Phong vũ biểu quốc tế hóa: Các dấu hiệu thành công

Laura E. Rumbley là Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển tri thức, Ross Hudson là Nhân viên tri thức cấp cao, và Anna-Malin Sandström là Nhân viên chính sách của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế châu Âu (EAIE), Amsterdam, Hà Lan. Email: rumbley@eaie.org,  hudson@eaie.org,  và sandstrom@eaie.org.

Bài viết này dựa trên báo cáo của tác giả “Phong vũ biểu EAIE: Dấu hiệu thành công”, do Hiệp hội Giáo dục Quốc tế châu Âu xuất bản vào tháng 4 năm 2019 và có trên www.eaie.org/barometer.

Những cuộc thảo luận xung quanh vấn đề quốc tế hóa trong giáo dục đại học ở châu Âu và các nơi khác đang ngày càng tập trung vào việc tìm hiểu tác động của quốc tế hóa, cũng như những quy trình mà các trường đại học cần thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu quốc tế hóa (và liên quan) của mình.

Tầm quan trọng ngày càng tăng của khía cạnh quốc tế đã khiến các trường đại học chọn cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn cho việc phát triển và tiến hành các hoạt động quốc tế hóa. Nhằm trang bị bằng chứng phù hợp nhất để các chuyên gia chịu trách nhiệm phát triển và thực hiện chiến lược quốc tế hóa cấp trường trong Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu (EHEA) có thể đưa ra quyết định, Hiệp hội Giáo dục Quốc tế của châu Âu (EAIE) đã công bố báo cáo Phong vũ biểu EAIE: Quốc tế hóa ở châu Âu (ấn bản lần thứ 2), trong năm 2018. Báo cáo căn cứ vào những câu trả lời khảo sát được thu thập từ 2317 chuyên gia làm việc trực tiếp về quốc tế hóa tại 1292 trường đại học của 45 quốc gia EHEA.

Gần đây hơn, những dữ liệu thu thập cho việc diễn tập Phong vũ biểu đã cung cấp nền tảng cho những cân nhắc tiếp theo: quốc tế hóa được thiết kế, thực hiện và duy trì như thế nào ở những trường đại học được báo cáo là có tiến bộ nhanh trong hoạt động quốc tế, tự tin vào kết quả hoạt động của họ, cũng như lạc quan về tương lai? Cách thức mà những tổ chức này tiếp cận quốc tế hóa có cung cấp “những chỉ dẫn thành công” cho các trường khác không? Mặc dù để đưa ra một định nghĩa khách quan về thành công có thể là một việc khó và phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh, khi xem xét những dữ liệu Phong vũ biểu chúng tôi phát hiện ra rằng những trường đại học nhận thức được họ đang vững bước theo hướng quốc tế hóa đều có một số điểm tương đồng trong một số lĩnh vực, đặc biệt là động lực, cách tổ chức, và thực hiện.

 Thành công là vấn đề động lực

Khi nói tới nhận thức về thành công trong các trường đại học, lý do quốc tế hóa dường như tạo ra sự khác biệt. Cụ thể hơn, các phân tích của chúng tôi dựa trên dữ liệu Phong vũ biểu cho thấy, nơi nào chú trọng tăng chất lượng nghiên cứu hoặc nâng cao chất lượng giáo dục, thì ở đó những người trả lời phỏng vấn tỏ ra lạc quan hơn về tương lai quốc tế hóa của trường so với các đồng nghiệp của họ ở những trường lấy lợi ích tài chính làm mục tiêu chính của quốc tế hóa. Số người ở những trường lấy sứ mạng học thuật làm điểm nhấn trong quốc tế hóa có xu hướng, với tỷ lệ cao, nghĩ rằng trường họ ở mức trên trung bình so với các trường khác trong nước.

Tầm quan trọng ngày càng tăng của khía cạnh quốc tế đã khiến các trường đại học chọn cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn cho việc phát triển và tiến hành các hoạt động quốc tế hóa.

Sự thiếu lạc quan và thiếu ý thức làm việc hiệu quả của cán bộ nhân viên trong những trường tập trung chủ yếu vào lợi ích tài chính có thể xuất phát từ nhiều lý do. Chú trọng vào việc ưu tiên tăng nguồn thu có thể là sự phản ánh triển vọng tài chính bấp bênh của một trường nhất định, điều đó tác động bất lợi đến niềm tin vào tương lai quốc tế hóa của cán bộ nhân viên làm việc trong trường. Sự nhấn mạnh vào khía cạnh tài chính của quốc tế hóa ở một số trường cũng có thể bị nhìn nhận là mâu thuẫn với truyền thống của giáo dục đại học vốn tập trung vào những nỗ lực giáo dục. Điều này cũng có thể khiến những người tham gia khảo sát đi đến kết luận rằng hoạt động quốc tế hóa ở trường họ kém mạnh mẽ hơn so với những trường có sứ mệnh học thuật gắn kết chặt chẽ hơn với chương trình quốc tế hóa.

Thành công là vấn đề tổ chức

Cách thức mà các trường lựa chọn để tổ chức chiến lược quốc tế hóa của họ dường như cũng có tác động đến nhận thức về thành công. Ví dụ, 47% người được hỏi tại những trường có chiến lược quốc tế hóa độc lập và 43% người tại những trường có chiến lược quốc tế hóa được nhúng vào trong chiến lược tổng thể của trường cho rằng mức độ quốc tế hóa của trường họ là trên trung bình, so với các trường khác ở cùng nước. Ngược lại, chỉ có 26% người được hỏi ở những trường chỉ có chiến lược ở cấp khoa (nghĩa là cấp viện hoặc trường cao đẳng trực thuộc một trường đại học) cho rằng trường của họ ở mức trên trung bình trong quốc gia.

Tương tự, đa số những trường thực hiện chương trình quốc tế hóa thông qua nhiều văn phòng phối hợp với nhau – khác với mô hình một văn phòng tập trung, hoặc nhiều văn phòng làm việc độc lập hoặc các cá nhân làm việc không có sự phối hợp – có thể cảm thấy rằng trường họ đang thực hiện quốc tế hóa ở mức trên trung bình. Họ cũng thiên về ý kiến cho rằng đã có sự tiến bộ trong các hoạt động ưu tiên cho quốc tế hóa của trường họ. Tuy nhiên, không phải mọi hoạt động quốc tế hóa đều như vậy, điều này có thể hiểu được, vì các hoạt động khác nhau được hưởng lợi ở những mức độ khác nhau từ các cơ cấu và các nguồn lực khác nhau.

Những điểm đặc thù của nơi một chiến lược quốc tế hóa “đang sống” và nơi tập trung trách nhiệm về chương trình nghị sự quốc tế trong trường dường như cũng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về  thành công trong các hoạt động quốc tế hóa của những người làm việc trong các trường đại học châu Âu.

Thành công là vấn đề thực hiện

Ngoài câu hỏi vì sao và theo cách nào những trường đại học châu Âu tự tin và lạc quan nhất lựa chọn hướng đi quốc tế hóa, câu hỏi về việc họ làm gì để hỗ trợ các nỗ lực quốc tế hóa cũng rất quan trọng. Việc xem xét dữ liệu Phong vũ biểu của chúng tôi chỉ ra một số lĩnh vực chính mà sự tập trung vào các hướng hành động cụ thể dường như có ảnh hưởng đến nhận thức về sự thành công. Cụ thể như, cam kết một danh mục đa dạng các hoạt động ưu tiên; thiết lập mục tiêu, cung cấp kinh phí và hỗ trợ đào tạo nhân viên liên quan đến các hoạt động ưu tiên đó; và thực hiện việc đánh giá chiến lược, cũng như các hoạt động đảm bảo chất lượng mang tính hệ thống, tất cả đều là những điểm nổi bật trong cuộc thảo luận này. Ở mức độ nhiều hơn hoặc ít hơn, tại những trường mà người trả lời cho biết có sự cam kết trong các lĩnh vực này, họ cũng cho thấy xu hướng nhận thức được những tiến bộ trong các hoạt động ưu tiên được xác định. Nhìn chung, mức độ tin tưởng vào tương lai quốc tế hóa ở những người trả lời khảo sát trong những trường này và ý thức về sự vượt trội cũng cao hơn so với các trường ngang hàng trong cùng quốc gia.

Về tổng thể, những trường đại học nào ở châu Âu suy nghĩ rộng và cụ thể về các chương trình quốc tế hóa của họ, nuôi dưỡng những khát vọng này bằng các nguồn lực, và đánh giá chất lượng cũng như tiến bộ của các chương trình đó, thì ở đó có thể cảm nhận rõ ý thức của đội ngũ cán bộ nhân viên về việc tham gia thành công vào quá trình quốc tế hóa.

Chúng ta có tìm ra công thức kỳ diệu không? Không, nhưng…

Một sự thật vẫn được chấp nhận rộng rãi là không có một “mô hình quốc tế hóa hoàn hảo” nào phù hợp cho tất cả các trường đại học. Phân tích của chúng tôi không định phản bác lại quan điểm đó, chỉ nêu ra một số điểm tương đồng khi nói đến cách tiếp cận mà các trường đại học châu Âu – những trường tự cho là khá mạnh về quốc tế hóa – đang thực hiện. Tất nhiên, “các dấu hiệu thành công” đều chỉ cho chúng ta về một hướng chung, nhưng cụ thể vì sao một trường phát triển mạnh – hoặc không mạnh –trong hoạt động quốc tế vẫn là một câu hỏi phức tạp. Tuy nhiên, vận hành từ đầu theo sát sứ mệnh của trường, định vị chiến lược và chỉ định những người có trách nhiệm hỗ trợ chiến lược đó trong trường, và thực hiện các chương trình vừa mở rộng vừa được cung cấp đủ nguồn lực, dường như là một công thức cho sự thành công (như các trường tự đánh giá).