Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và Giám đốc sáng lập của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế tại Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: altbach@bc.edu. Thierry Luescher là Giám đốc nghiên cứu về giáo dục và đào tạo sau đại học tại Hội đồng nghiên cứu khoa học con người, và là Phó Giáo sư liên kết trong giáo dục đại học tại University of the Free State, Nam Phi. E-mail: thierryluescher@hotmail.com.
Tóm tắt: Một làn sóng hoạt động xã hội của sinh viên đang diễn ra trên toàn thế giới. Các quốc gia và khu vực như Algeria, Bôlivia, Anh, Catalonia, Chile, Ecuador, Pháp, Guinea, Haiti, Honduras, Hồng Kông, Iraq, Kazakhstan và Lebanon cùng một số quốc gia khác đã chứng kiến các phong trào hoạt động xã hội của sinh viên trong khuôn viên nhà trường, một số dẫn tới sự lật đổ chính phủ. Nguyên do và kết quả của các phong trào này rất đa dạng, nhưng hầu hết đều liên quan đến bất bình đẳng xã hội.
Trong vài tháng qua, tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng đã xảy ra ở hơn một chục quốc gia và khu vực, trong số đó có Algeria, Bôlivia, Anh, Catalonia, Chile, Ecuador, Pháp, Guinea, Haiti, Honduras, Hồng Kông, Iraq, Kazakhstan, Lebanon, v.v… Trong nhiều trường hợp, những phong trào xã hội này làm rung chuyển mạnh mẽ hệ thống hiện có, dù kết quả cuối cùng vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù các nguyên nhân cũng như các tác nhân chính của mỗi phong trào này khác nhau, dường như có một số yếu tố mang tính phổ biến. Sinh viên là lực lượng chính trong nhiều phong trào và đã tham gia vào mọi sự kiện, ngay cả khi họ không phải là lực lượng trung tâm.
Những nguyên nhân trực tiếp và tiềm ẩn
Những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến phần lớn những biến động gần đây đều không liên quan đến các vấn đề trong trường đại học, ví dụ như học phí hoặc các vấn đề khác. Có lẽ trừ một ngoại lệ là Chile, nơi sự bất bình trước việc chính phủ trì hoãn thực hiện lời hứa miễn học phí đan xen với những vấn đề xã hội rộng hơn. Thật vậy, trường hợp Chile là khá điển hình. Làn sóng phản kháng hiện nay được châm ngòi bởi việc tăng giá vé tàu điện ngầm và ban đầu được khởi xướng bởi học sinh trung học và sinh viên đại học. Sau đó, nó lan rộng ra ngoài phạm vi học đường và ngoài vấn đề giá vé, dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối bất bình đẳng xã hội (Chile là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất ở châu Mỹ Latinh), với hơn một triệu người tham gia tại Santiago vào ngày 25 tháng mười năm 2019.
Hầu như mọi phong trào phản kháng này đều có chung một yếu tố cơ bản là sự bất bình trước tình trạng bất bình đẳng xã hội. |
Trong hầu hết các trường hợp, các phong trào phản kháng khởi phát từ một vấn đề cụ thể, nhưng sớm phát triển vượt xa vấn đề đó. Những cuộc biểu tình kéo dài ở Hồng Kông, đôi khi có hơn một triệu người (một phần năm tổng dân số) tham gia, bắt đầu từ việc phản đối một đạo luật dẫn độ cho phép chính quyền gửi người bị kết án phạm tội về Trung Quốc đại lục. Sau đó những người biểu tình đã sớm mở rộng yêu sách sang các vấn đề về quyền dân chủ, một quy chế riêng biệt cho Hồng Kông, và ẩn đằng sau tất cả những điều này là sự bất mãn lớn về chi phí nhà ở và tình trạng bất bình đẳng nói chung. Các cuộc biểu tình ở Iraq dẫn đầu bởi sinh viên nhưng sớm lôi kéo mọi thành phần xã hội tham gia và lan sang các thành phố lớn trong nước, bắt đầu với những vấn đề tham nhũng và việc thiếu hụt các dịch vụ cơ bản, rồi nhanh chóng mở rộng sang sự bất mãn với chế độ độc tài và những vấn đề khác.
Hầu như mọi phong trào phản kháng này đều có chung một yếu tố cơ bản là sự bất bình trước tình trạng bất bình đẳng xã hội, trước khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo, và cảm giác rằng một bộ phận lớn dân số bị “bỏ rơi” bởi chính sách phi chính trị và sự vô cảm của “tầng lớp chính trị”. Theo nghĩa này, nguyên nhân dẫn đến làn sóng bất ổn xã hội hiện nay không giống những động lực góp phần vào sự đắc cử của Donald Trump ở Hoa Kỳ hay Brexit ở Vương quốc Anh.
Người ta cũng có thể nhớ lại những phong trào ở Bắc Phi và Trung Đông đã dẫn đến “Mùa xuân Ả Rập” vào đầu những năm 2010. Phong trào Mùa xuân Ả Rập ban đầu được thúc đẩy bởi những người trẻ tuổi, cựu sinh viên đang thất nghiệp và sinh viên đại học. Nó phản ánh một sự bất mãn tương tự với trật tự chính trị được thiết lập và thường mang tính áp đặt. Tình trạng bất bình đẳng xã hội lan rộng và thực trạng bi quan sâu sắc về triển vọng công việc trong tương lai sau khi tốt nghiệp đã tạo ra một động lực phản kháng mạnh mẽ.
Các biến số của thế kỷ hai mốt
Ngày nay các phong trào phản kháng có một số đặc điểm quan trọng. Chúng có xu hướng phi lãnh đạo, khiến các nhà chức trách khó đàm phán với người biểu tình, hoặc thậm chí chính những người tham gia cũng khó đưa ra được những lý lẽ và những yêu cầu thống nhất. Chính sự tự phát đã mang đến cho những phong trào này năng lượng phản kháng, cùng sự khó lường. Các cuộc biểu tình thường bắt đầu rất ôn hòa – mặc dù vẫn có những nhóm nhỏ tham gia vào bạo lực bên ngoài những đám đông biểu tình lớn – và đôi khi tình hình trở nên xấu đi, biến thành các cuộc chiến đường phố, khi đó những hành động hung hăng của cảnh sát trở thành yếu tố trấn áp, duy trì hoặc khiến đụng độ leo thang.
Và tất nhiên, phương tiện truyền thông xã hội – một lực lượng đặc biệt mạnh mẽ trong giới trẻ và sinh viên – trở thành công cụ chính để tạo nhận thức, huy động và tổ chức phong trào. Nhiều phong trào sinh viên nổi tiếng nhất trong thập kỷ qua đã tiến hành những chiến dịch trực tuyến lớn. Cụm từ #FeesMustFall (cần giảm học phí), bắt đầu ở Nam Phi vào năm 2015, thu hút đến nỗi được sử dụng một lần nữa bởi các phong trào sinh viên ở Ấn Độ và Uganda vào tháng mười và tháng mười một năm 2019 khi họ đưa ra yêu cầu tương tự. Đối với các chính phủ, sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội trong các phong trào phản kháng vẫn là một thách thức, và ở nhiều nơi, chính quyền phản ứng bằng cách làm chậm tốc độ truy cập Internet, hoặc tạo ra sự cố để ngăn chặn phương tiện truyền thông xã hội.
Vai trò của sinh viên
Sinh viên là những người khởi xướng quan trọng trong một số phong trào xã hội gần đây, Hồng Kông và Iraq là những ví dụ điển hình. Ở những nơi khác, chẳng hạn như phong trào “gilets jaunes” (áo vàng) ở Pháp, sinh viên không đóng vai trò khởi xướng, và cũng không phải là lực lượng quan trọng xuyên suốt của phong trào. Tuy nhiên, ngay cả khi sinh viên là lực lượng chính thì sự tham gia của họ cũng không có nghĩa là các vấn đề liên quan đến giáo dục là chủ đề chính. Và công bằng mà nói, không giống như trong các phong trào xã hội của thập niên 1960, sinh viên không phải lúc nào cũng là diễn viên trung tâm, nhưng ít nhất họ tham gia vào hầu hết các sự kiện, và giữ vai trò lãnh đạo trong một số sự kiện đó.
Thập kỷ tiếp theo sau cuộc Đại Suy Thoái bắt đầu bằng các cuộc biểu tình của sinh viên. Thực tế, mặc dù năm 2019 trở thành năm quốc tế của các cuộc biểu tình đường phố, sinh viên đã bắt đầu xuống đường phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng và gia tăng bất bình đẳng xã hội trong những năm trước đó. Cú hích dẫn đến sự phản kháng của sinh viên là việc các chính phủ ngày càng cố gắng tư nhân hóa giáo dục đại học, giảm chi ngân sách cho lĩnh vực này – như một phần của chính sách thắt lưng buộc bụng. Trong một thập kỷ, tại Bangladesh, Anh, Chile, Đức, Ấn Độ, Ý, Malaysia, Quebec, Nam Phi, Hàn Quốc, Uganda, v.v… – ở khắp các lục địa, đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình của sinh viên về học phí. Một khía cạnh mới – và có lẽ là tiền thân của các xu hướng trong tương lai – là sự tham gia của học sinh trung học vào các phong trào xã hội, và trong một vài trường hợp, như ở Chile và Hồng Kông, vào các cuộc đấu tranh chính trị, nhưng quan trọng hơn là vào những hoạt động xã hội môi trường ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Những gì chúng ta đã chứng kiến vào năm 2019 có thể không hoàn toàn là một cuộc cách mạng (revolution) sinh viên như năm 1968, có lẽ chỉ nên coi đó là một bước tiến hóa (evalution) của giới trẻ. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của sinh viên với tư cách là một nhóm cụ thể trong các phong trào xã hội hiện nay là không thể phủ nhận, không chỉ trong những đòi hỏi công bằng xã hội của họ và những hành động khởi đầu cho làn sóng hoạt động xã hội hiện nay.