Johannes Wetzinger là Điều phối viên của các dự án và là Giảng viên EU về Khoa học Chính trị tại Đại học Khoa học Ứng dụng BFI Vienna, Áo. Ông điều phối chương trình Erasmus+ xây dựng năng lực trong dự án giáo dục đại học “Cải cách chương trình Thạc sĩ tài chính ở Armenia và Moldova”. E-mail: johannes.wetzinger@fh-vie.ac.at.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Dự án REFINE (số dự án 585784-EPP1-2017-1-AT-EPPKA2-CBHE-JP) được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu. Bài viết này phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả và Ủy ban không chịu bất kỳ trách nhiệm nào cho việc sử dụng những thông tin trong đó.
Hệ thống giáo dục đại học tại Cộng hòa Moldova đã trải qua sự thay đổi sâu rộng kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991. Bài viết này phân tích một số thành tựu và thách thức chính của cải cách giáo dục đại học ở quốc gia Đông Âu này từ khi tham gia Quy trình Bologna năm 2005.
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Cộng hòa Moldova vừa độc lập đã trải qua những khủng hoảng nghiêm trọng và buộc phải điều chỉnh theo môi trường chính trị và kinh tế xã hội thay đổi nhanh chóng. Quốc gia nhỏ bé nằm giữa Rumani và Ukraine này phải đối mặt với điều mà nhà khoa học chính trị Claus Offe từng mô tả là vấn đề nan giải của “tình trạng tiến thoái lưỡng nan”, khi đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức biến đổi cùng một lúc. Trở thành một quốc gia độc lập, Moldova trước tiên phải thiết lập một thể chế chính trị và hệ thống chính trị mới. Cộng hòa Xô viết cũ này sau đó bắt tay vào quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường và đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Thách thức cuối cùng nhưng không kém phần nghiêm trọng là Moldova phải đối phó với cuộc xung đột ly khai ở khu vực Transnistria, mà đỉnh điểm là cuộc giao tranh ngắn vào năm 1992 và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Tất cả những diễn biến này tác động mạnh mẽ đến hệ thống giáo dục đại học ở Moldova, vốn được thiết kế và định hình bởi các chính sách giáo dục đại học của Liên Xô. Môi trường chính trị và kinh tế xã hội mới tác động gấp đôi đến giáo dục đại học. Một mặt, những người ra quyết định chính trị và các cơ sở giáo dục đại học phải đối phó với các yêu cầu mới từ nền kinh tế và từ xã hội, ví dụ như nhu cầu mở ra các lĩnh vực đào tạo mới (như trong các ngành khoa học xã hội) và nhu cầu cải cách giáo dục phát sinh trong một thị trường lao động thay đổi. Mặt khác, môi trường chính trị và kinh tế cũng gây ra những trở ngại cho việc thực hiện cải cách thực tế, ví dụ như thiếu hụt ngân sách nhà nước tạo thành áp lực đối với các nguồn tài trợ giáo dục đại học và những thay đổi thường xuyên của chính phủ dẫn đến sự bất ổn định trong chính sách.
Moldova và quá trình Bologna
Trong môi trường phức tạp này, các mô hình giáo dục đại học châu Âu nổi lên như những điểm tham chiếu quan trọng, đặc biệt từ khi Moldova tham gia vào quy trình Bologna năm 2005. Theo học giả Lucia Padure, một số bên liên quan nhận thấy quá trình Bologna là “một cơ hội để hoàn toàn chia tay với hệ thống giáo dục đại học của Liên Xô và hiện đại hóa giáo dục đại học trong phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sinh viên dịch chuyển trong bối cảnh châu Âu rộng lớn hơn”. Về mặt hình thức và cấu trúc, Moldova đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện cải cách Bologna: hệ thống đào tạo ba chu kỳ (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) đã được triển khai trong hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu và “Hệ thống chuyển đổi tín chỉ châu Âu (European Credit Transfer System – ECTS)” cũng như “Hệ thống bổ sung văn bằng” đã được áp dụng. Ngoài ra, các bước phát triển một khuôn khổ mới để đảm bảo chất lượng cũng đã được thực hiện.
Cải cách giáo dục đại học, bao gồm cả việc thực hiện Quy trình Bologna được Liên minh châu Âu hỗ trợ thông qua các chương trình tài trợ như Tempus và Erasmus+. Các chương trình này kết nối các tập đoàn giáo dục đại học quốc tế và các bên liên quan để thúc đẩy cải cách các cơ sở giáo dục đại học và các hệ thống giáo dục đại học. Đối với Moldova, 83 dự án Tempus (1994 – 2015) và 11 dự án Erasmus+ Xây dựng năng lực trong các dự án Giáo dục đại học (2015 – 2015) đã được nhận tài trợ. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học của Moldova tham gia vào một số dự án trao đổi Erasmus+ dành cho sinh viên và nhân viên (2015 – 2017: 1303 lượt trao đổi). Tất cả các dự án này đã góp phần quốc tế hóa giáo dục đại học ở Moldova và thúc đẩy sự hội nhập của các cơ sở giáo dục đại học trong Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu (European Higher Education Area – EHEA). Tuy nhiên, mức độ quốc tế hóa thực tế của các cơ sở giáo dục đại học ở Moldova vẫn chưa đồng đều.
Những khó khăn phía trước
Một nghiên cứu phân tích tình trạng hiện tại của hệ thống giáo dục đại học Moldova cũng cho thấy những thách thức đáng kể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng giáo dục đại học thiếu sự phù hợp với thị trường lao động. Ví dụ, một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới được công bố vào năm 2018 cho thấy “những dấu hiệu rõ ràng của việc giáo dục đại học không đáp ứng được nhu cầu lao động hiện tại, chưa nói đến nhu cầu kỹ năng trong tương lai”. Theo Ngân hàng Thế giới “gần một nửa các doanh nghiệp ở Moldova đối mặt với các vấn đề mang tính hệ thống trong việc tìm kiếm nhân lực có các kỹ năng phù hợp”. Tương tự như vậy, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Dự án Erasmus+ Xây dựng năng lực “Cải cách các Chương trình Thạc sĩ về Tài chính ở Armenia và Moldova” (Reforming Master Programmes in Finance in Armenia and Moldova – REFINE) cho thấy các chương trình đào tạo cần liên hệ nhiều hơn đến thực tiễn và cần cập nhật các phương pháp tiếp cận thực tế.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Cộng hòa Moldova vừa độc lập đã trải qua những khủng hoảng nghiêm trọng và buộc phải điều chỉnh theo môi trường chính trị và kinh tế xã hội thay đổi nhanh chóng. |
Hệ thống giáo dục đại học của Moldova cũng phải đối mặt với một trở ngại cơ bản về nhân khẩu học: theo Cục Thống kê Quốc gia, số lượng sinh viên giảm từ 127.997 trong năm học 2006-2007 xuống còn 74.726 vào năm 2016. Xu hướng giảm này có nguyên nhân từ tỷ lệ sinh giảm và tình trạng di cư đáng kể khỏi Moldova. Dự báo cho thấy số lượng sinh viên trong những năm tới sẽ còn sụt giảm hơn nữa, điều này đặt ra những câu hỏi cơ bản về tương lai và tính bền vững của ngành giáo dục đại học tương đối lớn.
Quy mô của hệ thống giáo dục đại học đã tăng đáng kể trong thời kỳ hậu Xô Viết và bao gồm 29 trường đại học trong năm học 2017-2018, so với 9 trường ở năm 1988. Sự phát triển này là kết quả của quá trình tự do hóa và phân hóa ngày càng tăng trong giáo dục đại học: một số cơ sở giáo dục đại học nhà nước được thành lập mới và các nhà cung cấp tư nhân được phép tham gia vào khu vực đại học. Giáo dục đại học đạt đến đỉnh cao vào năm 2000 với tổng số 47 cơ sở giáo dục đại học, nhưng không phải tất cả các trường này đều củng cố được vị trí của họ trong hệ thống. Một số cơ sở giáo dục đại học tư nhân một lần nữa biến mất khỏi bức tranh giáo dục đại học và trong thập kỷ qua số lượng các trường đã dần ổn định.
Áp lực phải cải cách trong tương lai
Tóm lại, mặc dù môi trường chính trị và kinh tế xã hội đầy thách thức, Moldova đã thực hiện được một số bước quan trọng để cải cách giáo dục đại học. Quá trình Bologna trở thành một điểm tham chiếu quan trọng, vì Moldova nhắm đến mục đích tích hợp hơn nữa với EHEA. Những cải cách cơ cấu được thực hiện đã tăng cường khả năng so sánh quốc tế cũng như khả năng tương thích của hệ thống giáo dục đại học Moldova và cung cấp một nền tảng để tăng cường quốc tế hóa. Tuy nhiên, mặc dù những thay đổi hình thức và cấu trúc đã được thực hiện, những thách thức vẫn còn.
Một trong những vấn đề gây áp lực mạnh nhất đối với hệ thống giáo dục đại học Moldova là diễn biến trong nhân khẩu học của quốc gia: số lượng sinh viên giảm cho thấy cần phải tổ chức lại hệ thống giáo dục đại học đang quá lớn, để đảm bảo tính bền vững. Trong tình huống này, sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học chắc chắn ngày càng tăng. Đầu tư vào việc nâng cao chất lượng và tăng cường mức độ phù hợp của giáo dục đại học có thể củng cố vị trí của các cơ sở giáo dục đại học, và do đó tăng thêm khả năng tồn tại của họ trong những thay đổi sắp tới. Tuy nhiên, không thể loại trừ rằng một số cơ sở giáo dục đại học sẽ biến mất khỏi bối cảnh giáo dục đại học trong quá trình này.