Vai trò quan trọng của truyền thông trong một thế giới hậu sự thật

Marcelo Knobel là Hiệu trưởng của Đại học Estadual de Campinas (Unicamp) và là Giáo sư tại Viện Vật lý Gleb Wataghin, Unicamp, Brazil. E-mail: Knobel@ifi.unicamp.br.

Tóm tắt

Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới mà sự vô lý và sự thật, quan điểm cá nhân và những lập luận có căn cứ rất khó tách biệt. Điều này có thể gây ra thảm họa xã hội, cũng như thiệt hại lâu dài cho khoa học, công nghệ và các tổ chức giáo dục đại học. Một chiến lược truyền thông tích cực và quyết liệt hơn, với ngôn ngữ hiện đại và thông điệp mạnh mẽ, là điều cần thiết hơn bao giờ hết để đối mặt với cái gọi là kỷ nguyên “hậu sự thật” (post-truth).

Các tổ chức giáo dục đại học đang phải đối mặt với một chiến dịch khốc liệt trên toàn thế giới hoài nghi về giá trị và ý nghĩa của họ. Ví dụ, ở Brazil, các cáo buộc chống lại các trường đại học đi từ những tuyên bố nực cười rằng đó là “những sào huyệt Cộng sản” và “những nơi vô luật pháp” (nơi diễn ra tiệc tùng liên miên, ma túy, rượu chè, trụy lạc), cho đến những khẳng định tinh vi hơn về quyền tự chủ, quản lý và hoạt động của họ.

Đây không phải là lần đầu tiên các trường đại học ở vào vị trí lúng túng như vậy. Là một trong số những tổ chức lâu đời nhất trong xã hội, họ thực sự đã chống chọi được trước một số cuộc tấn công trong thiên niên kỷ qua. Tuy nhiên, sự xuất hiện và tầm quan trọng ngày càng tăng của truyền thông xã hội, kết hợp với sự lớn mạnh của cái gọi là “kỷ nguyên hậu sự thật”, đã thêm một yếu tố mới vào làn sóng chỉ trích hiện nay, nâng tác động tiềm năng của nó lên mức độ chưa từng thấy.

Nguy cơ của ngụy khoa học, thuyết âm mưu và tin tức giả mạo khác

Cần phải xem xét một cách nghiêm túc những công kích đang diễn ra nhắm vào các trường đại học. Từ cuộc bầu cử tổng thống đến sự trỗi dậy của những người phủ nhận và những người theo thuyết âm mưu, có rất nhiều ví dụ về các sự kiện đương đại đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phương tiện truyền thông xã hội. Thật vậy, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những cư dân mạng hăng hái với ngụy khoa học lại có vẻ nhiều hơn so với những người tin vào khoa học thực sự. Ví dụ, hầu hết các video trên YouTube liên quan đến biến đổi khí hậu đều phản đối sự đồng thuận khoa học rằng chính con người đã gây ra sự việc này. Đa số đều phủ nhận thực tế này hoặc cho rằng luận án biến đổi khí hậu xuất phát từ một âm mưu. Những lý thuyết âm mưu đó lại nhận được số lượt xem cao nhất.

Ví dụ, hầu hết các video trên YouTube liên quan đến biến đổi khí hậu đều phản đối sự đồng thuận khoa học rằng chính con người đã gây ra sự việc này.

Thật không may, biến đổi khí hậu không phải là chủ đề duy nhất trong đó khoa học bất lương giành được chiến thắng trực tuyến, mà không phải là sự thật khoa học. Điều tương tự cũng xảy ra trong các sự việc khác như bệnh truyền nhiễm và vắc-xin quai bị – sởi – sởi rubella (MMR), đó mới chỉ là một vài ví dụ. Mặc dù có rất nhiều thông tin trực tuyến về sự an toàn của vắc-xin, nhưng những cáo buộc sai lầm rằng nó gây tác hại đã lan truyền rộng rãi trên Internet. Do đó, số lượng người tiêm chủng đã giảm đi ở nhiều quốc gia trên thế giới, mở ra cánh cửa cho sự quay lại của những căn bệnh gần như đã bị xóa bỏ.

Xây dựng tuyến phòng thủ trong cuộc chiến tranh hậu sự thật

Phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò lớn trong việc truyền bá thông tin sai lệch. Các nhà khoa học và các tổ chức giáo dục đại học cần phải chủ động hơn trong việc phát triển các cách thức sáng tạo và hấp dẫn để truyền đạt kết quả nghiên cứu tới nhiều đối tượng hơn. Quan trọng hơn, điều thiết yếu là họ phải ghi nhớ rằng thông tin độc hại bị thao túng có thể ảnh hưởng mạnh đến hành vi của mọi người, dù là cá nhân hay theo nhóm.

Đương đầu với vấn đề này là một nhiệm vụ phức tạp. Bằng cách cung cấp thông tin chính xác hoặc có tính giáo dục về một chủ đề nhất định, người ta có thể đơn giản củng cố nhận thức của công chúng về những sai lệch đang có liên quan đến chủ đề đó. Một bước quan trọng là phải vượt qua được phản ứng chống trả trước niềm tin và khuynh hướng tư tưởng của công chúng. Một cách khác là phát triển khả năng suy nghĩ phê phán của công chúng, để họ có thể nhận biết sự khác biệt giữa thông tin thực và thông tin sai lệch. Các nhà khoa học và giảng viên cũng cần tham gia nhiều hơn vào cuộc tranh luận, để đảm bảo rằng công trình của họ được hiểu và được trân trọng, và không bị sử dụng sai. Họ phải sử dụng các chiến lược sáng tạo và thuyết phục để giao tiếp với công chúng. Bao gồm việc tạo ra nội dung truyền thông xã hội hấp dẫn (cả ở cấp độ tổ chức và cá nhân), nhằm mục đích thay đổi niềm tin và tác động đến hành vi. Nếu không, những tiếng nói từ giới hàn lâm sẽ tiếp tục bị lu mờ trước tần suất và sự hung hãn của những thông điệp không dựa trên bằng chứng.

Từ quan điểm tổ chức, các cơ sở giáo dục đại học phải nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của truyền thông để củng cố giá trị của những thông tin có bằng chứng được cung cấp cho xã hội. Giảng viên phải được đào tạo để học hỏi và phát triển các kỹ năng mới, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và các chiến lược truyền thông đương đại khác để gắn kết với sinh viên và công chúng. Một mặt, các trường đại học cần xem xét lại các chiến lược phổ biến thông tin của họ, để chứng minh tầm quan trọng và giá trị của đầu tư công cộng. Khía cạnh cuối cùng này đã được phát triển tốt trong những tổ chức giáo dục đại học tư nhân và cơ sở nghiên cứu lớn phụ thuộc trực tiếp vào học phí hoặc nguồn lực của chính phủ để tồn tại. Mặt khác, các tổ chức công ở nhiều quốc gia cần phát triển những kênh tốt hơn để thông tin cho xã hội (bao gồm cả các chính trị gia) về vai trò cơ bản của họ đối với tiến trình của khu vực và quốc gia, giải thích cách thức vận hành, đôi khi đặc biệt của mình. Nếu không, các nguyên tắc cơ bản của tự do học thuật và tự chủ sẽ gặp nguy hiểm thực sự, khi thiếu những người ủng hộ trong một thực tế khó hiểu, nhưng thực sự đáng sợ, một thực tế phản giáo dục và phản trí tuệ đang định hình ngày càng rõ nét.