Chia-Ming Hsueh là Giáo sư Trợ lý nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Cheng Kung (NCKU), Đài Loan. Ông từng là Học giả thỉnh giảng Fulbright tại Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE), Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: chiaming.hsueh@gmail.
Sau giai đoạn mở rộng và cải cách, hệ thống giáo dục đại học Đài Loan tham gia mạnh vào giáo dục quốc tế và hiện đang có danh tiếng cao về chất lượng ở châu Á. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 25 đến 64 có bằng đại học hoặc sau đại học đạt 46% trong năm 2016, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 37% ở các nước OECD. Nhưng hệ thống đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ trong và ngoài nước, khiến tương lai của nó có vẻ kém lạc quan hơn.
Vắt kiệt sức lực
Trong giai đoạn từ 1949 đến 1987, hệ thống giáo dục đại học Đài Loan trải qua giai đoạn tăng trưởng dựa theo kế hoạch. Nhiều trường cao đẳng và đại học tư được thành lập để đào tạo nguồn nhân lực lành nghề cho các ngành công nghiệp mới nổi. Trong những năm 1990, việc bãi bỏ những quy định đối với giáo dục nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Vào năm 1994 đã diễn ra phong trào “Biểu tình vì cải cách giáo dục 410” nhằm kêu gọi tăng số lượng các trường đại học và trường đào tạo chuyên nghiệp ở mỗi thành phố để giảm áp lực đại chúng hóa. Đáp ứng nhu cầu của công chúng, số lượng các cơ sở giáo dục đại học tăng lên đáng kể, từ 130 năm 1994 lên 164 vào năm 2007. Một số là mới, nhưng nhiều trường được nâng cấp từ các trường cao đẳng hoặc viện kỹ thuật. Vào năm 1991, tỷ lệ nhập học ròng (NER) là 20%, chỉ cao hơn một chút so với ngưỡng của một hệ thống đào tạo “tinh hoa”. Tỷ lệ này nhanh chóng tăng lên thành 50% trong năm 2004, đạt đến ngưỡng “đại chúng”, và thành 70% trong năm 2013, đạt đến mức “phổ cập”. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học vào đại học đạt 95% trong năm 2008 và từ đó vẫn tiếp tục giữ ở mức này. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập học cực kỳ cao này cũng phản ánh sự thất bại của hệ thống trong việc chọn lọc và sự suy giảm tính cạnh tranh trong giáo dục đại học.
Tỷ lệ sinh thấp
Một yếu tố rủi ro lớn của Đài Loan là tỷ lệ sinh thấp. Theo dữ liệu từ ấn phẩm Dữ kiện thế giới của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) công bố năm 2018, Đài Loan có tỷ lệ sinh thấp thứ ba trên thế giới. Các cặp vợ chồng trẻ ở Đài Loan lo lắng về mức lương thấp, chi phí nhà ở, chi phí giáo dục và mức sống bị giảm nếu có con; một số người chấp nhận DINK (viết tắt của Double Income, No Kids: thu nhập gấp đôi, không có con) như một lối sống hấp dẫn. Chính phủ Đài Loan cảm thấy vào năm 2011 tình hình đã rất nghiêm trọng, nhưng họ vẫn đang phải vật lộn tìm cách giải quyết vấn đề. Theo Bộ Giáo dục, tuyển sinh giáo dục đại học dự kiến sẽ giảm từ 273 ngàn năm 2015 xuống còn 158 ngàn vào năm 2028. Mức giảm này sẽ tác động rất lớn đến hệ thống giáo dục đại học, với 20 đến 40 trường đại học có nguy cơ biến mất trong vòng 5 năm, đặc biệt là các trường đại học nhỏ và các trường tư ở vùng ngoại ô.
Yếu tố Trung Quốc
Năm 2016, Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP)- đảng chính trị ủng hộ tư tưởng Đài Loan độc lập – giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Chính phủ Đài Loan đã đưa ra một Chính sách hướng Nam mới, nhằm mục đích chuyển trọng tâm từ nỗ lực đầu tư đơn phương sang xây dựng quan hệ quốc gia song phương với các nước trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Do DPP không chấp nhận Chính sách Một Trung Quốc của Chính phủ Trung Quốc, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan sớm đi đến bế tắc, ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng khách du lịch và sinh viên Trung Quốc đến Đài Loan. Số lượng sinh viên Trung Quốc ngắn hạn tại Đài Loan đã giảm đi 37% trong giai đoạn năm 2016 và 2018 do lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc, gây nhiều lo ngại trong các trường đại học tư ở Đài Loan. Các học giả Trung Quốc muốn đến Đài Loan bị chính phủ Đài Loan kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Sinh viên Đài Loan không còn được khuyến khích học tập tại Trung Quốc; dưới tác động của những quan hệ chính trị căng thẳng này, dòng chảy kiến thức giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng bị kìm hãm, góp phần làm giảm số lượng tuyển sinh. Khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng trở nên tồi tệ, chính phủ Đài Loan vốn ủng hộ Hoa Kỳ, dự kiến sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn từ Trung Quốc trong tương lai.
Chẳng hạn, họ đã công bố “Gói 31 biện pháp” vào mùa xuân năm 2018 để thu hút các chuyên gia trẻ người Đài Loan đến học tập, làm việc và sinh sống tại Trung Quốc. |
Mặc dù hai chính phủ đã tạm thời cắt đứt đối thoại, chính phủ Trung Quốc vẫn nỗ lực thúc đẩy sự thống nhất thông qua các biện pháp mềm. Chẳng hạn, họ đã công bố “Gói 31 biện pháp” vào mùa xuân năm 2018, để thu hút các chuyên gia trẻ người Đài Loan đến học tập, làm việc và sinh sống tại Trung Quốc. Vào tháng 4 năm 2018, một kế hoạch bổ sung “60 biện pháp” khác đã được thành phố Hạ Môn ban hành, thông báo cung cấp 5 ngàn vị trí tuyển dụng mỗi năm và nhiều lợi ích khác cho người dân Đài Loan. Vào tháng 5 năm 2018, 30 trường đại học ở các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang ở Trung Quốc thông báo tuyển dụng cho các vị trí giáo sư được trả lương cao, nhằm thu hút 150 chuyên gia tiến sĩ người Đài Loan đến giảng dạy tại Trung Quốc. Trong khi kinh tế Đài Loan bị chậm lại và nền công nghiệp cần được nâng cấp, những chính sách và sáng kiến này từ Trung Quốc đã thu hút được sự chú ý của người dân Đài Loan và là một yếu tố rất lớn có khả năng gây ra cuộc khủng hoảng thâm hụt chất xám và nhân tài ở Đài Loan.
Vài suy ngẫm
Trước bầu không khí thù địch hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tương lai của Trung Quốc và Đài Loan chắc chắn sẽ có nhiều sóng gió. “Chính sách hướng Nam mới” nhắm đến mục tiêu xây dựng các mối quan hệ mới giữa Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á, dường như đang mở ra những kênh khác cho các cơ sở giáo dục đại học ở Đài Loan. Rõ ràng là, tác động của việc suy giảm số lượng sinh viên từ Trung Quốc và mối đe dọa chảy máu chất xám sẽ kéo dài một thời gian, nhưng về lâu dài, “Chính sách hướng Nam mới” sẽ tạo được cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học của Đài Loan trong thị trường giáo dục khu vực và toàn cầu. Ví dụ, tỷ lệ sinh viên từ các nước Đông Nam Á đã tăng từ 25,5% năm 2016 lên 38,3% vào năm 2018.
Bên cạnh các yếu tố bên ngoài này, chất lượng giáo dục đại học cũng trở thành một yếu tố quan trọng. Giáo dục đại học Đài Loan đã trải qua các giai đoạn “tinh hoa” và “đại chúng”, đạt đến tuyển sinh toàn cầu chỉ trong vài thập kỷ. Nó đào tạo ra những công dân có trình độ học vấn cao cho xã hội và cung cấp nguồn nhân lực quý giá cho sự phát triển của đất nước, nhưng cũng tạo ra tình trạng dư thừa sinh viên tốt nghiệp, dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong thanh niên và chảy máu chất xám trong những người chuyên nghiệp. Một số trường đại học – hầu hết là trường công lập – đã sáp nhập thành công, nhưng Đài Loan vẫn chưa có cơ chế được chấp nhận rộng rãi để chuyển đổi hoặc đóng cửa những trường đại học – đặc biệt là trường tư – không thu hút đủ số lượng sinh viên. Chính phủ Đài Loan nên cho phép một cơ chế “loại bỏ” trường đại học, trong khi vẫn bảo vệ quyền học tập của sinh viên, và quyền làm việc của giảng viên. Chính phủ cũng nên can thiệp vào những trường đại học có chất lượng thấp hoặc hoạt động kém, và chuyển đổi hoặc đóng cửa các trường có số lượng sinh viên quá thấp và tiếp tục giảm. Bằng cách tập trung vào những trường đại học có hiệu suất cao, đầu tư của chính phủ vào giáo dục đại học có thể được tối đa hóa, không bị lãng phí cho những trường hoạt động không hiệu quả.
Đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trên toàn cầu và ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, giáo dục đại học ở Đài Loan cần khẩn cấp chuyển đổi. Chính phủ đóng một vai trò quan trọng. Cuộc khủng hoảng thực sự trong giáo dục đại học không đến từ việc thiếu sinh viên, mà từ việc hệ thống không có khả năng theo đuổi sự xuất sắc. Gia tăng số lượng sinh viên có thể giải quyết được vấn đề trước mắt; trong khi nâng cao chất lượng sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng sẽ cung cấp một giải pháp bền vững hơn về lâu dài.