Tài trợ dựa trên hiệu suất như một chính sách tân khai phóng

Rebecca S. Natow là Giáo sư trợ lý về Chính sách Giáo dục tại Đại học Hofstra, New York, Hoa Kỳ. Kevin J. Dougherty là Giáo sư về Chính sách Giáo dục và Giáo dục Đại học tại Trường Sư phạm, Đại học Columbia, Hoa Kỳ. Email: rebecca.s.natow@hofstra.edu và dougherty@tc.edu.

Bài viết này dựa trên báo cáo Phân tích Chủ nghĩa Tân tự do trong lý thuyết và thực tiễn: Một tình huống về tài trợ cho giáo dục đại học dựa trên hiệu suất hoạt động (Trung tâm giáo dục đại học toàn cầu, Viện giáo dục UCL, 2019), có tại: https://www.researchcghe.org/publications/working-paper/analysing-neoliberalism-in-theory-and-practice-the-case-of-performance-based-funding-for-higher-education.

Những ý tưởng tân tự do – cho dù đó là học thuyết về quản lý công cộng mới (NPM), học thuyết tác nhân chính (hoặc lý thuyết tác nhân), hay học thuyết quản lý hiệu suất – đều trở thành những lý do để thực hiện cải cách chính sách trong quản trị và điều hành giáo dục đại học. Một ý tưởng như vậy là chính sách tài trợ cho giáo dục đại học dựa trên hiệu suất hoạt động, đã được áp dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, châu Âu và các nơi khác. Khoảng 35 tiểu bang Hoa Kỳ hiện cung cấp tài trợ cho giáo dục đại học dựa trên hiệu suất hoạt động, trong đó một phần tài trợ của chính phủ cho giáo dục đại học công không dựa trên số lượng sinh viên và mức tài trợ trước đó, mà dựa trên hiệu suất hoạt động của trường phản ánh các kết quả đầu ra của sinh viên như sự chuyên cần, tỷ lệ hoàn thành chương trình học tập và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Tài trợ dựa trên hiệu suất cũng khá phổ biến bên ngoài Hoa Kỳ. Úc, Canada và nhiều nước châu Âu (19 nước tính đến năm 2010) tài trợ cho hệ thống giáo dục đại học của họ dựa trên các tiêu chí liên quan đến kết quả đầu ra như số lượng bằng cấp đạt được, số lượng tín chỉ đạt được, nỗ lực và chất lượng nghiên cứu.

Có thể phân ra hai loại chương trình tài trợ dựa trên hiệu suất hoạt động. Tài trợ 1.0 cung cấp mức thưởng cao hơn mức tài trợ thường xuyên của chính phủ dành cho giáo dục đại học và thường không lớn hơn 1 đến 5% tổng tài trợ của chính phủ cho giáo dục đại học. Tài trợ 2.0 không được cấp dưới dạng thưởng mà như một phần của tài trợ thường xuyên của chính phủ cho các tổ chức giáo dục đại học công lập. Tỷ lệ tài trợ của chính phủ gắn liền với hiệu suất hoạt động trong các chương trình 2.0 thường cao hơn nhiều so với các chương trình 1.0, và có thể lên tới 80-90% tiền tài trợ của chính phủ. Với các khoản thu khác của tổ chức giáo dục như học phí, lệ phí và các khoản tài trợ nghiên cứu, mức tài trợ của chương trình 2.0 có thể chiếm tới một phần tư tổng doanh thu của các trường đại học công Hoa Kỳ.

Tác động dự tính

Các nhà vô địch về tài trợ dựa trên hiệu suất đặt mục tiêu hiện thực hóa các kết quả đầu ra như tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn và năng suất nghiên cứu được cải thiện bằng cách thay đổi các giá trị và chế độ khuyến khích đối với các tổ chức giáo dục đại học, và bù lại là thay đổi các thực tiễn của họ. Thật vậy, tài trợ theo hiệu suất ở Hoa Kỳ và châu Âu đã khiến các trường thay đổi chính sách và chương trình của họ nhằm mục đích cải thiện kết quả đầu ra của sinh viên. Những thay đổi này ví dụ như bao gồm thiết kế lại chương trình giảng dạy, thực tiễn giảng dạy và cải cách dịch vụ tư vấn và dạy kèm cho sinh viên.

Tuy nhiên, tài trợ theo hiệu suất không tác động mạnh đến kết quả đầu ra của sinh viên. Ví dụ, tài trợ theo hiệu suất của Hoa Kỳ cũng đạt được kết quả là có nhiều sinh viên hơn nhận được chứng chỉ của các chương trình một năm hoặc ngắn hơn, nhưng nó tác động rất ít đến bằng tú tài và bằng cấp liên kết. Tài trợ theo hiệu suất cho giáo dục đại học bên ngoài Hoa Kỳ cũng không chứng minh được là có tác động đáng kể đến tỷ lệ sinh viên hoàn thành chương trình học tập.

Liên quan đến tác động của chương trình tài trợ theo hiệu suất đối với năng suất nghiên cứu, bằng chứng thì có nhưng không đủ sức thuyết phục. Có những bằng chứng cho thấy tài trợ theo hiệu suất ở châu Âu có liên quan đến tỷ lệ tăng năng suất nghiên cứu của giảng viên. Tuy nhiên, rất nhiều phát hiện trong số này đều đến từ những khảo sát không dựa vào những thiết kế có thể kiểm soát đầy đủ các nguyên nhân khác nữa ngoài sự hiện diện của chương trình tài trợ theo hiệu suất.

Có thể phân ra hai loại chương trình tài trợ dựa trên hiệu suất hoạt động.

Các trở ngại

Chương trình tài trợ theo hiệu suất chỉ có tác động hạn chế đối với kết quả đầu ra của sinh viên có thể một phần do những trở ngại mà các tổ chức gặp phải khi cố gắng đáp ứng yêu cầu hoạt động. Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và đội ngũ giáo dục đại học đã thảo luận về một số trở ngại ngăn cản các trường đáp ứng hiệu quả đối với các yêu cầu của chương trình tài trợ theo hiệu suất: nhiều sinh viên mới vào học thiếu sự chuẩn bị cho việc học đại học; các thước đo của chương trình tài trợ theo hiệu suất không phù hợp với nhiệm vụ của trường và thành phần sinh viên, mà điều này có thể khác biệt rất lớn giữa các trường; các trường thiếu năng lực và nguồn lực để đáp ứng hiệu quả với yêu cầu của chương trình tài trợ theo hiệu suất. Những trở ngại liên quan đến năng lực và nguồn lực ít nhất một phần là do chính phủ không đủ nỗ lực xây dựng năng lực để các tổ chức giáo dục đại học có thể tự phân tích hiệu quả hoạt động của chính họ, xác định những thiếu sót trong hoạt động, xác định những phản ứng phù hợp của tổ chức, phân bổ nguồn lực để thực hiện những hành động phản ứng đó, và đánh giá tác động của những phản ứng đó.

Tác động ngoài ý muốn

Như với bất kỳ chính sách can thiệp nào, trong khi các nhà hoạch định chính sách theo đuổi những mục tiêu nhất định khi áp dụng chương trình tài trợ theo hiệu suất, vẫn có nhiều khả năng sẽ xảy ra những hậu quả không lường trước được. Thật vậy, các quan chức chính phủ và thành viên của các tổ chức giáo dục thường báo cáo về những tác động của chương trình tài trợ theo hiệu suất mà các nhà thiết kế chính sách đã không tính đến. Việc các tổ chức được cấp tài trợ căn cứ một phần vào kết quả đầu ra của sinh viên làm tăng nguy cơ rằng họ có thể sử dụng những phương pháp bất hợp pháp nếu họ vừa phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ phải hoàn thành tốt những tiêu chí đầu ra vừa phải vượt qua những trở ngại lớn trong quá trình thực hiện. Những trường thường xuyên được viện dẫn như những minh chứng cho điều này đều là những tổ chức hạn chế tuyển sinh viên ít được chuẩn bị và hạ thấp điểm chuẩn và yêu cầu tốt nghiệp để tăng tỷ lệ sinh viên hoàn thành chương trình học tập.

Ý nghĩa của chính sách

Như đã thảo luận trong bài viết của chúng tôi, các chính phủ nên hành động để giải quyết những tác động tiêu cực của hình thức tài trợ theo hiệu suất. Các chính phủ nên bảo vệ các tiêu chuẩn học thuật và chống lại sự cám dỗ của việc hạn chế nhập học những sinh viên ít chuẩn bị và ít lợi thế. Các tiêu chuẩn học thuật có thể được kiểm soát thông qua các đánh giá kết quả học tập đầu ra, qua các báo cáo bắt buộc về những thay đổi trong phân phối phổ điểm và yêu cầu bằng cấp, và các cuộc khảo sát ẩn danh giảng viên về việc họ có bị áp lực phải hạ thấp các tiêu chuẩn học thuật hay không. Chính phủ cũng có thể khuyến khích tăng tỷ lệ ghi danh và tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bằng cách đưa thêm các tiêu chí đánh giá tỷ lệ tiếp cận đại học và hoàn thành chương trình học của họ và bằng cách xem xét nhiệm vụ của tổ chức và thành phần nhân khẩu học của sinh viên khi đánh giá kết quả đầu ra của một tổ chức cụ thể. Chính phủ cũng nên nỗ lực loại bỏ những vấn đề đang cản trở các phản ứng tích cực đối với tài trợ dựa trên hiệu suất, những vấn đề có thể khiến các trường phải sử dụng những biện pháp bất hợp pháp. Để làm điều này, chính phủ có thể cung cấp thêm tài trợ cho những tổ chức giáo dục đại học có nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, và giúp các trường nâng cao năng lực để đưa ra và thực hiện những thay đổi nhằm đáp ứng một cách hiệu quả các yêu cầu thực hiện trách nhiệm giải trình.