Giorgio Marinoni quản lý mảng Chính sách và các dự án Giáo dục đại học và quốc tế hóa thuộc Hiệp hội Quốc tế các trường Đại học (IAU), Paris, Pháp. E-mail: g.marinoni@iau-aiu.net. Hans de Wit là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE) tại Boston College, Hoa Kỳ, và là thành viên Hội đồng tư vấn IAU cho cuộc Khảo sát toàn cầu lần thứ 5 của IAU về quốc tế hóa giáo dục đại học. E-mail: dewitj@bc.edu.
Báo cáo đầy đủ của Khảo sát toàn cầu IAU lần thứ 5 sẽ được Nhà xuất bản DUZ Academy xuất bản trong những tháng tới.
Quốc tế hóa giáo dục đại học là một hiện tượng có hệ quả vượt ra ngoài lĩnh vực giáo dục đại học; nó tác động tới xã hội một cách rộng lớn. Theo định nghĩa của Jane Knight, được Hans de Wit và những người khác cập nhật vào năm 2015, quốc tế hóa là “một quá trình có chủ ý do các trường đại học thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu cho tất cả sinh viên và cán bộ giảng viên, và để đóng góp cho xã hội một cách có ý nghĩa”. Giả thiết rằng quốc tế hóa là một quá trình có chủ ý, câu hỏi đặt ra là: quá trình này mang tính chiến lược như thế nào? Nói cách khác, quốc tế hóa tại các trường đại học có được hỗ trợ bởi một kế hoạch xác định, có mục tiêu, hành động và người chịu trách nhiệm rõ ràng, được quy hoạch trong một khung thời gian cụ thể, và có được hỗ trợ bởi các nguồn lực (nhân sự và tài chính) cần thiết hay không? Kế hoạch này có được giám sát và đánh giá kết quả không? Và trong bầu không khí chính trị phản đối toàn cầu hóa, phản đối nhập cư, và chủ nghĩa dân tộc ngày càng tăng, chiến lược này còn thích đáng và hợp thời đến mức độ nào? Kết quả Khảo sát toàn cầu lần thứ 5 về quốc tế hóa giáo dục đại học – một khảo sát trực tuyến do Hiệp hội Quốc tế các trường đại học (IAU) thực hiện năm 2018, có thể giúp chúng ta trả lời những câu hỏi này.
Khảo sát này dựa trên những câu trả lời thu thập từ 907 trường đại học của 126 quốc gia trên toàn thế giới. Câu hỏi khảo sát yêu cầu các trường đại học cho biết quốc tế hóa có được đề cập trong sứ mệnh/kế hoạch chiến lược của họ hay không. Đa số khẳng định là có. Đây là dấu hiệu cho thấy quốc tế hóa đã trở thành phổ biến trong các trường đại học trên toàn cầu, nhưng không bộc lộ được tính chiến lược trong cách thức tiếp cận của họ.
Có chiến lược không có nghĩa là có cách tiếp cận chiến lược
Có chiến lược quốc tế hóa không có nghĩa là đang tiếp cận một cách chiến lược, nếu không thực hiện các hoạt động triển khai chiến lược và không có các cấu trúc hỗ trợ thực hiện, nếu chiến lược không được giám sát, và tiến độ thực hiện không được đánh giá. Cuộc khảo sát IAU chỉ ra rằng tại hầu hết những trường đại học đã xây dựng được chính sách/chiến lược quốc tế hóa thì chiến lược này hiện diện xuyên suốt trong mọi hoạt động của toàn trường. Hầu hết các trường tham gia khảo sát đều có văn phòng hoặc một nhóm chuyên trách giám sát thực hiện chính sách/chiến lược quốc tế hóa, và khía cạnh quốc tế đều được đưa vào các chính sách/chiến lược/kế hoạch khác của trường. Số lượng trường đã xây dựng được khung giám sát, mục tiêu và quy chuẩn quốc tế hóa dù ít hơn, nhưng vẫn chiếm ba phần tư số trường trả lời, và hai phần ba trong số đó đã có kế hoạch ngân sách.
Kết quả này dường như chỉ ra rằng cách tiếp cận quốc tế hóa mang tính chiến lược thực sự là phổ biến ở phần lớn các trường đại học trên thế giới. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát toàn cầu trước đây của IAU cũng bao gồm những câu hỏi tương tự, và việc phân tích đánh giá kết quả theo từng thời gian đã tiết lộ những thông tin bổ sung. Có thể nhận thấy sự tăng trưởng rõ rệt số lượng những trường đại học đã có chính sách/chiến lược quốc tế hóa. Điều này cũng đúng với tỷ lệ phần trăm các trường đại học có văn phòng hoặc nhóm chuyên trách để thực hiện chính sách/chiến lược này. Trong khảo sát hiện tại, tỷ lệ này đạt tới 89%, tăng thêm 25% trong 15 năm.
Tỷ lệ các trường đại học có ngân sách dành riêng cho quốc tế hóa đều tăng trong ba đợt Khảo sát toàn cầu đầu tiên, từ 50% tại thời điểm Khảo sát lần đầu (2003) tới 73% tại thời điểm Khảo sát lần thứ 3 (2009), sau đó giảm xuống 61% tại thời điểm Khảo sát lần thứ 4 (2014) và tăng nhẹ trở lại lên 64 % trong Khảo sát lần thứ 5 (2018). Việc số lượng trường có ngân sách dành riêng bị giảm xuống trong giai đoạn giữa 2009 và 2014 có thể hiểu là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và của việc cắt giảm kinh phí liên quan tại các trường đại học. Không khí chính trị đang thay đổi của những năm qua dường như không có tác động tiêu cực. Tuy nhiên, về tổng thể, trong 15 năm qua một phần ba số trường đại học trả lời không có ngân sách dành riêng cho quốc tế hóa.
Về tỷ lệ các trường đại học cho biết đã có khung giám sát, Khảo sát toàn cầu lần thứ 5 đưa ra một kỷ lục mới là 73%. Tuy nhiên, sự gia tăng này dường như đã diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2009, còn trong 8 năm tiếp theo con số này là ổn định. Một phần tư các trường đại học trả lời không có khung giám sát tại chỗ.
Việc số lượng trường có ngân sách dành riêng bị giảm xuống trong giai đoạn giữa 2009 và 2014 có thể hiểu là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và của việc cắt giảm kinh phí liên quan tại các trường đại học. |
Gia tăng bất bình đẳng
Kết quả Khảo sát toàn cầu IAU lần thứ 5 cho thấy việc có một chính sách/chiến lược quốc tế hóa, cũng như có một văn phòng hoặc nhóm chuyên trách giám sát việc thực hiện, đang trở thành chuẩn mực tại các trường đại học trên toàn thế giới. Tuy nhiên, về mặt phân bổ nguồn lực tài chính, về giám sát và đánh giá, các kết quả, dù đáng khích lệ, cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần cải tiến. Mặc dù việc phân bổ nguồn tài chính chuyên dụng bị hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cản trở, thì sự trì trệ trong việc phát triển khung giám sát trong chín năm qua cũng cho thấy rằng quốc tế hóa mang tính chiến lược vẫn chưa thành hiện thực đối với một nhóm trường đại học.
Phần lớn những người trả lời khảo sát cho rằng quốc tế hóa có tầm quan trọng rất lớn, và tỷ lệ các ý kiến như vậy tăng lên trong ba năm qua. Tuy nhiên, sự gia tăng này diễn ra chủ yếu ở những trường đại học đã đạt mức độ quốc tế hóa cao. Điều này có thể báo hiệu sự bất bình đẳng ngày càng tăng giữa các trường đại học, và tiếp tục được phản ánh trong những rủi ro của quá trình quốc tế hóa mà những người tham gia khảo sát chỉ ra. Thực sự, rủi ro lớn nhất đối với trường theo các ý kiến nhận định đó là “cơ hội tiếp cận quốc tế hóa chỉ dành cho những sinh viên có đủ nguồn lực tài chính”. Điều này thể hiện mối quan ngại của đại diện các trường đại học rằng những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể bị bỏ lại phía sau do hậu quả của toàn cầu hóa, và rằng các trường đại học nên mở rộng đối tượng tuyển sinh hơn.
Câu hỏi đặt ra là: điều này có nghiêm trọng không, và nếu có, thì nghiêm trọng đến mức nào? Theo kết quả Phong vũ biểu của EAIE năm 2018, có mối tương quan tích cực giữa việc tiếp cận quốc tế hóa một cách chiến lược và những thành công nhận biết được. Định nghĩa về “thành công” trong quốc tế hóa vẫn còn gây tranh cãi, nhưng lợi ích của cách tiếp cận chiến lược và lý do vì sao cách này được sử dụng ở một số (mà không phải tất cả) trường đại học là điều đáng để suy nghĩ và tìm hiểu thêm. Cũng là một điều thú vị để chờ xem trong những năm sắp tới, cũng như trong các cuộc khảo sát tương lai, môi trường chính trị toàn cầu hiện nay có tác động đến sự bất bình đẳng hay không.