Phát triển hệ thống giáo dục đại học hòa nhập cho người khuyết tật

Stephen Thompson là Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Phát triển, Đại học Sussex, Vương quốc Anh. E-mail: s.thndry@ids.ac.uk.

 Tóm tắt

Đã 25 năm kể từ khi Tuyên bố Salamanca kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ đường lối giáo dục hòa nhập, kể cả ở cấp đại học. Một phần tư thế kỷ qua đã chứng kiến ​​hệ thống giáo dục sau trung học đại chúng hóa toàn cầu, tuy nhiên sự bùng nổ về cơ sở vật chất và tuyển sinh đã củng cố và làm trầm trọng thêm sự loại trừ người khuyết tật ra khỏi lĩnh vực này. Các hệ thống giáo dục đại học cần phải bao gồm cả người khuyết tật để đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế và khuôn khổ toàn cầu.

Đã 25 năm trôi qua từ khi số đầu tiên của tạp chí Giáo dục Đại học Quốc tế được xuất bản. Thật trùng hợp là cũng 25 năm đã trôi qua kể từ khi Tuyên bố Salamanca kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ đường lối giáo dục hòa nhập, kể cả ở cấp đại học. Một phần tư thế kỷ qua đã chứng kiến ​​giáo dục sau trung học đại chúng hóa toàn cầu, nhưng sự bùng nổ về cơ sở vật chất và tuyển sinh đã củng cố và làm trầm trọng thêm sự loại trừ người khuyết tật khỏi lĩnh vực này. Đặc biệt trong những khu vực có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ hoàn thành đại học của sinh viên khuyết tật thấp một cách đáng lo ngại so với những sinh viên không bị khuyết tật. Bằng chứng từ 35 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho thấy trong nhóm sinh viên từ 25 đến 54 tuổi, tỷ lệ hoàn thành đại học trung bình của sinh viên khuyết tật là 4,5%, so với 7,9% của sinh viên không bị khuyết tật. Với sinh viên ở độ tuổi 55 trở lên, bằng chứng từ 34 quốc gia phát hiện ra rằng tỷ lệ hoàn thành của những người khuyết tật là 1,8%, so với 3,7% của những người không bị khuyết tật.

Khoảng 15% dân số thế giới bị khuyết tật dưới dạng này hay dạng khác. Lĩnh vực giáo dục đại học cần phải nhận thức được tiềm năng giáo dục của 15% sinh viên đó. Để đảm bảo một tỷ lệ đáng kể của xã hội không bị loại trừ khỏi giáo dục đại học và tiềm năng của họ được hiện thực hóa, cần nhiều yếu tố khác nhau. Bao gồm phát triển các chính sách phù hợp cho người khuyết tật, các hệ thống quản trị và tài chính, chương trình giảng dạy, nhân viên, các công trình xây dựng và các cộng đồng hỗ trợ (UNESCO, 2018).

Các hệ thống giáo dục đại học phải hòa nhập được người khuyết tật, để đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế và khuôn khổ toàn cầu. Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (UNCRPD) đã được thông qua năm 2006 và được đa số quốc gia trên thế giới ký kết. Điều 24 của UNCRPD tập trung vào quyền giáo dục và cùng với những cam kết khác, yêu cầu các quốc gia đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với đào tạo nghề, giáo dục người lớn và học tập suốt đời. Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) là một kế hoạch xây dựng một thế giới tốt hơn cho mọi người và cho hành tinh của chúng ta cho đến năm 2030. Mục tiêu SDG 4 nhằm đảm bảo giáo dục chất lượng, hòa nhập và công bằng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Mục tiêu 4.3 nhằm đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với giáo dục kỹ thuật, dạy nghề và trình độ cao hơn, gồm cả các chương trình bằng cấp đại học, có chất lượng và với giá cả phải chăng; mục tiêu này đã đạt được. Mục tiêu 4.5 nhằm đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng tới mọi cấp giáo dục cho những người dễ bị tổn thương, kể cả người khuyết tật. Phát triển một nền giáo dục đại học đảm bảo sự hòa nhập của người khuyết tật cũng phù hợp với Mục tiêu SDG 1 (nghèo đói); SDG 3 (sức khỏe); SDG 5 (giới tính); SDG 8 (tăng trưởng kinh tế); SDG 12 (sản xuất có trách nhiệm); SDG 13 (biến đổi khí hậu); cũng như SDG 16 (hòa bình và thể chế mạnh). Các Mục tiêu SDG sẽ không đạt được nếu như nhu cầu của người khuyết tật không được xem xét và quyền của họ không được công nhận. Nếu không thực hiện các hành động giúp người khuyết tật hòa nhập được trong lĩnh vực giáo dục đại học, chúng ta sẽ không đạt tới môi trường mà trong đó không ai bị bỏ lại phía sau.

Các Mục tiêu SDG sẽ không đạt được nếu như nhu cầu của người khuyết tật không được xem xét và quyền của họ không được công nhận.

Giáo dục đại học có vai trò kép trong việc tạo ra tri thức, bao gồm cả nghiên cứu và dạy/học. Giáo dục đại học hòa nhập người khuyết tật sẽ là việc tối cần thiết cho phép phát triển một môi trường học thuật có thể góp phần giải quyết những bất bình đẳng xã hội và tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu (bao gồm cả SDG). Nếu những nhà nghiên cứu bị khuyết tật không được tham gia vào các quy trình nghiên cứu, thì nhiều khả năng tiếng nói của người khuyết tật sẽ bị loại bỏ khỏi các kết quả, các khuyến nghị và các đề xuất. “Không thể nói về chúng tôi mà không có chúng tôi” là triết lý chính của phong trào của người khuyết tật. Để giáo dục đại học thực sự hòa nhập người khuyết tật, triết lý này phải được nhúng vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học.

Những tiến bộ trong giáo dục đại học hòa nhập người khuyết tật sẽ là đặc biệt thích hợp trong giai đoạn sắp kết thúc hai thập kỷ đầu của thế kỷ hai mươi mốt, nhất là khi cả giáo dục tiểu học và trung học đều đã đạt được những cải thiện trong việc thu hút học sinh khuyết tật đến trường. Mặc dù vẫn tồn tại những vấn đề về chất lượng, cơ hội tiếp cận giáo dục đã được cải thiện rất nhiều. Trong khi số lượng lớn những trẻ em khuyết tật này đi qua hệ thống giáo dục, các tổ chức giáo dục đại học cần bắt kịp xu hướng để đảm bảo cung cấp một nền giáo dục hòa nhập người khuyết tật vào thời điểm những học sinh này hoàn thành phổ thông trung học. Nếu giáo dục đại học tiếp tục coi người khuyết tật là thứ yếu, tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ là điểm dừng cuối trong hành trình giáo dục của nhiều thanh thiếu niên khuyết tật, cho dù họ có tiềm năng và mong muốn tiếp tục học cao hơn.

Bất chấp triển vọng ảm đạm này, vẫn có những tia hy vọng. Dữ liệu cho thấy các quốc gia, bao gồm Gambia và Colombia, đã cố gắng nắm bắt xu hướng và đang có những bước tiến lớn trong việc cung cấp một nền giáo dục đại học hòa nhập người khuyết tật. Khi chúng ta bước vào giữa thế kỷ hai mươi mốt, cách tiếp cận đối với người khuyết tật đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội cho giáo dục đại học quốc tế. Thách thức bao gồm việc sử dụng những tiện nghi, thiết bị hợp lý trong lĩnh vực giáo dục đại học để đảm bảo rằng không ai bị từ chối vì lý do khuyết tật. Cơ hội thể hiện ở những tiềm năng mà một nền giáo dục đại học công bằng hơn, toàn diện hơn phải cung cấp, nếu như chúng ta có thể biến nó từ một khát vọng thành hiện thực.