Lộ trình đại học của sinh viên ở Nam Phi

Rebecca Schendel là Giảng viên về Giáo dục và Phát triển quốc tế tại Viện Giáo dục, Đại học College London, Vương quốc Anh. E-mail: r.schendel@ucl.ac.uk.

Bài viết này giới thiệu về công việc của dự án Pathways, một nỗ lực hợp tác sẽ sớm được xuất bản thành ấn phẩm Lộ trình đại học: Giáo dục đại học Nam Phi và lợi ích công (một ấn phẩm của African Minds).

Cả thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào các hệ thống giáo dục đại học. Các gia đình hy vọng thay đổi vị thế xã hội nhờ tấm bằng đại học, trong khi các chính phủ kỳ vọng rằng lợi nhuận kinh tế và xã hội sẽ chảy đến từ sự gia tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học Nam Phi phải gánh thêm một gánh nặng. Sau nhiều thập kỷ liên quan trực tiếp đến hệ thống phân biệt chủng tộc, các tổ chức giáo dục đại học trên khắp Nam Phi hiện đang được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò tích cực trong sự “chuyển đổi” chính xã hội đó. Trong gần 25 năm từ khi chủ nghĩa Apacthai kết thúc, các trường đại học Nam Phi giữ vai trò trung tâm trong chương trình chuyển đổi. Các trường đại học hiện được yêu cầu chấp nhận sinh viên từ mọi nền tảng xã hội, và các chính sách tuyển dụng và tài trợ mới được đưa ra trong nỗ lực thay đổi những bất công trong lịch sử của hệ thống.

Thiếu kết nối giữa nghiên cứu và thực hành

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đầy kịch tính của sinh viên trong vài năm qua đã làm nổi bật những hạn chế của chương trình chuyển đổi này. Hệ thống giáo dục đại học Nam Phi vẫn rất bất bình đẳng, với tỷ lệ sinh viên da trắng áp đảo trong cả khía cạnh tiếp cận và thành công trong giáo dục đại học. Các cuộc biểu tình phản ánh sự thất vọng sâu sắc của những sinh viên khi cảm thấy rằng mặc dù đã nhiều năm qua đi với những tuyên bố hùng hồn về sự bình đẳng, những thanh niên da đen vẫn gặp rất nhiều khó khăn để kiếm được một chỗ ngồi trong trường đại học, để hoàn thành bằng đại học và có được việc làm sau khi tốt nghiệp; bởi vì những rào cản tài chính và các vấn đề mang tính biểu tượng hơn, chẳng hạn như một chương trình giảng dạy xa lạ với sinh viên do vẫn tiếp tục ưu tiên các tư tưởng châu Âu hơn là kiến thức địa phương.

Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục đại học ở Nam Phi cảm thấy thất vọng, bởi những vấn đề được những sinh viên biểu tình nêu lên hoàn toàn không mới. Trong thực tế, tất cả đều là những chủ đề thường xuyên của giáo dục đại học được phân tích trong suốt hai thập kỷ qua. Thực tế là việc nghiên cứu sâu rộng vẫn chưa có tác động đủ mạnh để khiến chính sách hướng đến giải quyết thỏa đáng những vấn đề này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tất cả những ai từng tin rằng nghiên cứu giáo dục đại học là quan trọng – có thể làm sáng tỏ những thách thức và giúp hình thành những định hướng tương lai.

Hợp tác để tìm hiểu những khoảng cách trong nghiên cứu

Vào năm 2015, một nhóm các nhà nghiên cứu có trụ sở ở Anh và Nam Phi đã khởi động một dự án hợp tác nhằm giải quyết tình trạng bế tắc này bằng cách tập hợp những gì đã biết về giáo dục đại học ở Nam Phi. Dự án dựa trên ba tiền đề cơ bản: 1) giáo dục đại học ở Nam Phi sẽ đóng góp cho “lợi ích công” và nên làm như vậy bằng cách cho phép sinh viên tác động tích cực đến xã hội; 2) bất chấp thực tế là thông qua giáo dục đại học những trải nghiệm cá nhân của sinh viên hình thành nên một “lộ trình”, nghiên cứu giáo dục đại học vẫn còn hạn hẹp, do xu hướng của các nghiên cứu cá nhân thường chỉ tập trung vào một giai đoạn trong lộ trình đó (cụ thể là, tiếp cận giáo dục đại học, trải nghiệm trong giáo dục đại học hoặc kết quả của giáo dục đại học); và 3) sẽ rất có giá trị khi kết hợp các nghiên cứu theo từng giai đoạn hầu hết là độc lập này với nhau, để hiểu rõ hơn lộ trình đi qua giáo dục đại học ảnh hưởng thế nào đến các sinh viên khác nhau trong các trường khác nhau. Dựa vào những khái niệm định hướng này, nhóm dự án đã không chọn thực hiện nghiên cứu thực nghiệm mới mà thay vào đó, sử dụng tài trợ dự án để định kỳ trong khoảng thời gian ba năm đưa các nhà nghiên cứu đến Nam Phi cùng nghiên cứu những gì chúng ta đã biết về giáo dục đại học “vì lợi ích công” ở quốc gia này.

Kết hợp các phân tích những nghiên cứu hiện có đã đưa chúng tôi đến ba kết luận chính, hai trong số đó liên quan đến nội dung trọng tâm của dự án là lộ trình giáo dục đại học của sinh viên, và kết luận còn lại được rút ra từ việc xem xét tổng hợp những nghiên cứu hiện có về giáo dục đại học Nam Phi.

Dự án nhấn mạnh đến sự thiếu vắng đáng kể thông tin về các góc khuất hơn của hệ thống giáo dục đại học Nam Phi.

Suy nghĩ về lộ trình giáo dục đại học của sinh viên

Đầu tiên, xem xét những nghiên cứu hiện có về “lộ trình” giáo dục đại học của sinh viên đã soi sáng nhiều “thời điểm” (ngoài thời điểm tiếp cận đại học được thảo luận rất nhiều) khi sinh viên đứng trước những rào cản khó vượt qua khiến họ không thành công và/hoặc đẩy họ về một hướng tương lai có thể được coi là “thiệt hại” công, hơn là lợi ích công. Thứ hai, kết hợp các nghiên cứu về cơ hội tiếp cận, trải nghiệm và kết quả giáo dục đại học giúp làm nổi bật những cách thức ảnh hưởng của cấu trúc thể chế đến lộ trình của sinh viên trong suốt quá trình giáo dục đại học. Mặc dù cơ hội tiếp cận giáo dục đại học (và thành công trong giáo dục đại học) của mỗi sinh viên bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh kinh tế và hoàn cảnh gia đình riêng, tính chất khác biệt cao của hệ thống giáo dục đại học Nam Phi cũng đóng một vai trò quan trọng. Các trường đại học Nam Phi vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các di sản lịch sử của họ và sự khác biệt đáng kể trong cả sứ mệnh và nguồn tài trợ/tài nguyên, và những khác biệt về thể chế này ảnh hưởng sâu sắc đến lộ trình của sinh viên, vì họ có thể làm trầm trọng thêm, hoặc giúp sinh viên vượt qua những rào cản tạo nên bởi hoàn cảnh cá nhân của mỗi người.

Sự thiên vị đối với các trường có nguồn lực tốt hơn

Ngoài ra, dự án nhấn mạnh đến sự thiếu vắng đáng kể thông tin về các góc khuất hơn của hệ thống giáo dục đại học Nam Phi. Những nghiên cứu được đưa vào xem xét như một phần của dự án thường tập trung quá nhiều vào các trường có lợi thế hơn, hầu hết trong số đó là các trường đại học trước đây dành riêng cho người da trắng. Về mặt nào đó, điều này không khiến chúng tôi ngạc nhiên, bởi vì các nhà nghiên cứu ở các trường có nguồn lực tốt hơn thường nhận được nhiều tài trợ nghiên cứu hơn và có mạng lưới mạnh hơn cho phép họ công bố nghiên cứu của họ, nhưng điều đó cũng bao hàm một ý nghĩa quan trọng giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về toàn bộ hệ thống. Ví dụ, nếu chúng ta biết rất ít về văn hóa thể chế của các trường đại học yếu thế hơn trong lịch sử, chúng ta thực sự có thể nói gì về cách mà văn hóa thể chế có thể gây bất lợi cho sinh viên da đen đang học tập tại các loại hình trường đại học khác nhau?

Kết luận

Những thông điệp này không mang tính cách mạng theo một cách riêng, nhưng chúng hoàn toàn vắng bóng trong các cuộc tranh luận hiện tại, rất có thể bởi vì chúng chỉ có thể được rút ra nếu xem xét lĩnh vực này một cách tổng quan. Tuy nhiên, có rất ít những nghiên cứu tổng quan, bởi vì cơ cấu khuyến khích giảng viên vẫn ưu tiên nghiên cứu thực nghiệm cá nhân hơn là các nỗ lực hợp tác để tổng hợp các nghiên cứu đã có. Xu hướng này giới hạn khả năng của chúng tôi trong việc tư vấn cho các trường về cách hỗ trợ sinh viên tốt nhất trong suốt quá trình học đại học.
Nhìn chung, những kết luận này mang ý nghĩa quan trọng đối với những người quan tâm đến việc sử dụng nghiên cứu để tăng cường chính sách và thực tiễn giáo dục đại học trong tương lai ở Nam Phi, nhưng cũng kích thích sự quan tâm của các nhà nghiên cứu giáo dục đại học ở các quốc gia khác. Nam Phi chắc chắn không phải là quốc gia duy nhất phải mang gánh nặng lịch sử của một nền giáo dục đại học phân biệt, cũng như không đơn độc trong cuộc chiến với tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học, trong trải nghiệm học tập và kết quả của giáo dục đại học. Điều bất thường là sự nhấn mạnh đặc biệt vào giáo dục đại học trong chương trình nghị sự hòa giải và chuyển đổi quốc gia, và kết quả là sự chú ý đặc biệt đến nghiên cứu về giáo dục đại học như một không gian có tác động biến đổi tiềm năng. Nghiên cứu này cung cấp một quan điểm khác về những vấn đề đang gây khó khăn cho tất cả các hệ thống giáo dục đại học bất bình đẳng. Phần còn lại của thế giới có thể học hỏi nhiều từ kinh nghiệm của Nam Phi.