Ariane de Gayardon là Trợ lý nghiên cứu cao cấp ở Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, Viện Giáo dục, Đại học Luân Đôn, Vương quốc Anh. E-mail: a.gayardon@ucl.ac.uk. Andrés Bernasconi là Giáo sư ngành Giáo dục học, Đại học Pontificia Católica, Chile, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp về Công bằng Giáo dục (CJE). E-mail: abernasconi@uc.cl.
Tóm tắt
Bài viết này trình bày chi tiết về trào lưu miễn học phí đại học đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Đồng thời phân tích những động cơ dẫn đến việc áp dụng chính sách miễn học phí và đặt câu hỏi về tính bền vững của nó trong bối cảnh các sự kiện diễn ra gần đây ở những nước áp dụng chính sách này.
Trong những thập kỷ gần đây, học phí tăng và đại chúng hóa giáo dục đại học đã dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu chi phí đào tạo đại học, theo chiều hướng dịch chuyển gánh nặng từ chính phủ sang sinh viên và gia đình họ. Do đó, những tranh luận về vấn đề tài chính của giáo dục đại học xoay quanh việc học phí tăng, cách phân bổ các khoản hỗ trợ sinh viên và hiện tượng gia tăng nợ của sinh viên. Trong bối cảnh như thế, trong những năm 2010, chúng ta bất ngờ chứng kiến sự hồi sinh của một chính sách đảo ngược: giáo dục đại học miễn phí, sau các quyết định chính trị ở nhiều quốc gia khắp thế giới, trở lại với mô hình giáo dục đại học do nhà nước tài trợ hoàn toàn hoặc chi chủ yếu.
Phong trào miễn học phí đại học
Phong trào miễn học phí giáo dục đại học được cho là bắt nguồn vào năm 2011 từ các cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên Chile đòi miễn học phí. Đây là hệ quả của gánh nặng nợ học phí quá cao, và lời kêu gọi chấm dứt thị trường hoá giáo dục đại học. Phong trào này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2013, trong đó ứng cử viên Đảng Xã hội Michele Bachelet đã giành chiến thắng, chủ yếu nhờ lời hứa mang đến giáo dục đại học miễn phí cho tất cả mọi người.
Phong trào #FeesMustFall tương tự cũng diễn ra ở Nam Phi vào năm 2015-2016, đã đưa đông đảo sinh viên xuống đường. Đi ngược lại lời khuyên của các chuyên gia, năm 2017 Tổng thống Zuma công bố kế hoạch miễn học phí. Một số quốc gia khác cũng làm theo. Năm 2017, New Zealand chọn bầu một thủ tướng có chương trình tranh cử lấy trọng tâm là miễn học phí đại học. Philippines cũng ban hành chính sách giáo dục đại học miễn phí vào năm 2017. Năm 2018, tổng thống Liberia tuyên bố chính sách miễn học phí ở các trường đại học công lập, tiếp theo là Maruitius vào năm 2019.
Những cuộc thảo luận xung quanh vấn đề miễn học phí đại học cũng diễn ra ở Hoa Kỳ, đây cũng là luận điểm chính trong chính sách tranh cử tổng thống 2020 của các ứng cử viên đảng Dân Chủ, như Bernie Sanders và Elizabeth Warren. Như vậy, phong trào miễn học phí rõ ràng là một xu hướng quan trọng của tương lai giáo dục đại học.
Một hệ tư tưởng được tái sinh
Bất chấp xu hướng chia sẻ chi phí giáo dục đại học, một số quốc gia trên thế giới – phần lớn là những quốc gia có hệ thống phúc lợi xã hội – vẫn duy trì giáo dục đại học miễn phí (trong các trường công), như Đức, Na Uy, Thụy Điển và các nước châu Mỹ Latinh. Chỉ gần đây, những quốc gia chủ trương chia sẻ chi phí mới quyết định đảo ngược và áp dụng chính sách miễn học phí.
Trong phần lớn các trường hợp, sự bất mãn của sinh viên dường như là lý do để chính phủ quyết định chuyển sang chính sách miễn học phí. Sự bất mãn này thường được thúc đẩy bởi những lo ngại về sự gia tăng bất bình đẳng do học phí cao. Ở Chile, học phí cao và nợ sinh viên là hai lý do chính dẫn đến tuyên bố “giáo dục đại học bị thị trường hoá”. Vì vậy, một trong những yêu cầu của phong trào Chile là nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục đại học hơn cho người nghèo thông qua giáo dục đại học miễn phí. Ở Nam Phi, phong trào #FeesMustFall tập trung phản đối tăng học phí, trên cơ sở những lo ngại về phân biệt chủng tộc, kỳ thị màu da và bất công. Công bố của Liberia về chính sách miễn học phí cũng được ban hành sau khi sinh viên phản đối việc tăng học phí.
Từ những quan điểm khác nhau, các chính phủ đưa ra quyết định dựa theo ý tưởng từ dưới lên này dường như đều xuất phát từ động cơ chính trị – nhằm thu thập phiếu bầu, hơn là căn cứ vào những phân tích sâu sắc để chọn ra một chính sách tốt. Ở Chile và New Zealand, miễn học phí là một luận điểm trong chương trình tranh cử tổng thống. Tại Mauritius, tuyên bố miễn học phí của tổng thống được đưa ra vào đầu năm bầu cử. Ở Nam Phi, luật giáo dục đại học miễn phí được tuyên bố nhằm cứu vãn cho Tổng thống Zuma đang sa lầy trong các vụ bê bối. Đối với nhiều chính trị gia, miễn học phí là một chiêu bài chính trị dễ quảng bá và được ủng hộ mạnh mẽ.
Miễn học phí đại học có thể là giải pháp chính trị tốt, nhưng lại là một chính sách quốc gia kém. |
Thực tế về miễn học phí
Miễn học phí đại học có thể là giải pháp chính trị tốt, nhưng lại là một chính sách quốc gia kém. Chính sách này có thể giúp các chính trị gia dành được quyền lực, nhưng không thực sự cải thiện sự công bằng trong giáo dục đại học. Lời hứa ở Chile giúp Michele Bachelet lên nắm quyền, nhưng không làm tăng thêm cơ hội gia nhập đại học cho tầng lớp thua thiệt nhất, do vướng những quy định về điều kiện học vấn đầu vào. Trên thực tế, miễn học phí mang lại lợi ích nhiều nhất cho tầng lớp có thu nhập cao trong xã hội, trong khi sinh viên từ các gia đình nghèo bị gạt ra khỏi các trường đại học công lập miễn học phí. Đồng thời, chính sách miễn học phí cũng đồng nghĩa với việc thiếu ngân sách cho giáo dục đại học và chất lượng thấp.
Nhưng vấn đề chính của phong trào miễn học phí này là những chính trị gia ban hành chính sách lại bất lực trong việc biến nó thành hiện thực bền vững. Ở Chile chỉ 60% các gia đình nghèo nhất được hưởng chính sách miễn học phí – và chỉ áp dụng trong một số trường nhất định. Mặc dù ý tưởng là miễn học phí cho tất cả, nhưng rào cản kinh tế đã làm chững lại tiến trình thực thi. Ở Nam Phi dự luật cũng chỉ nhắm đến những người nghèo nhất. Ở New Zealand, ngân sách cho các trường đại học bị đóng băng ngay sau khi chính sách miễn học phí được công bố. Trong thời đại đại chúng hoá giáo dục đại học, duy trì chính sách miễn học phí là một gánh nặng tài chính, và nguồn lực giới hạn của các chính phủ cần được phân bổ đúng chỗ.
Miễn học phí theo đối tượng
Trong bối cảnh đó, một xu hướng mới xuất hiện, một cách ngẫu nhiên ở Chile, nhưng có chủ đích hơn ở các quốc gia khác: miễn học phí theo đối tượng, trong đó giáo dục đại học miễn phí chỉ dành cho sinh viên thuộc tầng lớp kinh tế – xã hội thấp. Giải pháp này được thực hiện gần đây ở một số nơi như bang New York, Ý, Nhật Bản và Nam Phi. Miễn học phí theo đối tượng cũng có sức mạnh chính trị như chính sách miễn học phí, nhưng có hiệu quả kinh tế tốt hơn. Nó cung cấp nguồn tài chính cho những người cần nhất, do đó đáp ứng cả hai tiêu chí về sự công bằng và ngân sách cho đại học. Tương lai sẽ cho biết cách tiếp cận này có thành công và có thể áp dụng rộng rãi hay không.