Văn hóa học thuật và quốc tế hóa

Milena Benítez là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Đại học Pontifical Catholic ở Chi lê được cấp học bổng nghiên cứu ở Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE) tại Boston College, Hoa Kỳ. E-mail: mbenitez2@uc.cl.

Trong thế giới toàn cầu hóa, hệ thống giáo dục đại học (tức các trường đại học và cao đẳng) tích hợp các thông lệ quốc tế vào quá trình dạy và học, nghiên cứu và vào chức năng quản trị của mình. Quản trị theo thông lệ quốc tế cho phép các trường đáp ứng đầy đủ hơn các yêu cầu quốc tế như hợp tác, trao đổi sinh viên và phát triển mạng lưới quốc tế. Các xu hướng quốc tế hóa thường nảy sinh trong bối cảnh phi tập trung;có nghĩa là, chúng không gắn chặt với những địa điểm học thuật và văn hóa cụ thể, mà là kết quả của sự tích lũy các tình huống giáo dục đại học toàn cầu, dẫn tới việc thiết lập các cơ chế và nội dung ưu tiên trong các chương trình nghị sự về chính sách công ở quy mô rộng hơn.Do đó, các mục tiêu, chiến lược, các mối quan hệ quyền lực, và những cá nhân đóng góp cho quốc tế hóa phân tán rải rác trong các hệ thống giáo dục đại học khác nhau trên toàn cầu. Cuối cùng, quá trình quốc tế hóa có thể được hiểu là “không của riêng ai,nhưng ảnh hưởng đến mọi người”.Tuy nhiên, sẽ là giả dối khi phủ nhận tầm ảnh hưởng quan trọng của các trường đại học đẳng cấp thế giới và hệ thống giáo dục của các quốc gia phát triển trong thực tiễn quốc tế hóa.

Quốc tế hóa tác động đến các quá trình nội bộ

Bốn cơ chế chính minh họa cho ảnh hưởng lan rộng của thực tiễn quốc tế hóa trong hệ thống giáo dục đại học và các tổ chức đào tạo là xếp hạng, hợp tác, trao đổi học thuật và cải cách chương trình giảng dạy. Ngoài ra, như đã nêu ở trên, các trường đại học đẳng cấp thế giới cũng ảnh hưởng rõ ràng đến cả bốn cơ chế. Các tổ chức nàythiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho chiến lược giảng dạy cũng như cho thực hành nghiên cứu vàdịch vụ. Điều này gợi ra một câu hỏi quan trọng: Điều gì xảy ra bên trong những trường đại học quyết định tìm đến và áp dụng thực tiễn quốc tế hóa? Đa phần những đặc tính nội bộ độc đáo của một trường đại học thể hiệntrongvăn hóa học thuật: Đó là tập hợp những niềm tin, chuẩn mực, thói quen, và giá trị riêng của mỗi trường. Quan niệm trường đại học “phải thế nào” và “chất lượng là gì” có ảnh hưởng tới việc xác định những vấn đề ưu tiên về mặt thể chế và học thuật, tới các loại định mức, các hướng dẫn phê duyệt, cũng như tới những công việc được phép làm, được kỳ vọng và coi trọng. Đâu là đặc tính văn hóa học thuật của các trường đại học nghiên cứu dưới ảnh hưởng của quốc tế hóa, khi chính quá trình quốc tế hóa lại định hướng theo thể thức và cơ chế của các trường đại học đẳng cấp thế giới?

Quá trình giảng dạy bị ảnh hưởng theo nhiều cách.Quan niệm về chất lượng giảng dạy, chiến lược giảng dạy và kỹ thuật đánh giá đã thay đổi. Yêu cầu và quan điểm quốc tế về “chất lượng giảng dạy” có thể hòa trộn với ý niệm cá nhân của các học giả về việc thế nào là một giảng viên chất lượng và nội dung gì nên được dạy trong từng môn học – những ý tưởng đã được các học giả thừa nhận thông qua trải nghiệm cá nhân của chính họ trong chương trình đại học hoặc sau đại học. Do đó, quá trình quốc tế hóa có thể tạo ra những thách thức cũng như sức ép mới.

Quốc tế hóa cũng tác động đến những quyết định liên quan chương trình giảng dạy.Các nội dung như mục tiêu học tập của chương trình đại học, hồ sơ sinh viên tốt nghiệpvà quan hệ hợp tác với các trường đại học nước ngoài đều bị ảnh hưởng. Tất cả những khía cạnh này được đánh giá theo mức độ mà các cộng đồng nghiên cứu phát triển và công nhận tri thức, bởi vì các quy trình quốc tế hóa quy định thế nào là những thể thức, địa điểm thực hiện và phạm vi phổ biến nghiên cứu hợp lệ. Sự ảnh hưởng quốc tế này tái lập các chuẩn mực và giá trị nội bộ mà các học giả vẫn theo đuổi trong quá trình tạo ra tri thức.

Xếp hạng ảnh hưởng đến nghiên cứu

Trong quá trình quốc tế hóa, các bảng xếp hạng rất quan trọng. Xếp hạng xem xét những quyết định của các tổ chức học thuật; ví dụ, kiểm soát những nghiên cứu được ưu tiên và tài trợ, các thể thức hợp tác quốc tế, việc phổ biến tri thức (ví dụ những tạp chí học thuật nào được coi là thích hợp), và cách đo lường sản lượng nghiên cứu (ví dụ số lượng bài báo được thẩm định chuyên môn mà một học giả phải công bố mỗi năm). Do đó, câu hỏi đặt ra là: Các yêu cầu quốc tế nên quyết định ở mức độ nào trong việc xác định nội dung và cách thức một nghiên cứu cần thực hiện?

Quốc tế hóa cũng tác động đến những quyết định liên quan chương trình giảng dạy.

Về mặt “tự chủ học thuật”, các xu hướng quốc tế rõ ràng đang sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của những lĩnh vực tri thức được xem là phù hợp để các học giả, các trường, các viện định vị theo cách tối ưu. Việc tái sắp xếp này xảy ra, một phần nào đó, là nhờ vào số lượng tạp chí được đánh chỉ mục và những ấn phẩm đặc trưng có giá trị nhận thức cao hơn, và bằng cách thu hút các giáo sư trở thành thành viên nhóm biên tập của các tạp chí được nhiều người ưa thích. Như vậy, các tổ chức giáo dục đại học có thể có quyền tự chủ địa phương, nhưng sự tương tác của họ với bối cảnh quốc tế ảnh hưởng tới cách thức họ tạo ra và phổ biến tri thức.

Xu hướng quốc tế có áp đảo xu hướng địa phương không?

Điều gì xảy ra với nhu cầu và những đòi hỏi của địa phương trong quá trình quốc tế hóa? Liệu xu hướng quốc tế có áp đảo xu hướng địa phương không? Khi chú trọng nhiều hơn đến các xu hướng quốc tế hóa, các tổ chức giáo dục đại học có thể không nhìn thấy nhu cầu của địa phương và các mục tiêu sứ mạng.Một số trường coi trọng sự công nhận quốc tế hơn công nhận quốc gia, và ưu tiên xếp hạng quốc tế hơn nhu cầu địa phương, ưu tiên các chính sách định hướng quốc tế hơn các nhu cầu xã hội. Quốc tế hóa nên được nhìn nhận như một phương tiện để qua đó các tổ chức giáo dục cải tiến chất lượng và quy trình đào tạo nói chung, mà không phải là mục tiêu tự thân của chính nó.

Tóm lại, quá trình quốc tế hóa chắc chắn tác động đến văn hóa học thuật, đặt ra những thách thức mới trong quá trình dạy/học, nghiên cứu và các hoạt động điều hành quản lý. Nó cũng ảnh hưởng tới cách thức tạo ra và phổ biến tri thức mới. Mặc dù chắc chắn gây ra căng thẳng và xung đột, quốc tế hóa có thể kích thích giới học thuật đánh giá lại chiến lược giảng dạy và nghiên cứu của họ. Tương tự, quốc tế hóa có thể cải thiệnchất lượng giáo dục đại học và tính phù hợp với nhu cầu địa phương, dưới sức ép của toàn cầu hóa. Thay vì áp đặt các thông lệ và và tiêu chuẩn bên ngoài, quốc tế hóa có thể hỗ trợ quá trình ra quyết định mang tính địa phương trong các tổ chức giáo dục đại học.