Akiyoshi Yonezawa là Giáo sư và là Phó Giám đốc Văn phòng Chiến lược Quốc tế, Đại học Tohoku, Sendai, Nhật Bản. E-mail: akiyoshi.yonezawa.a4@tohoku.ac.jp.
Tóm tắt
Sự trỗi dậy của các nền kinh tế tri thức Đông Á đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo quốc gia và các nhà nghiên cứu giáo dục đại học tìm kiếm bản sắc riêng cho các trường đại học và hệ thống giáo dục đại học của họ. Xu hướng này cuối cùng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng bản sắc chung của các trường đại học, đó là cơ chế tự trị học thuật.
Ngoại trừ Đại học Al-Azhar, tất cả các trường đại học trên thế giới đều có chung một nguồn gốc: chúng xuất phát từ các trường đại học ở châu Âu thời trung cổ. Quan sát nổi tiếng này của Philip Altbach truyền tải một thông điệp mạnh mẽ rằng tất cả các tổ chức tự xưng là trường đại học nên là những cộng đồng tự trị của các học giả, độc lập với cả chính quyền tôn giáo và thế tục. Thật không may, bất cứ ai hiểu rõ lịch sử lâu dài và đa dạng của các trường đại học trên toàn cầu đều hiểu rằng tuyên bố này chỉ là chuyện hoang đường. Các trường đại học trên khắp thế giới thường xuyên phải đối mặt với khủng hoảng khi các thế lực tôn giáo hoặc thế tục thách thức tự do học thuật và quyền tự chủ của họ.
Tìm kiếm một bản sắc đại học khác biệt
Đặc biệt là ở các khu vực xa các truyền thống văn minh châu Âu như Đông Á, các hệ thống đại học hiện đại đã hình thành, phát triển và chuyển đổi trong nửa sau thế kỷ XIX, gắn liền với quá trình xây dựng quốc gia. Trong quá trình này, việc đặt tên cho trường đại học như một khái niệm du nhập từ phương Tây, nhưng với truyền thống trí tuệ và bản sắc phương Đông, luôn là một vấn đề thường xuyên và trung tâm. Khi Nhật Bản thành lập trường đại học hiện đại đầu tiên vào năm 1877, họ đã chọn thuật ngữ daigaku 大学 như bản dịch cho “university”, có thể thấy trong Daigaku-Ryo, là tên của một trường đại học đào tạo các nhà quản trị quốc gia tồn tại cho đến thế kỷ thứ mười hai. Năm 1898, nhà Thanh ở Trung Quốc đã chuyển đổi một trường truyền thống chuyên đào tạo các nhà quản trị cao cấp thành trường đại học hiện đại Dà Xué Táng (大学堂), được đổi tên thành Bắc Kinh Dà Xué (北京大学) vào năm 1912, ngay khi Cộng hòa Trung Hoa vừa thành lập. Năm 1946, Hàn Quốc thành lập trường đại học đầu tiên, Đại học Quốc gia Seoul, có tên là Daehakgyo (대학교; 大), dựa trên một khái niệm về bản sắc đại học quốc gia khác với Keijo Teikoku Daigaku, một trường đại học đế quốc dưới chế độ thực dân Nhật Bản. Vào thế kỷ XIX, các quốc gia Đông Á hiện đại đã tìm kiếm và giới thiệu các mô hình đại học lấy cảm hứng từ hệ thống giáo dục đại học quốc gia ở các quốc gia phương Tây hiện đại hóa. Những Daigaku, Dà Xué và Daehakgyo được khái niệm hóa và định hình khác nhau theo ngôn ngữ quốc gia và bối cảnh lịch sử cụ thể, nhưng tất cả đều có thể dịch sang thuật ngữ tiếng Anh phổ biến là “university”.
Trong những thập kỷ gần đây, sự phát triển của các nền kinh tế Đông Á dựa trên khoa học và công nghệ đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo quốc gia và các nhà nghiên cứu giáo dục đại học tìm kiếm bản sắc riêng cho những trường đại học và hệ thống giáo dục đại học khác biệt với phương Tây và giới thiệu những điểm tương đồng và khác biệt trong khu vực. Sự xuất hiện của các trường đại học hàng đầu trên toàn cầu ở Đông Á đã đẩy nhanh xu hướng này. Ví dụ, thành tích của những trường đại học được xếp hạng cao của Singapore cho thấy có thể thành lập một trường đại học đẳng cấp thế giới trên nền tảng quốc gia mạnh mẽ. Trong quá trình này, mặc dù những thay đổi đáng kể đang diễn ra làm phân quyền hệ thống quản trị đại học, vẫn chưa có một sự đồng thuận rõ ràng về tự do học thuật và tự chủ đại học.
Ngày nay, các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc tìm cách thống trị bảng xếp hạng khu vực, nhờ có những khoản đầu tư quốc gia lớn và nhiều tài năng được thúc đẩy bởi động lực quốc gia. Do đó, các chiến lược và hồ sơ của các trường đại học Trung Quốc chịu tác động mạnh mẽ từ sự gắn kết của ban quản trị đại học với lãnh đạo đảng và nhờ vào sự hỗ trợ có hệ thống cho các trường đại học hàng đầu, cũng như cho các ngành hàng đầu (nhóm Double First Class) của các dự án của chính phủ. Các hệ thống giáo dục đại học trong và xung quanh Trung Quốc, ở các mức độ khác nhau, cũng bị ảnh hưởng bởi địa chính trị khu vực trong giáo dục đại học, bao gồm cả sự dịch chuyển của sinh viên và giảng viên trong khu vực và xa hơn, ví dụ như châu Phi.
Chủ nghĩa dân tộc có dẫn đến một cuộc khủng hoảng bản sắc đại học hay không?
Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đã thay đổi cục diện của giáo dục đại học toàn cầu. Đặc biệt, sự tự tin ngày càng tăng của các mô hình đại học của Đông Á, cuối cùng có thể dẫn đến tuyên bố rằng Dà Xué và các khái niệm về tổ chức giáo dục đại học hàng đầu Đông Á khác với khái niệm trường đại học bắt nguồn từ bối cảnh chính trị cụ thể của châu Âu thời trung cổ.
Ngay cả ở Nhật Bản, nơi hiến pháp quốc gia đảm bảo cho tự do học thuật, vẫn diễn ra những hành động pháp lý ngăn cản sự hợp tác quốc tế với các nhà nghiên cứu từ một số quốc gia. |
Lịch sử chỉ ra rằng nhu cầu quốc gia về khoa học và công nghệ và nguồn nhân lực có tay nghề cao không phải lúc nào cũng dẫn đến việc hỗ trợ các trường đại học như như những cộng đồng học thuật tự trị, như trường hợp đóng cửa các trường đại học trong thời kỳ Cách mạng Pháp. Sự phát triển toàn cầu của các trường đại học đang kích thích một cuộc “chạy đua vũ trang” về kiến thức, và sự kết nối chặt chẽ với chính phủ và ngành công nghiệp quốc gia có xu hướng gắn việc trao đổi học thuật và hợp tác với lợi ích quốc gia. Ngay cả ở Nhật Bản, nơi hiến pháp quốc gia đảm bảo cho tự do học thuật, vẫn diễn ra những hành động pháp lý ngăn cản sự hợp tác quốc tế với các nhà nghiên cứu từ một số quốc gia khác.
Lúc này chính là thời điểm thích hợp để các trường đại học trên thế giới bắt đầu cuộc đối thoại tìm kiếm sự hiểu biết chung về trường đại học đương đại, trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng và nhu cầu giải quyết các thách thức chung của toàn cầu và khu vực. Cuộc đối thoại về khái niệm đương đại của trường đại học có thể kết hợp với các diễn ngôn hậu thuộc địa, nhưng quan trọng hơn, nó nên được dẫn dắt bởi những học giả tham gia vào sự chiêm nghiệm ở nhiều các quốc gia và tổ chức. Các trường đại học trên khắp thế giới chỉ có thể chia sẻ một bản sắc chung khi các học giả cùng nhau làm việc để đạt được điều này.