Mexico: Chủ nghĩa dân túy và giáo dục đại học

Roberto Rodríguez Gómez là Nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Xã hội học, Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM), Mexico. E-mail: roberto@unam.mx. Alma Maldonado-Maldonado là Nhà nghiên cứu tại Phòng Nghiên cứu Giáo dục, Trung tâm Nghiên cứu và Nghiên cứu Nâng cao, Viện Bách khoa Quốc gia (CINVESTAV), Mexico. E-mail: almaldo2@gmail.

Sau hai lần nỗ lực tranh cử, Andrés Manuel López Obrador đã được bầu làm tổng thống của Mexico cho nhiệm kỳ 2018-2024. Kế hoạch giáo dục đại học của ông phù hợp với cái có thể được định nghĩa là một chương trình nghị sự dân túy mới (neopopulist). Mục đích của bài viết này là thảo luận về khái niệm chủ nghĩa dân túy mới, so sánh chương trình nghị sự này với chương trình của các chính phủ dân túy mới khác ở Mỹ Latinh và chia sẻ những lo ngại cho tương lai của giáo dục đại học ở Mexico.

Chủ nghĩa dân túy mới và giáo dục đại học

Khái niệm chủ nghĩa dân túy mới (neopopulism) được các nhà khoa học chính trị, xã hội học và nhà sử học sử dụng để mô tả phong cách quản trị trong những chế độ dưới quyền những nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn; sự phát triển các chính sách xã hội nhằm mở rộng một nền tảng hỗ trợ công chúng mạnh mẽ cung cấp tính hợp pháp cho các dự án của chính phủ; sự xói mòn và thậm chí phá hủy những thể chế chính trị và pháp lý và những hệ thống kiểm tra và cân bằng có thể phản đối các quyết định của tổng thống; sự lan rộng mất lòng tin đối với các tổ chức dân sự và phi chính phủ; và những cuộc tấn công chống lại các cá nhân, các nhóm và nền báo chí tự do chỉ trích chính phủ.

Liên quan đến giáo dục, các chính sách của những chính phủ dân túy mới điển hình ở Mỹ Latinh dẫn đến việc đại chúng hóa các dịch vụ giáo dục ở tất cả các cấp; mở rộng học bổng và trợ cấp cá nhân do chính phủ cung cấp; thiết lập các biện pháp hành động mang lại lợi tích cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất; và coi thường các phương pháp đánh giá quốc tế và thi cử tiêu chuẩn. Tóm lại, trong những chế độ như vậy, số lượng được ưa chuộng hơn chất lượng. Hai công cụ chính sách giáo dục đại học chính của các chính phủ dân túy mới là số lượng lớn học bổng và tăng trưởng tuyển sinh. Hai ví dụ điển hình là những chương trình được thiết lập ở Brazil và Argentina.

Lula da Silva, tổng thống Brazil từ 2003 đến 2011, khởi xướng chương trình Đại học cho Mọi người (được biết đến với tên viết tắt tiếng Bồ Đào Nha là “ProUni”), trợ cấp cho sinh viên theo học tại các trường đại học tư. Dilma Rousseff, tổng thống của giai đoạn 2011 đến 2016, tiếp tục chương trình này và bổ sung hai thành phần: hỗ trợ tài chính và tài trợ cho sinh viên đại học (FIES). Vào cuối hai thời kỳ chính phủ này, những chương trình này đã đạt được 2,5 triệu sinh viên. Ngoài ra, Chương trình Hỗ trợ Tái cấu trúc và Kế hoạch Mở rộng của Các Trường Đại học Liên bang (Reuni) đã thành lập 30 viện liên bang mới và 25 cơ sở đại học.

Tại Argentina, dưới thời tổng thống Cristina Fernández de Kirchner (từ 2007 đến 2015), Chương trình Hỗ trợ Sinh viên Argentina (viết tắt là PROGRESAR trong tiếng Tây Ban Nha) đã hỗ trợ tài chính cho sinh viên để giữ họ tiếp tục học hoặc được đào tạo nghề. Khoảng 320 ngàn sinh viên đại học đã được hưởng lợi ích này. Bên cạnh chương trình này, 18 trường đại học quốc gia mới được thành lập, cộng thêm 5 trường đại học cấp tỉnh. Các chương trình tương tự đã được giới thiệu ở Ecuador dưới thời Rafael Correa (từ 2007 đến 2017) và ở Venezuela dưới thời Hugo Chávez (từ 1999 đến 2013) và xứng đáng được nghiên cứu kỹ hơn.

Ở Argentina và Brazil, những khó khăn trong việc giải quyết khủng hoảng kinh tế và các trường hợp tham nhũng đã giải thích, theo nhiều cách, cho chiến thắng bầu cử của các đảng chính trị cánh hữu. Mauricio Macri được bầu làm tổng thống năm 2015 tại Argentina và tại Brazil, Michel Temer trở thành tổng thống năm 2016, tiếp theo là Jair Bolsonaro vào năm 2019. Chính phủ Macri tiếp tục thực hiện một số chương trình do chính quyền Kirchner thiết lập đồng thời giảm chi tiêu công cho giáo dục đại học, khoa học và công nghệ và cố gắng tăng tỷ lệ đầu tư tư nhân. Ở Brazil, Temer đã không hủy bỏ tất cả các chương trình do da Silva và Rousseff thành lập, nhưng ông đã giảm chi tiêu công. Tuy nhiên, dưới chính phủ của Bolsonaro, những thay đổi mạnh mẽ hơn đang diễn ra với việc cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học và hạn chế tự chủ đại học.

Chương trình nghị sự mới

Theo một số xu hướng này, ở Mexico, trong chiến dịch tranh cử của mình, López Obrador đã đề xuất loại bỏ các kỳ thi khỏi quy trình tuyển sinh đại học, cung cấp giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người và cấp học bổng cho những người cần nó nhất. Ông cũng tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ mở 100 trường đại học mới (“Benito Juárez García”) để cung cấp những chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu phát triển địa phương, đồng thời cung cấp cơ hội giáo dục cho thanh thiếu niên thiệt thòi nhất ở những vùng nghèo nhất của Mexico. Dự án đã được phân bổ ngân sách một tỷ peso (52,6 triệu đô la Mỹ).

Hai công cụ chính sách giáo dục đại học chính của các chính phủ dân túy mới là số lượng lớn học bổng và tăng trưởng tuyển sinh.

Những bước lùi đầu tiên và những chỉ trích

Vào tháng 8 năm 2018, López Obrador tuyên bố trước Hiệp hội Các Trường Đại học và Tổ chức Giáo dục Đại học Quốc gia (ANUIES) rằng, nếu được bầu, ông sẽ giữ nguyên mức ngân sách công dành cho các cơ sở giáo dục đại học (ở Mexico, hơn 90% ngân sách giáo dục đại học công lập đến từ trợ cấp của chính phủ). Tuy nhiên, đề xuất ngân sách dự thảo vào tháng 11 năm 2018 vẫn bao gồm việc cắt giảm 32% của lĩnh vực này cộng hưởng với các chính sách thắt lưng buộc bụng mới, nhưng không liên quan đến các trường đại học đa ngành. Lĩnh vực này đã tránh được mối đe dọa, ít nhất là một phần. Khoản trợ cấp cho các trường đại học công lập tự chủ được điều chỉnh để bằng với mức tài trợ năm 2018, với mức tăng tương đương tỷ lệ lạm phát năm đó; các cơ sở giáo dục đại học công lập khác (do các cơ quan giáo dục trung ương kiểm soát) đều bị cắt giảm, và cái gọi là “quỹ phụ trội” (khoản tài trợ công được phân bổ thông qua các quy trình cạnh tranh) đã bị giảm xuống. Tổng mức giảm chi cho giáo dục đại học năm 2019 đạt 1,7 tỷ peso (90,3 triệu đô la Mỹ), tương đương tỷ lệ giảm 6,2%, nếu tính cả mức lạm phát.

Cải cách quy định: căn cứ mới để tranh cãi

Đại diện của Đảng trong Quốc hội đã buộc phải xem xét lại và sửa đổi sáng kiến cải cách hiến pháp của tổng thống được trình bày vào ngày 12 tháng 12 năm 2018. Đề xuất đã loại bỏ quyền tự chủ của các trường đại học. Mặc dù chiếm đa số trong quốc hội cầm quyền, các nhà lập pháp đã tìm kiếm một giải pháp đồng thuận, có nghĩa là viết lại hầu hết mọi khía cạnh trong sáng kiến. Không chỉ phục hồi quyền tự chủ đại học, cải cách còn khẳng định nhà nước có nghĩa vụ cung cấp đủ năng lực để các trường công tiếp nhận vào học mọi sinh viên đáp ứng được yêu cầu đầu vào. Ngoài ra, cải cách còn khẳng định nhà nước sẽ cung cấp đủ ngân sách để đảm bảo nguyên tắc giáo dục phổ cập và miễn phí.

Chi ít được nhiều?

Hệ thống giáo dục đại học Mexico có 4,3 triệu sinh viên (66,5% trong các cơ sở công lập và 33,5% trong các trường tư), tương đương 39% trong nhóm tuổi 18 – 22. Chính phủ López Obrador đặt mục tiêu đến năm 2024 cung cấp cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả học sinh tốt nghiệp trung học. Mục tiêu này đòi hỏi 1,9 triệu lượt tuyển sinh mới, tương ứng với trung bình 300 ngàn chỗ học mới mỗi năm. Để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng này, hệ thống phải đạt mức bao phủ trên 55% nhóm tuổi tương ứng. Nếu tính đến mức độ tăng trưởng hiện nay đang là 150 ngàn sinh viên đại học mới đăng ký mỗi năm, nhân đôi nỗ lực này dường như là một nhiệm vụ bất khả thi trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho ngành vẫn giữ nguyên hoặc giảm đi. Cho đến nay, chính phủ không đưa ra được bất kỳ chiến lược rõ ràng nào để đạt được mục tiêu này. Ngay cả khi các trường đại học Benito Juárez García hoạt động hết năng lực, họ sẽ chỉ đáp ứng được 2% tổng số sinh viên đại học quốc gia.

Cuối cùng, bất chấp chiến thắng của phe đối lập trong việc hạn chế những đề xuất thay đổi của chính phủ, viễn cảnh của giáo dục đại học vẫn ảm đạm. Chiến lược tập trung nguồn lực cho các chương trình học bổng trong khi cắt giảm ngân sách dành cho các cơ sở giáo dục đại học, cho đào tạo sau đại học và nghiên cứu, cũng như cho các chương trình thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới, và hợp tác quốc tế có thể là án tử cho các hoạt động này. Trong thời đại chủ nghĩa dân túy mới, giáo dục đại học ở Mexico dường như không thể duy trì được khả năng cạnh tranh và chất lượng.