Ấn Độ chậm bước trên con đường quốc tế hoá

Tiến Pushka là Giám đốc điều hành tại Trung tâm Quốc tế Goa (ICG),  Ấn Độ. E-mail: pushkar@incentgoa.com, Twitter: @PushHigherEd.

Giới chức chính phủ và lãnh đạo các trường đại học ngày càng đồng thuận trong quan điểm  Ấn Độ cần cải thiện quốc tế hoá giáo dục đại học, đặc biệt là vấn đề sinh viên và giảng viên quốc tế. Sự đồng thuận này có được một phần vì các trường đại học  Ấn Độ vẫn chỉ giữ thứ hạng  thấp trong các bảng xếp hạng đại học thế giới. Rất ít trường đại học  Ấn Độ lọt được vào danh sách tốp 500 đại học thế giới. Trong tốp 200 còn ít hơn, chỉ một hai trường đôi khi được xếp hạng. Thứ hạng thấp chủ yếu do thành tích nghiên cứu yếu kém, cả về số lượng và chất lượng. Hơn thế nữa, phần lớn các trường đều yếu trong việc triển khai quốc tế hoá, kể cả các chi nhánh của hệ thống Học viện Công nghệ  Ấn Độ (IIT) danh tiếng. Một trong những lý do các trường đại học  Ấn Độ không thu hút được số lượng lớn sinh viên quốc tế là chất lượng đào tạo thấp, bên cạnh các yếu tố khác như rào cản hành chính quan liêu, và sự thờ ơ của các trường đại học công lập với khu vực quốc tế.

Giới chức chính phủ giờ đây tin rằng nếu đẩy mạnh quá trình quốc tế hoá, các trường đại học sẽ cải thiện được vị trí trong bảng xếp hạng đại học. Vì lý do đó, trong hơn một năm qua, chính phủ và các trường thuộc ITT đã thực hiện một số sáng kiến nhằm thu hút số lượng lớn sinh viên và giảng viên quốc tế.

Những con số

 Ấn Độ có 903 trường đại học, gần 50 ngàn trường cao đẳng và các loại tổ chức đào tạo khác có cấp bằng. Theo thống kê mới nhất, hơn 36 triệu sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo này, và số lượng sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới. Tuy nhiên, sinh viên quốc tế chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đó. Niên khoá 2010-2011 toàn  Ấn Độ có 27531 sinh viên quốc tế. Niên khoá 2017-2018, con số này là 46144, tăng 67%. Mức gia tăng này dường như khá lớn, nhưng thực ra không phải như vậy. Số lượng sinh viên  Ấn Độ du học, chỉ tính riêng ở Mỹ, cũng đã vượt xa con số đó, với hơn 200 ngàn trong niên khoá 2018-2019. Hàng chục ngàn sinh viên  Ấn Độ du học tại các nước tây phương khác, kể cả các nước không nói tiếng Anh. Các nước ngoài phương tây cũng là điểm đến phổ biến của sinh viên Ấn. Hơn 18 ngàn sinh viên Ấn du học tại Trung Quốc, đông hơn ở Anh, và con số này ngày càng tăng lên. Cuối cùng, mặc dù số sinh viên quốc tế đến học tại  Ấn Độ đã tăng lên đáng kể, vẫn chỉ chiếm 0,2% tổng số sinh viên đại học.

Số lượng giảng viên quốc tế trong các trường đại học Ấn cũng rất ít. Chẳng hạn chỉ có 40 vị đang giảng dạy cho 23 chi nhánh của IIT, chiếm chưa đến 1% tổng số giảng viên. Một số trường đại học tư đang làm tốt công tác tuyển dụng giảng viên nước ngoài, nhưng, nhìn chung, vẫn còn quá ít giảng viên quốc tế trong các trường đại học  Ấn Độ.

Sáng kiến mới thu hút sinh viên quốc tế

Chính phủ  Ấn Độ đã nhận ra một cách muộn màng rằng các trường đại học đẳng cấp thế giới sẽ mang lại uy tín và là nguồn quyền lực mềm. Cuối cùng, năm 2016 họ cũng đưa ra một sáng kiến nhằm thúc đẩy các trường đại học tốt nhất tham gia quốc tế hoá. Sáng kiến Trường đại học Danh giá (IoE), tương tự như Dự án 211 và 985 của Trung Quốc cuối những năm 1990, nhằm lựa chọn 20 trường đại học nổi tiếng – 10 trường công lập và 10 tư thục – 20 trường này gần như được toàn quyền tự chủ, không chịu sự kiểm soát của chính phủ, điều mà nhiều người vẫn tin rằng đó là nguyên nhân gây ra tình trạng ảm đạm của giáo dục đại học. Ngoài ra, những trường đại học này được phép tuyển dụng số lượng lớn giảng viên quốc tế, lên tới 25% tổng số. Chính phủ kỳ vọng là các trường đại học danh giá này sẽ dần dần cải thiện thứ hạng thế giới của họ và thu hút được số lượng lớn sinh viên quốc tế, nhờ đó sẽ tiếp tục nâng cao vị thế trong xếp hạng toàn cầu. Tuy nhiên, sáng kiến được triển khai rất chậm chạp, cho đến nay mới chỉ 6 trường được chọn.

Chính phủ  Ấn Độ đã nhận ra một cách muộn màng rằng các trường đại học đẳng cấp thế giới sẽ mang lại uy tín và là nguồn quyền lực mềm.

Một sáng kiến ​​khác cũng do chính phủ đưa ra vào giữa năm 2018 là cổng thông tin “Học tập tại  Ấn Độ”, nhằm mục đích giúp sinh viên quốc tế dễ dàng lựa chọn các trường đại học  Ấn Độ phù hợp. Theo Prakash Javadekar, Bộ trưởng Phát triển Nguồn nhân lực phụ trách giáo dục, Ấn Độ có thể trở thành một trung tâm giáo dục với giá cả phải chăng cho sinh viên nước ngoài. Mục tiêu của chính phủ là tăng số lượng sinh viên quốc tế lên 200 ngàn trong vòng 5 năm. Để hỗ trợ cho mục tiêu này, các quan chức tuyên bố rằng 55% trong tổng số 15 ngàn cơ sở đào tạo đại học sẽ có quỹ học bổng dựa trên thành tích học tập dành cho sinh viên châu Á và châu Phi.

Ngoài sáng kiến “​​Học tập tại  Ấn Độ”, Hội đồng IIT, cơ quan quyền lực cao nhất của hệ thống IIT, đã quyết định rằng mỗi chi nhánh IIT được tự chủ quy định học phí cho sinh viên quốc tế. Ý tưởng là mỗi IIT có thể cạnh tranh về học phí để thu hút sinh viên từ các quốc gia thu nhập thấp trong khu vực và xa hơn. IIT Delhi đang là trường dẫn đầu về số lượng sinh viên quốc tế nhờ vào biện pháp giảm đáng kể học phí, đặc biệt là cho sinh viên sau đại học.

Sáng kiến thu hút giảng viên quốc tế

Vào tháng 11 năm 2018, trong nỗ lực thu hút số lượng lớn giảng viên quốc tế, chính phủ  Ấn Độ đã gỡ bỏ mọi rào cản an ninh liên quan đến đối tượng này, một động thái đối phó với tốc độ chậm chạp của bộ máy quan liêu  Ấn Độ. Thật vậy, các tổ chức và giảng viên quốc tế có ý định vào  Ấn Độ đều nản lòng vì quá trình thẩm tra an ninh kéo dài nhiều tháng. Hiện nay, các trường đại học có thể trực tiếp truyển dụng người nước ngoài, mà không cần thông quan với Bộ Nội vụ (MHA) và Bộ Ngoại vụ (MEA). Các biện pháp thẩm tra an ninh hiện nay chỉ còn là bắt buộc đối với một số quốc gia thuộc “Thể loại đặc biệt” như Afghanistan và Pakistan. Chính phủ cũng cho phép những người  Ấn Độ có hộ chiếu nước ngoài đã đăng ký là Công dân  Ấn Độ ở Nước ngoài (tương tự như hộ chiếu thứ hai) được bổ nhiệm làm giảng viên chính thức mà không cần thông quan với MHA hoặc MEA.

Hệ thống các trường IIT còn đưa ra những chính sách riêng để chủ động tuyển dụng giảng viên nước ngoài. Hội đồng IIT ban hành quyết định cho phép các trường IIT lâu năm và có uy tín tự tuyển dụng giảng viên nước ngoài từ một hoặc nhiều quốc gia, cho chính mình và cho các chi nhánh IIT khác. Ví dụ, Hoa Kỳ được chia thành ba khu vực và phân bổ cho IIT-Bombay (Bờ Tây Hoa Kỳ), IIT-Delhi (miền Nam Hoa Kỳ) và IIT-Madras (Bờ Đông Hoa Kỳ). Chiến lược này có vẻ phức tạp nhưng tỏ ra hiệu quả giúp các IIT chủ động tuyển dụng số lượng lớn giảng viên quốc tế.

Kết luận

Những sáng kiến của chính phủ  Ấn Độ và các trường công lập hàng đầu như IIT không thể thành công ngay lập tức. Ngay cả với các ưu đãi dành cho sinh viên nước ngoài, cổng thông tin “Học tập tại  Ấn Độ” vẫn không thu hút được số lượng lớn sinh viên quốc tế đến  Ấn Độ. Các trường đại học  Ấn Độ cần phải được quảng bá tốt hơn ở nước ngoài. Hiện nay, một số trường đại học tư đã tích cực tìm cách thu hút sinh viên từ các nước châu Phi và các nơi khác, nhưng họ vẫn chưa có một chiến lược rộng lớn nào để quảng bá cho sáng kiến “Học tập tại  Ấn Độ”. Ngoài ra, điều kiện sống ở đây, kể cả trong các thành phố lớn, cũng là một thách thức đối với người nước ngoài: Cơ sở vật chất dành cho sinh hoạt nghèo nàn, nạn phân biệt chủng tộc và tình hình tội phạm.

Đối với giảng viên quốc tế, các trường IIT phải chật vật mới có thể trả mức lương cạnh tranh cho giảng viên tiềm năng. Ngoài ra, nhiều trường IIT ở vùng sâu vùng xa thiếu thốn các tiện nghi đô thị, khó thu hút được người nước ngoài. Các IIT ở những thành phố lớn như Mumbai và New Delhi lại phải đối mặt với những vấn đề khác. Chẳng hạn, tiêu đề “ô nhiễm không khí ở New Delhi” xuất hiện thường xuyên trên báo chí quốc tế dễ làm người nước ngoài ngần ngại. Cuối cùng, bản chất của chính trị  Ấn Độ hiện tại cũng có thể là một lý do ngăn cản sinh viên và giảng viên quốc tế đến đây.