Chile: Bất ổn xã hội với sự tham gia của sinh viên

Andrés Bernasconi là Giáo sư chuyên ngành Giáo dục, Pontificia Universidad Católica de Chile, Santiago, Chile. E-mail: abernasconi@uc.cl. Pete Leihy là Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại School of Education, Pontificia Universidad Católica de Chile. E-mail: peodair@gmail.com.

 Tóm tắt: Từ tháng mười năm 2019, các cuộc biểu tình rộng khắp ở Chile đã làm bộc lộ những nỗi thất vọng, và tình trạng bạo lực tàn khốc. Có những người đánh giá cao sự thỏa hiệp trong quá khứ trong việc thúc đẩy dân chủ và xóa đói giảm nghèo, những người khác chỉ nhìn thấy sự bất bình đẳng và tình trạng trì trệ. Cộng đồng học thuật bị mắc kẹt ở giữa, không đưa ra được những đề xuất thay đổi mang tính xây dựng.

 Trong những tháng gần đây, những cuộc biểu tình rầm rộ đã làm tê liệt các thành phố và quốc gia trên thế giới. Vốn là một đất nước yên bình, Chile – quốc gia dẫn đầu châu Mỹ Latinh về phát triển kinh tế trong 30 năm qua – trở thành tan hoang sau các cuộc biểu tình và bạo lực. Vào ngày 10 tháng mười năm 2019, những cuộc tấn công phối hợp đồng thời diễn ra tại 118 nhà ga tàu ​​điện ngầm ở thủ đô Santiago, 25 nhà ga bị đốt cháy, và 7 nhà ga bị phá hủy hoàn toàn. Mặc dù mức độ tập trung và quy mô lớn của các cuộc tấn công cho thấy là có kẻ chủ mưu, cho đến nay vẫn không có bằng chứng về bất kỳ một cá nhân hoặc một tổ chức chịu trách nhiệm.

Sau sự kiện đó, những người biểu tình trên khắp đất nước đã xuống đường, mang theo nỗi giận dữ và sự thất vọng của mình tham gia vào những cuộc tuần hành rầm rộ. Lần này, dẫn đầu các cuộc biểu tình không phải là các chính trị gia non trẻ từ các trường đại học và các trường trung học, mà là các băng đảng bạo loạn đeo mặt nạ. Trong suốt 3 tháng, những hành động bạo lực ngoài lề cùng các chương trình nghị sự chính trị không rõ nguồn gốc đã gây thiệt hại cho các trung tâm mua sắm, doanh nghiệp nhỏ, siêu thị và nhà thờ. Cảnh sát chống bạo động bị người biểu tình áp đảo, các cơ quan thực thi pháp luật không đủ khả năng kiềm chế sự cướp bóc. Ngay khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, Tổng thống Sebastián Piñera thuộc phe chính trị trung hữu (center-right) đã ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép quân đội lập lại trật tự và an ninh công cộng, nhưng ông đã rút lại lệnh này sau 7 ngày. Sau hàng chục đơn thư tố cáo cảnh sát và quân đội vi phạm nhân quyền trong giai đoạn nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng vào tháng 10 và tháng 11, Piñera tỏ ra thận trọng hơn trước phản ứng của dư luận trong nước và quốc tế về việc sử dụng vũ lực.

Sự tức giận mới

Mặc dù những sự kiện này khởi phát bằng việc học sinh trung học nhảy qua các cổng soát vé tràn vào ga tàu điện ngầm sau khi có thông báo giá vé người lớn tăng lên tương đương với 0,40 đô la Mỹ, có thể thấy rõ sự tham gia của học sinh sinh viên vào các phong trào này thiếu vắng vai trò tổ chức.

Điều này là bất thường, vì hai cuộc biểu tình lớn trên đường phố trước đây được khởi xướng và lãnh đạo bởi các tổ chức học sinh sinh viên. Năm 2006, học sinh phổ thông trung học đóng cửa các trường học ở Chile trong vài tháng để phản đối chất lượng giáo dục công lập và việc tư nhân hóa, phản đối định hướng thị trường ngày càng tăng của hệ thống giáo dục. Năm 2011, đến lượt sinh viên đại học xuống đường phản đối gánh nặng vay nợ cho học tập ngày càng tăng và bày tỏ những bất bình khác.

Tình hình bây giờ đã khác. Quy mô và cơn thịnh nộ của những cuộc bạo loạn là hoàn toàn bất ngờ và việc thiếu một căn nguyên rõ ràng, thống nhất là rất đáng lo ngại. Ba loại giả thuyết đã được các nhà phân tích chính trị và các nhà khoa học xã hội đưa ra. Thứ nhất, đây là một cuộc khủng hoảng của những kỳ vọng không được đáp ứng. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng cao và ổn định, nền kinh tế đã bị đình trệ và “lời hứa” về khả năng phát triển dưới chế độ tư bản tự do mới (neoliberal capitalism) không thành hiện thực. Tầng lớp đại chúng thu nhập trung bình thấp cảm thấy bị bỏ rơi. Thứ hai, sự bất bình đẳng ngày càng tăng về thu nhập, từ đó đẫn đến những bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận các quyền lợi xã hội, từ giáo dục đến y tế và lương hưu. Sự giàu có của một số ít được cảm nhận như một cái tát vào mặt nhiều người. Giả thuyết cuối cùng, có một khoảng cách khó vượt qua giữa các thế hệ. Những người từng trải qua và chiến đấu dưới chế độ độc tài Pinochet, hiện đều ở độ tuổi trên 50, coi trọng nền dân chủ được xây dựng lại trong hơn 30 năm với tất cả những khiếm khuyết và sự chậm trễ của nó. Còn những người thuộc thế hệ sau, lớn lên trong một Chile dân chủ nhưng có mức thu nhập trung bình, không đồng cảm với hình thái xã hội hiện tại và nguồn gốc của nó, và họ mong muốn bắt đầu lại và thiết lập một tầm nhìn mới về xã hội. Hiến pháp năm 1980 thân thiện với doanh nghiệp do chế độ Pinochet ban hành (và được điều chỉnh nhiều lần từ khi đó) vẫn đang hiệu lực không phải là một bất bình mới, nhưng giờ đây người Chile đứng trước tình huống phải khẩn cấp tìm giải pháp thay thế cụ thể mang tính xây dựng, hơn là chỉ bày tỏ sự phẫn nộ của mình.

Các trường đại học bị nghi ngờ

Những trường đại học có cơ sở hạ tầng bị đốt cháy cũng bàng hoàng như những tổ chức khác. Các chính trị gia sinh viên và giới hàn lâm từng là lực lượng tiên phong đáng tin cậy của các phong trào xã hội ở châu Mỹ Latinh. Trở thành sinh viên đại học và tri thức hóa các quan điểm của thế hệ mới từng là một đặc ân. Nhưng dường như một điều gì đó đã thay đổi, giáo dục đại học trở nên đại chúng hơn. Không còn là một không gian phản ánh xã hội, giáo dục đại học giờ đây dường như là nơi phô diễn của sự bất bình đẳng, quản lý yếu kém và những điều bất hợp lý. Khi các tổ chức trong xã hội bị điều tra, các trường đại học không tránh khỏi bị nghi ngờ.

Những trường đại học có cơ sở hạ tầng bị đốt cháy cũng bàng hoàng như những tổ chức khác.

Thật vậy, ở Chile, sinh viên đại học có cảm giác họ phản bội sự nghiệp lớn của đất nước nếu chỉ biết đi đến trường để suy nghĩ và tranh biện. Không, một đấu trường đúng nghĩa, hợp đạo lý để sinh viên nêu quan điểm của mình là đường phố, là nơi họ diễu hành và hò hét cùng với dân chúng. Sau tháng mười sinh viên đã dừng đến lớp, và không thể biết chắc họ có trở lại trường vào tháng ba khi học kỳ mới bắt đầu hay không. Hơn nữa, sau hai lần bị hoãn do biểu tình bùng phát, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia bằng hình thức viết tay đã bị học sinh trung học tẩy chay và phá hoại bằng cách đột nhập vào khu vực thi, cũng như phá hoại từ bên ngoài. Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ các câu hỏi và đáp án của đề thi bị rò rỉ qua phương tiện truyền thông xã hội trước kỳ thi khiến các nhà quản lý phải hủy kỳ thi vĩnh viễn.

Đây là thời điểm khó khăn và không chắc chắn đối với giáo dục đại học và giới trẻ Chile. Tuy nhiên, giữa sự hỗn loạn của đám đông nhiều nguồn gốc, chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng cộng đồng học thuật vẫn có khả năng thúc đẩy chủ nghĩa lý tưởng, sự tranh biện và suy ngẫm.