Hakan Ergin là cựu Học giả nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ và là Giảng viên tại Đại học Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. E-mail: hakan.ergin1@yahoo.com. Hans de Wit là Giám đốc của CIHE, Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: dewitj@bc.edu.
Trong bài báo đăng trên IHE #97 “Bị ép buộc quốc tế hóa giáo dục đại học”, các tác giả và Betty Leask cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể bị “ép buộc” quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học, như hệ quả của làn sóng người tị nạn tràn đến đông đảo và bất ngờ (ngày nay trên thế giới, 68.5 triệu người đã buộc phải di cư – sự dịch chuyển ép buộc lớn nhất kể từ Thế chiến thứ II theo Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, UNHCR). Trong khi sinh viên và học giả quốc tế thông thường được hỗ trợ tài chính, có đủ giấy tờ chứng nhận học thuật và thông thạo ngoại ngữ, thì động lực để người tị nạn tiếp cận giáo dục đại học ở nước sở tại lại phi truyền thống. Bài viết này bàn luận về cách tôn giáo trở thành động lực mạnh mẽ để người tị nạn Syria tiếp cận giáo dục đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Động lực tôn giáo
Theo UNHCR, với việc áp dụng chính sách “mở cửa” cho những người chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tiếp đón hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria. Cuộc xung đột không ngừng ở Syria và sự lưu trú kéo dài của người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã “buộc” chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải quốc tế hóa giáo dục đại học một cách có chiến lược để đảm bảo những người tị nạn Syria “bất ngờ” và “có vẻ là vĩnh viễn” tiếp cận được các trường đại học.
Đầu tiên, không có một quy trình đánh giá chứng chỉ nào nhằm “chọn lọc” và “hạn chế”. Trong khi một số trường đại học chấp nhận người tị nạn Syria dựa trên điểm trung bình của giáo dục trung học hoặc sau trung học (bị gián đoạn), thì những trường khác lại chấp nhận họ mà không có bất kỳ yêu cầu nào. Tiếp theo, để vượt qua rào cản ngôn ngữ, các trường đại học cung cấp chương trình đào tạo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ miễn phí trong một năm dự bị, và một số trường còn thiết lập các chương trình học được giảng dạy bằng tiếng Ả Rập. Cuối cùng, sinh viên Syria được miễn học phí và được cấp học bổng chính phủ. Theo Hội đồng Giáo dục Đại học (CoHE), những cải cách này đã dẫn đến kết quả hơn 27 ngàn người tị nạn Syria đăng ký vào các trường đại học, khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong những quốc gia chủ nhà có số lượng sinh viên tị nạn cao nhất thế giới.
Theo UNHCR, với việc áp dụng chính sách “mở cửa” cho những người chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tiếp đón hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria. |
Thi đậu vào đại học đòi hỏi sự cạnh tranh cao đối với sinh viên trong nước ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi mùa hè, hơn hai triệu thí sinh dự thi tuyển sinh đại học và rất ít người giành được chỗ trong các trường đại học công lập hàng đầu. Hầu hết phải vào các trường đại học tư hoặc các chương trình giáo dục mở, hoặc thi lại vào năm sau. Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, động lực để đảm bảo đặc quyền tiếp cập giáo dục đại học cho người tị nạn Syria dựa trên một học thuyết tôn giáo – học thuyết “Hegira”.
Theo tín ngưỡng Hồi giáo, Hegira là cuộc di cư bắt buộc của nhà Tiên tri Muhammad từ Mecca đến Medina năm 622, sau sự việc người dân địa phương ở Mecca từ chối tin vào lời tiên tri của Muhammad và tấn công ông cùng những người đồng hành. Tiên tri Muhammad và một nhóm những người theo ông, gọi là Muhajirs, được người dân địa phương Ansars chào đón nồng nhiệt ở Medina. Cuộc di cư này được coi là một hành trình thiêng liêng của người Hồi giáo, họ tin rằng Nhà tiên tri và những người theo ông bị buộc phải lưu vong do niềm tin Hồi giáo của họ và được Chúa bảo vệ trong suốt hành trình, và được chào đón khi đến Medina.
Vào tháng 3 năm 2019, một bộ trưởng nội các tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chi gần 40 tỷ đô la Mỹ để trang trải cho nhu cầu của người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng và sự bất ổn kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến sự phản kháng xã hội chống lại việc chia sẻ những nguồn tài nguyên công cộng vốn đã hạn chế với người tị nạn Syria. Với suy nghĩ này, học thuyết Hegira đã nhiều lần được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng như một lời nhắc nhở để biện minh cho việc người tị nạn Syria được tiếp cận giáo dục đại học. Tổng thống Erdogan đã định nghĩa người tị nạn Syria là “Muhajirs ngày nay” và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ là “Ansars ngày nay”. Ông lập luận, giúp đỡ những người tị nạn Syria là nghĩa vụ của những người anh em Hồi giáo, và ông đã ra lệnh cho CoHE tạo điều kiện cho người tị nạn Syria tiếp cận giáo dục đại học. Trong một thông cáo báo chí, chủ tịch của CoHE chia sẻ niềm tin rằng việc họ giống như người Ansars đối với người tị nạn Syria là một “ý chí thiêng liêng của Chúa”, và ông hứa sẽ giúp họ mở rộng cánh cửa tiếp cập các trường đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở một đất nước mà chính quyền nằm trong tay phe bảo thủ chiếm đa số, suy thoái kinh tế đang diễn ra và tuyển sinh đại học cạnh tranh cao, tôn giáo là một công cụ được gọt dũa để đảm bảo người dân chấp nhận những đặc quyền dành cho người tị nạn liên quan đến giáo dục đại học. Điều này đã được thực hiện thành công ở Thổ Nhĩ Kỳ và dẫn đến kết quả hàng ngàn người tị nạn Syria đăng ký vào các trường đại học. Đảng cầm quyền đã hành xử theo bản sắc bảo thủ của mình và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang hành xử như Ansars, vì lợi ích của những anh chị em Hồi giáo, phù hợp với giáo huấn Hồi giáo.
Kết luận
Ở châu Âu, sự xuất hiện của các quốc gia dân tộc đã biến những trí thức từ “người lang thang” thành các “công dân”. Trong thời đại toàn cầu hóa, một số trí thức trở thành “công dân toàn cầu”, trong khi số khác thành người tị nạn không quốc tịch. Người tị nạn không quốc tịch đang tăng lên mỗi ngày và họ đang tranh đấu để tiếp cận giáo dục đại học ở nước sở tại. Rõ ràng là việc đưa họ vào nhóm sinh viên quốc tế trái với chủ định của họ sẽ tiếp tục buộc các nhà hoạch định chính sách phải đi trên dây giữa một bên là tạo cơ hội cho người tị nạn tiếp cận giáo dục đại học, và bên kia là giám sát chặt chẽ và quản lý tác động của chính sách này đối với dư luận.