Các đại học nghiên cứu ở Ấn Độ và xếp hạng toàn cầu

Pankaj Jalote là Giáo sư danh tiếng, Giám đốc sáng lập của IIIT-Delhi, Ấn Độ.  E-mail: jalote@iiitd.ac.in. Bản báo cáo chi tiết hơn có trên trang web của tạp chí Current Science, số tháng 5 năm 2019.

Thế kỷ 21 chứng kiến các bảng xếp hạng đại học toàn cầu đạt đến tầm quan trọng to lớn. Cũng như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ mong muốn những trường đại học ưu việt nhất của mình được công nhận là một số trong những trường tốt nhất thế giới. Hiện tại, không trường đại học Ấn Độ nào lọt vào tốp 200 của Bảng Xếp hạng Học thuật các Trường Đại học Thế giới (ARWU, còn gọi là xếp hạng Thượng Hải), Bảng Xếp hạng Times Higher Education (THE), hoặc Bảng Xếp hạng QS.

Xếp hạng đại học toàn cầu căn cứ chủ yếu vào hiệu suất nghiên cứu của một trường đại học, đặc biệt là những yếu tố như công bố khoa học, lượt trích dẫn, các chương trình đào tạo tiến sĩ và thu nhập từ nghiên cứu. Chỉ một số trường đại học nghiên cứu hàng đầu quốc gia mới có hy vọng lọt vào tốp 200. Để tìm hiểu xem những đại học tốt nhất của Ấn Độ có thể lọt vào tốp 200 hay không, chúng ta phải xác định những đặc điểm chính của các trường đại học toàn cầu hàng đầu và so sánh với những trường tốt nhất của Ấn Độ (những trường tốt nhất của Ấn độ gồm các Học viện Công nghệ [IIT], Viện Khoa học, Đại học Jawaharlal Nerhu, Đại học Banaras Hindu, và Đại học Jadavpur. Các trường chuyên ngành trong các lĩnh vực như Luật, Dược, Quản trị .., không được tính). Khi so sánh 200 trường đại học hàng đầu toàn cầu trong bảng xếp hạng THE và 100 trường đại học và viện kỹ thuật hàng đầu trong bảng xếp hạng quốc gia Ấn Độ mới (NIRF), ba yếu tố quan trọng xuất hiện cho cả hai nhóm: tuổi đời, quy mô và mức chi phí.

Tuổi đời

Trong tốp trên của bảng xếp hạng THE, 135 trường thành lập vào thế kỷ 19, thời phát triển hoàng kim của mô hình đại học nghiên cứu Humbold, 30 trường thành lập trong nửa đầu thế kỷ 20, 38 trường thành lập sau năm 1950 và chỉ có 15 trường thành lập sau năm 1975.

Trong số các trường tốt nhất của Ấn Độ, chỉ có 6 trường thành lập trước năm 1900 và 17 trường thành lập trong nửa đầu thế kỷ 20. Trong 1/4 thế kỷ tiếp theo, có 58 trường được thành lập, bao gồm 5 Học viện Công nghệ đầu tiên. Số lớn nhất gồm 119 trường được thành lập sau năm 1975. Nói cách khác, trong khi chỉ có 7% các trường tốt nhất thế giới thành lập sau năm 1975, của Ấn Độ là 60%; trong khi 65% các trường trong tốp thế giới được thành lập trước năm 1900, ở Ấn Độ là 3%.

Quy mô

Về quy mô sinh viên, hơn 90% các trường đại học hàng đầu thế giới có quy mô trên 10 ngàn sinh viên (hơn 60% có trên 20 ngàn sinh viên) và chỉ khoảng 2% trường có số lượng sinh viên dưới 5000. Về quy mô giảng viên, chỉ 6% trường có ít hơn 500 giảng viên, và khoảng 70% có hơn 1000. Ở Ấn Độ ngược lại, chỉ có 7 học viện công nghệ và 23 trường đại học có hơn 10 ngàn sinh viên, khoảng 60% có ít hơn 5000. Về quy mô giảng viên, chỉ bốn trường có trên 1000, và hơn 80% có ít hơn 500 giảng viên.

Quy mô lớn cho phép mở rộng nghiên cứu và đóng góp được nhiều hơn, cũng như tăng thêm khả năng nghiên cứu liên ngành. Quy mô giảng viên lớn cũng  tạo ra nhiều nghiên cứu hơn, tăng cơ hội nghiên cứu có thành quả tốt. Và số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm cũng cho thấy sự đóng góp, tác động và ảnh hưởng của nhà trường đối với xã hội.

Mức chi phí

Giảng viên nghiên cứu giỏi phải được trả lương xứng đáng, chi phí điều hành một trường đại học nghiên cứu cũng rất tốn kém. Để thực hiện công việc nghiên cứu cần những phòng thí nghiệm đắt tiền, cơ sở hạ tầng máy tính chất lượng cao, thư viện, nghiên cứu sinh, chi phí để tham dự hội nghị, v.v.., tất cả những điều này làm tăng chi phí bình quân cho mỗi giảng viên. Chi phí trung bình cho mỗi giảng viên trong các trường đại học xếp hạng từ 150 đến 200 trong THE (phạm vi mà các trường đại học Ấn Độ có thể nhắm đến) là khoảng 0,5 triệu đô la Mỹ. Chi phí R&D trung bình cho mỗi giảng viên tại các trường đại học nghiên cứu ở Mỹ với hoạt động nghiên cứu vừa phải, theo phân loại của Carnegie năm 2015, là khoảng 32 ngàn USD (đối với các trường đại học có hoạt động nghiên cứu cao nhất, chi phí R&D là khoảng 294 ngàn USD).

Thành phần sinh viên trong các trường tư thục có một số khía cạnh khác biệt so với sinh viên thuộc khu vực công.

Ở Ấn Độ, chi phí cho mỗi giảng viên ở các trường nghiên cứu là dưới 0,05 triệu đô la Mỹ, và tài trợ nghiên cứu cho mỗi giảng viên là khoảng 5000 đô la Mỹ. Ngay cả khi xem xét thực tế là nhân lực và một số chi phí khác ở Ấn Độ thấp hơn (mặc dù thiết bị nghiên cứu, đi lại quốc tế, đăng ký thư viện số, v.v … có chi phí tương tự như ở các quốc gia khác), mức chi phí cho giảng viên và R&D này thấp hơn đáng kể so với các trường đại học xếp hạng 150-200 trong THE, hoặc các trường đại học nghiên cứu có hoạt động nghiên cứu vừa phải ở Hoa Kỳ. Để các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Ấn Độ đạt được thứ hạng thế giới, đầu tư vào nghiên cứu sẽ phải tăng đáng kể.

Kết luận

Tuổi đời, quy mô và mức chi phí của các trường hàng đầu Ấn Độ khác biệt đáng kể so với 200 trường đại học hàng đầu toàn cầu. Tuổi đời thì không tác động được, nhưng quy mô và mức chi phí có thể cải thiện được.

Nhằm mở rộng hệ thống giáo dục đại học, cách tiếp cận của Ấn Độ là thành lập thêm nhiều trường mới, với tốc độ chóng mặt. Để lọt được vào danh sách những trường đại học hàng đầu toàn cầu, các trường hàng đầu Ấn Độ cần được hỗ trợ để trở thành đại học đa ngành và tăng số lượng giảng viên. Nếu số lượng giảng viên tại 50 đại học nghiên cứu (như các IIT và đại học quốc gia) tăng thành trên 1000, điều này có thể tác động đến thứ hạng toàn cầu. Ngoài ra, Ấn Độ có thể thử nghiệm thành lập một số đại học/học viện siêu lớn bằng cách sáp nhập các trường đại học, cao đẳng và các phòng thí nghiệm nghiên cứu đang có. Đây là cách tiếp cận thành công của Úc vài thập kỷ trước, và cũng được Pháp theo đuổi.

Để lọt được vào bảng xếp hạng thế giới, hỗ trợ cho nghiên cứu cũng phải tăng đáng kể. Hai sáng kiến ​​có thể giúp đạt được điều này là: Thứ nhất, cấp tài trợ nghiên cứu dài hạn cho các trường hàng đầu, dựa trên hiệu suất nghiên cứu trong quá khứ; Úc và Vương quốc Anh áp dụng cách tiếp cận này và đã đạt được những kết quả tuyệt vời. Thứ hai, tăng đáng kể những nguồn tài trợ dự án nghiên cứu và tất cả các trường đại học nghiên cứu, không phân biệt tư thục – công lập đều phải được tiếp cận những nguồn tài trợ này. Nhiều nước tiên tiến dành hơn 20% kinh phí R&D công cho khu vực đại học, Ấn Độ chỉ dành cho các trường đại học chưa đến 4% kinh phí R&D của chính phủ. Phân bổ tài trợ R&D phải dần dần tiến tới hỗ trợ nhiều hơn cho nghiên cứu trong các trường đại học.

Cần nhấn mạnh rằng tăng quy mô và tài trợ vẫn không đảm bảo có thể lọt vào bảng xếp hạng toàn cầu. Các trường đại học trong nhóm hàng đầu cần phải có một hệ thống mạnh mẽ có thể khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu chất lượng cao, tuyển dụng và trọng dụng nhân tài giỏi nhất, xây dựng văn hóa đổi mới sôi động, có đội ngũ lãnh đạo và quản trị mạnh mẽ, v.v…

Cũng nên nhớ rằng việc lọt vào tốp 200 toàn cầu là một trò chơi có tổng bằng không. Khi một trường Ấn Độ lọt vào nhóm này, có nghĩa là một trường đại học bị loại ra khỏi nhóm đứng đầu. Bởi vì nhiều quốc gia mong muốn có đại diện lọt vào nhóm ưu tú này, cạnh tranh hàng năm càng trở nên khốc liệt hơn và những thay đổi cần phải diễn ra với tốc độ nhanh hơn.