Nghị trình quốc tế hóa các trường đại học châu Phi

Harris Andoh là Chuyên gia đánh giá Chính sách nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Tshwane, Pretoria, Nam Phi và tại Viện Nghiên cứu Chính sách Khoa học và Công nghệ (STEPRI) của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIR), Accra, Ghana. E-mail: andoharris @ gmail. Jamil Salmi là Chuyên gia giáo dục đại học toàn cầu và là thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: jsalmi@tertiaryeducation.org.

Sứ mệnh quốc tế hóa của các trường đại học châu Phi đã phát triển từ những thất bại ban đầu đến những nỗ lực gần đây hơn để quốc tế hóa trong tầm nhìn chiến lược. Trong bài viết này, chúng tôi xem xét cách thức các trường đại học châu Phi nên tiếp cận quốc tế hóa trong thập kỷ tới và cách thức mà sự tập trung nhiều hơn vào sứ mệnh thứ ba của các trường đại học, vào sự tham gia của cộng đồng có thể cho phép họ khai thác quốc tế hóa để nâng cao năng lực và đóng góp nhiều ý nghĩa hơn cho nhu cầu xã hội và nền kinh tế.

Sứ mệnh quốc tế ban đầu

Quốc tế hóa không phải là một khái niệm mới đối với các trường đại học châu Phi. Một trong những sự kiện chính sau khi các trường đại học được thành lập ở các quốc gia châu Phi cận Sahara mới giành độc lập vào những năm 1950 và 1960 là Hội nghị UNESCO về Phát triển Giáo dục Đại học, được tổ chức vào tháng 9 năm 1962 tại Antananarivo. Một trong những chủ đề thảo luận chính tại hội nghị là “nhiệm vụ quốc gia và quốc tế của một trường đại học châu Phi”. Khi đó, hội nghị cũng đánh giá những lợi ích mà quốc tế hóa đem lại cho các trường đại học châu Phi là “tăng cơ hội hợp tác với các trường đại học khác ở châu Âu và châu Phi cũng như giúp sinh viên được đào tạo ở đẳng cấp thế giới, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh với các sinh viên tốt nghiệp từ khắp nơi trên thế giới”.

Tuy nhiên, trên thực tế, các trường đại học châu Phi đã không theo đuổi trọn vẹn chương trình quốc tế hóa, chủ yếu bởi vì hầu hết các chính phủ của giai đoạn hậu phụ thuộc đều thúc đẩy quá trình “châu Phi hóa” chương trình giảng dạy đại học và các hoạt động quan trọng khác trong chương trình quốc gia của họ. Chỉ đến cuối những năm 1990, khái niệm toàn cầu hóa mới trở nên phù hợp với các chính phủ quốc gia. Sau khi Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2002 của Đại học Giao Thông Thượng Hải xuất hiện, thứ hạng thế giới trở nên có ý nghĩa hơn, và các trường đại học châu Phi bắt đầu theo đuổi chương trình quốc tế hóa, điều này giải thích lý do nó trở thành sứ mệnh cốt lõi kể từ đó.

Những nỗ lực quốc tế hóa từ năm 2003

Sau năm 2003, các trường đại học ở châu Phi bắt đầu phát triển sứ mệnh quốc tế và thành lập các văn phòng chương trình quốc tế cho mục đích đó (ví dụ, tại Đại học Ghana, Đại học Ibadan, Đại học Nairobi và Đại học Dar es Salaam). Ban đầu, các văn phòng này về cơ bản chịu trách nhiệm điều phối hoạt động trao đổi sinh viên và cán bộ giảng viên. Họ cũng làm việc với các nhà tài trợ quốc tế để tìm kiếm tài trợ, ví dụ, cho các trung tâm nghiên cứu.

Trong những năm gần đây, để cải thiện các nỗ lực quốc tế hóa, các trường đại học châu Phi đã trao nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn cho các văn phòng chương trình quốc tế của họ bằng cách nâng cấp chúng: ví dụ Đại học Stellenbosch có văn phòng Hiệu trưởng quốc tế hóa, Đại học Dar es Salaam có “Ban giám đốc quốc tế hóa”, và Đại học Kenyatta có “Trung tâm các chương trình quốc tế và hợp tác”. Những trường đại học này đã mở rộng nhiệm vụ dẫn dắt sự tiến bộ của các văn phòng này thông qua sự kết nối chặt chẽ hơn với các cựu sinh viên và các sứ quán nước ngoài để duy trì quan hệ hợp tác với các nhà tài trợ và các trường đại học ở các quốc gia có đại sứ quán tại đây.

Từ đầu những năm 2000, khi một số trường đại học ở châu Phi bắt đầu phát triển chương trình quốc tế hóa, những nỗ lực của họ đã mang lại kết quả tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu. Theo dữ liệu của Web of Science, 50 bài báo được trích dẫn nhiều nhất từ các trường đại học hàng đầu châu Phi ở Ghana, Kenya, Nigeria, Nam Phi và Tanzania phần lớn là đồng tác giả với các nhà nghiên cứu từ các trường đại học ở các nước công nghiệp. Ngoài ra, các trường đại học ở châu Phi hiện đang phát triển chương trình thạc sĩ và tiến sĩ chung với các trường đại học đối tác quốc tế.

Quốc tế hóa không phải là hoạt động một chiều, các trường đại học châu Phi luôn hướng về phương Tây tìm kiếm sự hợp tác, cộng tác và hỗ trợ.

Hơn nữa, thật thú vị khi nhận thấy rằng, trong khi chương trình quốc tế hóa của hầu hết các trường đại học châu Phi ở Đông, Tây và Nam Phi tập trung liên kết với các trường đại học Bắc Mỹ và châu Âu, các trường đại học truyền thống ở Nam Phi (Đại học Cape Town, Đại học Stellenbosch và Đại học Nhà nước Tự do) lại thực hiện quốc tế hóa bằng cách thành lập các trung tâm đại học khu vực châu Phi như một phương tiện để cải thiện giáo dục và phát triển khu vực ở châu Phi. Ví dụ, Đại học Stellenbosch đã thành lập Học viện Tiến sĩ châu Phi và Đại học Johannesburg hợp tác với các tổ chức trong khu vực như tổ chức Hợp tác Phát triển Nam Phi (SADC).

Quốc tế hóa không phải là hoạt động một chiều, các trường đại học châu Phi luôn hướng về phương Tây tìm kiếm sự hợp tác, cộng tác và hỗ trợ. Nhiều trường đại học và chính phủ quốc gia, đặc biệt các quốc gia châu Âu, đã tài trợ cho nghiên cứu tiên tiến, nghiên cứu sau đại học và các dự án hợp tác khác với các trường đại học châu Phi. Một ví dụ là chương trình nghiên cứu WASCAL của chính phủ Đức, đã tạo ra 10 trường đào tạo sau đại học ở Tây Phi, góp phần đào tạo thế hệ tiếp theo các nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách châu Phi trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý đất đai và giữ trọng trách ở những vị trí đứng đầu các khoa và các chương trình nghiên cứu tại những trường đại học chọn lọc của châu Phi. Ví dụ, Tiến sĩ Peter Weingart, giáo sư danh dự về xã hội học và chính sách khoa học tại Đại học Bielefeld, Đức, giữ vị trí chủ nhiệm chương trình nghiên cứu Nam Phi về khoa học truyền thông tại Đại học Stellenbosch.

Trong 5 năm qua, một số lượng lớn các trường đại học đã đưa ra chiến lược quốc tế hóa rõ ràng nhằm cải thiện các nỗ lực hợp tác quốc tế của họ. Ví dụ, Đại học Nairobi, Đại học Dar Es Salaam và Đại học Nhà nước Tự do đã đưa chương trình quốc tế hóa vào kế hoạch chiến lược mới. Đại học Ghana đã trải qua kỳ đánh giá quốc tế của Hiệp hội các trường đại học quốc tế với mục đích cải thiện các nỗ lực quốc tế hóa của mình.

Điều gì còn thiếu trong chương trình quốc tế hóa

Từ những điều đã nói ở trên, rõ ràng là nhiều trường đại học châu Phi đã gặt hái được những lợi ích đáng kể từ các chính sách quốc tế hóa của họ. Tuy nhiên, các trường đại học hàng đầu vẫn gặp khó khăn trong việc cân bằng các hoạt động quốc tế hóa với sứ mệnh và tầm nhìn của họ và trong việc tìm kiếm phương thức để vừa đóng góp được cho sự phát triển của quốc gia và cả của khu vực. Chương trình quốc tế hóa của họ chưa tập trung đúng mức vào các mục tiêu khoa học, công nghệ và đổi mới của các tổ chức khu vực như SADC và Liên minh châu Phi. Hợp tác quốc tế nên được tận dụng để lấp đầy khoảng trống về năng lực và giúp các trường đại học châu Phi tăng cường sự tham gia với các cộng đồng địa phương và khu vực.

Quốc tế hóa trong thập kỷ tiếp theo

Để gặt hái tối đa lợi ích từ những chương trình quốc tế hóa được triển khai trong hai thập kỷ qua, các trường đại học hàng đầu châu Phi cần đánh giá tác động của những chương trình này đối với việc thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh của họ. Một ví dụ điển hình là trường Đại học Ghana, nơi đã ghi chép những bài học kinh nghiệm và khai thác chúng để phát triển một chiến lược quốc tế hóa mới. Các chiến lược quốc tế hóa phải hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phát triển giáo dục đại học trong khu vực và toàn châu Phi.

Các trường đại học châu Phi nên tìm cách xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với mạng lưới nghiên cứu khu vực có uy tín để nâng cao năng lực nghiên cứu và xuất bản trên các tạp chí được công nhận. Điều này sẽ liên quan đến việc hợp tác chặt chẽ với mạng lưới học giả kiều bào ở hải ngoại và kết nối với các học giả châu Phi có mối liên hệ chặt chẽ với các trường đại học ở các nước công nghiệp. Ngoài ra, quốc tế hóa nên hình thành các quan hệ đối tác có thể giúp xây dựng tốt năng lực quản trị và lãnh đạo, với sự chú trọng đến tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Các trường đại học châu Phi cần coi chương trình quốc tế hóa không chỉ là một xu hướng toàn cầu, mà còn là một phần chiến lược của tổ chức và đóng góp vào các mục tiêu bao quát được đặt ra trong tầm nhìn và sứ mệnh của mỗi trường. Như vậy, các nỗ lực quốc tế hóa không nên chỉ giới hạn trong các văn phòng quốc tế hóa, mà phải là một phần của tất cả các sáng kiến và hoạt động chính của trường đại học, với sự cam kết và tham gia tích cực của tất cả các chủ thể học thuật.