Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và là Giám đốc sáng lập, Hans de Wit là Giáo sư và là Giám đốc tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: altbach@bc.edu và dewitj@bc.edu.
Bài viết này đã được đăng trên tờ Tin tức Thế giới Đại học – đối tác của IHE.
Tóm tắt: COVID-19 đang tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn diện đối với giáo dục đại học toàn cầu. Đó là những thách thức đối với quốc tế hóa giáo dục đại học – một yếu tố toàn cầu quan trọng trong những thập kỷ gần đây, những thách thức về tài chính và nhiều vấn đề khác. Sinh viên và các trường đại học ở những nước có thu nhập thấp, và những khu vực ít giàu có hơn của các quốc gia sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt.
Cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra, phạm vi và hậu quả do dịch bệnh phần lớn còn chưa rõ ràng, nên lúc này chưa thể đưa ra dự đoán chính xác về những tác động rộng lớn của đại dịch Coronavirus đối với giáo dục đại học nói riêng và xã hội nói chung. Chúng tôi nghĩ rằng quốc tế hóa giáo dục đại học có thể vẫn giữ được cấu trúc cơ bản của nó (xem bài COVID-19: Cuộc cách mạng quốc tế hóa, được công bố trên University World News ngày 14 tháng 3 năm 2020, và cũng được đăng lại trong số này). Và chúng tôi cũng tin rằng, nói chung giáo dục đại học toàn cầu về cơ bản sẽ vẫn ổn định. Nhưng những hậu quả và những gián đoạn ngắn hạn, trung hạn và có thể dài hạn là không thể tránh khỏi, và ngày càng trở nên nghiêm trọng khi cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Mục đích của chúng tôi ở đây là phác thảo những gì chúng tôi cho rằng có thể có ý nghĩa quan trọng.
Tất nhiên, sẽ là điên rồ khi khái quát quá mức về bối cảnh rộng lớn của giáo dục sau phổ thông trên toàn thế giới với hơn 20 ngàn trường đại học và 200 triệu sinh viên. Giáo dục đại học ở mọi nơi đều được chia thành nhiều mảng và có những khác biệt, với các trường công và trường tư, với các nguồn lực khác nhau và phục vụ các nhu cầu khác nhau. Điều này đúng với thực tế bên trong mỗi quốc gia cũng như với hoạt động xuyên biên giới. Do đó, khái quát về một quốc gia riêng lẻ hoặc về cả thế giới nói chung đều không hữu ích.
Hơn nữa, rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào những thực tiễn chính trị và kinh tế rộng hơn phát sinh từ cuộc khủng hoảng. Không còn nghi ngờ gì nữa, các nền kinh tế toàn cầu và của từng quốc gia sẽ phải chịu một chấn động lớn. Những nước có thu nhập bình quân đầu người thấp có khả năng phải chịu nhiều thiệt hại hơn và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. Nền kinh tế sẽ cần thời gian để phục hồi, nhiều ý kiến cho rằng hệ lụy sẽ nghiêm trọng hơn cuộc Đại suy thoái, và dường như giáo dục đại học sẽ không phải là lĩnh vực được ưu tiên cao trong các kế hoạch phục hồi quốc gia. Hiện vẫn chưa rõ những xu hướng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy hiện nay ở nhiều quốc gia có được củng cố thêm bởi cuộc khủng hoảng này hay không, nhưng có những dấu hiệu cho thấy những xu hướng ác tính này vẫn sẽ tồn tại.
Có những hoài nghi về tương lai của toàn cầu hóa, mặc dù thực tế cơ bản của thế kỷ 21 sẽ là nền tảng giúp cho xu thế này có nhiều khả năng sống sót. Các khía cạnh quan trọng của giáo dục đại học đương đại phụ thuộc vào toàn cầu hóa, không chỉ du học quốc tế và các sáng kiến quốc tế hóa, mà còn hợp tác nghiên cứu, các mạng lưới tri thức toàn cầu ngày càng tăng, và nhiều khía cạnh khác nữa.
Như vậy, những yếu tố cơ bản của môi trường vĩ mô toàn cầu nói chung và giáo dục đại nói riêng đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, và điều này có thể tác động tiêu cực đến sự hỗ trợ cho quốc tế hóa, trong khi hợp tác quốc tế là cần thiết hơn bao giờ hết.
Kẻ mạnh sẽ sống sót
Những trường đại học nghiên cứu và những cơ sở giáo dục đại học chất lượng hàng đầu toàn cầu và hàng đầu quốc gia, nơi có nguồn thu nhập ổn định – chẳng hạn như các Viện Công nghệ ở Ấn Độ, các trường đại học tư khai phóng ở Mỹ và các trường tương tự trên toàn thế giới – sẽ phục hồi nhanh hơn và ít bị thiệt hại từ cuộc khủng hoảng. Vai trò của họ ở đỉnh cao của giáo dục đại học sẽ vẫn còn và thậm chí có thể được củng cố vững vàng hơn. Những cơ sở giáo dục đại học này nói chung có khả năng bảo vệ cán bộ giảng viên và sinh viên của họ tốt hơn trong cuộc khủng hoảng, và có thể thu hút được sinh viên mới và vượt qua sự gián đoạn tuyển sinh cùng các bất ổn khác.
Ngược lại, những cơ sở giáo dục đại học có nguy cơ cao nhất là những trường tư nhân được tài trợ kém, phụ thuộc hoàn toàn vào học phí. Hiện nay, một nửa các trường đào tạo sau phổ thông trên thế giới là trường tư. Thực tế này ảnh hưởng đến những quốc gia có thu nhập thấp, nơi khu vực tư nhân chất lượng thấp ngày càng thống trị giáo dục đại học. Phần lớn việc đại chúng hóa toàn cầu, cũng như du học quốc tế được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của một tầng lớp dân cư trung lưu, và nhóm này có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất do những thay đổi trong giáo dục đại học sau Coronavirus, như tác giả Simon Marginson đã chỉ ra trong Times Higher Education và trong University World News ngày 26 tháng 3. Con số ước tính cho Hoa Kỳ là khoảng 20% các tổ chức đào tạo sau phổ thông sẽ đóng cửa.
Nghiên cứu
Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19, tầm quan trọng của việc nghiên cứu về quản lý và giải quyết khủng hoảng, phát minh vắc-xin và hỗ trợ xã hội thông qua những dự án quan trọng liên quan đã trở nên rõ ràng đối với các nhà hoạch định chính sách và công chúng. Có thể các tổ chức nghiên cứu hàng đầu, đặc biệt là những chuyên ngành liên quan đến khoa học đời sống, sẽ nhận được sự quan tâm và tài trợ nhiều hơn.
Cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc
Các trường đại học công cũng như tư phải đối mặt với các vấn đề tài chính ngay trong cuộc khủng hoảng COVID-19, từ khi cơ sở của họ bị đóng cửa. Chưa rõ việc tuyển sinh sẽ được thực hiện thế nào trong một hoặc hai năm tới. Nhiều trường đại học đã ngừng tuyển nhân viên mới. Đối với các trường đại học tư có uy tín – chủ yếu ở Hoa Kỳ – các khoản tài trợ đã mất giá trị do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Hầu hết các trường sẽ phục hồi, nhưng trong trung hạn sẽ bị ảnh hưởng. Do chính phủ đã dành những khoản chi tiêu lớn để ổn định nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng, nhiều khả năng khoản ngân sách công phân bổ cho giáo dục đại học trong tương lai sẽ bị thu hẹp.
Bất bình đẳng gia tăng
Đặc trưng của giáo dục đại học toàn cầu và trong từng quốc gia là sự bất bình đẳng thể hiện trong nhiều hình thức. Như đã nhấn mạnh ở trên, cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng này, các trường tư phục vụ đại chúng sẽ chịu gánh nặng suy thoái, đồng thời có thể xuất hiện sự gia tăng nhu cầu đối với các trường cao đẳng cộng đồng ở Hoa Kỳ và các trường chuyên nghiệp học phí thấp. Trong giai đoạn thất nghiệp, giáo dục là một lựa chọn thay thế, nhưng cần có mức giá phải chăng.
Giáo dục từ xa so với giáo dục truyền thống mặt-đối-mặt
Các trường đại học trên toàn thế giới buộc phải chuyển sang giảng dạy trực tuyến 100%. Đã có báo cáo về những thành công đáng kể nhưng cũng không ít trường hợp thất bại. Tiếp cận công nghệ và Internet tốc độ cao thích hợp, hoặc ít nhất tiếp cận Internet là một thách thức đáng kể, một lần nữa phản ánh sự bất bình đẳng sâu sắc giữa các sinh viên. Trong quá trình dạy và học các kỹ năng của đội ngũ giảng viên được nâng cao (chủ yếu thông qua việc thực hành), nền tảng học tập và chương trình giảng dạy trực tuyến cũng được cải thiện. Tuy chúng tôi không tin rằng sẽ có một cuộc “cách mạng công nghệ” sâu sắc và lâu dài trong giáo dục đại học, cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ khiến việc áp dụng giáo dục từ xa được mở rộng đáng kể. Và kể từ bây giờ, có thể đội ngũ giảng viên sẽ bớt e ngại trước những cơ hội triển khai các mô hình giảng dạy lai ghép.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do như tính cộng đồng, uy tín, mạng lưới giảng dạy và lợi thế trong học tập và những lý do khác, sinh viên và giới hàn lâm sẽ tiếp tục ưa thích hình thức dạy và học trực diện hơn. Trải nghiệm đại học truyền thống có thể dần trở thành đặc quyền của những sinh viên giàu có ghi danh vào những trường đại học hàng đầu.
Sinh viên quốc tế
Như chúng tôi đã viết trong bài bình luận về những tác động ngắn hạn của cuộc khủng hoảng, tác động của nó đối với du học quốc tế là không chắc chắn. Những trường đại học và các quốc gia phụ thuộc vào nguồn thu từ sinh viên quốc tế sẽ cố gắng sớm nhất có thể để quay lại thị trường. Như Simon Marginson nhận xét, thị trường đó sẽ trở thành thị trường của người mua, các trường sẽ “săn lùng những sinh viên quốc tế hiếm hoi trong một vài năm tới”. Nhưng thị trường đó cũng sẽ dễ bị tổn thương hơn, mang tính cạnh tranh hơn và khan hiếm hơn, và người học có thể chuyển sự lựa chọn – ở một mức độ nào đó – từ những nước có thu nhập cao sang những nước có thu nhập trung bình nơi cung cấp dịch vụ với chi phí thấp hơn. Simon Marginson cho rằng sẽ mất ít nhất 5 năm để thị trường hồi phục.
Có thể chúng ta sẽ không quay trở lại được status quo ante (trạng thái trước đó). Ngành công nghiệp đã phát triển trong nhiều thập kỷ qua – với các đại lý, các chương trình chuyển tiếp (pathway) và các công ty tuyển sinh – sẽ suy giảm mạnh và sẽ phải thích nghi với những mô hình mới để tồn tại. Những vấn đề như an toàn và sức khỏe của sinh viên sẽ trở thành những yếu tố quan trọng cần cân nhắc trong các quyết định của sinh viên và phụ huynh.
Những chương trình du học mà sinh viên chỉ tham gia một năm, một học kỳ hoặc thậm chí ngắn hơn có thể gặp phải những vấn đề lớn, khi sinh viên đánh giá những rủi ro và thách thức họ có thể phải trải qua để đổi lấy những trải nghiệm cần thiết cho sự thành công trong học tập. Ở châu Âu, chương trình hàng đầu Erasmus+ có thể sẽ bị cắt giảm nghiêm trọng thay vì gia tăng về mặt tài chính như dự kiến. Tại Hoa Kỳ, một trong những nhà cung cấp du học lớn là Hội đồng Trao đổi Giáo dục Quốc tế đã tuyên bố sẽ cắt giảm 600 nhân viên.
Không có cách mạng học thuật
Mặc dù không thể đưa ra dự đoán chính xác khi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ vẫn đang diễn biến, nhưng những tác động đối với giáo dục đại học sẽ là đáng kể và chủ yếu mang tính tiêu cực, làm tăng thêm khoảng cách và sự bất bình đẳng giữa người học, trường đại học và quốc gia. Sẽ có những thay đổi đáng kể trên toàn cầu, nhiều khả năng những trường đại học ở khu vực nghèo nhất thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.