Goolam Mohamedbhai là Cựu Tổng thư ký Hiệp hội các trường đại học châu Phi. E-mail: g_t_mobhai@yahoo.co.uk.
Tóm tắt
Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi luôn đi kèm với một số sáng kiến thúc đẩy phát triển giáo dục đại học châu Phi. Đây là một phần trong chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc. Nhưng điều này có dẫn đến tình huống hai bên cùng có lợi cho châu Phi và Trung Quốc không? Và tương lai châu Phi sẽ thế nào khi Trung quốc ngày càng tham gia sâu rộng vào châu lục này?
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục đại học có thể thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên, ngân sách công cần thiết ở các nước châu Phi rất hạn chế và viện trợ từ các nước tài trợ truyền thống phương Tây gần như đã đi vào bế tắc. Trung Quốc, một cường quốc kinh tế toàn cầu mới nổi, đã tận dụng tình huống này, tích cực tài trợ cho cơ sở hạ tầng công cộng và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ở châu Phi, và đổi lại, hưởng lợi từ nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của châu Phi và từ thị trường tiêu thụ những hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Từ quan điểm của cả Trung Quốc và châu Phi, đây là một tình huống hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, các nước phương Tây bày tỏ sự lo ngại không chỉ về tình trạng vi phạm nhân quyền và tình trạng phi dân chủ ở Trung Quốc, mà cả về việc Trung Quốc đang dấn sâu vào chủ nghĩa thực dân mới và phần lớn đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi là dưới dạng cho vay, không phải viện trợ, khiến các quốc gia châu Phi ngập sâu vào nợ nần.
Hợp tác Trung Quốc – châu Phi trong giáo dục đại học phù hợp với chiến lược sử dụng không chỉ quyền lực kinh tế mà còn cả quyền lực mềm của họ. Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi (FOCAC) là sự kiện diễn ra ba năm một lần, nơi các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi thống nhất kế hoạch hợp tác kinh tế ba năm, bao gồm phát triển nguồn nhân lực. Các sáng kiến giáo dục đại học của Trung Quốc dành cho châu Phi được đưa vào các nghị quyết FOCAC khác nhau.
Học bổng
Việc cấp học bổng cho châu Phi theo các thỏa thuận của FOCAC, tăng từ 30 ngàn suất vào năm 2015 lên 50 ngàn suất vào năm 2018, đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng sinh viên châu Phi học tập tại Trung Quốc, từ dưới 2 ngàn trong năm 2003 lên gần 50 ngàn vào năm 2015. Trung Quốc hiện nay là quốc gia đứng thứ hai, chỉ sau Pháp, có số lượng sinh viên từ châu Phi lớn nhất.
Hầu như tất cả sinh viên châu Phi đều trở về nước sau khi tốt nghiệp, điều đem lại lợi thế không chỉ cho châu Phi mà cho cả Trung Quốc trong nỗ lực truyền bá ảnh hưởng của mình ở châu Phi. Tuy nhiên, có rất ít thông tin về các lĩnh vực nghiên cứu của các học giả châu Phi, về việc bằng cấp của Trung Quốc được chấp nhận thế nào ở các nước châu Phi hoặc về việc làm của sinh viên tốt nghiệp khi họ trở về.
Quan hệ đối tác
Theo nghị quyết FOCAC năm 2009, Trung Quốc đưa ra kế hoạch đổi mới “20+20”, liên kết 20 trường đại học châu Phi với 20 trường đại học Trung Quốc và năm 2015, kế hoạch “10+10” tương tự đề xuất liên kết 10 tổ chức nông nghiệp Trung Quốc và 10 tổ chức nông nghiệp châu Phi đã được công bố. Hầu như không có bất kỳ thông tin nào về các tổ chức liên kết và các dự án được thực hiện theo các đề án này, nhưng lại có báo cáo rằng số lượng những công trình nghiên cứu về khoa học nông nghiệp và sinh học có đồng tác giả là các học giả châu Phi và Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, và kết quả là số lượng nghiên cứu sinh sau đại học người Trung Quốc trong các trường đại học châu Phi cũng tăng lên.
Học viện Khổng Tử và cơ sở hạ tầng đại học
Có lẽ công cụ mạnh nhất được Trung Quốc sử dụng trong chiến lược quyền lực mềm là các Viện Khổng Tử (CI). Ra mắt vào năm 2004, hiện có hơn 500 CI trong các trường đại học trên toàn thế giới và 54 trong số đó là ở châu Phi. Mỗi CI liên kết với một trường đại học Trung Quốc và mục tiêu chính của nó là truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
Bằng cách cung cấp các khoản cho vay mềm, Trung Quốc cũng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đại học ở châu Phi để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và cải thiện chất lượng |
Mặc dù các CI bị chỉ trích ở phương Tây, và một số đã đóng cửa vì bị nghi ngờ thúc đẩy và tuyên truyền tư tưởng Trung Quốc hoặc thực hiện gián điệp công nghiệp, không có lời chỉ trích nào như vậy xuất hiện từ châu Phi, ở đây họ được chào đón nồng nhiệt.
Bằng cách cung cấp các khoản cho vay mềm, Trung Quốc cũng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đại học ở châu Phi để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và cải thiện chất lượng. Hai ví dụ nổi bật là Đại học Khoa học và Công nghệ Malawi, một cơ sở ấn tượng được xây dựng gần Blantyre và mở cửa vào năm 2014, và thư viện tại Đại học Dar-es-Salaam, Tanzania, hoàn thành vào năm 2018 và là thư viện lớn nhất do Trung Quốc xây dựng ở châu Phi. Hai quốc gia châu Phi này không thể có được cơ sở hạ tầng như vậy nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Có đúng là hai bên cùng có lợi không?
Câu hỏi có đúng là hai bên cùng có lợi không phải được xem xét từ hai quan điểm: một liên quan đến các nước châu Phi nói chung và câu hỏi thứ hai cụ thể về lĩnh vực giáo dục đại học của họ. Về phần các nước châu Phi, sự lo ngại của phương Tây có thể là chính đáng và cần được xem xét kỹ lưỡng. Các học giả châu Phi nhất thiết phải nghiên cứu nghiêm túc những tác động của việc Trung Quốc tiếp cận với tài nguyên thiên nhiên của châu Phi và hệ quả của các khoản vay lớn từ Trung Quốc. Hiện tại hầu như không có tổ chức nào ở châu Phi thực hiện nghiên cứu này.
Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, sự hợp tác này chỉ mang tính một chiều và châu Phi dường như là người hưởng lợi chính, nhưng vì sự hỗ trợ của Trung Quốc cho phát triển giáo dục đại học châu Phi là một phần của chiến lược quyền lực mềm, người ta có thể lập luận rằng đây là một tình huống hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, có rất ít thông tin công bố về các loại học bổng được cấp và về các hoạt động hợp tác. Mỗi CI ở châu Phi, như một phần nhiệm vụ của mình, cần thu thập dữ liệu về các loại học bổng, thực hiện các cuộc khảo sát về sinh viên tốt nghiệp về nước và lập hồ sơ về các hoạt động hợp tác nghiên cứu. Chỉ những dữ liệu đó mới cho phép đánh giá được những lợi ích thực sự mà quan hệ hợp tác này mang lại cho châu Phi.
Tương lai
Từng là thuộc địa của châu Âu, trong quá trình phát triển châu Phi chắc chắn chịu ảnh hưởng của các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền; và châu Phi cũng sử dụng các ngôn ngữ châu Âu như một phần văn hóa. Hoa Kỳ và châu Âu vẫn được các nước châu Phi coi là hình mẫu kể từ khi họ giành được độc lập.
Tuy nhiên, thái độ phân biệt chủng tộc rõ ràng của chính quyền Hoa Kỳ hiện tại, và sự gia tăng gần đây của chủ nghĩa dân túy và thái độ chống nhập cư ở châu Âu đang khuyến khích châu Phi quay sang các nước phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc. Châu Phi ngưỡng mộ Trung Quốc vì sự phát triển kinh tế nhưng cảm thấy lo ngại về văn hóa, giá trị và hệ thống quản trị của Trung Quốc. Liệu chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc cuối cùng có giành được trái tim và khối óc của người dân châu Phi và truyền cảm hứng cho họ hướng tới một mô hình phát triển gần giống với Trung Quốc hay không? Sự đổi chiều như vậy sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực nào đến các nước châu Phi? Đây là những vấn đề cần được các học giả người châu Phi ở châu Phi tranh luận. Và những vấn đề này cần được nêu ra trong chương trình nghị sự của Phương tây về sự phát triển của châu Phi trong tương lai.