Quốc tế hóa giáo dục đại học ở Indonesia

AgustianSutrisnois là Giảng viên Đại học Atma Jaya Catholic ở Jakarta, Indonesia. Ông được cấp học bổng Fulbright nghiên cứu tại CIHE, Boston College năm 2017. E-mail: agustian.sutrisno@gmail.com.

Giáo dục đại học Indonesia thiếu sự cởi mở nếu so với các nước láng giềng ở Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, và thậm chí so với Việt nam. Ít có các hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên và không có cơ sở chi nhánh quốc tế nào hoạt động tại đây. Đầu năm 2018, hai sáng kiến của chính phủ – chào đón các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài và tuyển dụng các học giả quốc tế – cho thấy tình hình sắp thay đổi. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc triển khai các sáng kiến này khiến người ta phải đặt câu hỏi điều gì đã ngăn cản quốc tế hóa giáo dục đại học ở Indonesia và cần làm gì để khắc phục tình trạng này.

Những sáng kiến quốc tế hóa gần đây

Sáng kiến quốc tế hóa thứ nhất, mời gọi thành lập các phân hiệu đại học quốc tế nhằm tìm kiếm những nhà cung ứng chất lượng nước ngoài để cải thiện việc đào tạo nguồn nhân lực Indonesia. Việc thành lập các phân hiệu quốc tế có thể kích thích tính cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục đại học và thúc đẩy các trường đại học trong nước cải thiện chất lượng của mình. Tuy nhiên, tuyên bố của các quan chức khác nhau trong chính phủ về quy định cụ thể đối với những cơ sở này khá là mơ hồ. Một số người tuyên bố rằng các phân hiệu quốc tế có thể thuộc sở hữu hoàn toàn của trường đại học nước ngoài, trong khi những người khác lại khẳng định đó phải là các cơ sở được đầu tư liên doanh. Truyền thông Indonesia cho biết đến giữa năm 2018 sẽ có 10 cơ sở được đưa vào hoạt động, bao gồm cả những phân hiệu của Đại học Cambridge và MIT nằm trong các vùng kinh tế đặc biệt bên ngoài Jakarta. Người ta tuyên bố rằng các cơ sở này bắt buộc phải dạy các môn học của Indonesia, như giới thiệu tôn giáo và tư tưởng quốc gia, các chương trình đào tạo cũng bị hạn chế, chủ yếu giới hạn trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học.

Sáng kiến thứ hai, được gọi là Các Giáo sư Đẳng cấp Thế giới, đặt mục tiêu tuyển dụng được 200 học giả từ 100 trường tốt nhất thế giới. Sáng kiến năm 2018 này là phiên bản cải tiến và mở rộng của một chương trình được triển khai trước đó vào năm 2017. Phiên bản đầu tiên được coi là thành công trong việc thu hút giới học thuật quốc tế đến đây thông qua chương trình bố trí việc làm trong thời gian nghỉ phép, kéo dài vài tháng tại các trường đại học Indonesia. Mục đích chính là nâng cao hiệu suất nghiên cứu của các trường đại học Indonesia. Người ta tin rằng bằng cách đưa đến những nhà nghiên cứu quốc tế có năng suất làm việc cao, giới học thuật Indonesia sẽ có các đối tác hợp tác giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu và công bố quốc tế. Để triển khai phiên bản thứ hai này, chính phủ đã dành ra khoảng 13 triệu đô la Mỹ. Điều này có nghĩa là mỗi học giả quốc tế sẽ được trả 4000 – 5000 đô la Mỹ một tháng trong thời gian tối đa 3 năm. Nhưng quan trọng là cơ hội thăng tiến của họ bị hạn chế vì các học giả quốc tế này có thể không đảm nhận vị trí lãnh đạo.

Hai sáng kiến này nhằm tăng cường chất lượng giáo dục đại học của Indonesia thông qua các hoạt động quốc tế. Có vẻ như những người làm chính sách đã nhận thức được rằng chuyển giao tri thức từ các trường đại học và giới học thuật quốc tế là cần thiết để cải thiện nguồn nhân lực và đẩy mạnh hiệu quả nghiên cứu và sáng tạo trong giáo dục đại học ở Indonesia. Do đó, quốc tế hóa trong bối cảnh Indonesia đồng nghĩa với việc cải tiến chất lượng. Tuy nhiên, đầu năm 2019, có vẻ như hai sáng kiến này đều tiến triển chậm và hiện vẫn không có phân hiệu quốc tế nào hoạt động tại đây.

Những yếu tố kìm hãm

Quốc tế hóa tiến triển chậm trong các trường đại học Indonesia có nguyên nhân từ các vấn đề quốc gia và tổ chức. Ở tầm quốc gia, không có một chính sách thống nhất về quốc tế hóa. Chính phủ dù rất thiết tha tạo dựng các trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Indonesia, nhưng lại không có lộ trình rõ ràng. Lập kế hoạch sơ sài và những tuyên bố mâu thuẫn của các quan chức Indonesia liên quan đến việc mở các phân hiệu quốc tế cho thấy sự thiếu mạch lạc trong chính sách. Cơ sở lý luận để thực hiện quốc tế hóa và vai trò của quốc tế hóa trong việc cải thiện chất lượng chưa được nhiều người biết đến.

Quốc tế hóa tiến triển chậm trong các trường đại học Indonesia có nguyên nhân từ các vấn đề quốc gia và tổ chức.

Ở tầm tổ chức, ban quản lý của nhiều trường đại học Indonesia chưa trải qua quá trình chuyển đổi phù hợp và văn hóa giữ nguyên trạng vẫn còn phổ biến. Trong giới học thuật, hệ thống bảo trợ cố hữu ở một vài trường đại học buộc các học giả trẻ phải phục tùng ý chí và sự dẫn dắt của các nhà nghiên cứu có thâm niên cao hơn. Những học giả trẻ có óc sáng tạo có thể phải đợi rất lâu mới có cơ hội giữ vị trí lãnh đạo và thực hiện những thay đổi trong tổ chức. Hơn nữa, lãnh đạo trường thường được lựa chọn vì có thâm niên phục vụ cao hơn, mà không nhất thiết vì có kỹ năng tổ chức hay kinh nghiệm trước đó trong quản lý các chương trình đào tạo đổi mới, chưa nói đến những nỗ lực quốc tế hóa. Do đó, văn hóa tổ chức trong một số trường đại học không nuôi dưỡng được những cá nhân có thể đáp ứng nhanh chóng với sự thay đổi. Cùng với việc không có một chính sách nhất quán, những căn bệnh về mặt tổ chức này dường như đã biến các trường đại học Indonesia thành những tổ chức trì trệ, miễn cưỡng tiếp nhận các sáng kiến quốc tế hóa của chính phủ. Thực tế, thông qua truyền thông đại chúng, nhiều người trong giới học thuật Indonesia phản đối hai sáng kiến trên và gọi đó là chính sách thực dân mới và thương mại hóa giáo dục đại học, mà không xét đến mục tiêu cải thiện chất lượng của chính phủ.

Số phận quốc tế hóa ở Indonesia

Số phận của quốc tế hóa giáo dục đại học ở Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào các nhà hoạch định chính sách quốc gia và vào lãnh đạo các trường đại học. Được coi là một phần của quá trình cải thiện chất lượng, quốc tế hóa nắm giữ tiềm năng có thể giúp Indonesia phát triển giáo dục đại học. Nếu chính phủ Indonesia sẵn sàng thúc đẩy mạnh mẽ chính sách quốc tế hóa như phương tiện để cải tổ lĩnh vực giáo dục đại học, họ hoàn toàn có thể lựa chọn áp dụng những nội dung phù hợp từ chính sách của các nước láng giềng. Một ví dụ là mô hình hợp nhất các phân hiệu quốc tế của Malaysia cho phép các nhà cung ứng dịch vụ đào tạo chất lượng nước ngoài tiếp nhận những nhu cầu chưa được giáo dục đại học trong nước đáp ứng.

Tuy nhiên, trước tình trạng các trường đại học Indonesia vẫn phản đối các sáng kiến quốc tế hóa, vấn đề lớn nhất mà Indonesia cần phải giải quyết là thay đổi văn hóa tổ chức và quản trị trường đại học. Nếu không nỗ lực mạnh mẽ để thực hiện điều đó, tương lai của lực lượng lao động Indonesia sẽ lâm nguy. Một nghiên cứu do Boston Consulting Group thực hiện vào năm 2013 đã dự đoán rằng các công ty Indonesia sẽ tụt hậu trong những năm tới vì không tuyển dụng được người tài. Đến 2020, họ sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực mức khởi sự, vì chỉ một nửa số vị trí cần thiết là có ứng viên. Ở tầng quản lý cao cấp, nguồn lực của Indonesia không đủ kinh nghiệm toàn cầu và kỹ năng lãnh đạo để giữ được vị thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Để thay đổi cách thức quản lý và văn hóa tổ chức của các trường đại học, Indonesia có thể học hỏi từ chính sách của các nước láng giềng ở châu Á. Các dự án 211 và 985 của Trung Quốc có những kinh nghiệm có thể áp dụng trong bối cảnh Indonesia, đặc biệt là cách thức thúc đẩy những trường chủ chốt chuyển đổi, giúp họ trở thành các trường đại học đẳng cấp thế giới. Sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ các nước láng giềng có thể là chìa khóa để thay đổi và quốc tế hóa giáo dục đại học của Indonesia.