Richard Garrett là Giám đốc của Nhóm Quan sát về Giáo dục Đại học Không biên giới (OBHE). E-mail: richard.garrett@i-graduate.org.
Các tổ chức và thành viên của OBHE có thể xem báo cáo đầy đủ và nghiên cứu về các quốc gia cụ thể tại www.obhe.org.
Bài viết này cung cấp một cách nhìn về sự phát triển, ý nghĩa và tương lai của giáo dục đại học trực tuyến trên toàn cầu, và hướng tới bất kỳ độc giả nào đang cố gắng tìm hiểu lĩnh vực năng động và phức tạp này, gồm các nhà lãnh đạo giáo dục đại học, các tổ chức, các cơ quan chính phủ và các công ty đào tạo trực tuyến. Bài báo dựa trên một báo cáo và chuỗi nghiên cứu các quốc gia do Nhóm Quan sát về Giáo dục Đại học Không biên giới (Observatory on Borderless Higher Education – OBHE) thực hiện năm 2017 và 2018. Động lực thúc đẩy OBHE thực hiện nghiên cứu các quốc gia cụ thể là tình trạng căng thẳng giữa phạm vi, tính đa dạng và mức độ trưởng thành của giáo dục đại học trực tuyến trên toàn thế giới và việc gần như thiếu vắng các nghiên cứu đánh giá tầm quan trọng của giáo dục đại học trực tuyến ở cấp độ toàn cầu hoặc xuyên biên giới.
Báo cáo này phân biệt 5 thể loại giáo dục trực tuyến áp dụng ở tầm quốc gia. Thể loại đầu tiên là Từ xa – Không trực tuyến (Distance – Not Online). Thể loại này được áp dụng ở những quốc gia có mảng học từ xa lớn và ít khi hoặc không sử dụng hình thức học trực tuyến, ngoại trừ một số nhóm hâm mộ MOOC (ví dụ như Ai Cập, Ấn Độ). Thể loại thứ hai là Trực tuyến Bên lề (Online Learning as Marginal) phát triển mạnh trong sinh viên tại các học xá với một số yếu tố mang tính trực tuyến, phần lớn việc học từ xa được pha trộn với đào tạo trực tiếp tại các trung tâm, và là trực tuyến ngoài lề nhìn từ góc độ quốc gia (ví dụ như Ả Rập Saudi, UAE và khu vực châu Phi cận Sahara). Loại thứ ba là Tăng trưởng Mờ (Blurred Growth), với đặc trưng là một tập hợp ngưới học khó phân định ranh giới gồm sinh viên phi chính quy, sinh viên học từ xa và sinh viên trực tuyến, tập hợp này luôn có mức tăng trưởng lớn hơn thị trường chung (ví dụ như Mexico, Tây Ban Nha). Loại thứ tư là Tăng trưởng Trực tuyến thực sự (Clear Online Growth), khi lĩnh vực đào tạo từ xa trực tuyến tiếp tục có số lượng sinh viên vượt trội so với thị trường chung (ví dụ như Hoa Kỳ). Cuối cùng là loại Đỉnh điểm/Suy thoái (Peaked/Decline), khi tăng trưởng tuyển sinh trực tuyến phải trả giá bằng sự sụt giảm tuyển sinh của trường đại học quốc gia đào tạo từ xa, tuyển sinh trực tuyến dường như đạt đến đỉnh điểm, hoặc đi ngang, hoặc lên xuống không đồng đều trong những năm gần đây (ví dụ như Anh Quốc, Hàn Quốc).
Giáo dục đại học truyền thống vẫn tăng trưởng
Một cách để đánh giá giáo dục đại học trực tuyến là dựa vào xu thế tuyển sinh đại học tổng thể và mức độ đầu tư tính từ năm 2000. Ngay từ đầu, những người ủng hộ học trực tuyến cho rằng hình thức học tập này sẽ mang lại tiềm năng giải quyết các hạn chế của mô hình đại học thông thường như cơ hội tiếp cận, chất lượng và chi phí, họ cho rằng công nghệ mới có thể giải quyết được những gì cơ sở hạ tầng giáo dục đại học tiêu chuẩn không làm nổi. Xu hướng tuyển sinh từ năm 2000 lại cho một bức tranh khác: theo dữ liệu của UNESCO, tỷ lệ nhập học đại học tổng thể đã tăng gấp đôi ở nhiều nơi trên thế giới trong hai thập kỷ qua.
Phần lớn việc mở rộng tuyển sinh này lại ít liên quan đến học trực tuyến |
Phần lớn việc mở rộng tuyển sinh này lại ít liên quan đến học trực tuyến. Các nghiên cứu của OBHE chỉ ra rằng tỷ lệ tăng trưởng tuyển sinh trực tuyến thường ở mức thấp, dưới 10%. Ở những quốc gia, nơi đào tạo trực tuyến có quy mô tuyển sinh lớn, đối tượng trong độ tuổi đại học truyền thống hiếm khi là phân khúc mục tiêu của hình thức đào tạo mới này. Brazil, nơi một số tổ chức giáo dục đại học vì lợi nhuận rất lớn đã sử dụng hình thức học tập trực tuyến để nhanh chóng mở rộng tuyển sinh – có thể là một ngoại lệ. Bất chấp một số lo ngại về tiềm năng mở rộng của giáo dục đại học truyền thống, mô hình này vẫn được chứng minh là thuận lợi và thông dụng đối với sinh viên, phụ huynh, các trường và chính phủ.
Với chi phí nào?
Những tranh cãi về hiệu quả chi phí của việc học trực tuyến vẫn tiếp tục. Nhiều giảng viên và cán bộ quản lý cho rằng xây dựng và triển khai chương trình học trực tuyến tốn kém hơn so với mô hình đào tạo thông thường. Học trực tuyến cái gì và học như thế nào quan trọng hơn là phương thức triển khai. Thông tin chi tiết về việc áp dụng thực tế – với nhiều biến số của cuộc chơi – không cho phép đưa ra các kết luận đơn giản hoặc các kết quả mang tính tổng quát. Để có được các đánh giá chính thức đòi hỏi phải có dữ liệu định lượng, nhưng bản chất chủ quan và tương quan của giáo dục lại đòi hỏi đầu vào định tính. Những gì có thể đo lường được không nhất thiết là những thứ cần có.
Điểm mấu chốt là giáo dục đại học trực tuyến vẫn chưa chứng tỏ được là có chi phí xây dựng và triển khai thấp hơn so với đại học truyền thống. Nói cách khác, những hình thức giáo dục đại học trực tuyến với mô hình giảm chi phí và đảm bảo chất lượng hiếm khi được nhân rộng. Rất ít tổ chức giáo dục đại học phi lợi nhuận bắt tay vào đào tạo trực tuyến đặt mục tiêu tiết kiệm chi phí lên hàng đầu. Không ai đặt câu hỏi có hay không những chương trình đào tạo trực tuyến thành công về tài chính, phổ biến, chất lượng và có đầu ra tốt. Vấn đề ở đây là các chương trình đào tạo trực tuyến có xu hướng nhấn mạnh đến sự tiện lợi hơn là chi phí và giá cả, mà theo quy ước, đây là một dạng thước đo về chất lượng.
Học trực tuyến xuyên biên giới thì sao?
Sự háo hức ban đầu đối với học trực tuyến còn xuất phát từ quan niệm rằng công nghệ này sẽ phá vỡ ranh giới quốc gia của các hệ thống giáo dục đại học, cho phép một dòng chảy lớn các sinh viên ảo vượt qua biên giới. Một lần nữa, thực tế đã chứng minh không phải như vậy. Ở quy mô toàn cầu, luồng sinh viên quốc tế thông thường đã tăng khoảng 3 lần kể từ năm 2000 lên gần 5 triệu sinh viên, trong khi việc học trực tuyến xuyên biên giới vẫn không đáng kể.
Báo cáo OBHE nghiên cứu dữ liệu từ Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ học trực tuyến hoàn toàn hoặc kết hợp học trực tuyến với học từ xa trên tổng số sinh viên quốc tế đều rất khiêm tốn và có xu hướng suy giảm. Bất chấp sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp mà việc học trực tuyến mang lại, sự kết hợp các sở thích, thói quen, quy định thể chế và giới hạn công nghệ vẫn tiếp tục khiến cho mô hình này kém hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế.
Kết luận
UNESCO dự báo rằng nhu cầu toàn cầu về giáo dục đại học sẽ tiếp tục tăng – từ con số khoảng 200 triệu sinh viên hiện nay lên 414 triệu vào năm 2030 – do sự gia tăng dân số, phát triển tầng lớp trung lưu ở các nền kinh tế mới nổi và tăng trưởng giáo dục trung học. Tuyển sinh giáo dục đại học đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2000 đến 2015 dựa trên mô hình đào tạo chủ yếu là các trường đại học truyền thống được xây dựng từ gạch và ngói, bỏ qua dự đoán trước đó là học tập từ xa sẽ phát triển để giải quyết khoảng cách về năng lực. Nhưng đáp ứng nhu cầu của 200 triệu sinh viên tăng thêm chỉ có thể trở thành thực tế nếu học trực tuyến đóng vai trò mang tính chiến lược hơn.
Băng thông rộng cố định đang đạt đến mức độ phổ cập đại chúng ở nhiều nơi trên thế giới, một điều kiện tiên quyết để học tập trực tuyến cất cánh. Các chính phủ ngày càng nhìn nhận học tập trực tuyến là một công cụ – có thể được sử dụng tốt hoặc kém – thay vì một cái gì đó cần áp dụng một cách mù quáng hoặc rập khuôn. Nhưng rất khó hình dung được là những chương trình đào tạo bằng cấp hoàn toàn trực tuyến sẽ được triển khai đến một tỷ lệ lớn sinh viên trong tuổi học đại học, là phân khúc chủ yếu của thị trường giáo dục đại học. Bản thân hình thức đào tạo trực tuyến có nhiều hạn chế về mặt sư phạm nên không đủ sức giữ chân sinh viên trong suốt chương trình học dài hạn. Học trực tuyến không phù hợp với lợi ích được đi du lịch, hòa nhập quốc tế và kết nối giao lưu, ít nhất đối với sinh viên quốc tế. Đối với các chương trình đào tạo ngắn hơn, ít nhất là ở cấp độ sau đại học và đối với những sinh viên có nhiều kinh nghiệm, những người đăng ký học ở độ tuổi muộn hơn, và cần đến sự thuận tiện của trực tuyến, học trực tuyến có thể hoàn toàn phù hợp nếu yếu tố sư phạm được giải quyết tốt.
Đối với nhiều trường đại học và với nhiều sinh viên, sự kết hợp giữa học tập trực tuyến và học trên lớp có thể là lựa chọn tốt nhất. Học tập kết hợp có nghĩa là học tập trực tuyến sẽ bổ sung, thay vì cạnh tranh với cách học trực tiếp trong khuôn viên truyền thống; hỗ trợ người học, giảng viên và nhân viên ở nơi họ sinh sống (ít nhất ở các khu vực thành thị), và kết hợp một cách sáng tạo giữa làm việc cá nhân và làm việc theo nhóm, giữa học tập trực tuyến và học tập trực tiếp. Tầm nhìn này của giáo dục đại học trực tuyến phù hợp với sự phát triển trực tuyến và trực tiếp trong khuôn viên trường, một điều chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho hầu hết các tổ chức giáo dục đại học.