Khung đánh giá tài trợ cho các trường Đại học châu Phi

Harris Andoh là Chuyên gia đánh giá chính sách nghiên cứu tại Văn phòng Giảng dạy, học tập và công nghệ, Đại học Công nghệ Tshwane, Pretoria, Nam Phi, và tại Viện Nghiên cứu Chính sách Khoa học và Công nghệ (Science and Technology Policy Research Institute  – STEPRI) của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (Council for Scientifc and Industrial ResearchCSIR), Accra, Ghana. E-mail: andoharris@gmail.

Kể từ khi các trường đại học công lập hiện đại đầu tiên của châu Phi được thành lập trên lục địa đen vào những năm 1940, các tổ chức này phải vật lộn để huy động nguồn tài trợ đầy đủ và bền vững. Họ phụ thuộc chủ yếu vào các khoản trợ cấp từ chính phủ quốc gia, vào sự tài trợ, quyên góp từ cộng đồng quốc tế và hợp tác với ngành công nghiệp để duy trì các hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu.

Các nhiệm vụ mới của các trường đại học châu Phi – thích ứng với đại chúng hóa, nghiên cứu chuyên sâu và vươn lên vị thế đẳng cấp thế giới – đòi hỏi những số tiền lớn. Hầu hết chính phủ các nước châu Phi chọn cách cho phép các trường đại học công toàn quyền chủ động tìm kiếm các khoản tài trợ nước ngoài từ các chính phủ quốc gia, các trường đại học ở các nước phát triển, cộng đồng tài trợ quốc tế (đặc biệt là Ngân hàng Thế giới) và các tổ chức từ thiện (ví dụ như Tổ chức Gates và Templeton). Một vài ví dụ, trong năm học 2015 – 2016, Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển tại Đại học Ghana đã nhận được 32 triệu USD từ 9 cơ quan tài trợ quốc tế. Năm 2010, trang web của Đại học Ibadan ở Nigeria tiết lộ rằng trường đại học nhận 106 khoản tài trợ (101 từ các nhà tài trợ quốc tế) với số tiền hơn 17 triệu USD. Tại trường đại học Nairobi ở Kenya, chỉ 1 trong số 16 nhà tài trợ được đề cập trên trang web của trường đại học là người địa phương. Trong năm học 2016 – 2017, chính phủ Nam Phi đã dành ra 46 triệu đô la Mỹ cho chương trình Tài trợ Phát triển Giảng dạy (Teaching Development Grants – TDG) để các trường đại học cải thiện giảng dạy và 14,8 triệu đô la Mỹ cho chương trình Tài trợ Phát triển Nghiên cứu (Research Development Grants – RDG) để cải thiện nghiên cứu của họ. Gần đây nhất, chương trình Tài trợ Phát triển Năng lực Đại học (2018-2020) tìm cách giải quyết vấn đề bất bình đẳng và thúc đẩy tuyển dụng các học giả da đen vào hệ thống giáo dục đại học Nam Phi.

Các nhiệm vụ mới của các trường đại học châu Phi – thích ứng với đại chúng hóa, nghiên cứu chuyên sâu và vươn lên vị thế đẳng cấp thế giới – đòi hỏi những số tiền lớn.

Khả năng đánh giá hạn chế

Mặc dù các nhà tài trợ quốc tế có hệ thống đánh giá việc sử dụng và tác động của các khoản tài trợ, các cơ chế tự đánh giá nội bộ của các trường đại học châu Phi thường không giám sát việc sử dụng các khoản tài trợ bên ngoài. Trong 15 năm qua, nhiều trường đại học ở lục địa đen đã thành lập các văn phòng tài trợ với vai trò là phát triển các chiến lược và thu hút nguồn vốn bên ngoài. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các văn phòng này không có chính sách tài trợ rõ ràng để hướng dẫn hoạt động hoặc sử dụng tài trợ mà tổ chức nhận được. Việc thiếu chính sách này ngăn các trường đại học đánh giá đúng tác động của các chương trình được nhận tài trợ từ bên ngoài, do đó hạn chế khả năng xác định các chương trình này có thực sự đem lại lợi ích cho các tổ chức hay không.

Một cơ chế đánh giá mạnh mẽ sẽ xem xét các hoạt động được xác định trong các điều khoản của từng gói tài trợ, các hạng mục thực hiện, chỉ số hoạt động, và kết quả đạt được. Hiện nay, hầu hết các trường đại học chỉ đo lường sự thành công của các chương trình bằng việc kiểm toán tài chính phù hợp và kết quả đầu ra và kết quả dự kiến theo các chỉ số do các nhà tài trợ đặt ra. Ví dụ như trong chu kỳ chương trình tài trợ TDG và RDG đầu tiên của Nam Phi, Bộ Giáo dục và Giảng dạy Đại học (Department of Higher Education and Teaching – DHET) đã không yêu cầu bất kỳ báo cáo giải trình nào từ những trường được nhận tài trợ từ hai chương trình nói trên. Những trường đại học nhận tài trợ cũng không tiến hành bất kỳ đánh giá sau chương trình nào. Sự thiếu vắng dữ liệu này khiến cho việc đánh giá tác động của hai chương trình tài trợ này đối với hoạt động của các trường đại học có nhận tài trợ là vô cùng khó khăn.

Lợi ích và thách thức của Khung Đánh giá Tài trợ Thể chế

Khung đánh giá chương trình cơ bản là một công cụ chi tiết được sử dụng nhằm tổ chức và liên kết các câu hỏi đánh giá, kết quả hoặc đầu ra, chỉ số, nguồn dữ liệu và phương pháp thu thập dữ liệu cho bất kỳ dự án hoặc chương trình cụ thể nào. Một khung như vậy ở cấp độ tổ chức nên tập trung vào việc cải thiện chính sách và thực tiễn trong việc sử dụng mọi khoản tài trợ được trao cho trường đại học. Thiết kế của khung nên bao gồm một định nghĩa chi tiết về các hoạt động, đầu vào, chỉ số hiệu suất, các hạng mục thực hiện, phương tiện xác minh và kết quả/đầu ra/kết quả dự kiến từ việc sử dụng các khoản tài trợ. Quan trọng nhất, khung phải phù hợp với tầm nhìn rộng hơn và sứ mệnh cốt lõi của chính các trường đại học trong giảng dạy, nghiên cứu và sự tham gia của cộng đồng; với kế hoạch chiến lược trung và dài hạn của họ; và với kỳ vọng của Hội đồng khu vực của các trường đại học.

Thiết lập một khung đánh giá tài trợ chính thức như vậy ở cấp độ tổ chức sẽ có lợi cho các trường đại học châu Phi theo nhiều cách. Nó sẽ đảm bảo rằng các khoản tài trợ được sử dụng đúng cách. Nó sẽ cải thiện trách nhiệm trong các trường đại học và khôi phục niềm tin giữa nhân viên và nhà tài trợ của trường đại học. Nó cũng cung cấp các lộ trình tác động cho việc học tập trong tổ chức và chuẩn bị nền tảng cho các nghiên cứu tác động trong tương lai và đánh giá tài trợ. Một số nỗ lực đã được thực hiện để giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn, thông qua DHET, Trung tâm Đánh giá Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ (Centre for Research Evaluation on Science and Technology – CREST) tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi đang hỗ trợ các trường đại học quốc gia theo dõi các hoạt động liên quan đến trợ cấp của chính phủ bằng cách giúp họ thiết lập các khung logic để hướng dẫn thực hiện chương trình.

Tuy nhiên, các trường đại học có thể phải đối mặt với một số thách thức trong nỗ lực thiết lập một khuôn khổ như vậy. Bao gồm sự thiếu hụt một khối lượng lớn các chuyên gia giáo dục đại học về giám sát và đánh giá hoặc có nền tảng trong quản lý các hoạt động của tổ chức. Thiếu một phương pháp chuẩn hóa phù hợp để đánh giá thể chế cũng sẽ là một trở ngại tại hầu hết các trường đại học. Tuy nhiên, việc các trường đại học cam kết đánh giá đúng kết quả, đầu ra và tác động rộng hơn của việc sử dụng các khoản tài trợ sẽ là bước đầu tiên để đảm bảo rằng các khoản tài trợ từ bên ngoài thực sự có lợi cho các trường đại học châu Phi.