dạy trực tuyến và lên kế hoạch đối phó với những tác động lâu dài của đại dịch đối với năng lực của trường. Sau đại dịch, việc phục hồi nguồn thu thông qua đóng góp tài chính của những người thụ hưởng dưới hình thức học phí hoặc trả nợ sẽ không dễ dàng, vì các nền kinh tế sẽ bị suy yếu nghiêm trọng – dù có thể thoát khỏi sụp đổ hoàn toàn. Việc mở rộng các trường đại học công lập sẽ bị đóng băng đột ngột. Các trường tư thục, phụ thuộc vào học phí và lệ phí, cũng sẽ gặp khó khăn, nhiều trường phải thu hẹp hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa, vì họ không hoặc nhận được rất ít sự hỗ trợ từ chính phủ.
Nhìn từ khía cạnh tích cực, đại dịch này và những biện pháp ứng phó để vượt qua nó có thể là chất xúc tác dẫn đến những thay đổi lâu dài trong giáo dục đại học châu Phi. Trong số những thay đổi khác, hình thức giảng dạy đa dạng, đặc biệt là mô hình trường ảo, trở nên chính thống hơn, dễ chấp nhận hơn và phù hợp hơn.