Ứng phó của các Hiệp hội Giáo dục Đại học Quốc tế trước COVID-19

Gerardo Blanco là PGiáo sư và là Giám đốc của Global House tại Đại học Connecticut. Ông sẽ gia nhập Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, từ ngày 1 tháng 7 năm 2020 với tư cách là Giáo sư Phó giám đốc học thuật. E-mail: blancoge@bc.edu. Hans de Wit là Giám đốc của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế. E-mail: dewitj@bc.edu.

Tóm tắt: COVID-19 không chỉ tác động đến sinh viên và cán bộ giảng viên tại các trường cao đẳng và đại học, mà còn đến các hiệp hội khoa học, bao gồm các hiệp hội giáo dục đại học quốc tế, buộc họ điều chỉnh cách thức cung cấp hỗ trợ và chuyên môn cho các thành viên của mình.

Đại dịch Coronavirus đang gây ra những lo ngại lớn trong lĩnh vực giáo dục đại học, với những tác động tàn phá, đặc biệt là đối với cộng đồng trao đổi sinh viên. Việc sa thải nhân viên tại nhiều tổ chức trao đổi quốc tế là minh chứng cho mức độ nghiêm trọng của đại dịch và là lời cảnh báo về những hệ quả có thể đoán trước sẽ xảy ra với các trường cao đẳng và đại học. Tuy nhiên, COVID-19 cũng có thể được coi là một phép thử về khả năng thích nghi và đẩy nhanh tốc độ thay đổi của các tổ chức và các hiệp hội giáo dục đại học.

Các chuyên gia giáo dục quốc tế đã phải đưa ra những quyết định khó khăn để giúp sinh viên và giảng viên của họ hồi hương an toàn, tư vấn và trấn an sinh viên quốc tế, và hủy bỏ những chương trình trao đổi và học tập ở nước ngoài, đồng thời phải đối mặt với những tác động tài chính to lớn do những quyết định của họ. Những chuyên gia này là thành viên của nhiều hiệp hội học thuật và chuyên nghiệp, và cũng như trong các lĩnh vực học thuật khác, những hiệp hội này cung cấp thông tin và hướng dẫn, nhưng cũng đang mong đợi sự đóng góp từ các thành viên của họ tại thời điểm mà những hoạt động chuyên nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực bị xáo trộn hoàn toàn.

 Những tháng đầu của năm 2020 đã chứng kiến hàng loạt hội nghị bị huỷ bỏ.

Hủy bỏ

Những tháng đầu của năm 2020 đã chứng kiến hàng loạt hội nghị bị huỷ bỏ. Khi cuộc khủng hoảng lan rộng khắp châu Âu và Bắc Mỹ, nhiều tổ chức đã phải hủy bỏ các sự kiện của họ hoặc vội vàng chuyển sang hình thức trực tuyến. Hiệp hội Giáo dục Quốc tế châu Á Thái bình dương (APAIE) là tổ chức đầu tiên hoãn Hội nghị tháng 3 năm 2020 tại Vancouver đến năm sau. NAFSA – Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế – đã quyết định hủy Hội nghị và Hội chợ triển lãm thường niên được tổ chức vào cuối tháng 5. Hiệp hội giáo dục quốc tế so sánh (CIES) đã chuyển hội nghị năm 2020 sang hình thức trực tuyến. Hiệp hội Giáo dục Quốc tế châu Âu (EAIE) đang lên kế hoạch tạm dời hội nghị thường niên từ tháng 9 sang tháng 10 năm 2020, là giai đoạn sẽ cực kỳ bận rộn nếu các hoạt động hội nghị được phép tiếp tục vào mùa thu. Những quyết định như vậy có ý nghĩa tài chính to lớn bởi liên quan đến việc thực hiện những nghĩa vụ hợp đồng đã ký từ trước với địa điểm tổ chức và các nhà cung cấp. Vấn đề hoàn tiền đang được tranh luận rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội. CIES chỉ hoàn tiền cho sinh viên và các quốc gia thành viên có thu nhập thấp, và kêu gọi sự thông cảm từ các thành viên, trong khi những tổ chức khác hứa hẹn sẽ hoàn tiền nhưng lường trước sẽ có những chậm trễ trong việc xử lý.

Những quyết định hủy bỏ, hoãn lại hoặc trực tuyến hóa các hội nghị có sự tương đồng rõ ràng với những quyết định hủy bỏ các chương trình trao đổi, hoặc tư vấn cho sinh viên và học giả quốc tế nên trở về nước hay không, hay khi nào thì họ nên về nước. Đây là những quyết định nhất thời phải được đưa ra nhanh chóng, thường là không có đủ thông tin, vì không ai biết biên giới nước nào sẽ đóng hoặc mở lại, hay liệu sẽ có các chuyến bay thương mại hay không. Hủy bỏ một hội nghị có thể khiến các hiệp hội nhỏ hơn cạn kiệt ngân sách hoạt động. Triển vọng dài hạn không hứa hẹn tốt đẹp: sau hậu quả của cuộc khủng hoảng, các trường đại học có thể sẽ phải thực hiện những biện pháp thắt lưng buộc bụng, bắt đầu bằng việc hạn chế đi lại và hạn chế tài trợ phát triển chuyên môn.

COVID-19 đã buộc việc giảng dạy và học tập phải đổi mới, và tương tự, nó buộc cộng đồng giáo dục quốc tế phải suy nghĩ lại về cách tổ chức hội nghị và phát triển chuyên môn. Khi đại dịch qua đi, nhiều khả năng chúng ta sẽ mong muốn được kết nối trực tiếp với nhau như trước, thế nhưng hình thức tham gia hỗn hợp hoặc từ xa của người thuyết trình, người hướng dẫn và các thành viên hội nghị có thể sẽ là một thực tế bình thường mới.

Phát triển chuyên môn và sự tham gia của công chúng

Các hội thảo trên web (webinar) và những hội trường ảo đã trở thành những không gian thường thấy được dùng cho việc chia sẻ chuyên môn giữa những đồng nghiệp đang vật lộn với những vấn đề tương tự. Nhiều diễn đàn ảo này được quản lý bởi các hiệp hội giáo dục quốc tế. Những trang tài nguyên cung cấp lời khuyên hoặc thông tin đã được tạo ra. Chẳng hạn như NAFSA đã cho phép mọi người truy cập tài nguyên về COVID-19 của họ mà không yêu cầu quyền thành viên. Hiệp hội các nhà quản lý giáo dục quốc tế (AIEA) đang tổ chức các cuộc họp tại hội trường ảo và Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA) sẽ thay thế hội nghị thường niên bằng các hội thảo trực tuyến miễn phí. Các hiệp hội khác như Hiệp hội quốc tế các trường đại học (IAU), Tổ chức giáo dục đại học liên nước Mỹ (IOHE) và Cục giáo dục quốc tế Canada (CBIE) cũng đang tổ chức hội thảo trực tuyến về tác động của khủng hoảng đối với quốc tế hóa và giáo dục đại học. Đây là một hướng phát triển tích cực, thể hiện mối quan tâm của các tổ chức đối với việc tự định vị trực tuyến như những nguồn cập nhật và cung cấp chuyên môn đáng tin cậy.

Là đại diện cho những lĩnh vực chuyên môn lớn, các hiệp hội đã nỗ lực hết sức để thuyết minh cho những nhu cầu của các thành viên của mình trước các cơ quan công quyền. AIEA đã gửi thư cho các nhà lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu cứu trợ tài chính cho các tổ chức trao đổi quốc tế, như một phần trong nỗ lực kích thích nền kinh tế. EAIE gửi thư ngỏ tới Ủy ban châu Âu, kêu gọi sự linh hoạt và phản ứng kịp thời trên một loạt các mặt trận, đặc biệt là hỗ trợ sinh viên Erasmus+, và những sinh viên bị tác động bởi khủng hoảng nói chung.

Trong giai đoạn này khi mọi người bị cầm chân trong nhà và các quốc gia đóng cửa biên giới, điều quan trọng hơn bao giờ hết là các hiệp hội giáo dục quốc tế phải duy trì nỗ lực vận động của họ để ủng hộ trao đổi và hợp tác quốc tế.