Vai trò gây tranh cãi của tiếng Anh

Philip G. Altbach là Giáo sư nghiên cứu và Giám đốc sáng lập, và Hans de Wit là Giáo sư và Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: altbach@bc.edu; dewitj@bc.edu.

Tóm tắt

Tiếng Anh đang và sẽ vẫn là ngôn ngữ khoa học toàn cầu quan trọng và là ngôn ngữ giảng dạy quan trọng trong tương lai gần. Tuy nhiên, trong khi đó, trên toàn thế giới đang diễn ra những cuộc tranh luận về vai trò của tiếng Anh và về vai trò của ngôn ngữ nói chung trong giáo dục đại học. Không có những giải pháp dễ dàng cho vấn đề mà một số người gọi là “chủ nghĩa đế quốc của tiếng Anh”. Hiểu được những tác động và tổn hại và lợi ích của việc sử dụng ngôn ngữ khác là rất quan trọng và những người đưa ra quyết định đang phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề.

Vào giữa thế kỷ XX, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu trong khoa học và học thuật. Với sự phát triển của Internet và toàn cầu hóa vào những năm cuối thế kỷ và trong thiên niên kỷ mới, sự thống trị này càng tăng thêm – với tất cả 50 tạp chí khoa học hàng đầu đều được xuất bản bằng tiếng Anh và phần lớn các bài báo học thuật lưu hành quốc tế cũng bằng tiếng Anh.

Hiện tượng đại chúng hóa du học cũng làm tăng sức hấp dẫn của tiếng Anh (hơn 5 triệu sinh viên hiện đang học tập ở nước ngoài, phần lớn trong đó chọn các quốc gia nói tiếng Anh). Số lượng giảng viên, nghiên cứu sinh, bao gồm hàng ngàn nghiên cứu sinh sau tiến sĩ dịch chuyển quốc tế ngày càng tăng, chủ yếu bị thu hút đến các trường đại học nói tiếng Anh. Ở những quốc gia không nói tiếng Anh như Ethiopia, các chương trình học thuật, và thậm chí tất cả các trường đại học đều sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ giảng dạy chính, hoặc thậm chí là ngôn ngữ giảng dạy duy nhất. Ở châu Phi, Rwanda chuyển từ tiếng Pháp sang sử dụng tiếng Anh như một ngôn  ngữ hành chính và trong giáo dục đại học, và gần đây, bộ trưởng bộ giáo dục của Algeria đã tuyên bố thay tiếng Pháp bằng tiếng Anh trong giáo dục đại học. Thật vậy, hầu hết các quốc gia hiện nay đều có các trường đại học giảng dạy bằng tiếng Anh, các cơ sở chi nhánh sử dụng tiếng Anh hoặc các chương trình đại học trọn vẹn bằng tiếng Anh. Ví dụ, người ta có thể học chương trình MBA bằng tiếng Anh tại hơn 30 trường đại học ở Trung Quốc. Các trường đại học ở Nga đang cung cấp các chương trình học bằng tiếng Anh cho đối tượng chính là sinh viên người Nga, những người tìm kiếm bằng cấp loại này để có thêm triển vọng trong thị trường việc làm trong nước và quốc tế. Các trường đại học Trung Quốc khuyến khích giảng viên của họ xuất bản trên các tạp chí tiếng Anh có uy tín cao và trao những phần thưởng tài chính đáng kể cho những công bố đó – trong khi xuất bản trên các tạp chí Trung Quốc chỉ mang lại rất ít lợi ích. Thật vậy, số lượng tạp chí bằng tiếng Anh ở Trung Quốc đang tăng theo cấp số nhân. Điều tương tự cũng đúng với các quốc gia khác, chẳng hạn như Nam Phi. Rõ ràng là tiếng Anh vẫn tiếp tục là ngôn ngữ khoa học toàn cầu và là ngôn ngữ giảng dạy quan trọng trong tương lai gần và thậm chí, trong giai đoạn của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy, vai trò của nó có thể sẽ tăng lên. Các quốc gia, các tổ chức và cá nhân đều tìm cách điều chỉnh và thích ứng với tác động của tiếng Anh toàn cầu trong đời sống học thuật trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đồng thời, một cuộc tranh luận đang nổi lên về vai trò của tiếng Anh và về vai trò của ngôn ngữ nói chung trong giáo dục đại học.

Những câu hỏi đáng hỏi

Rất đáng để đặt ra những câu hỏi liên quan đến tác động của làn sóng tiếng Anh. Theo một nghĩa rộng hơn, không có ích gì nếu chối bỏ nó; nếu như toàn cầu hóa là một lực lượng không thể tránh khỏi, vai trò của tiếng Anh trong giáo dục đại học cũng vậy.

Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, nó còn là văn hóa. Ý nghĩa của việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính trong giáo dục đại học ở các quốc gia không nói tiếng Anh có thể ảnh hưởng đến văn hóa và cách suy nghĩ. Người Pháp và người Ý, vì luôn bảo vệ văn hóa của họ, từ lâu vẫn chống lại việc sử dụng tiếng Anh trong giáo dục đại học, nhưng gần đây họ đã cởi mở hơn, và ở cả Pháp và Ý ngày càng có nhiều khóa học bằng tiếng Anh, bất chấp các cuộc biểu tình mạnh mẽ không chỉ của những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người ủng hộ bảo vệ di sản văn hóa quốc gia, mà còn của các học giả.

Một tác động khác, đặc biệt là đối với khoa học xã hội và nhân văn, là áp lực phải xuất bản trên các tạp chí quốc tế tiếng Anh hạn chế cơ hội đóng góp vào những cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông sử dụng ngôn ngữ địa phương.

Việc sử dụng tiếng Anh cũng tác động đến phương pháp nghiên cứu, xuất bản và định hướng học tập. Điều này đúng vì nhiều lý do. Các tạp chí bằng tiếng Anh có uy tín cao hầu như chỉ được biên tập bởi các học giả ở các nước nói tiếng Anh, và những biên tập viên này phụ thuộc phần lớn vào các nhà phê bình cũng ở những quốc gia này. Ngay cả những biên tập viên có đầu óc quốc tế nhất, giống như hầu hết các nhà phê bình, cũng có sự thiên vị đối với các phương pháp và định hướng học thuật được ưa chuộng trong cộng đồng học thuật nói tiếng Anh. Các nghiên cứu cho thấy các tạp chí và bài báo được trích dẫn nhiều nhất là bằng tiếng Anh. Các học giả từ những môi trường không phải tiếng Anh chịu thiệt thòi theo nhiều cách. Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, nên khả năng sử dụng tiếng Anh của họ thường không hoàn hảo. Quan trọng hơn, nói chung, họ chịu sự ảnh hưởng phải tuân theo những giới hạn phương pháp luận của các xu hướng chính thống sử dụng tiếng Anh trong các chuyên ngành của họ. Điều này có thể ít quan trọng hơn trong khoa học tự nhiên, nơi các phương pháp có thể phổ quát hơn, nhưng nổi bật đáng kể trong khoa học xã hội, nơi thực tế văn hóa và quốc gia định hình nền học thuật. Và trong tất cả các lĩnh vực, các nhà nghiên cứu và học giả có thể bị cám dỗ định hướng các chủ đề nghiên cứu của họ theo những thứ hấp dẫn hơn đối với các biên tập viên và nhà xuất bản ở các thị trường nói tiếng Anh.

Một tác động khác, đặc biệt là đối với khoa học xã hội và nhân văn, là áp lực phải xuất bản trên các tạp chí quốc tế tiếng Anh hạn chế cơ hội đóng góp vào những cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông sử dụng ngôn ngữ địa phương, và, như vậy, hạn chế cơ hội đính chính những thông tin giả, một lập luận được các học giả ở Hà Lan đưa ra để chống lại áp lực xuất bản quốc tế. Trong ấn bản IHE số 88, 2017, Akiyoshi Yonezawa lưu ý rằng “số lượng xuất bản bằng tiếng Anh ít ỏi trong các lĩnh vực này đang trở thành một trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển xa hơn của khoa học xã hội và nhân văn ở Nhật Bản”, và rằng “ít có khả năng và ít người mong muốn cho tiếng Anh – trong vai trò ngôn ngữ học thuật – tiếp tục độc quyền trong các lĩnh vực như nhân văn và khoa học xã hội, là những ngành vốn bắt nguồn sâu xa từ các hoạt động đa ngôn ngữ và đa văn hóa và từ các giá trị”.

Một thực tế diễn ra khi triển khai các khóa học và chương trình đào tạo bằng tiếng Anh trong các môi trường không phải tiếng Anh là chất lượng giảng dạy thấp do trình độ tiếng Anh của nhiều giảng viên còn sơ đẳng hoặc khả năng giảng dạy bằng ngoại ngữ còn hạn chế. Điều này, thường kết hợp với khả năng hiểu tiếng Anh hạn chế của sinh viên bản địa và sinh viên quốc tế không nói tiếng Anh, tạo ra một môi trường nơi việc học tập chiếm rất ít chỗ. Ngoài ra, hiểu biết về các tài liệu khóa học và văn bản bằng tiếng Anh và việc tiếp cận chúng có thể còn hạn chế. Nói tóm lại, cung cấp các chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh là một việc phức tạp và đòi hỏi cả giảng viên và sinh viên phải có trình độ lưu loát ngoại ngữ cao.

Một hệ quả ít được chú ý của sự gia tăng sử dụng tiếng Anh toàn cầu trong các trường đại học là sinh viên ở những nước nói tiếng Anh ngày càng ít nhu cầu học ngoại ngữ. Trong thế giới nói tiếng Anh số lượng ghi danh vào các khóa học và chương trình ngoại ngữ khác bị giảm, khi nhiều sinh viên (và giảng viên) cảm thấy rằng họ có thể giao tiếp ở bất cứ đâu bằng tiếng Anh. Điều này có nghĩa là các khóa học về văn hóa và văn minh thế giới cũng bị giảm, điều đó khiến cho sinh viên nói tiếng Anh người bản địa bị giảm kiến thức chuyên sâu về các nền văn hóa. Một yếu tố bổ sung là việc dịch máy các tài liệu học thuật ngày càng tinh vi hơn, càng làm giảm nhu cầu học ngoại ngữ.

Cũng có những lo ngại về vai trò của các ngôn ngữ thuộc địa ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi. Ngôn ngữ địa phương được sử dụng trong giáo dục tiểu học và trung học công lập, nhưng không được sử dụng trong giáo dục đại học, trừ một vài ngoại lệ. Những chính sách như vậy có sự rủi ro rất cao: chủ nghĩa tinh hoa trong tiếp cận giáo dục đại học; suy giảm chất lượng giáo dục và nghiên cứu; ít phù hợp với nhu cầu địa phương; và sự thống trị của các mô hình phương tây.

Cuộc tranh luận ở Hà Lan

Sự phản kháng chống lại việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ giảng dạy trong thế giới phát triển đang gia tăng. Ở Ý và Hà Lan, các học giả đã yêu cầu tòa án ngăn chặn các trường đại học bổ sung thêm các chương trình dạy tiếng Anh. Họ đưa ra nhiều lý lẽ khác nhau, từ việc cần thiết duy trì văn hóa quốc gia và chất lượng giáo dục, đến lý luận rằng quốc tế hóa chỉ là một nguồn thu làm phương hại đến nền giáo dục dành cho sinh viên bản địa. Hai lập luận cuối cùng này đang chi phối cuộc tranh luận hiện tại ở Hà Lan, tạo ra một cảm giác chung rằng việc truyền bá tiếng Anh như một ngôn ngữ giảng dạy, cùng việc thiếu một cách tiếp cận chiến lược, đã đi quá xa và trở thành một sự áp đặt. Rất nhiều câu hỏi được nêu ra, ví dụ như: vì sao các môn học như văn học, lịch sử hay luật pháp Hà Lan lại phải dạy bằng tiếng Anh? Có phải các môn học như tâm lý học được dạy bằng tiếng Anh là để thu hút sinh viên quốc tế và để bù đắp cho số lượng sinh viên địa phương bị suy giảm? Đóng góp của sinh viên quốc tế cho ngân sách của các tổ chức và cho nền kinh tế địa phương và quốc gia có nên được coi trọng hơn sự đầu tư vào giáo dục chất lượng cho sinh viên địa phương? Vì sao sinh viên địa phương phải cạnh tranh với sinh viên quốc tế để có chỗ ở trong các ký túc xá sinh viên vốn dĩ chỉ có hạn? Và làm thế nào để chống lại tình trạng sinh viên địa phương ngày càng ít quan tâm đến ngôn ngữ và văn học Hà Lan? Bộ trưởng giáo dục, văn hóa, khoa học và các nhà lãnh đạo các trường đại học Hà Lan đang bị kẹt giữa áp lực cạnh tranh quốc tế và áp lực phải giải trình trước những chất vấn này cũng như trước những người theo chủ nghĩa dân tộc trong quốc hội. Tìm một sự thỏa hiệp là không dễ dàng. Các quốc gia khác, như Đan Mạch và Đức, cũng đang phải đối mặt với các cuộc tranh luận tương tự.

Kết luận

Không có những giải pháp dễ dàng cho vấn đề mà một số người gọi là “chủ nghĩa đế quốc của tiếng Anh”. Đây là một thực tế cơ bản ngày nay rằng tiếng Anh là ngôn ngữ chính của khoa học và học tập, và hơn nữa là ngôn ngữ giao tiếp, cả chính thức và không chính thức, giữa sinh viên và học giả trên toàn cầu. Hiểu được mọi tác động của việc lựa chọn ngôn ngữ giảng dạy cho một chương trình hoặc cho toàn bộ tổ chức, và hiểu được mặt trái và lợi ích của quyết định đó là rất quan trọng và những người đưa ra quyết định đang phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề.