Giáo dục đại học trong kỷ nguyên dân túy

Ellen Hazelkorn là Giáo sư danh dự (emerita) và là Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Đại học, Viện Công nghệ Dublin, Ireland; và là đối tác của Hiệp hội BH Associates, Education Consultants. E-mail: ellen.hazelkorn@dit.ie.

Tóm tắt

Những sự kiện xã hội trong vài năm gần đây đã khiến giáo dục đại học phải thức tỉnh. Sự thất vọng gia tăng bởi vì lợi ích của toàn cầu hóa được phân phối không đồng đều và sự chênh lệch ngày càng tăng giữa các trung tâm đô thị và vùng nông thôn đã dọn đường cho thời đại của chủ nghĩa dân túy. Các trường đại học, vẫn được coi là các trung tâm có đặc quyền và của giới thượng lưu xa cách với cộng đồng nuôi dưỡng họ, bị cuốn vào cuộc chiến phân cực này thay vì duy trì lợi ích công. Thách thức hiện nay là trường đại học không thể đứng bên lề, và sinh viên cũng vậy. Có rất nhiều thứ phải đánh đổi. Thực hiện trách nhiệm công dân có phải là cách thức để lấy lại niềm tin của công chúng không?

Những sự kiện xã hội trong vài năm gần đây đã khiến giáo dục đại học phải thức tỉnh. Cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, thay đổi chính phủ ở Hungary, Ba Lan, Ý và Brazil – chỉ là vài ví dụ, cùng những thay đổi về chính sách và lập pháp ở vài nước khác nữa, đã làm bộc lộ sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa giáo dục đại học và cộng đồng nuôi dưỡng nó. Những trường đại học vẫn tự hào về hoạt động vượt ra ngoài biên giới đất nước và văn hóa giờ đây phải đối mặt với việc chính phủ và cộng đồng vận động tránh xa “người nước ngoài”.

Giáo dục và địa lý – bao trùm lên cả chủng tộc, sắc tộc và giới tính, là những yếu tố chính góp phần hình thành quan điểm của mọi người trong Bầu cử Mỹ và cuộc bỏ phiếu sớm năm 2020 cho thấy sự căng thẳng lớn nhất là giữa phụ nữ da trắng có trình độ đại học và đàn ông da trắng không có trình độ đại học. Trình độ học vấn cũng có vai trò quyết định trong cuộc bỏ phiếu Brexit của Anh. Việc dịch chuyển cũng vậy, hay đúng hơn là thiếu cơ hội dịch chuyển. Những người ít có cơ hội rời khỏi quê hương của mình thường hay lo ngại về những thay đổi xã hội và kinh tế. Khi mọi người, cũng như các lực lượng chính trị và kinh tế, đổ xô đến các thành phố thì sự chênh lệch trong cơ hội ngày càng tăng lên.

Người dân ở các nước phát triển và những người cùng thế hệ với tôi đều có niềm tin sâu sắc rằng mỗi thế hệ tiếp theo sẽ tốt đẹp hơn thế hệ trước; tiến bộ là một quyền cơ bản của con người. Nhưng điều này đang thay đổi. Khi nhiều người tham gia vào giáo dục đại học, các trường đại học trở thành phân tầng rõ rệt hơn, cơ hội tiếp cận giáo dục và cơ hội cuộc sống cũng tương tự.

Là một phần của vấn đề hay giải pháp?

Các trường đại học nói rằng họ là một phần của giải pháp, rằng cánh cửa của họ vẫn rộng mở, và rằng nghiên cứu và hoạt động quốc tế của họ là những đóng góp tích cực cho xã hội. Nhưng họ thường xuyên bị buộc tội là chưa làm hết trách nhiệm vì kết quả học tập, chất lượng tốt nghiệp và kỹ năng sống của sinh viên; là chưa xứng đáng với sự tài trợ công và/hoặc hỗ trợ chính trị mà họ nhận được. Khi các trường đại học theo đuổi các chương trình quốc tế hóa và du học, cộng đồng địa phương thường chỉ nhìn thấy khía cạnh là sinh viên quốc tế đang chiếm chỗ học đáng ra dành cho sinh viên trong nước và các chương trình tiếng Anh đang phá hoại ngôn ngữ quốc gia của họ.

Nghiên cứu cho thấy các trường đại học thường chọn các đối tác cộng tác từ những công ty hoặc tổ chức ở xa họ về mặt địa lý. Điều này tùy thuộc vào nhiệm vụ của mỗi trường, nhiều trường đại học mới hơn hoặc có thứ hạng thấp hơn/không được xếp hạng vẫn mời các đối tác cộng tác ở địa phương – nhưng nó nói lên sự chỉ trích ngày càng tăng rằng các trường đại học ưu tiên danh tiếng quốc tế hơn là láng giềng tốt.

Nghiên cứu cho thấy các trường đại học thường chọn các đối tác cộng tác từ những công ty hoặc tổ chức ở xa họ về mặt địa lý.

Chúng ta có thể lập luận rằng những thời kỳ này sẽ qua đi. Nhưng những thay đổi đang được tìm kiếm và/hoặc đang được thực hiện này phản ánh mối quan tâm thực sự và là thực chất. Trong lịch sử, giáo dục đại học có mối quan hệ chặt chẽ với thành phố và quốc gia. Ngày nay, công chúng đang đặt câu hỏi liệu giáo dục đại học có còn phục vụ lợi ích công hay không. Những thách thức này có nghĩa là trường đại học không thể đứng bên lề – sinh viên cũng vậy.

Củng cố và tăng cường sự gắn kết với cộng đồng

Những năm gần đây đã chứng kiến một số lượng đáng kể và hàng loạt các sáng kiến được các trường đại học, hiệp hội đại học và các chính phủ thực hiện, thường là hợp tác với nhau. Mục đích của những sáng kiến này là xem xét và khởi động lại trường đại học cho thế kỷ hai mươi mốt.

Ủy ban Đại học Dân sự Vương quốc Anh đã thúc đẩy ý tưởng về “thỏa thuận dân sự” được soạn thảo và ký kết bởi các bên liên quan chính, bao gồm các trường đại học và các tổ chức giáo dục khác, trong một thành phố/khu vực; cho đến nay, hơn 30 trường đại học đã ký thỏa thuận tính từ khi sáng kiến này ra mắt vào tháng 1 năm 2019. Liên minh châu Âu đang theo đuổi các chính sách “chuyên môn hóa thông minh” như một cách tiếp cận tại chỗ, đặc trưng bởi việc xác định các khu vực có ý nghĩa chiến lược, xây dựng năng lực bền vững và vượt qua những khác biệt khu vực trong và giữa các nước; giáo dục đại học và nghiên cứu, cùng với giáo dục nghề nghiệp, là trọng tâm của những hành động này.

Nhiều trường đại học trên khắp châu Âu đã bắt đầu định hình hồ sơ học thuật của mình nhằm đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Trong báo cáo thứ sáu về Trường Đại học có Trách nhiệm Xã hội, GUNi, một mạng lưới của UNESCO, ủng hộ việc các trường đại học áp dụng tầm nhìn “Glocal”- ghép của từ địa phương (local) và toàn cầu (global). Tổ chức Magna Charta đang tìm cách viết lại và nắm bắt các nguyên lý cơ bản của giáo dục đại học trong thế kỷ hai mươi mốt. Tôi có liên quan đến “Phòng thí nghiệm Thế kỷ 21” do Đại học Lincoln (Anh) thành lập, tổ chức này đang soạn thảo một lời kêu gọi hành động vì giáo dục đại học trong thế kỷ XXI.

Rõ ràng là không có một thiết kế duy nhất, nhưng có lẽ có ba cách tiếp cận để tăng cường sự gắn kết. Mô hình công bằng xã hội tập trung vào sinh viên, chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm. Ở đầu kia là mô hình phát triển kinh tế, tập trung vào thương mại hóa nghiên cứu thông qua các thỏa thuận sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, v.v … Mô hình lợi ích công, ngược lại, coi sự gắn kết là một tổng thể phải được thấm nhuần trong tất cả các chức năng và phòng ban của các viện/trường đại học. Nó là cầu nối xuyên suốt quá trình giảng dạy và nghiên cứu mà không chỉ là “nhiệm vụ thứ ba”. Trong mô hình này, trường đại học áp dụng cách tiếp cận có phương pháp, có hệ thống và chiến lược, dựa trên phân tích nhu cầu của địa phương. Và điều này không chỉ dành cho các trường đại học thứ hạng thấp/không được xếp hạng, mặc dù các trường đại học sẽ xây dựng các cách tiếp cận khác nhau và khác biệt.

Trường đại học tốt để làm gì?

Cuối cùng, chương trình nghị sự còn lớn hơn cả những việc làm vì “lợi ích công” mà các trường đại học đang quảng bá, điều đó nghĩa là sẽ có nhiều thay đổi sâu sắc trong tầm nhìn và sứ mệnh của trường đại học. Điều cần thiết là giáo dục đại học phải gắn kết với khu vực, với quốc gia một cách toàn diện và phản ánh sự gắn kết này trong tầm nhìn và sứ mệnh và trong các hoạt động hàng ngày của mình. Các trường đại học phải là những tổ chức chính ở cấp khu vực. Họ cũng phải khao khát trở thành những tổ chức toàn cầu, là nơi đào tạo những công dân có tư duy cởi mở, phê phán và nhận thức cao và bằng hoạt động nghiên cứu có thể giúp xác định những hướng đi toàn cầu dẫn đến một thế giới công bằng và bền vững. Chúng ta đang đứng ở một ngã ba lịch sử. Không có thời gian cho sự tự mãn.