Anna Esaki-Smith là đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Education Rethink. E-mail: anna@education-rethink.com.
Tóm tắt: Dòng du học sinh Trung Quốc chảy đến các quốc gia lớn nói tiếng Anh đã chậm lại đáng kể từ năm 2016. Một số yếu tố góp phần tạo ra xu hướng này, bao gồm tình trạng già hóa dân số, kinh tế Trung quốc tăng trưởng chậm hơn, và có thêm những lựa chọn học tập ở nước ngoài ít tốn kém hơn. Tuyển sinh quốc tế sẽ thay đổi thế nào, khi các trường đại học điều chỉnh để phù hợp với thế giới hậu Trung Quốc?
Tuyển sinh quốc tế sẽ thay đổi thế nào trong một thế giới hậu Trung Quốc? Phải thừa nhận rằng, đối với hầu hết các nhà quản trị giáo dục đại học, đó là một viễn cảnh khó hình dung. Sẽ là thiếu chính xác nếu nói rằng du học sinh từ Trung Quốc là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng mạnh đến định hướng giáo dục quốc tế tính từ đầu thế kỷ này. Trong thực tế, số lượng du học sinh từ Trung Quốc đã tăng gần 1600% kể từ năm 2000, với hơn 660 ngàn sinh viên du học năm 2018. Mặc dù những du học sinh này lựa chọn nhiều điểm đến khác nhau, phần lớn trong số họ mạo hiểm đến Hoa Kỳ, với số lượng ít hơn nhưng vẫn là đáng kể chọn các thị trường nói tiếng Anh lớn khác như Vương quốc Anh, Úc và Canada.
Tuy nhiên, việc đủ khả năng tiếp nhận hiệu quả một số lượng lớn sinh viên cũng dẫn đến sự phụ thuộc quá mức về thể chế vào một quốc gia duy nhất như một nguồn thu học phí. Sự chuyển đổi kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới đã tạo ra một tầng lớp trung lưu giàu có đủ khả năng tiếp cận nền giáo dục nước ngoài khiến cho Trung Quốc được coi như món quà tặng không ngừng, ít nhất từ quan điểm của các giám đốc tuyển sinh tại các trường đại học trên toàn cầu.
Việc đủ khả năng tiếp nhận hiệu quả một số lượng lớn sinh viên cũng dẫn đến sự phụ thuộc quá mức về thể chế vào một quốc gia duy nhất như một nguồn thu học phí. |
Cho đến lúc này. Trong báo cáo khai mạc từ hội đồng tư vấn nghiên cứu Education Rethink: Xem xét lại Trung quốc: Cái kết của cuộc chơi (Rethink China: The End of the Affair), đồng nghiệp Jeremy Chan và tôi đã nghiên cứu sự giảm sút được thấy trước của số lượng sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, và tác động của xu hướng này đến các quốc gia lớn nói tiếng Anh. Trong khi dòng chảy du học vẫn tiếp tục phát triển, tốc độ đã chậm lại đáng kể do dân số già hóa, nền kinh tế chậm lại và giáo dục nội địa ở Trung quốc được cải thiện. Điều thú vị là khi điều này đang diễn ra, giờ đây chúng ta nhận thấy những khác biệt trong chiến lược chung của những nước chủ nhà này; Hoa Kỳ và Vương quốc Anh tiếp tục phụ thuộc nhiều vào sinh viên Trung Quốc trong khi Canada và Úc thực hiện các bước đi cụ thể nhằm đa dạng hóa sinh viên. Chúng tôi tin rằng những khác biệt này có thể đặt hai quốc gia đầu vào vị thế ngày càng dễ bị tổn thương trong lĩnh vực đang trở thành một không gian rất đông đúc và nhiều cạnh tranh.
Chứng nghiện Trung Quốc
Công bằng mà nói sẽ không bao giờ có một Trung Quốc khác, có nghĩa là một thị trường với dân số trẻ dồi dào, nắm giữ những nguồn tài chính cần thiết để theo đuổi việc học tập nghiên cứu ở nước ngoài. Vì vậy, từ bỏ một nguồn sinh viên dồi dào như vậy là một thách thức, bởi vì điều đó có nghĩa là chủ động tránh xa một quốc gia và tiếp cận những quốc gia khác có thể đang bị nhiều người bỏ qua, xét từ khía cạnh tài nguyên và sự quan tâm của các trường đại học. Khi không được dẫn dắt bởi một chiến lược quốc gia thống nhất, đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với từng tổ chức riêng lẻ.
Vấn đề này trở nên rõ ràng trong nghiên cứu của chúng tôi về các nước chủ nhà trong bối cảnh số lượng du học sinh từ Trung Quốc đang giảm dần. Nếu xem xét các chính sách gắn kết liên quan đến giáo dục đại học, bốn quốc gia điểm đến nói tiếng Anh chính xuất hiện ở hai thái cực khác nhau, trong đó Canada là quốc gia có nhiều sự phối hợp nhất và Hoa Kỳ là rời rạc nhất. Có hàng loạt các biến số góp phần tạo ra những khác biệt đó; ví dụ, khác với Hoa Kỳ, Canada có rất ít trường đại học, do đó, việc áp dụng một chính sách cho một nhóm nhỏ các tổ chức giáo dục đại học dễ dàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, mức độ phù hợp của giáo dục với nhu cầu của ngành công nghiệp, với quyền làm việc và điều kiện nhập quốc tịch cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng đổi hướng nhanh chóng của quốc gia và tập trung vào việc đa dạng hóa đối tượng sinh viên quốc tế, như trường hợp của Canada.
Ngoài ra, dòng du học sinh từ Trung Quốc tăng trưởng dù chậm hơn, nhưng vẫn liên tục không nhất thiết phản ánh số lượng tăng lên tương đương ở bốn quốc gia điểm đến chính, do đó có thể kết luận rằng nhiều sinh viên Trung Quốc đang chọn các điểm đến du học ít tốn kém hơn như Nhật Bản – được nhìn nhận là thân thiện và an toàn hơn, cũng như gần quê nhà của họ hơn. Trên thực tế, bất kỳ sinh viên quốc tế nào cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc nhận được lợi ích hữu hình từ khoản đầu tư học phí của họ, điều này thường có thể đo lường được bằng khả năng đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp. Để đạt mục tiêu đó có thể không nhất thiết phải trả học phí đại học cao ở một nước phương Tây.
Ấn Độ và “phần còn lại của thế giới”
Tất nhiên, Ấn Độ là một thị trường được cả bốn quốc gia điểm đến lớn nói tiếng Anh rất quan tâm do quy mô của nó – trên thực tế, dân số nước này được Liên Hợp Quốc dự báo sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2027. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ không phải là Trung Quốc tiếp theo: tầng lớp trung lưu của Ấn độ không phát triển nhanh như vậy và thị trường bị phân mảnh nhiều hơn; những người trẻ tuổi ở phía nam được cho là quan tâm đến các lĩnh vực liên quan đến STEM, trong khi nhiều người trẻ ở khu vực phía bắc lựa chọn các chương trình kinh doanh. Những trường đại học quan tâm đến việc tuyển sinh từ Ấn Độ cần phát triển các chiến lược phù hợp với các khu vực khác nhau ở Ấn Độ, thay vì dựa vào một-cách-tiếp-cận-dành-cho-tất-cả. Vì vậy, ngay cả khi chú ý nhiều hơn đến đất nước Nam Á này, việc chuyển đổi từ sự quan tâm sang tuyển sinh có thể mất một thời gian.
Ngoài ra, còn có một thị trường được gắn mác rộng rãi là “phần còn lại của thế giới”, nghĩa là những quốc gia không phải là Trung Quốc hay Ấn Độ. Những quốc gia này không hứa hẹn quy mô lớn như Trung Quốc, và đòi hỏi những chiến lược tiếp cận phải được tính toán kỹ lưỡng hơn so với chiến lược cho Ấn Độ. Nói chung, đối với sinh viên từ một số quốc gia Đông Á và châu Âu, chuyển đổi tín chỉ có thể là một thách thức, còn sinh viên từ các quốc gia ở Mỹ Latinh có thể gặp khó khăn với tiếng Anh và không đủ khả năng chi trả học phí. Châu Phi là một khu vực có nhiều hứa hẹn do có dân số trẻ khổng lồ, nhưng nạn tham nhũng trong các chính phủ và thiếu thốn nguồn tài chính là những trở ngại ghê gớm đối với việc tuyển sinh từ lục địa này.
Tính bền vững trong bối cảnh nhiều biến động địa chính trị
Như vậy, giáo dục đại học quốc tế đang đứng đâu trong một thế giới hậu Trung Quốc? Vâng, trong khi chúng ta đang xem xét triển vọng này, cảnh quan đã trở nên mất ổn định do những biến động địa chính trị, và sự khó lường của những thế lực này có khả năng phá hủy cả những chiến lược sắc bén nhất và được hoạch định tốt nhất. Sinh viên quốc tế, bất kể từ nước nào, sẽ bỏ qua Vương quốc Anh thời hậu Brexit, hay vẫn bị hấp dẫn bởi các quyền làm việc sau khi tốt nghiệp? Bất ổn chính trị và xã hội ở Hồng Kông sẽ ảnh hưởng thế nào đến quyết định của sinh viên nước ngoài lựa chọn du học ở đó? Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ tác động thế nào đến sức hấp dẫn của việc du học ở Hoa Kỳ? Và, sau những vụ hỏa hoạn gần đây ở Úc, liệu biến đổi khí hậu có trở thành một yếu tố quan trọng để sinh viên đưa ra quyết định lựa chọn điểm đến du học?
Vâng, nói tóm lại, trong một thế giới hậu Trung Quốc, đa dạng hóa là chìa khóa cho sự bền vững, cho dù đó là chiến lược tuyển sinh riêng lẻ của các trường đại học hay là chính sách chung lớn hơn của một quốc gia. Tuy nhiên, khi xem xét hàng loạt các yếu tố mà thị trường hiện đang trù tính, khó mà nói rằng đó sẽ là giải pháp duy nhất. Trong môi trường phức tạp và nhiều sắc thái ngày nay, điều chắc chắn duy nhất là sinh viên đang tìm kiếm giá trị và lợi ích từ khoản đầu tư học phí của họ. Nếu chúng ta tập trung vào những người trẻ này và tập trung năng lực để giúp họ đạt được mục tiêu, đó chắc chắn sẽ là một chiến lược mang lại kết quả lâu dài cho tất cả mọi người.