Cân nhắc về sự phù hợp của các phân hiệu đại học quốc tế

Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu, Giám đốc sáng lập, và Hans de Wit là Giáo sư, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. Email: altbach@bc.edu và dewitj@bc.edu.

Tóm tắt: Các phân hiệu đại học quốc tế là một phân khúc nhỏ nhưng phù hợp trong môi trường giáo dục đại học, nhưng điều đáng ngạc nhiên là các cơ sở này được chú trọng nghiên cứu nhiều hơn so với các dự án giáo dục xuyên biên giới khác- ít thu hút hơn nhưng tác động lớn hơn và nhiều rủi ro hơn. Trong môi trường toàn cầu hiện nay, có lý do để lo lắng về tương lai của các phân hiệu đại học quốc tế. 

Sau gần nửa thế kỷ, các phân hiệu đại học quốc tế (International Branch Campus – IBC) hiện là một phần nhỏ nhưng đã được hình thành trong bối cảnh giáo dục đại học toàn cầu. Một số cơ sở cho rằng họ có tương lai tươi sáng và có thể đóng vai trò quan trọng (xem bài viết “Các phân hiệu có thể tạo thêm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học” trong World University News, 14 tháng mười hai năm 2019). Chúng tôi khá hoài nghi về điều này, và cho rằng các IBC đang, và sẽ tiếp tục là một phần nhỏ của mảng (giáo dục) sau trung học – và nhiều IBC trong số đó không bền vững.

Năm 2017, có 263 IBC ở 77 nước, tăng hơn gấp đôi sau chưa đầy hai thập kỷ. Trung Quốc đã vượt qua Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để trở thành quốc gia có nhiều IBC nhất. Hoa Kỳ, Úc và Vương quốc Anh là những nước tài trợ nhiều nhất cho các IBC, thêm vào đó Nga và Pháp cũng đóng vai trò quan trọng. Có lẽ có tới 225 ngàn sinh viên học tại các IBC trên toàn thế giới. Con số này là 1% của hơn 20 ngàn trường đại học trên thế giới, là 5% du học sinh toàn cầu và 0,1% tổng số sinh viên. IBC là một phân khúc nhỏ nhưng phù hợp trong môi trường giáo dục đại học, nhưng điều đáng ngạc nhiên là các cơ sở này được chú trọng nghiên cứu nhiều hơn so với các dự án giáo dục xuyên biên giới khác, như nhượng quyền kinh doanh, chương trình liên thông đại học, và các dự án khác – ít thu hút hơn nhưng tác động lớn hơn và nhiều rủi ro hơn.

Tính bất ổn của IBC

Sự sống còn của các phân hiệu quốc tế phụ thuộc vào một số lực lượng tiềm ẩn bất ổn. Nước chủ nhà có quyền kiểm soát chính đối với các phân hiệu trong lãnh thổ của họ – và những thay đổi trong hoàn cảnh kinh tế chính trị, hay thay đổi trong chính sách, quyết định của các cơ quan giáo dục đại học bao gồm cả cơ quan đảm bảo chất lượng, làm thay đổi sự quan tâm hoặc thị trường sinh viên đều có thể ảnh hưởng đến IBC một cách nhanh chóng. Mục tiêu tuyển sinh không đạt có thể gây ra vấn đề ngay. Trường hợp của Nhật Bản trong những năm 1980 là một ví dụ. Hơn 21 phân hiệu, phần lớn của các trường đại học ít danh tiếng ở Mỹ, được thành lập tại Nhật Bản, theo lời mời chủ yếu từ chính quyền tỉnh và thành phố. Các cơ sở này nhanh chóng gặp vấn đề về quy định với chính quyền Nhật bản và vì lý do này cũng như nhiều lý do khác nữa đã không đạt được mục tiêu tuyển sinh của mình. Tất cả, ngoại trừ ba phân hiệu, đều biến mất. Chính phủ Singapore, từng chào đón các phân hiệu, sau một thời gian đã đóng cửa một số cơ sở vì nhiều lý do khác nhau, trong khi các cơ sở khác trong khu vực bị chính các tổ chức chủ nhà hoặc các cơ quan chính quyền khác đóng cửa do hạn chế mặt tài chính, tuyển sinh và các quy định chính trị nội bộ. Thậm chí nhiều IBC không được triển khai, chẳng hạn như kế hoạch 2018 của trường Đại học Groningen của Hà Lan tại Trung Quốc.

Ai phải trả giá?

Mặc dù hầu như không có nghiên cứu chi tiết về tình hình tài chính của các IBC, một vài điều cũng khá rõ ràng. Đầu tiên là rất ít trường đại học trả tiền cho các địa điểm hoặc cơ sở vật chất mà họ sử dụng ở các nước sở tại. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như Đại học New York ở Abu Dhabi, học xá của họ là do chính phủ Abu Dhabi xây dựng. Trong vài trường hợp khác, giới kinh doanh bất động sản địa phương cung cấp các tòa nhà như mồi nhử để IBC phát triển. Chính phủ Qatar đã xây dựng Thành phố Giáo dục để thu hút chín IBC đến đó. Nhiều IBC được các nhà tài trợ của nước mình và nước sở tại kỳ vọng ​​sẽ kiếm được lợi nhuận hoặc ít nhất là hòa vốn khi cung cấp các chương trình giáo dục. Một số cơ sở khác được chính quyền sở tại trợ cấp rất nhiều. Gần đây nhất là hiện tượng các IBC có quyền lực mềm, mang sứ mạng quảng bá đất nước mình tới các nước sở tại. Có vẻ không có nhiều IBC tồn tại được nếu như phải tự trả toàn bộ chi phí. Và những IBC đang cố gắng làm như vậy, hoặc nhận được quá ít hỗ trợ từ nước mình hoặc nước sở tại, có xu hướng thất bại và bị phá sản.

Vì sao IBC vẫn tồn tại?

Động lực để thành lập và duy trì các IBC khá phức tạp và khác nhau đối với bên chủ sở hữu và bên sở tại (xem bài viết của Rumbley và Wilkins về sửa đổi định nghĩa phân hiệu trong IHE #93). Đối với nước sở tại, các phân hiệu quốc tế có thể đem đến danh tiếng của một trường đại học nước ngoài, có thể cung cấp thêm các cơ hội tiếp cận giáo dục ở những nơi còn thiếu, giữ được sinh viên học trong nước thay vì du học nước ngoài, mang đến những ý tưởng mới về chương trình đào tạo, quản trị, giảng dạy hoặc những sự đổi mới khác và đặc biệt trong trường hợp các doanh nghiệp tư nhân, là cơ hội kiếm tiền. Một vài nơi – ví dụ như Dubai, Qatar và Hàn Quốc – cho mình là “trung tâm giáo dục”, và đã nỗ lực, với những mức độ thành công khác nhau, trong việc thu hút các trường đại học nước ngoài đến thành lập phân hiệu để phục vụ cho thị trường địa phương hoặc khu vực. Đặc biệt là ở Trung Đông, các IBC cung cấp cho phụ nữ, những người ít có khả năng ra nước ngoài, cơ hội học tập tại một trường đại học “nước ngoài”.

Các trường đại học chính cũng đặt ra một loạt mục tiêu. Trong một số trường hợp, họ xem các phân hiệu của họ như một phương tiện tuyển sinh cho trường chính ở mẫu quốc và để xây dựng hình ảnh thương hiệu cho trường. Nhiều trường tập trung vào việc kiếm nguồn thu nhập. Một số nước xem IBC của họ như là một phần của sáng kiến ​​“sức mạnh mềm”. Một số trường đại học coi các phân hiệu của họ là một phần chiến lược quốc tế của trường và như một phương tiện quốc tế hóa, đặc biệt khi sinh viên từ cơ sở chính đến học tại các phân hiệu ở nước ngoài. Trường Đại học New York đã đặc biệt thành công trong việc cung cấp cơ hội cho sinh viên trong nước đi học tại các phân hiệu của trường tại Abu Dhabi và Thượng Hải. Lời mời từ các nước sở tại tiềm năng, đặc biệt là khi kết hợp với các khoản đầu tư đáng kể, cũng rất hấp dẫn. Trong một số trường hợp, ví dụ như các phân hiệu của các trường đại học Ấn Độ ở Dubai và Caribbean, các phân hiệu chỉ nhằm phục vụ các cộng đồng ngoại kiều. Phân hiệu của Đại học Hạ Môn tại Malaysia, được tài trợ chủ yếu bởi cộng đồng người Hoa địa phương để phục vụ sinh viên Malaysia gốc Hoa, là một mô hình khác.

Chỉ một phần danh sách các động lực này, nhìn từ mọi khía cạnh của phương trình IBC, cũng cho thấy các mục tiêu phức tạp và đôi khi mâu thuẫn của nhiều bên liên quan.

IBC có phải là sự đổi mới không, và có những đóng góp gì?

Có rất ít bằng chứng cho thấy các phân hiệu quốc tế đóng góp nhiều vào việc cải cách hệ thống giáo dục đại học tại nơi họ vận hành. Dường như các cơ sở này chỉ hoạt động trong bối cảnh riêng của mình và phản ánh các chương trình giáo dục, và ở một mức độ nào đó, phương pháp giảng dạy và học tập, của trường đại học tài trợ. Như Jason E. Lane và Hans Pohl nêu ra trong Giáo dục Đại học Quốc tế, những đóng góp của IBC cho nghiên cứu khá là hạn chế, trừ vài ngoại lệ. Có rất ít hoặc không có bằng chứng cho thấy IBC góp phần cải thiện giáo dục đại học ở các nước sở tại. Ngược lại, thường xuyên có những căng thẳng liên quan đến tự do học thuật và những yêu cầu ý thức hệ của chính phủ các nước sở tại, như các ví dụ gần đây ở Trung Quốc cho thấy.

Các IBC có phải là bản sao trường đại học chính của họ không?

Nền tảng chính của ý tưởng IBC là các phân hiệu nên sao chép chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên và những nét đặc trưng của trường chính càng nhiều càng tốt. Có rất ít bằng chứng cho thấy các IBC đã thực hiện nội dung quan trọng này bằng cách này hay cách khác. Chỉ một số ít trường hợp , chẳng hạn như các phân hiệu của trường Đại học New York tại Thượng Hải và Abu Dhabi, và phân hiệu của trường Yale ở Singapore, trường đại học chính đã cố gắng duy trì các tiêu chuẩn học thuật và đặc tính của mình với chi phí đáng kể. Các phân hiệu đại học Hoa Kỳ tại Thành phố học thuật của Qatar, với sự tài trợ đáng kể từ các nhà tài trợ sở tại, cũng cố gắng sao chép trường đại học chính của mình. Nhiều phân hiệu, đặc biệt là những cơ sở tập trung kiếm lợi nhuận cho trường chính ở trong nước, cung cấp văn bằng của trường chính, nhưng chủ yếu sử dụng giảng viên địa phương và có cơ sở vật chất khá sơ sài. Câu hỏi nghiêm túc cần đặt ra là các IBC có ngang bằng với trường chính về tiêu chuẩn học thuật và chất lượng giáo dục hay không.

Tương lai không chắc chắn

Nhiều khả năng các IBC sẽ tiếp tục tồn tại như một phân khúc nhỏ trong phạm vi rộng lớn hơn của quá trình quốc tế hóa học thuật toàn cầu. Khi cung cấp giáo dục chất lượng và có các mối liên kết thích hợp với các tổ chức học thuật ở nước sở tại, các IBC rất hữu ích. Khi mang đến những ý tưởng giáo dục phi truyền thống, như giáo dục khai phóng, và các chuẩn mực học thuật quan trọng, như tự do học thuật, các IBC có thể là sự bổ sung đáng kể cho nước sở tại.

Trong môi trường toàn cầu hiện nay, có lý do để lo lắng về tương lai của các IBC. Khi các quốc gia đã xây dựng đủ năng lực và chất lượng cho các hệ thống học thuật của mình, sẽ không rõ các IBC còn hữu ích hay còn sức thu hút sinh viên nữa hay không. Ở các quốc gia như Trung Quốc, nơi tự do và tự chủ về mặt học thuật phải đối mặt với ngày càng nhiều sự hạn chế, các IBC có thể gặp khó khăn khi hoạt động. Ngoài ra, các chương trình nghị sự phía sau các IBC có thể bắt đầu khác nhau giữa các nước sở tại và các trường đại học chính. Và sự đa dạng ngày càng tăng trong mô hình, chương trình tài trợ, quy định quốc gia, và chất lượng của các tổ chức khiến cho khó mà gộp chung các IBC vào một loại hình.