Chủ nghĩa dân tộc mới: thách thức cho các sinh viên quốc tế

Jenny J.Lee

JennyJ.Lee là giáo sư về giáo dục đại học tại Đại học Arizona, Hoa kỳ. E-mail: Jennylee@arizona.edu.

Trong một thập kỷ qua, số sinh viên học ngoài biên giới nước mình đã tăng gấp đôi và dự báo xu hướng ngày tăng nhanh hơn trong những năm sắp tới. Cùng với việc tăng nhu cầu quốc tế, các trường đại học cũng đối mặt với thách thức mới là phải trở nên phù hợp hơn với tính toàn cầu đáp ứng tính đa dạng của sinh viên. Kèm theo là những thách thức to lớn không chỉ liên quan đến những điều chỉnh về văn hóa, cũng không chỉ liên quan đến việc chuẩn bị của sinh viên, mà là những đặc tính của môi trường mới nơi họ sống. Mặc dù lãnh đạo trường có thể rất cố gắng, nhưng nhân viên cũng như cộng đồng địa phương chưa chắc đã chào đón những người mà họ cho là “người ngoài”. Báo chí nêu khá nhiều trường hợp về sự kỳ thị này, từ việc chế giễu cho đến bạo lực chống lại sinh viên quốc tế.

Dù cho đa phần sinh viên quốc tế hứng thú với môi trường mới, vẫn có những người im lặng chịu đựng. Một cuộc điều tra tại bảy trường đại học Nam Phi cho thấy 32% sinh viên sẽ im lặng khi bị đối xử bất công mà không trình báo với ai cả.

Di chuyển nội vùng tăng nhanh

Cùng với toàn cầu hóa là xu hướng sinh viên di chuyển nội vùng tăng nhanh. Bắt đầu từ trong khối EU rồi lan ra Đông Nam Á, Mỹ Latin, Nam Phi và các vùng khác. Các hiệp định hợp tác khu vực, việc dỡ bỏ những rào cản biên giới, chất lượng đại học tăng nhanh đã góp phần hình thành các trung tâm khu vực, thu hút những sinh viên muốn có bằng quốc tế và ở gần nhà. Tưởng là với trào lưu này, các vấn đề như phân biệt đối xử, ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, nhớ nhà… sẽ không quá căng thẳng. Nhưng sự thực không hẳn là như vậy.

Chủ nghĩa dân tộc mới

Tại Mỹ, sinh viên từ những nước đang phát triển không thuộc phương Tây bị kỳ thị nhiều hơn hẳn sinh viên từ châu Âu, Canada và Úc. Tôi gọi trào lưu này là chủ nghĩa dân tộc mới. Phân biệt chủng tộc mới không chỉ dựa trên những khác biệt sinh học mà còn kèm theo những khác biệt văn hóa thời hậu thực dân. Một sinh viên Trung quốc đến từ Trung quốc sẽ đau đầu hơn rất nhiều một sinh viên gốc Trung nhưng sống ở Mỹ. Đối với sinh viên bị đối xử kém ngay trong khu vực của mình, những nghiên cứu mới nhất của tôi cho thấy có sự kỳ thị không dựa trên chủng tộc mà dựa trên quốc tịch. Trong khi phân biệt chủng tộc dựa vào sắc tộc, thì chủ nghĩa dân tộc mới dựa vào quốc tịch.

Sinh viên cùng một sắc tộc, học trong cùng một khu vực, vẫn có thể bị đối xử khác nhau vì có quốc tịch khác nhau, nhiều khi còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với sinh viên đến từ những vùng địa lý khác hoặc dân tộc khác.

Trường hợp Hàn Quốc và Nam Phi

Hàn Quốc và Nam Phi là hai quốc gia đang phát triển có tăng trưởng mạnh mẽ về người nhập cư và sinh viên quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ đào tạo đại học cho các nước lân cận. Mặc dù đa phần người nhập cư và sinh viên đến từ những nước có chung biên giới, các trường hợp ngược đãi “người nước ngoài” vẫn xảy ra thường xuyên.

Báo chí nêu khá nhiều trường hợp về sự kỳ thị này, từ việc chế giễu cho đến bạo lực chống lại sinh viên quốc tế.

Hàn Quốc có khoảng 86 ngàn sinh viên nước ngoài, trong đó 69% là từ Trung quốc. Sinh viên các nước Đông Á bị kỳ thị nhiều hơn so với sinh viên Âu, Mỹ và thậm chí các vùng châu Á khác. Trong các nước Đông Á, sinh viên Trung quốc ít được chào đón nhất. Một sinh viên Trung quốc tâm sự: “sinh viên Hàn quốc thích chơi với sinh viên phương Tây, chấp nhận Nhật, nhưng không thích chúng tôi”. Những trải nghiệm như vậy là kết quả của một hình dung méo mó về đất nước Trung quốc. Một vài ví dụ khác khá phổ biến: “Tôi đã nỗ lực tìm việc nhưng luôn bị từ chối. Người phỏng vấn không phân biệt được khi tôi nói chuyện, nhưng khi tôi thừa nhận là tôi không xấu hổ là người Trung quốc thì ông ta từ chối”, “Quản lý ký túc xá tôi nói, không bao giờ nhận sinh viên Trung quốc vì vừa ồn ào, vừa bẩn thỉu”. Đó là những biểu hiện của một sự kỳ thị dựa trên quốc tịch.

Kỳ thị dựa trên quốc tịch – ngay cả khi cùng một chủng tộc – không chỉ ở xảy ra Đông Á. Chẳng hạn ở Nam Phi, 73 ngàn sinh viên ngoại quốc đến từ khu vực miền nam châu Phi (74%). Đông nhất là sinh viên từ nước chung biên giới là Zimbabwe, chiếm khoảng 27%. Giống như ở Hàn quốc, sinh viên quốc tế ỏ Nam Phi cho biết về việc kỳ thị dựa trên quốc tịch. Một sinh viên giải thích: “Người Zimbabwe bị đối xử không tốt vì những  thách thức chính trị và kinh tế của đất nước chúng tôi”. Sinh viên châu Phi khác chia sẻ: “Có vẻ họ không thoải mái khi biết tôi là người Nigeria”. Nhà ở là vấn đề chung với các sinh viên quốc tế. Một sinh viên Zimbabwe cho biết: “Là sinh viên nước ngoài, chúng tôi thường bị người Nam Phi đối xử một cách khinh miệt. Khi thuê nhà, chúng tôi bị đối xử không công bằng, phải trả giá gấp đôi so với người Nam Phi”. So sánh với sinh viên các nước khác, sinh viên người Mali giải thích: “Sinh viên Nam Phi chào đón sinh viên từ những vùng khác hơn là với sinh viên châu Phi. Họ không quan hệ với sinh viên châu Phi, tuy nhiên lại chào đón các sinh viên nước ngoải khác”.

Thách thức phía trước

Mặc dù đa số các nước chủ nhà phương Tây có những thành công trong việc hòa nhập sinh viên quốc tế với sinh viên địa phương, vẫn còn rất nhiều thách thức, kể cả với những nước mà đa phần sinh viên có nền tảng văn hóa tương tự.

Trong khi chủ nghĩa dân tộc mới có thể quan sát được ở Mỹ, Anh, Úc thì ở các nước mới nổi như Hàn Quốc và Nam Phi, là điểm đến du học của giáo dục đại học trong khu vực – chủ nghĩa dân tộc mới đang trỗi dậy. Một số nghiên cứu gần đây cho biết các khó khăn này mang tính toàn cầu. Hơn thế nữa, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mới và chủ nghĩa dân tộc mới là khác nhau, nhưng đó là hai thách thức lớn cho sinh viên quốc tế trong một thế giới toàn cầu ngày phức tạp.