Trung Quốc: Đẳng cấp thế giới, tự chủ đại học và tự do học thuật

Chelsea Blackburn Cohen là Cán bộ chương trình cao cấp, Bắc Mỹ, trong mạng lưới Scholars at Risk. E-mail: chylvblackburncohen@nyu.edu.

Bài viết này dựa trên báo cáo của mạng lưới Scholars at Risk (SAR), có tiêu đề Những trở ngại đối với sự xuất sắc: tự do học thuật và con đường tìm kiếm đẳng cấp thế giới của các trường đại học Trung Quốc; báo cáo này có thể tìm thấy trên trang web của SAR tại https://www.schologistsatrisk.org/.

Từng là một dấu hiệu của hiện tượng cạnh tranh trong giáo dục đại học của thế kỷ 21, thuật ngữ “đại học đẳng cấp thế giới” giờ đây gợi lên một suy nghĩ cụ thể hơn: đó là giáo dục đại học Trung Quốc. Mặc dù có nhiều cách giải thích rất khác nhau, việc Trung Quốc tăng tốc tìm kiếm học thuật xuất sắc thường mâu thuẫn với những giá trị cốt lõi đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học. Trong số các giá trị này tự do học thuật và tự chủ đại học đang đứng trước nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng. Tự do học thuật đang chiếm một vị trí đáng kể trong các tài liệu và tranh luận gần đây không chỉ liên quan đến trường hợp của Trung Quốc, mà trên toàn cầu và điều này hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, trong khi tự do học thuật một phần phụ thuộc vào quyền tự chủ đại học (được UNESCO mô tả là hình thức thể chế của tự do học thuật), thì tự chủ đại học lại ít được thảo luận ở phạm vi rộng lớn như vậy, và cũng không có được sự giám sát toàn cầu.

Những trở ngại đối với sự xuất sắc

Sắp tới, khi tổ chức Scholars at Risk (SAR) phát hành báo cáo Những trở ngại đối với sự xuất sắc: tự do học thuật và con đường tìm kiếm đẳng cấp thế giới của các trường đại học Trung Quốc, vấn đề quyền tự chủ đại học sẽ trở thành chủ đề nóng. Dựa trên các cuộc phỏng vấn những nguồn tin Trung Quốc và quốc tế thông thạo về giáo dục đại học Trung Quốc; dữ liệu từ Dự án Giám sát Tự do Học thuật của SAR ; các văn bản lập pháp và quy định; tuyên bố của các quan chức chính phủ; và các báo cáo và nghiên cứu của các tổ chức nhân quyền, học viện và báo chí, báo cáo Những trở ngại đối với sự xuất sắc tìm cách nâng cao nhận thức về tự do học thuật và áp lực liên quan đến quyền tự chủ, và đưa ra khuyến nghị cho chính phủ, cộng đồng giáo dục đại học và xã hội dân sự ở Trung Quốc và trên thế giới.

Trong khi giáo dục đại học Hoa Kỳ phải đối mặt với giảm đầu tư và hỗ trợ công, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại tăng cường đầu tư theo hướng thúc đẩy sự xuất sắc, thể hiện rõ trong Kế hoạch Quốc gia về Cải cách và Phát triển Giáo dục Trung và Dài hạn và các sáng kiến khác nhau đã có trước đây. Tuy nhiên, trong trường hợp của Trung Quốc, gia tăng đầu tư quốc gia vào giáo dục đại học thường vượt quá sự tôn trọng đối với tự do học thuật và quyền tự chủ về thể chế. Theo báo cáo Những trở ngại đối với sự xuất sắc, các mối đe dọa đối với tự chủ đại học và tự do học thuật được nhận diện ở khắp Trung Quốc Đại lục từ Bắc Kinh và Thượng Hải đến các khu vực thiểu số ở Nội Mông, Tây Tạng và Khu tự trị Tân Cương, đến Khu vực hành chính đặc biệt Hồng Kông và Ma Cao; từ các liên doanh giáo dục đại học Sino – nước ngoài ở Trung Quốc đến các Học viện Khổng Tử ở nước ngoài; thậm chí cả trong những tổ chức là cánh tay nối dài của đảng – nhà nước Trung Quốc.

Mặt trái của các bảng xếp hạng

Mục tiêu của Trung Quốc là biến các cơ sở giáo dục của họ thành các trường đại học đẳng cấp thế giới, do vậy các bảng xếp hạng toàn cầu, một cách có chủ đích, đưa ra những thước đo sự tiến bộ phù hợp. Ngay từ giữa những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã phân bổ những khoản tài trợ đáng kể cho các chương trình như Dự án 211 và 985 nhằm củng cố danh tiếng của các trường đại học trọng điểm. Gần đây nhất là Dự án Đại học Thế giới Kép năm 2017, nhằm mục đích thành lập 42 trường đại học đẳng cấp thế giới định hướng nghiên cứu và 465 ngành học đẳng cấp thế giới vào năm 2049.

Sự đầu tư của chính phủ Trung Quốc đã giúp các trường đại học của họ ngày càng xuất hiện nhiều hơn và tăng bậc trong các bảng xếp hạng đại học thế giới. Tuy nhiên, việc Trung Quốc bền bỉ theo đuổi những hệ thống xếp hạng vốn thường xuyên bị chỉ trích vì không xem xét đầy đủ các yếu tố về tự do học thuật, tự chủ thể chế và các giá trị giáo dục đại học cốt lõi khác – là điều đáng lo ngại. Theo đuổi mục tiêu là vị thế trên bảng xếp hạng khuyến khích các tổ chức tập trung vào số lượng thay vì quan tâm đến chất lượng đầu ra với tư cách là nguồn vốn cho tương lai. Hiện tượng Trung Quốc trỗi dậy giữa hàng loạt các sai lầm của họ đưa ra lời cảnh báo cho giáo dục đại học khắp toàn cầu rằng trong thời đại thị trường cạnh tranh và khi các hệ thống xếp hạng nuôi dưỡng sự cạnh tranh đó, quyền tự chủ về thể chế, như tự do học thuật ngày càng dễ bị tổn thương. Một điều còn phải chờ xem là có phải chính hệ thống kiểm soát tập trung, độc quyền đã thúc đẩy sự trỗi dậy củaTrung Quốc cũng là điềm báo trước sự xuống dốc của nó.

Một điều còn phải chờ xem là có phải chính hệ thống kiểm soát tập trung, độc quyền đã thúc đẩy sự trỗi dậy củaTrung Quốc cũng là điềm báo trước sự xuống dốc của nó.

Nhà nước quyết định giá trị của tư duy

Các trường đại học đẳng cấp thế giới thường được cho là có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn nhất của thế giới thông qua việc phổ biến và đào tạo những kiến thức phù hợp; nhưng với tư cách là nơi sản xuất tri thức đẳng cấp thế giới, các trường đại học thế giới vẫn hoạt động trong một khuôn khổ nhất định. Ở Trung Quốc, những giới hạn này là do nhà nước quyết định. Báo cáo Những trở ngại đối với sự xuất sắc nêu rõ, Trung Quốc ngăn cản sự tìm kiếm và chia xẻ kiến thức bằng cách hạn chế truy cập Internet (Trung Quốc Great Firewall), gây áp lực với những học giả và sinh viên đi chệnh khỏi những quan điểm chính thống, kiểm soát và kiểm duyệt nhập khẩu các ấn bản nước ngoài và hạn chế du lịch học thuật, những điều này chỉ là một vài ví dụ.

Đáng chú ý là nhà nước Trung Quốc gia tăng những nỗ lực can thiệp để đảm bảo rằng kiến thức và ý tưởng trong các trường đại học phải phù hợp với tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). ĐCSTQ tăng cường củng cố vị trí trung tâm của hệ tư tưởng đảng trong nền tảng giáo dục của Trung Quốc, điều này thể hiện rõ ở việc thành lập các “Trung tâm Tư tưởng Tập Cận Bình”. Năm 2017, khi Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào hiến pháp, nhiều trường đại học nhanh chóng thành lập các trung tâm loại này; và các nhà phê bình lo sợ rằng các nguồn tài trợ sẽ loại bỏ, nếu không phải là giết chết hoàn toàn, những tác phẩm bên ngoài hệ tư tưởng đảng. Đáng sợ hơn nữa là vụ rò rỉ năm 2013 một chỉ thị của ĐCSTQ có tên là “Tài liệu Số Chín”, trong đó nêu ra bảy chủ đề dường như bị cấm đề cập đến trong các trường đại học và các ngành liên quan, bao gồm các giá trị phổ quát, xã hội dân sự, tự do báo chí và quản trị nhà nước Trung Quốc. Mặc dù có rất ít thông tin công khai về việc thực hiện lệnh cấm này, nhưng nó củng cố cho các báo cáo về những gì bị coi là vượt ra ngoài giới hạn, bao gồm cả “ba chữ T”- quyền tự trị của Tây Tạng, quyền độc lập của Taiwan (Đài Loan) và cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn 1989. Chính sách kiểm soát của ĐCSTQ đối với việc thực hiện những hạn chế này và các ràng buộc ý thức hệ khác phần nào được thể hiện trong cái gọi là hệ thống “do thám sinh viên” – những người báo cáo về những bình luận hay bài giảng gây tranh cãi cho các quan chức đảng và trường đại học, những thông tin này thường dẫn đến các hành động kỷ luật nghiêm khắc đối với các giáo sư. Điều đáng báo động là sự kiểm duyệt và đàn áp ở Trung Quốc đang gia tăng tần suất trong giáo dục đại học, thông qua các phương pháp tinh tế và được đưa thành luật, trong khi Trung Quốc vẫn tiến hành những nỗ lực to lớn để đạt được danh tiếng một nhà sản xuất tri thức đẳng cấp thế giới.

Báo cáo Những trở ngại đối với sự xuất sắc của SAR thách thức các thước đo hiện tại của các bảng xếp hạng nhằm đưa tự do học thuật và tự chủ đại học thành tiêu chí xếp hạng. Tương tự như vậy, báo cáo này thúc giục Trung Quốc và cộng đồng giáo dục đại học toàn cầu đặt quyền tự chủ thể chế làm nền tảng cho tự do học thuật và các trường đại học chất lượng. Thừa nhận và cam kết với các giá trị này sẽ giúp Trung Quốc phát triển các trường đại học thực sự đẳng cấp thế giới mà các bên đều có lợi.