Elisa Brewis là Nghiên cứu viên bậc Tiến sĩ tại Viện Giáo dục, Đại học London, Vương quốc Anh. E-mail: linda.brewis.14@ucl.ac.uk.
Nhìn từ quan điểm của những hệ thống giáo dục đại học (HE) đang trong giai đoạn đại chúng hóa, bảo vệ chất lượng giảng dạy không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Lý do hiển nhiên là do tình trạng thiếu đầu tư mang tính lịch sử. Hầu hết những quốc gia mới nổi – có thu nhập trung bình, ở Đông Nam Á và châu Phi hạ Sahara là những nơi mà công cuộc đại chúng hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng – đều phải đối phó với những di sản hậu thuộc địa là sự thiếu vốn và bất bình đẳng. Thông thường, một số ít cơ sở tinh hoa của nhà nước đã hút hết phần lớn nguồn lực sẵn có (chẳng hạn nhân lực có trình độ cao nhất, các nguồn lực vật chất và tài trợ). Có nghĩa là chất lượng đã không được phân bổ đều ngay từ khi bắt đầu phát triển giáo dục đại học. Thứ hai là, rất khó tạo được tác động đến toàn hệ thống trong một lĩnh vực đa dạng như vậy. Quá trình đại chúng hóa trong các nền kinh tế mới nổi có xu hướng dựa vào một khu vực tư nhân lớn để đáp ứng nhu cầu. Chất lượng trong khu vực tư nhân có sự chênh lệch đáng kể, một số cơ sở có chất lượng tốt hơn các cơ sở công, một số khác thấp hơn nhiều.
Tiếp cận công bằng – thiếu sự kết nối
Thách thức chính mà những hệ thống HE đang trong quá trình đại chúng hóa phải đối mặt cũng là làm thế nào để mở rộng mà không làm phương hại đến quyền tiếp cận công bằng hoặc bình đẳng của sinh viên. Quyền tiếp cận cũng liên quan đến vấn đề chất lượng. Rốt cuộc, mở rộng cơ hội tiếp cận HE cho mọi tầng lớp trong xã hội có ý nghĩa gì, nếu như họ không được tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng hoặc chất lượng? Tuy nhiên cho đến gần đây, chất lượng và tiếp cận bình đẳng vẫn thường được thảo luận riêng rẽ. May mắn là gần đây “điểm mù” chính sách này đã được Liên hiệp quốc đề cập tới trong quá trình hoạch định chính sách quan trọng nhất về Mục tiêu Phát triển bền vững. Mục tiêu 4.3 hiện nay đòi hỏi “quyền tiếp cận bình đẳng … giáo dục kỹ thuật, nghề nghiệp và đại học có chất lượng với giá phải chăng” phải đạt được vào năm 2030. Nói một cách đơn giản, chính phủ các quốc gia phải yêu cầu các cơ sở đào tạo quan tâm đến cả chất lượng giảng dạy và hỗ trợ quyền tiếp cận công bằng. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để đạt được điều đó trên thực tế, đặc biệt trong bối cảnh những nền kinh tế mới nổi/đại chúng hóa như mô tả ở trên.
Trường hợp Indonesia
Trường hợp Indonesia cho một cái nhìn sâu sắc và có giá trị ở đây, vì khung chính sách HE hiện tại của nước này đề cập đến cả chất lượng giảng dạy và sự tiếp cận công bằng. Chìa khóa chính là cách tiếp cận chính sách toàn diện bao gồm cả các cơ sở tổ giáo dục đại học của nhà nước và tư nhân (HEI). Điều này là hợp lý, bởi vì hơn 90% trường đại học ở Indonesia đang hoạt động như các tổ chức do tư nhân sở hữu, thu hút khoảng hai phần ba số sinh viên.
Trong các HEI của nhà nước và tư nhân chất lượng giảng dạy được kiểm soát theo nhiều cách. Yêu cầu trình độ tối thiểu đối với giảng viên được đưa vào luật. Luật yêu cầu các HEI phải kiểm định chất lượng 5 năm một lần – cả ở cấp trường lẫn cấp chương trình – và kết quả khi đó được xếp hạng từ mức A đến C. Thứ hạng kiểm định cao có giá trị rõ rệt trong thị trường lao động. Trong tiêu chí tuyển dụng, người sử dụng lao động thường yêu cầu bằng cấp phải từ những trường xếp hạng A hoặc B. Kể từ năm 2012, các đề mục và thang điểm kiểm định được thiết kế chặt chẽ hơn theo hướng phù hợp với những tiêu chuẩn quốc gia về giáo dục đại học. Đây là một hình thức tiêu chuẩn hóa chương trình đào tạo, phác thảo các nguyên tắc chung về giảng dạy, nghiên cứu và cung cấp dịch vụ cộng đồng. Ngoài ra, gần 60% nội dung chương trình đào tạo được chuẩn hóa theo thước đo kết quả học tập dự kiến do các hiệp hội chuyên nghiệp đặt ra. Tất nhiên, các cơ sở đào tạo chất lượng thấp hoặc thậm chí lừa đảo vẫn luôn là mối đe dọa. Khung trách nhiệm hiện nay cho phép các nhà chức trách kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Cho đến nay, Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục đại học (MRTHE) đã đóng cửa hàng chục nhà cung cấp dịch vụ đào tạo tư nhân và “đóng băng” hoạt động của 243 cơ sở, không cho phép họ tuyển sinh viên mới cho đến khi có sự cải tiến. Nhà chức trách thậm chí đã sa thải những công chức bị phát hiện đang sử dụng bằng cấp “được mua”. Trong khi đó, MRTHE vẫn linh hoạt dành cho các cơ sở đào tạo một số quyền tự chủ về chương trình giảng dạy, cho phép họ đổi mới và tùy chỉnh hoạt động giảng dạy phù hợp với những thị trường ngách/chuyên môn, phù hợp với sứ mệnh và nhu cầu cũng như đặc thù tuyển sinh của họ.
Luật pháp định nghĩa hoàn cảnh khó khăn dựa trên hai căn cứ: tình trạng thu nhập thấp và/hoặc đến từ những vùng sâu vùng xa nhất của đất nước. |
Khung trách nhiệm cũng mở rộng tới quyền tiếp cận công bằng. Điều 74 của Luật Giáo dục Đại học 12/2012 quy định rằng các HEI phải dành 20% chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, và phải phân bổ cho tất cả các chương trình học tập. Điều khoản sau đảm bảo rằng sinh viên xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn không bị giới hạn phải chọn những chương trình bằng cấp có chi phí thấp hoặc uy tín thấp. Luật pháp định nghĩa hoàn cảnh khó khăn dựa trên hai căn cứ: tình trạng thu nhập thấp và/hoặc đến từ những vùng sâu vùng xa nhất của đất nước. Để giải quyết tiêu chí đầu tiên, hiện nay nhà nước áp dụng chương trình trợ cấp học phí dựa trên thu nhập (means–tested tuition fees) tại tất cả các trường đại học công. Nói cách khác, khoảng một phần ba sinh viên trong hệ thống HE chỉ phải trả số tiền mà gia đình họ có thể cáng đáng được. Để giải quyết tiêu chí thứ hai, nhà nước đã đưa ra một chương trình học bổng đặc cách dành cho sinh viên đến từ tỉnh Papua và đặc biệt là vùng Aceh (ADik Papua/3T).
Để khuyến khích được nhiều hơn những sinh viên có thu nhập thấp vào học đại học, năm 2010 chính phủ đã đưa ra chương trình Bidikmisi – học bổng cho sinh viên có thành tích đặc biệt và hỗ trợ tài chính theo mức thu nhập. Phần đóng góp từ MRTHE vào gói học phí được chuyển trực tiếp cho trường chủ quản, còn khoản sinh hoạt phí được chuyển trực tiếp cho sinh viên. Các trường đại học tư đã được kiểm định cũng có thể tham gia chương trình này nếu đạt hạng B trở lên ở cấp độ chương trình và tổ chức. Việc cho phép các trường đại học tư nhân đáng tin cậy tham gia vào chương trình này đã tạo thêm cơ hội để sinh viên tiếp cận được những chương trình chất lượng cao và những chương trình đặc biệt không có ở những nơi khác. Một số nhà cung cấp dịch vụ đào tạo tư nhân đã thành công trong việc giảng dạy những nhóm sinh viên khó tiếp cận, điều này tiếp tục hỗ trợ cho việc tiếp cận công bằng. Tất nhiên, không thể so sánh chương trình này với các học bổng toàn phần tương tự những gói hỗ trợ tài chính mà một số nước châu Âu cung cấp. Trong năm 2017, số sinh viên được hưởng Bidikmisi lên tới 80 ngàn người, tương đương với khoảng 15% tổng số nhập học trong năm của các trường thuộc khu vực nhà nước, hoặc 5% của tất cả các trường công, tư gộp lại. Số ứng viên luôn vượt hạn ngạch được phân bổ hàng năm. Rõ ràng là vẫn còn nhiều sinh viên cần được hỗ trợ tài chính và chưa được đáp ứng; nhưng ít nhất chương trình này cũng là một khởi đầu có giá trị.
Kết luận
Tất nhiên, ngành giáo dục đại học không thể hoàn thành mọi trách nhiệm của mình trong một đêm, nhưng ít nhất Indonesia đã có một khởi đầu ấn tượng. Chưa thể biết chắc mô hình này có thể nhân rộng được ở nơi khác hay không. Để có được một khung chính sách như hiện tại Indonesia hẳn đã phải trải qua một quá trình lâu dài và nhiều tranh cãi. Chính sách ủng hộ bảo vệ chất lượng giảng dạy và tiếp cận công bằng trong toàn hệ thống chỉ đạt được sau những cuộc biểu tình xã hội dân sự, sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài, sau khi Tòa án hiến pháp ra quyết định thu hồi luật thị trường hóa, và sau những bất đồng diễn ra giữa các phe cánh trong chính phủ. Mặc dù vậy, cuối cùng, Indonesia đã không đi theo chính sách hoa mỹ vẫn được nhiều người tán thành rằng giữa chất lượng và sự công bằng chỉ có thể chọn một, không thể cùng lúc được cả hai. Theo đuổi mục tiêu này không có nghĩa là phải hy sinh mục tiêu kia. Trường hợp của Indonesia chắc chắn là một gợi ý hấp dẫn cho các nền kinh tế đại chúng hóa, mới nổi khác – liệu đó có phải là một hướng đi phù hợp và có thể thành công hay không?