Các tạp chí tiếng Anh ở Trung Quốc

Mengyang Li là ứng cử viên Tiến sĩ và Rui Yang là Giáo sư Khoa Giáo dục tại Đại học Hồng Kông. Email: u3003515@connect.hku.hk và yangrui@hku.hk.

Trong vài thập kỷ qua Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn (HSS) ít được cộng đồng quốc tế thừa nhận hơn so với các đồng nghiệp của họ trong khoa học, công nghệ và y học (STM). Chính phủ Trung quốc gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quốc tế hóa hơn nữa các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Trung Quốc trong giảng dạy, nghiên cứu và tạo ảnh hưởng văn hóa xã hội. Phát triển các tạp chí học thuật phiên bản tiếng Anh là một trong những sáng kiến chủ động của Trung Quốc để kích thích các ngành HSS vươn ra toàn cầu. Dựa trên các cuộc phỏng vấn nghiên cứu trực tiếp với 32 biên tập viên tạp chí và xem xét kỹ lưỡng các tài liệu chính sách liên quan ở các cấp độ khác nhau được thực hiện trong năm 2017- 2018, bài viết này đề cập đến một số phát hiện chính của một cuộc khảo sát tình trạng hiện tại của những tạp chí khoa học xã hội nhân văn xuất bản bằng tiếng Anh ở Trung Quốc đại lục.

Một kịch bản quốc gia

Năm 2018, Trung Quốc đã có 66 tạp chí học thuật HSS bằng tiếng Anh, chủ yếu do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, các tổ chức giáo dục đại học và nhà xuất bản phát hành. So với hơn 400 tạp chí tiếng Anh các ngành STM và hơn 2000 tạp chí HSS bằng tiếng Trung được xuất bản tại Trung Quốc, đây là một con số khiêm tốn.

Trong số 66 tạp chí HSS bao trùm nhiều lĩnh vực học thuật này, chiếm số lượng lớn nhất là tạp chí về kinh doanh và kinh tế (17,26%), 8 tạp chí về luật (12%), 6 về khoa học xã hội (9%), 4 về giáo dục (6%) và 3 về lịch sử (5%). 37 tạp chí (56%) có chữ “Trung Quốc” trong tiêu đề. Ra đời sớm nhất là Tạp chí Ngôn ngữ học ứng dụng Trung Quốc được thành lập vào năm 1978, còn hầu hết các tạp chí còn lại xuất hiện trong hai thập kỷ gần đây. 60 tạp chí (91%) ra đời sau năm 2000, 52 (79%) sau năm 2006 và 34 (52%) sau năm 2010. Nhiều tạp chí mới được thành lập khi chính phủ trung ương đưa ra chính sách khuyến khích các ngành HSS “vươn ra ngoài”, hướng tới mục tiêu cải thiện tầm nhìn quốc tế đối với các nghiên cứu xã hội của Trung Quốc.

Cho đến nay, tác động quốc tế của các tạp chí này vẫn rất hạn chế. Chỉ 6 tạp chí được lập chỉ mục bởi Chỉ số trích dẫn khoa học xã hội (SSCI) và không tạp chí nào được lập chỉ mục bởi Chỉ số trích dẫn nghệ thuật&nhân văn (A&HCI). 27 tạp chí (41%) được lập chỉ mục trong Scopus (Cơ sở dữ liệu trích dẫn và trừu tượng Elsevier ra mắt năm 2004). Năm 2018, trong Bảng xếp hạng Tạp chí SCImago (dựa trên dữ liệu Scopus với thang điểm tứ phân vị), chỉ có 3 trong số các tạp chí được xếp hạng trong phần tư thứ nhất trong khu vực tương ứng của họ, trong khi 11 được xếp hạng trong phần tư thứ hai, 3 trong phần tư thứ ba, và 10 trong phần tư thứ tư. Sự kém hiệu quả của các tạp chí HSS bằng tiếng Anh của Trung quốc là do một số yếu tố trong nước và quốc tế.

Bất lợi do sự bất cân xứng trong kiến thức quốc tế

Các ngành khoa học xã hội và nhân văn được giảng dạy trong các trường đại học trên khắp thế giới thường có cấu trúc, tổ chức và khái niệm châu Âu. Ảnh hưởng của Mỹ đặc biệt mạnh mẽ. Mặc dù các xu hướng toàn cầu đang ngày càng tăng đang mở ra nhiều khả năng đa dạng hóa các nghiên cứu sáng tạo, cấu trúc toàn cầu của sản xuất tri thức chủ yếu vẫn là phân cấp. Sự phát triển các ngành HSS trong các xã hội ngoài phương Tây vẫn vấp phải nhiều bất lợi, trong đó lớn nhất là sự thống trị của tiếng Anh – vẫn là phương tiện chính phổ biến kiến thức, đều này thể hiện rõ ở số lượng các tạp chí quốc tế và các nhà xuất bản tại các trung tâm học thuật toàn cầu; và sự phụ thuộc học thuật vào tri thức phương Tây về ý tưởng, lý thuyết và phương pháp.

Hầu hết các biên tập viên đều cho rằng tiếng Anh là một trở ngại lớn cho các tạp chí của họ. Họ nhiều lần đề cập rằng các học giả Trung Quốc, đặc biệt những người lớn tuổi, và ở mức độ ít hơn là các học giả trẻ và học giả từ nước ngoài về không có kỹ năng viết tiếng Anh thỏa đáng. Do đó, một tỷ lệ lớn các bài viết từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị từ chối. Hơn nữa, các tạp chí bị cản trở bởi vị thế bất lợi của họ trong hệ thống đánh giá nghiên cứu. Khi các bảng xếp hạng và điểm xếp hạng đã trở thành một phần của quản trị giáo dục đại học toàn cầu, hệ thống đánh giá nghiên cứu trong nước của Trung Quốc cũng ngày càng được định hình rõ ràng theo các Chỉ số trích dẫn khoa học (SCI), SSCI và A&HCI. Do phần lớn các tạp chí HSS bằng tiếng Anh không được lập chỉ mục, nên không thu hút được các bài nghiên cứu quốc tế và trong nước.

Nỗ lực quốc tế hóa của những tạp chí này đứng trước những thách thức to lớn. Chỉ một tỷ lệ nhỏ có được sự am hiểu thế nào là một tạp chí quốc tế và vận hành thế nào là phù hợp. Nhằm được quốc tế tiếp cận tốt hơn, 47 tạp chí (71%) hợp tác với các nhà xuất bản quốc tế (phương Tây), 11 (17%) với Taylor&Francis Group, 9 (14%) với Brill và 8 (12%) với Springer. Trong khi một số biên tập viên thừa nhận rằng thương hiệu của các nhà xuất bản quốc tế có đem lại một số hiệu ứng, hầu hết cho rằng ngay cả sau nhiều năm hợp tác, chất lượng và tác động của các tạp chí của họ hầu như không được cải thiện. Một số thậm chí lo lắng về áp lực tài chính gây ra bởi chi phí cao của quan hệ đối tác và tác động có thể của nó đối với tính bền vững của các tạp chí của họ.

Hầu hết các biên tập viên đều cho rằng tiếng Anh là một trở ngại lớn cho các tạp chí của họ.

Tiến thoái lưỡng nan giữa cam kết địa phương và quốc tế

Những tạp chí HSS bằng tiếng Anh đã đạt được ít nhiều sự nhìn nhận quốc tế đang phải vật lộn tìm cách cân bằng giữa tham vọng quốc tế và cam kết địa phương. Các biên tập viên thể hiện nhận thức rõ ràng về sự bá quyền của phương Tây – đặc biệt là của Mỹ, Anh – trong sản xuất tri thức toàn cầu. Họ báo cáo về những cách nhìn thiếu hiểu biết – thậm chí ngộ nhận – về nghiên cứu xã hội của Trung Quốc và về Trung Quốc. Do đó, các tạp chí được coi là một nền tảng để đưa tri thức Trung Quốc ra thế giới bên ngoài và tạo điều kiện cho nhiều quan điểm đa chiều và hiểu biết lẫn nhau trong nghiên cứu HSS toàn cầu.

Tuy nhiên, với hy vọng nhận được nhiều sự công nhận quốc tế hơn, hầu hết các tạp chí đều cố gắng để có các học giả quốc tế là thành viên ban biên tập, nhà phê bình và tác giả. Một nỗ lực tuyệt vọng nhắm đến lượng độc giả quốc tế lớn hơn. Mặc dù nhiều người khi được hỏi bày tỏ sự lo ngại về việc “quốc tế hóa quá mức” và “thiếu mối liên kết học thuật với xã hội địa phương và quyền tự chủ”, hầu hết các tạp chí khoa học xã hội đều đặt mục tiêu chiến lược hiện tại của họ là xuất hiện trong chỉ mục SSCI. Bởi vì SSCI và A&HCI không được chỉ định là mục tiêu chính trong các ngành nhân văn, các tạp chí chuyên ngành này phải tìm kiếm một cách tương tự để hướng đến các “tiêu chuẩn vàng” do thực tế phương Tây đặt ra để tăng cường sự công nhận quốc tế.

Các biên tập viên thừa nhận đã có những khó khăn kéo dài trong cuộc đối thoại giữa tri thức Trung Quốc và phương Tây. Như một biên tập viên của tạp chí Frontiers of Philosophy in China (Ranh giới Triết học tại Trung quốc) đã bày tỏ: “Chúng tôi từng dịch và xuất bản các bài báo được viết bởi các học giả hàng đầu của Trung Quốc, nhưng số lượt tải chúng xuống hầu như bằng không, thấp hơn nhiều so với những bài viết của các học giả hải ngoại trẻ người Trung Quốc. Điều này phản ánh vị thế của các nghiên cứu HSS của Trung Quốc. Các vấn đề như thiếu nền tảng lý thuyết ban đầu, tâm lý phải bắt kịp, chủ nghĩa thái quá và chủ nghĩa dân tộc hàn lâm đã kết hợp lại gây tác động đến nghiên cứu HSS ở Trung Quốc, hạn chế sự đóng góp của các học giả Trung quốc vào cuộc đối thoại với các học giả quốc tế.

Kết luận

Đối mặt với những thách thức và tình trạng tiến thoái lưỡng nan, các tạp chí HSS bằng tiếng Anh của Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước, các tổ chức và cá nhân, họ có vị thế tốt để đóng góp vào cuộc đối thoại giữa các học giả Trung Quốc và quốc tế. Khi những bối cảnh rộng hơn thay đổi, cả ở tầm địa phương và toàn cầu, họ cần phải điều chỉnh chương trình nghị sự và thứ tự ưu tiên của mình, và thay đổi các chủ đề, khái niệm và mô hình của mình. Quá trình này cần có thời gian. Về cơ bản hơn, họ cần cân bằng các chiến lược thực tế để tăng cường tác động quốc tế bằng cách định hướng theo các chương trình nghiên cứu phương Tây và thực hiện cam kết lâu dài trao quyền cho các nhà nghiên cứu HSS Trung Quốc đặng trở thành những tạp chí toàn cầu.