Giáo dục đại học Ấn Độ và COVID-19: những biện pháp ứng phó và thách thức

Eldho Mathews là Cố vấn đại diện tại Tổ chức Hợp tác Quốc tế, Viện Quản lý và Kế hoạch Giáo dục Quốc gia, New Delhi, Ấn Độ. E-mail: eldhomathews@gmail.com. Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Tóm tắt: Tác động của COVID-19 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kế hoạch chi tiết xử lý khủng hoảng và đảm bảo công bằng trong khi thúc đẩy giáo dục kỹ thuật số trong giáo dục đại học Ấn Độ. Dòng chảy du học sinh từ Ấn Độ đến các quốc gia khác có thể sẽ giảm đi nếu tình hình hiện tại không được cải thiện trong vòng một vài tháng.

Ấn Độ báo cáo xác định trường hợp lây nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 30 tháng 1 năm 2020, sau khi một sinh viên từ Trung Quốc trở về bang Kerala ở miền nam và xét nghiệm dương tính với virus này. Tác động của đại dịch và việc đóng cửa toàn quốc từ ngày 25 tháng 3 đang thách thức các cơ sở giáo dục đại học theo những cách mới và khác nhau.

Tác động được thể hiện trong sự thiếu chắc chắn to lớn từ cấp tổ chức đến cá nhân. Trên toàn quốc, các lớp học bị đình chỉ; các trường đại học đóng cửa; kỳ thi đại học dự kiến trong tháng ba và tháng tư bị hoãn lại; và lịch thi tuyển sinh cho năm học tiếp theo cũng thay đổi. Hầu hết các trường cho phép sinh viên quốc tế ở lại trong những ký túc xá họ đang sống, và điều kiện sinh hoạt ở những nơi này vô cùng lộn xộn. Cuộc khủng hoảng đang làm ảnh hưởng đến nhiều sinh viên đã nhận những công việc do trường sắp xếp. Đại dịch cũng tác động đến những sinh viên đã nhận thư mời nhập học từ các trường đại học nước ngoài cho năm học tiếp theo.

Đại dịch bùng phát nâng cao nhận thức của chính phủ và của các tổ chức giáo dục về tầm quan trọng không chỉ của việc quản lý rủi ro, mà còn của các chiến lược đối phó với khủng hoảng. Nhiều tổ chức khoa học đối phó với cuộc khủng hoảng với quyết tâm cao độ. Một số cung cấp những công cụ xét nghiệm COVID-19 rẻ hơn, những tổ chức khác tham gia vào những quá trình đổi mới đơn giản để chống lại đại dịch.

Phản ứng của nhà nước và các trường

Trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan như Ủy ban Tài trợ Đại học (UGC), chính phủ đã đưa ra những biện pháp chủ động để giải quyết các vấn đề phát sinh trong toàn ngành giáo dục đại học do đại dịch và giữ an toàn cho sinh viên và cộng đồng học thuật. UGC là tổ chức cao nhất chịu trách nhiệm duy trì các tiêu chuẩn trong giáo dục đại học. UGC đã đưa ra những chỉ thị hướng dẫn các tổ chức sắp xếp lại các kỳ thi, thiết lập các đường dây trợ giúp về sức khỏe tâm thần để hỗ trợ những sinh viên gặp bất ổn tâm lý và nói chung để đảm bảo an toàn cho sinh viên. UGC cũng thành lập một hội đồng chuyên gia để xem xét triển vọng của việc chuẩn bị một lịch học thay thế.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã vượt qua thách thức và đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ. Chính phủ trung ương đã phân bổ số tiền tương đương 27 triệu đô la Mỹ cho các tổ chức khoa học, ngành công nghiệp và các công ty khởi nghiệp để phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành y tế Ấn Độ là thiếu máy trợ thở. Chính trong bối cảnh này, một số tổ chức giáo dục Ấn Độ đã đề xuất một thiết kế cho máy thở cầm tay để cứu bệnh nhân COVID-19, với chi phí thấp nhất, từ 100 đến 300 USD mỗi chiếc.

Trong khi công ty ươm tạo Nocca Robotics (NIT) của Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) nghiên cứu phát triển một nguyên mẫu máy trợ thở, các nhà nghiên cứu tại IIT Guwahati thực hiện dự án phát triển vắc-xin. Các nhà nghiên cứu của IIT Bombay, cùng các cựu sinh viên, đã xây dựng một nền tảng- CORONTINE, để truy tìm những người có nguy cơ nhiễm/nghi nhiễm (không có triệu chứng) coronavirus. IIT Delhi quyết định chia sẻ tài nguyên của mình và đã kêu gọi những đề xuất sử dụng tài nguyên siêu máy tính PADUM cho nghiên cứu COVID-19. Trung tâm Công nghệ sinh học Rajiv Gandhi ở Kerala, một tổ chức nghiên cứu thuộc chính phủ trung ương, đang trong quá trình phát triển các bộ dụng cụ chẩn đoán xét nghiệm nhanh với chi phí thấp.

Đại dịch cũng tạo ra những cơ hội phát triển quan hệ đối tác quốc tế. Chẳng hạn, một giảng viên tại Đại học Shiv Nadar, Samit Bhattacharyya, đang hợp tác với các nhà khoa học từ những quốc gia khác nhau thực hiện cuộc khảo sát về COVID-19. Tương tự, Đại học Bennett đã tổ chức một hội nghị trực tuyến kéo dài một ngày với sự tham gia của các chuyên gia Ấn Độ và toàn cầu trong lĩnh vực y học, chính sách công và công nghệ.

Những thách thức của việc chuyển đổi kỹ thuật số

Các trường đại học và cao đẳng Ấn Độ hiện đã nhận ra tầm quan trọng của hình thức học tập trực tuyến và các chương trình đào tạo trực tuyến; và cuộc khủng hoảng mang đến hàng loạt cơ hội để họ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Nhiều trường đang sử dụng nền tảng học tập tích hợp SWAYAM của chính phủ và các kênh Giáo dục Trực tiếp Đến nhà SWAYAM PRABHA. Nhiều trường cung cấp các lớp học thông qua Google Meet và Zoom.

Quá trình chuyển đổi này cũng phơi bày những bất bình đẳng trong hệ thống. Một bức thư gửi cho giảng viên gần đây từ Suranjan Das, phó hiệu trưởng của Đại học Kolkata Jadavpur, phản ánh thực tế này. Tờ Telegraph cho biết Suranjan Das đã yêu cầu các giảng viên thận trọng khi tiến hành các lớp học trực tuyến hoặc chia sẻ nội dung số. Vị phó hiệu trưởng muốn các giảng viên xem xét nền tảng kinh tế xã hội của sinh viên trong quá trình dạy học, vì nhiều sinh viên không thể mua máy tính để dùng ở nhà. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo công bằng trong quá trình thúc đẩy học tập trực tuyến: trong khi tỷ lệ sử dụng Internet ở các khu vực đô thị Ấn Độ là 97,94%, thì ở khu vực nông thôn chỉ là 25,36%.

Cũng nên nói đến những chiến lược học tập và truyền thông mà một số tổ chức áp dụng để duy trì tính cạnh tranh. Viện nghiên cứu cơ bản Tata, Viện khoa học Ấn Độ (IISc) và Tata Memorial Center gần đây đã cho ra mắt một cổng thông tin khoa học chung để tập hợp các nguồn lực nhằm đối phó với sự bùng phát của COVID-19. Học viện quản lý kinh doanh Symbiosis ở Pune đã cho ra đời một chuỗi bài giảng đồng bộ trực tuyến có tên là “Học từ nhà” để kết nối sinh viên. Và đại học KREA đã giữ cho tất cả mọi người từ cán bộ giảng viên đến sinh viên và công chúng nói chung được cập nhật thông tin thông qua trang web chính thức.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu và trong mỗi quốc gia của giáo dục đại học và nghiên cứu để giải quyết những thách thức xã hội.

Định hướng tương lai

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu và trong mỗi quốc gia của giáo dục đại học và nghiên cứu để giải quyết những thách thức xã hội. Do đó, nghiên cứu khoa học thông qua quan hệ đối tác dự báo sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn trong tương lai như một ưu tiên chiến lược. Ở cấp quốc gia, những chương trình như Nghiên cứu tác động, Đổi mới và Công nghệ (IMPRINT), với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa kết quả nghiên cứu khoa học và việc biến chúng thành những đổi mới kỹ thuật và công nghệ, có thể sẽ được chú ý nhiều hơn. Có thể còn quá sớm để đánh giá tác động thực sự của đại dịch COVID-19 đối với việc dịch chuyển của sinh viên Ấn Độ. Dòng du học sinh Ấn Độ đến các trường bên ngoài đất nước chắc chắn sẽ giảm nếu tình hình không được cải thiện trong vòng vài tháng. Nhiều khả năng học sinh và phụ huynh sẽ có những thay đổi trong lựa chọn học tập theo hướng có lợi cho các tổ chức trong nước thay vì ở nước ngoài, do cảm giác chung ở Ấn Độ về thái độ khó chấp nhận của các chính phủ ở Tây Âu và Hoa Kỳ đối với sức khỏe cộng đồng trong đại dịch. Các trường đại học công lập và tư thục nổi tiếng trong nước có thể khai thác cơ hội này. Một bài báo gần đây của C. Raj Kumar, phó hiệu trưởng của Đại học OP Jindal Toàn cầu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của xu hướng có thể diễn ra là “biến Ấn Độ từ một ‘thị trường gửi sinh viên’ thành một ‘thị trường giữ chân’, và thậm chí cuối cùng thành ‘thị trường tiếp nhận’ sinh viên nước ngoài”.

Về mặt kinh tế, đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tài trợ công cho giáo dục đại học trong tương lai. Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng có thể dẫn đến việc tìm ra những chiến lược mới để thu hút đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực ưu tiên của nghiên cứu khoa học và tạo ra những hệ sinh thái mới cho nghiên cứu và đổi mới.