Giáo dục đại học: Các giá trị của giáo dục đại học và trách nhiệm xã hội

Eva Egron-Polak nguyên là Tổng thư ký và Hội viên cao cấp của Hiệp hội các trường đại học quốc tế. E-mail: e.egronpolak@gmail.

Tóm tắt

Tình hình chính trị, xã hội và kinh tế hỗn loạn hiện nay đã khiến cho những nguyên tắc và giá trị cốt lõi cần thiết để giáo dục đại học phát triển lại được quan tâm. Tuy nhiên, các mối đe dọa và sự ngờ vực đối với giáo dục đại học ngày nay đòi hỏi phải có một phản ứng mạnh mẽ hơn, không chỉ khuyến khích các giá trị truyền thống như tự do học thuật và tự chủ thể chế, mà còn tập trung vào những giá trị thúc đẩy sứ mệnh và mục đích của giáo dục đại học.

Mỗi kỷ nguyên đều được đánh dấu bằng một vài sự kiện và vài xu hướng hình thành nên dư luận ​​và tác động tới cách diễn giải và khung chính sách. Thời đại hiện nay cũng không khác, mặc dù tác động của những sự kiện và xu hướng như vậy thường được cảm nhận ở quy mô toàn cầu. Chủ nghĩa dân túy gia tăng và sự hấp dẫn của cách lãnh đạo độc đoán đang đe dọa nền dân chủ. Nhu cầu phát triển bền vững đang làm thay đổi hành vi và thái độ. Việc di cư ồ ạt mang đến sự đa dạng dân số cho nhiều quốc gia, trong khi đó khoảng cách kinh tế tồn tại dai dẳng, và ngày càng lớn ở trong và giữa các quốc gia làm gia tăng bất ổn xã hội. Việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho phép nhiều người tham gia chia sẻ thông tin hơn, nhưng lại ngăn cản việc kiểm soát nội dung. Sức mạnh của các tác nhân toàn cầu thuộc khu vực tư nhân như Google, Facebook và những tác nhân khác có thể cảm nhận được ở mọi cấp độ. Hiệu ứng không thể đoán trước của trí tuệ nhân tạo đặt ra thêm những thách thức mới.

Ở các mức độ khác nhau trong các bối cảnh khác nhau, những xu hướng phát triển này tác động đến giáo dục đại học và đồng thời làm hồi sinh mối quan tâm đến các giá trị và nguyên tắc cần được bảo vệ và phát huy. Chúng mang đến những cơ hội, trách nhiệm, kỳ vọng và những ràng buộc mới đối với các tổ chức giáo dục đại học. Không còn độc quyền sáng tạo tri thức, chứ đừng nói đến việc phổ biến thông tin, tính phù hợp thực sự của các trường đại học đang bị hoài nghi. Đồng thời, niềm tin rằng chỉ con đường dựa trên tri thức mới dẫn tới khả năng cạnh tranh kinh tế cho các quốc gia và hạnh phúc cho các cá nhân, tạo thêm áp lực phải cung cấp cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho một tỷ lệ dân số ngày càng tăng. Cần có nhiều người tham gia và nhiều người thành công hơn trong giáo dục đại học để gắn kết xã hội và để tránh tình trạng tụt hậu do tồn tại khoảng cách giữa “những người biết” và “những người không biết”.

Thách thức xã hội phức tạp và các tình huống đạo đức khó xử là một số trong những lý do để lãnh đạo, giảng viên và sinh viên các trường đại học suy ngẫm về mục đích của giáo dục đại học và những giá trị thúc đẩy và củng cố tiến trình này.  

Các nguyên tắc và giá trị

Đây không phải lần đầu tiên các nguyên tắc nền tảng dẫn dắt giáo dục đại học thu hút sự chú ý của công chúng. Ví dụ, vài thập kỷ trước đây, có hai tổ chức quốc tế về giáo dục đại học đã nêu rõ và nhấn mạnh cam kết của họ đối với các giá trị cơ bản. Năm 1988, nhân kỷ niệm 900 năm Đại học Bologna, tổ chức Charta Observatory Magna (MCO) đã thông qua Universitatum (Hiến chương Đại học). Đóng góp cho Hội nghị Giáo dục Đại học Thế giới năm 1998 của UNESCO, Hiệp hội các trường đại học quốc tế đã soạn thảo tuyên bố về “Tự do học thuật, Tự chủ thể chế và Trách nhiệm xã hội”. Hai tổ chức trên tiếp tục phát huy những giá trị này và khuyến khích các trường đại học chấp thuận và tích hợp các giá trị vào sứ mệnh và chức năng của trường.

Cả hai tổ chức đều tập trung chủ yếu vào tự do học thuật và tự chủ thể chế. Hai nguyên tắc này tiếp tục được coi là điều kiện thiết yếu để một trường đại học trở thành vững mạnh và hoạt động tốt, hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình.

Ngày nay, những thảo luận liên quan đến giá trị của giáo dục đại học cần và thường vượt ra ngoài khung nguyên tắc hoạt động này. Chúng tập trung vào những giá trị dẫn dắt mục tiêu thực sự của giáo dục và nghiên cứu.

Sự lựa chọn các giá trị quyết định mục tiêu của giáo dục đại học và xác định chất lượng của sinh viên tốt nghiệp mà trường đại học định đào tạo.

Những giá trị quyết định mục tiêu giáo dục đại học

Sự lựa chọn các giá trị quyết định mục tiêu của giáo dục đại học và xác định chất lượng của sinh viên tốt nghiệp mà trường đại học định đào tạo. Những trách nhiệm mà các trường đại học chấp nhận gánh vác được xác định bởi những giá trị mà trường, với tư cách một cộng đồng, chấp nhận và triển khai thông qua chính sách, chương trình và chương trình giảng dạy. Thực tế là năm 2019, Diễn đàn toàn cầu về Tự do học thuật, Tự chủ thể chế và Tương lai của nền dân chủ, do Hội đồng châu Âu tổ chức, đã thông qua tuyên bố trong đó đoạn đầu tiên nêu rõ: “Giáo dục, bao gồm cả giáo dục đại học, chịu trách nhiệm thúc đẩy và phổ biến kiến ​​thức và đào tạo những công dân có đạo đức và có năng lực”. Sự tập trung như vậy vào phẩm chất của sinh viên tốt nghiệp là rất quan trọng và cần thiết.

Cựu Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman von Rompuy, khi đề cập tới các giá trị và nhân quyền, từng nói rằng thông thường những gì chúng ta gợi lên thường xuyên nhất lại là những thứ thiếu nhất trong thực tế. Có thể, sự quan tâm mới hồi sinh gần đây về các giá trị trong giáo dục đại học là dấu hiệu cho thấy ngành giáo dục đại học đã đánh mất sự cam kết với những giá trị này? Có phải các giá trị và trách nhiệm xã hội đã bị lãng quên hoặc bị bỏ qua? Bao nhiêu phần trong những cam kết về các giá trị như liêm chính, đoàn kết, hướng đến mọi đối tượng… thực tế chỉ là câu chữ hấp dẫn để tiếp thị, và những khái niệm này được áp dụng và duy trì trong các trường đại học trên toàn cầu như thế nào?

Một cách lý tưởng, trường đại học là những không gian, cả thực và ảo, ở đó sự thật và kiến thức mới được tìm kiếm và tự do chia xẻ; ở đó sự đối thoại hợp lý và tôn trọng lẫn nhau được khuyến khích và bảo vệ; ở đó các quan điểm khác biệt được tiếp nhận cởi mở và không có sự phân biệt đối xử. Có tự do học thuật và quyền tự chủ thể chế vẫn chưa đủ để tạo ra những không gian như vậy. Bảo vệ hai giá trị này có thể vẫn chưa đủ để các tổ chức giáo dục đại học lấy lại được niềm tin. Các giá trị như bình đẳng và công bằng, liêm chính, trung thực, tử tế, đạo đức, cởi mở, đối thoại tôn trọng và phân tích phê phán cũng phải trở thành những dấu xác nhận hữu hình của các tổ chức này. Điều này đòi hỏi sự đối thoại liên tục để có được sự đồng thuận về những giá trị và cam kết hành động mà tất cả các bên liên quan đều chia xẻ. Một số trường đại học trên thế giới, làm việc với MCO, đang thực hiện hành trình này.

Trách nhiệm và nghĩa vụ

Ngày nay, kiến thức khoa học thường bị nghi ngờ và các tin tức giả mạo lan truyền nhanh chóng, những hận thù cũ như phân biệt chủng tộc, bài ngoại, và xung đột tôn giáo đang gia tăng, và loài người bị đe dọa bởi sự lạm dụng và khai thác tài nguyên hành tinh để kiếm lợi của một số ít người. Trong những thời điểm như vậy, các trường đại học và các tổ chức giáo dục đại học khác có nghĩa vụ phải nói lên sự thật với chính quyền và phục vụ lợi ích tập thể của xã hội. Chức năng, hoạt động và quan trọng nhất là mục tiêu và sứ mệnh của các trường cần phải được quy định bởi các giá trị và các nguyên tắc.